Nghiên cứu: Ô nhiễm không khí Trung Quốc giết chết 30,8 triệu người từ năm 2000 đến 2016

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nhóm các nhà nghiên cứu liên kết với một số viện hàn lâm ở Trung Quốc và một ở Mỹ đã tìm thấy bằng chứng cho thấy có tới 30,8 triệu người chết sớm ở Trung Quốc từ năm 2000 đến năm 2016 do hít thở không khí ô nhiễm...

Trong bài báo đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, nhóm này mô tả nghiên cứu của họ về mức độ ô nhiễm không khí ở Trung Quốc và tỷ lệ tử vong sớm ở những người bị bệnh phổi và những gì họ phát hiện ra.

Một số lượng lớn nghiên cứu đã được thực hiện trong thế kỷ qua để hiểu điều gì sẽ xảy ra khi con người hít thở các loại không khí ô nhiễm khác nhau. Trong hầu hết mọi trường hợp, các tác động là tiêu cực. Con người sẽ nhiễm bệnh phổi và chết trẻ hơn so với những bệnh khác.

Trong nỗ lực mới này, các nhà nghiên cứu đã tìm cách hiểu rõ hơn thiệt hại thực tế mà việc hít thở không khí ô nhiễm đang phải gánh chịu đối với những người sống ở Trung Quốc, quốc gia nổi tiếng với mức độ ô nhiễm không khí cao.

Để tìm hiểu thêm, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu các hình ảnh vệ tinh từ NASA để giúp họ đo mức độ ô nhiễm ở các vùng khác nhau của Trung Quốc trong những năm từ 2000 đến 2016. Cụ thể hơn, họ đo nồng độ bụi mịn PM2.5 - các hạt trong không khí đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet.

Nhóm nghiên cứu cũng sử dụng dữ liệu từ các trạm giám sát phát thải ô nhiễm ở Trung Quốc và các bản đồ cho thấy vị trí của các con đường và nhà máy ô nhiễm nặng. Họ cũng xem xét lớp cây phủ trên mặt đất ở các khu vực đang được nghiên cứu vì chúng có thể giúp loại bỏ các chất ô nhiễm khỏi không khí. Để đưa ra ước tính tử vong sớm cho Trung Quốc, họ đã sử dụng dữ liệu từ các nghiên cứu công bố trước đây về tỷ lệ tử vong sớm do mức độ tiếp xúc ô nhiễm không khí khác nhau.

Nhóm nghiên cứu đã so sánh nồng độ trung bình của PM2.5 trên toàn quốc với mức dân số để tính toán những trường hợp tử vong có thể xảy ra do ô nhiễm không khí. Tính toán của họ cho thấy Trung Quốc có 1,5 - 2,2 triệu người chết sớm mỗi năm do phơi nhiễm với nồng độ PM2.5 cao trong không khí từ năm 2000 đến 2016. Như vậy, tổng số người chết sớm là khoảng 30,8 triệu người trong thời gian đó. Họ cũng lưu ý rằng việc tiếp xúc với PM2.5 ở nồng độ cao có thể dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe, làm giảm chất lượng cuộc sống của những người tiếp xúc với nó.

Tác hại của bụi siêu mịn PM2.5

Bụi siêu mịn PM2.5 ảnh hưởng trực tiếp tới tất cả mọi người. Trong đó, bụi mịn ảnh hưởng nghiêm trọng tới những người lớn tuổi và trẻ em. Do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, trẻ em chịu tác động nhiều nhất của ô nhiễm không khí. Cùng một nồng độ khí ô nhiễm hít phải, lượng chất trực tiếp đi vào cơ thể trẻ em có thể cao gấp 2 lần người lớn. Ngoài ra, những người có thể trạng yếu và những người có tiền sử bệnh hô hấp và tim mạch cũng là những người chịu nhiều tác hại nhất.

Gây dị ứng

Ở mức độ nhẹ nhất, bụi PM2.5 mang theo vi khuẩn bám vào bề mặt của cơ thể. Gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, dị ứng. Một số trường hợp nặng hơn sẽ gây đau mắt, viêm mũi, các bệnh về tai mũi họng. Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay ô nhiễm không khí chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các bệnh về tai, mũi, họng.

PM2.5 gây suy giảm hệ miễn dịch

Bụi PM2.5 có thể hấp thụ chất độc, đồng thời mang theo vi khuẩn và virus ngoài môi trường. Theo đó, khi xâm nhập vào cơ thể chúng lại thải độc tố ngấm vào cơ thể. Làm suy giảm hệ miễn dịch. Chính vì thế, những người sống ở các thành phố lớn, có mức độ ô nhiễm cao thường dễ mắc các bệnh vặt hơn những người sống ở những nơi có không khí trong lành.

Gây viêm phổi, tắc nghẽn phổi mãn tính

Bụi PM2.5 và PM10 có xâm nhập vào cơ thể người thông qua hoạt động hít thở. Sau đó, chúng theo đường dẫn khí, bám và tích tụ vào khí quản và bề mặt phổi. Theo thời gian, lượng bụi này tích tụ càng nhiều, gây ảnh hưởng càng lớn tới phổi. Gây những cảm giác khó chịu như khan tiếng, hắt hơi, ho, khó thở.

Sau đó, với đường kính siêu nhỏ chúng có khả năng luồn lách vào các túi phổi và tĩnh mạch phổi, xâm nhập vào máu gây ra những bệnh chết người. Điển hình như hen suyễn, tim mạch. Đặc biệt PM2.5 có kích thước siêu nhỏ có thể xâm nhập sâu. Là nguyên nhân chính gây ra tắc nghẽn phổi mãn tính. Khi lượng bụi tích tụ đủ lớn sẽ có thể dẫn đến tử vong.

PM2.5 gây ra những tác hại cực kì nguy hiểm cho phổi. (Ảnh: aqualife)
PM2.5 gây ra những tác hại cực kì nguy hiểm cho phổi. (Ảnh: aqualife)

PM2.5 xâm nhập vào máu gây nhồi máu cơ tim

Nghiên cứu mới nhất của khoa tim mạch bệnh viện Nhân dân thuộc đại học Bắc Kinh cũng đã chia sẻ những tác hại của PM2.5 như sau: “trong khoảng thời gian ngắn bụi mịn PM2.5 có thể khiến chỗ tắc mạch máu bình thường không nghiêm trọng đột nhiên bị vỡ, tạo ra nghẽn mạch, gây nên nhồi máu cơ tim cấp tính”. Do đó, chúng có thể làm tăng nguy cơ tử vong ở những người mắc bệnh bệnh tim một cách cực kì nguy hiểm.

Ngoài ra, chúng sẽ thẩm thấu vào phế nang, ảnh hưởng đến chức năng trao đổi khí của phế nang. Sau khi vào phế nang, chúng có thể vượt qua vách ngăn khí-máu để đi vào hệ tuần hoàn và gây bệnh. Thậm chí chúng còn có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh.

Xâm nhập vào não gây thoái hoá não

Các nghiên cứu trên não người cho thấy chúng còn có khả năng di chuyển rồi thẩm thấu vào não, gây ra chứng thoái hoá não. Nghiên cứu này đã chứng minh ô nhiễm không khí làm gia tăng tỷ lệ thoái hoá não ở các thành phố lớn thuộc Trung Quốc và Ấn Độ trong hơn 1 thập kỷ qua.

Gây ung thư và biến đổi gen

Các nhà khoa học đã nhận thấy PM2.5 chứa kim loại. Đây chính là nguyên nhân gây ung thư. Và khủng khiếp hơn là biến đổi gen ở người. Đây là một trong những điều đáng lo ngại nhất mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt.

Văn Thiện

Theo Phys.org, aqualife



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu: Ô nhiễm không khí Trung Quốc giết chết 30,8 triệu người từ năm 2000 đến 2016