Các cố vấn khoa học của Tổng thống Cảnh báo: Trung Quốc đang vượt xa Hoa Kỳ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Julia Phillips, ủy viên Ủy ban Khoa học Quốc gia, Hoa Kỳ là nước luôn luôn dẫn đầu về khoa học và công nghệ trong suốt 70 năm. Điều này cả thế giới đều thừa nhận. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi.

Trên toàn cầu ngày càng có thêm nhiều nước chạy đua về khoa học và công nghệ (KH & CN), nhưng Hoa Kỳ lại đang rất tự mãn. Trung Quốc có khả năng đã vượt qua Hoa Kỳ về các khoản đầu tư cho lĩnh vực KH&CN. Theo các dữ liệu được công bố, năm 2019, Trung Quốc đã vượt lên ngang tầm với Hoa Kỳ.

“Chúng ta phải thừa nhận những thay đổi này, nếu không sẽ có nguy cơ bị tụt hậu”, bà Phillips phát biểu trong cuộc họp Hội đồng Cố vấn về Khoa học và Công nghệ và Ủy ban Khoa học Quốc gia tại Nhà Trắng vào ngày 4/02.

Ngân sách của Hoa Kỳ dành cho KH&CN đang gia tăng, nhưng mức độ lại chậm hơn nhiều so với mức độ gia tăng ngân sách toàn cầu trong lĩnh vực này. Đây là lý do tại sao tỷ lệ ngân sách của Hoa Kỳ giảm.

Hoa Kỳ chi 548 tỷ đô la hàng năm cho lĩnh vực KH&CN, nhưng Trung Quốc chi vượt Hoa Kỳ 200 tỷ đô la. Trên thực tế, Trung Quốc đã chiếm gần 1/3 tổng mức tăng trưởng toàn cầu trong nghiên cứu KH&CN. Bà Phillips cho biết: “Trung Quốc đã thâu tóm được những kết quả tích cực từ các công trình nghiên cứu do Hoa Kỳ đầu tư để phục vụ mục đích của riêng của họ”.

Mặc dầu vậy, Hoa Kỳ đang đứng đầu về đầu tư cho nghiên cứu “cơ bản”. Theo cộng đồng khoa học Hoa Kỳ, thuật ngữ “cơ bản” bao gồm cả “nghiên cứu cơ bản” và “nghiên cứu ứng dụng”. Nghiên cứu cơ bản được thực hiện để nắm bắt được kiến thức hoàn toàn mới, trong khi nghiên cứu ứng dụng không chỉ để thu nhận kiến thức mới đó mà còn bao gồm ứng dụng để tạo ra sản phẩm mới.

Theo bà Phillips, trong năm 2017, Hoa Kỳ đã chi 92 tỷ đô la cho nghiên cứu cơ bản, trong khi Trung Quốc chỉ chi 27 tỷ đô la và họ đã sử dụng phần lớn chi phí cho nghiên cứu thử nghiệm và phát triển. Những số liệu này cho thấy trọng tâm của Trung Quốc là sử dụng khối kiến thức hiện hành và khối kiến thức mới thu được từ quốc gia khác để phát triển các ứng dụng thực tế cho mục đích của riêng họ.

Công trình Nghiên cứu và Bằng sáng chế

Các công bố nghiên cứu cho thấy số lượng công trình nghiên cứu của Trung Quốc đã tăng 10 lần kể từ năm 2000, vượt xa Hoa Kỳ “về số lượng tuyệt đối”, theo bà Phillips.

Hoa Kỳ vẫn đang dẫn đầu đáng kể về chất lượng nghiên cứu với số lượng nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất. Tuy nhiên, 26% trong số các công trình nghiên cứu của Hoa Kỳ được tiến hành với sự hợp tác của các nhà khoa học Trung Quốc.

Sáng chế là một thước đo khác của hoạt động nghiên cứu và phát triển (NC&PT) của một quốc gia. Số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế của các nhà khoa học Trung Quốc nằm ở Văn phòng Cấp Bằng sáng chế Hoa Kỳ tăng vượt bậc vào cuối thế kỷ 20, theo Ủy ban Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ.

Có 63% số bằng sáng chế của Trung Quốc liên quan đến kỹ thuật điện. Điều này cho thấy Trung Quốc tập trung vào phát triển các ứng dụng và sản phẩm dùng cho máy móc, radar và hệ thống định vị, hệ thống thông tin liên lạc. Hiện tại, Trung Quốc đứng đầu về số lượng bằng sáng chế quốc tế.

Một số chuyên gia đã nhấn mạnh tại cuộc họp rằng, việc Trung Quốc tập trung ngân sách cho NC&PT và sáng chế chỉ ra rằng ngoài mục đích dân dụng, họ đang hướng tới mục tiêu phát triển các ứng dụng quân sự. Cathy Bessant, ủy viên Hội đồng và là giám đốc công nghệ của Ngân hàng Bank of America nhận định rằng về vấn đề phát triển KH&CN, Hoa Kỳ cần phải “nghĩ ngay về vấn đề quốc phòng”.

“Khi tôi nhìn vào khoản đầu tư của các nước khác, tôi tự hỏi bao nhiêu trong số các khoản đầu tư đó nhắm vào mục tiêu tấn công chúng ta,” cô nói, và “kho kiến thức mà tôi, thay mặt cho ngân hàng và cho khách hàng, bảo vệ mỗi ngày đã khiến tôi phải mất ngủ bao đêm ròng”.

“Bao nhiêu trong các khoản đầu tư đó được dùng để tấn công Hoa Kỳ”?

Các tiêu chuẩn và hệ thống khác nhau

Từ dữ liệu về Trung Quốc, “chúng tôi thấy rõ sự đầu tư rất lớn của họ vào việc xây dựng và sở hữu cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin”, ông Shannon Blunt, giáo sư ngành kỹ thuật điện và khoa học máy tính tại Đại học Kansas cho biết.

Trung Quốc đang phát triển vượt bậc “ở tốc độ đáng kinh ngạc”, và đặc biệt trong ngành công nghiệp.

Vấn đề không chỉ dừng ở lĩnh vực công nghệ thông tin, mà còn hiện diện ở các chính sách đang được thiết lập của Trung Quốc.

“Sáng kiến ”Một vành đai, Một con đường” (BRI) của Trung Quốc có 69 quốc gia tham gia và họ đã phát triển các tiêu chuẩn khác nhau từ những tiêu chuẩn của Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác”, giáo sư Blunt nói. Điều đó có nghĩa là bây giờ chúng ta đang ở trong tình trạng “hai hệ thống và tiêu chuẩn khác nhau”.

Sáng kiến “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” là một phần của BRI nhằm để hỗ trợ xuất khẩu cơ sở hạ tầng kỹ thuật số sang các nước BRI trên khắp châu Á, Trung Đông và châu Phi. Thông qua cơ sở hạ tầng này, Trung Quốc đang “sử dụng các tổ chức đa phương để thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ hạ tầng viễn thông và thúc đẩy nguyên tắc chủ quyền không gian mạng tại các diễn đàn của Liên Hợp Quốc”, theo Tạp chí Ngoại giao Hoa Kỳ.

Ông Blunt chỉ ra rằng chính quyền Trung Quốc đang buộc các đối tác phải chuyển giao phần mềm và mã nguồn khi mua công nghệ của họ.

Trong thế giới đầu tư tài chính đầy mạo hiểm, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ đã giúp giảm thiểu đầu tư của Trung Quốc vào Hoa Kỳ, nhưng mặt khác, nó “cũng gặp khó khăn”. Trước thời điểm những khoản đầu tư mạo hiểm được mời rót vốn vào các công ty khởi nghiệp thì các công ty này “đã nhận được rất nhiều khoản đầu tư của Trung Quốc rồi”.

Ông nói: “Tôi đề nghị rằng các giá trị mà chúng ta xây dựng là sự hợp tác mở và cách tiếp cận mở đối với khoa học, và điều này là bất biến. Đây chính là sức mạnh không gì sánh nổi của Hoa Kỳ”.

“Tuy nhiên, chúng ta đang có một đối thủ sử dụng cách tiếp cận hoàn toàn khác, cách tiếp cận hợp tác và phối hợp của nhiều phía”.

Giáo sư Blunt nhắc lại lời của nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis rằng chúng ta đang tham gia vào cuộc chiến lạnh trong lĩnh vực kinh tế. “Vì vậy, khi chúng ta nói về quan hệ đối tác, chúng ta cần nhìn nhận nó trong phạm vi rộng. Ngành công nghiệp, trường đại học, phòng thí nghiệm liên bang, Quỹ khoa học quốc gia ... chúng ta phải thử nghiệm một cơ cấu hợp tác mở trong tất cả các phạm vi này”.

Thu Hà

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Các cố vấn khoa học của Tổng thống Cảnh báo: Trung Quốc đang vượt xa Hoa Kỳ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học