Các nhà khoa học chụp được bức ảnh đầu tiên về loài cá mập phát sáng trong bóng tối

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Marine Science vào tháng trước, các nhà khoa học đã chụp được ảnh 3 con cá mập có thể phát sáng trong bóng tối.

Những con cá mập được tìm thấy phát sáng trong bóng tối ở vùng biển Chatham Rise, ngoài khơi New Zealand. Và một trong số đó, cá mập vây diều (Dalatias licha), hiện là loài động vật có xương sống lớn nhất được biết đến có khả năng phát ra ánh sáng.

Các nhà nghiên cứu cho biết: "Nghiên cứu đầu tiên về ba con cá mập phát sáng ở New Zealand này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự đa dạng của những con cá mập có khả năng phát quang sinh học và chúng ta cần thực hiện nghiên cứu nhiều hơn nữa về loài cá này".

Đồng tác giả nghiên cứu Jérôme Mallefet, trưởng phòng thí nghiệm sinh vật biển tại Đại học Công giáo Louvain ở Bỉ, cho biết trên CNN ''Phát quang sinh học là một phản ứng sinh hóa tạo ra ánh sáng của các sinh vật sống. Nó phổ biến ở các sinh vật biển, và lần đầu tiên được quan sát thấy ở cá mập vào thế kỷ XIX. Ngày nay, khoảng 57 trong số 540 loài cá mập đã biết được cho là có khả năng phát quang sinh học''.

Tuy nhiên, nghiên cứu đầu tiên về hiện tượng này được quan sát thấy ở loài cá mập vây diều, dài tới 1,8 m. Các nhà nghiên cứu trước đây đã nghĩ rằng loài cá mập Kitefin có thể phát quang sinh học, vì các mẫu vật cho thấy chúng có khả năng tạo ra ánh sáng. Nhưng chúng chưa bao giờ được quan sát thấy vì chúng sống rất sâu dưới bề mặt đại dương, ở độ sâu 200 m đến 900 m.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu từ Đại học Công giáo Louvain và Viện Nghiên cứu Nước và Khí quyển New Zealand (NIWA) cũng ghi nhận hiện tượng này ở hai loài cá mập nước sâu khác: cá mập bụng đen (Etmopterus lucifer) và cá mập phía nam (Etmopterus granulosus).

Mallefet nói với The Guardian, "Hai loài cá mập Etmopterus trên cũng chưa được ghi nhận, vì vậy đây là lần đầu tiên".

Theo Science Alert, ba con cá mập phát quang được quan sát thấy vào tháng 1 năm 2020 từ một vùng biển gọi là vùng trung sinh hoặc "hoàng hôn", sâu từ 200 đến 1.000 mét. Ở đây, khoảng 90% các loài cá mập sử dụng phát quang sinh học để thu hút bạn tình, bắt mồi hoặc ngụy trang.

Theo tạp chí The Guardian, đối với cá mập, các nhà khoa học cho rằng chúng sử dụng phát quang sinh học để ngụy trang dưới đáy biển. Sự phát quang sinh học tập trung ở bụng và phần dưới bụng, và sự phát sáng có thể giúp chúng hòa hợp với ánh sáng từ bầu trời. Điều này có thể bảo vệ cá mập con khỏi những kẻ săn mồi và giúp cá mập vây diều vừa soi sáng, vừa rình mồi.

Tuy nhiên, có một bí ẩn về loài cá mập vây diều không phù hợp với giả thuyết này: Vây lưng của nó cũng sáng.

Trên tạp chí The Guardian, Mallefet cho biết thêm: “Hình dạng phát sáng của cá mập Kitefin vẫn chưa được biết đến và chúng tôi vẫn rất ngạc nhiên về sự phát sáng trên vây lưng. Tại sao? Vì mục đích gì?"

Cần nhiều nghiên cứu hơn để tìm hiểu thêm về biển sâu, nơi vẫn còn nhiều bí ẩn mặc dù nó là môi trường phổ biến nhất trên Trái đất, để khiến mọi người suy nghĩ nhiều hơn về việc bảo tồn đại dương.

Mallefet chia sẻ: “Tôi sợ rằng chúng ta đã phạm rất nhiều sai lầm khi vứt tất cả các loại rác thải xuống biển. Tôi lo sợ điều không may sẽ xảy ra cho các thế hệ sau này".

Nguyễn Can

Theo Ecowatch



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà khoa học chụp được bức ảnh đầu tiên về loài cá mập phát sáng trong bóng tối