Các nhà thiên văn học tìm thấy một hành tinh địa ngục, nơi có các cơn mưa sắt nóng chảy

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 11/3, các nhà thiên văn học đến từ Đài thiên văn Nam châu Âu (ESO) thông báo họ đã phát hiện ra một ngoại hành tinh cực kỳ khắc nghiệt. Bầu khí quyển của nó giàu chất sắt đến nỗi các cơn mưa chứa đầy sắt nóng chảy.

Hành tinh kỳ quái này có tên WASP-76b, cách Trái đất 640 năm ánh sáng và nằm trong chòm sao Song Ngư. Theo ESO, WASP-76b có nhiệt độ và tính chất hóa học rất kỳ lạ.

Lãnh đạo dự án của David Ehrenreich đến từ Đại học Geneva cho biết trong một thông cáo báo chí: “Chúng ta có thể nói rằng hành tinh này có mưa vào buổi tối, nhưng là mưa sắt”.

Theo nghiên cứu được công bố hôm thứ Tư (11/3) trên tạp chí Nature, WASP-76b bị khóa thủy triều. Điều này có nghĩa là một nửa hành tinh này luôn là ban ngày do mặt hướng về phía sao mẹ và nửa kia thì vĩnh viễn ở trong bóng đêm.

Mặt ban ngày nhận được bức xạ từ ngôi sao mẹ mạnh gấp hàng ngàn lần so với Trái đất nhận từ Mặt trời. Điều này khiến cho mặt này có nhiệt độ khoảng 2400oC, đủ để các phân tử tách thành nguyên tử và các kim loại như sắt bay hơi vào khí quyển. Chênh lệch nhiệt độ cực cao giữa ngày và đêm dẫn đến những cơn gió cực mạnh mang hơi sắt từ phía ban ngày cực nóng đến phía đêm mát mẻ, nơi nhiệt độ giảm xuống khoảng 1500oC. Tại đây, các cơn mưa sắt nóng chảy sẽ đổ xuống từ trên trời .

Nhóm nghiên cứu cho biết, một máy quang phổ, có tên là ESPRESSO, đã giúp họ thu được các phân tích chi tiết về WASP-76b. Ban đầu, thiết bị này được dùng để phát hiện ra các ngoại hành tinh, nhưng sau đó những nhà khoa học thấy nó đặc biệt hữu ích trong việc tìm hiểu về thành phần của những hành tinh vừa được phát hiện.

Văn Thiện

Theo futurism, Đài thiên văn Nam châu Âu (ESO)



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà thiên văn học tìm thấy một hành tinh địa ngục, nơi có các cơn mưa sắt nóng chảy