Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện Lỗ đen đang nuốt một ngôi sao neutron

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nhóm các nhà khoa học, một số đến từ Đại học Quốc gia Úc (ANU), nói rằng lần đầu tiên họ quan sát thấy một lỗ đen đang nuốt một ngôi sao neutron.

Các đài quan sát sóng hấp dẫn ở châu Âu và Hoa Kỳ đã được nâng cấp và hoạt động trở lại vào tháng 4 để theo dõi các sự kiện vũ trụ trọng đại này.

Họ đã phát hiện ra 23 sự kiện về sự dịch chuyển của các ngôi sao trong vũ trụ. Trong đó, sự kiện được phát hiện vào ngày 14 tháng 8 thu hút sự chú ý một cách đặc biệt.

Tên sự kiện là S190814bv, và nó được phát hiện bởi Đài quan sát sóng hấp dẫn bằng giao thoa kế Laser (LIGO), cỗ máy dò nhạy nhất mọi thời đại.

Máy dò sóng hấp dẫn Virgo ở Ý cũng phát hiện ra sự kiện này.

Các nhà khoa học nói rằng sự kiện này đã xảy ra cách Trái đất khoảng 8,550 triệu tỷ km và dường như tại đó đã xảy ra một việc thảm khốc, theo báo cáo của ANU.

Khoảng 900 triệu năm trước, lỗ đen này đã nuốt một ngôi sao có mật độ vật chất rất đậm đặc, còn gọi là sao neutron, giống như nhân vật trò chơi Pac-man, nó có thể kết liễu ngôi sao ngay lập tức”, theo Giáo sư Scott, Trưởng nhóm nghiên cứu Phân tích dữ liệu và Thuyết tương đối rộng tại ANU và Trưởng Nghiên cứu viên thuộc Trung tâm xuất sắc ARC về lĩnh vực Khám phá sóng hấp dẫn.

Để đáp ứng tín hiệu vừa dò được, kính viễn vọng ANU SkyMapper đã quét toàn bộ khu vực có khả năng xảy ra sự kiện, nhưng chúng tôi đã không tìm thấy bất kỳ bằng chứng trực quan nào”, Scott nói thêm.

Các nhà khoa học vẫn đang trong quá trình nhận dạng các dữ liệu thu được để thiết lập con số chính xác hơn về kích thước của các vật thể liên quan, nhưng họ nói rằng có một “khả năng rất lớn” là một ngôi sao neutron bị nuốt chửng bởi một hố đen.

Các nhà khoa học chưa bao giờ phát hiện ra một lỗ đen nhỏ hơn khối lượng của năm mặt trời cộng lại, hoặc một ngôi sao neutron lớn hơn khoảng 2,5 lần khối lượng Mặt trời”, Scott nói.

Dựa trên kinh nghiệm này, chúng tôi rất tin tưởng rằng chúng tôi vừa phát hiện ra một lỗ đen đang ngấu nghiến một ngôi sao neutron”.

Tuy nhiên, có một khả năng nhỏ nhưng khá thú vị là vật bị nuốt có thể là một lỗ đen rất nhẹ, nhẹ hơn nhiều so với bất kỳ lỗ đen nào khác mà chúng ta biết trong Vũ trụ. Đó sẽ là một sự an ủi thực sự tuyệt vời”.

Sau khi nâng cấp LIGO, nhà thiên văn học Bryan Gaensler cho biết, “Chúng tôi đã sẵn sàng khám phá tất cả các loại hiện tượng mới và bây giờ chúng ta sẽ nhận được những hiểu biết hoàn toàn mới về các vật thể tưởng chừng quen thuộc với chúng ta”, theo báo cáo của CNet.

Quan sát vũ trụ sử dụng lực hấp dẫn là một phương pháp thiên văn học mới, theo Shane L. Larson, phó giáo sư tại Đại học Northwestern và một nhà thiên văn học tại Adler Planetarium ở Chicago, nói rằng: “Đây là một phương pháp thiên văn học mới-quan sát vũ trụ bằng cách sử dụng lực hấp dẫn của chính nó”, báo cáo của CNet. “Chúng ta không thể ‘nhìn thấy’ các lỗ đen bằng các kính viễn vọng. Đây là lần đầu tiên các lỗ đen được phát hiện trực tiếp bằng cách đo thông qua lực hấp dẫn của chúng, trái với phương pháp: đo hiệu ứng của chúng lên các vật chất khác trong vũ trụ mà chúng ta đã biết”.

Robert Ward, một nhà khoa học của ANU đã giúp cài đặt LIGO, giải thích cách thức hoạt động của phương pháp mới:

Sóng hấp dẫn sẽ tác dụng lên các hạt thử mà di chuyển tự do dưới tác dụng của lực hấp dẫn và làm thay đổi khoảng cách giữa chúng. Sự thay đổi này thường được thể hiện trong sự dãn và nén không gian giữa các hạt thử. Chúng tôi đo khoảng cách giữa hai hạt thử bằng cách gắn các gương chất lượng cao vào chúng để dội lại các chùm tia laser chiếu đến. Sau đó, chúng ta đo được khoảng thời gian hiệu dụng để tia laser dội lại và vì ta đã biết tốc độ ánh sáng nên ta có thể đo khoảng cách giữa các hạt thử. Tất nhiên, trong thực tế sẽ phức tạp hơn thế ít nhiều, nhưng đó là ý tưởng cơ bản”.

Theo Simon Stevenson, nhà thiên văn học thuộc Đại học Công nghệ Swinburne ở Úc, nói rằng: “Chúng ta sẽ thấy một ngôi sao neutron bị xé toạc ra từng mảnh bởi một lỗ đen hoặc bị nuốt chửng hoàn toàn như nhân vật Pac-Man nuốt một con ma. Dù bằng cách nào thì chúng ta cũng sẽ ‘vào cuộc chơi’ để chứng kiến màn trình diễn này!”, theo báo cáo của CNet.

Thiện Căn (biên dịch)

Theo NTD



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện Lỗ đen đang nuốt một ngôi sao neutron