Các ca bệnh COVID-19 sau tiêm vắc xin lây truyền virus cao hơn dự kiến

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà khoa học vừa có một khám phá đáng kinh ngạc về những người được tiêm chủng mà vẫn bị nhiễm COVID-19. Nghiên cứu mới về nhiễm khuẩn đột phá này đã gây ảnh hưởng lớn đến những nghiên cứu trước đó.

Tiêm phòng giúp chúng ta yên tâm và an toàn hơn trước loại virus coronavirus mới - nhưng thực tế là không có vắc xin nào hiệu quả 100%, bất kì ai vẫn có thể bị lây nhiễm COVID-19 sau khi tiêm (các) mũi vắc xin, đây được gọi là sự lây nhiễm đột phá.

Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã nói rằng những trường hợp vẫn bị lây nhiễm virus sau khi tiêm vắc xin là rất hiếm - gần như chỉ có 0,01% - mà chúng cũng có nhiều khả năng không có triệu chứng hoặc nhẹ, có nghĩa là vắc xin đang phát huy tác dụng như kỳ vọng.

Trong những tháng gần đây, các chuyên gia y tế đã nói rằng vắc xin không chỉ ngăn mọi người bị lây nhiễm COVID-19 nghiêm trọng, mà những người đã bị nhiễm bệnh sau khi tiêm vắc xin sẽ ít có khả năng lan truyền virus hơn.

Thật không may, gần đây các nhà khoa học đã có một phát hiện mới về các ca bệnh lây nhiễm đột phá có thể phá vỡ quan niệm đó.

Ảnh minh họa (Pixabay)

Theo một nghiên cứu mới của Đại học Y khoa Washington (UW), những người được tiêm vắc xin đã nhiễm COVID-19 có thể dễ lây lan virus hơn người ta tưởng.

Nghiên cứu ngày 25 tháng 5 - chưa được đánh giá ngang hàng nhưng đã được đăng trên trang medRxiv, trong đó trình bày dữ liệu về 20 nhân viên y tế được tiêm chủng đầy đủ trong hệ thống bệnh viện UW, những người này cuối cùng đã bị nhiễm COVID-19 sau khi được tiêm chủng. Các ca lây nhiễm đột phá được ghi nhận ở những người từ 26 đến 65 tuổi trong khoảng thời gian từ 23 tháng 2 đến 27 tháng 4.

Mặc dù nghiên cứu trước đó về việc liên kết các ca bệnh lây nhiễm đột phá phát hiện tải lượng virus (là số lượng các mảnh hoặc các thành phần của virus chứa trong một thể tích máu) không nhiều, điều này cho thấy khả năng lây truyền thấp - đồng tác giả nghiên cứu Pavitra Roychoudhury, một tiến sĩ, giảng viên hướng dẫn tại UW Medicine, nói với Reuters rằng cô và nhóm nghiên cứu của mình "đã tìm thấy nhiều mẫu trong nhóm ca bệnh lây nhiễm đột phá của chúng tôi có tải lượng virus rất cao".

Roychoudhury giải thích: “Công trình nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng không phải tất cả các trường hợp lây nhiễm đột phá đều có khả năng lây truyền thấp”.

Theo nghiên cứu, tất cả 20 ca bệnh lây nhiễm đột phá đều do các biến thể của virus gây ra. Trong số những trường hợp này, 40% là do biến thể từ Vương quốc Anh, B.1.1.7; 40% khác là biến thể California B.1.429; 10% là biến thể California khác B.1.427; 5% là do biến thể Nam Phi, B.1.351; và 5% khác là biến thể Brazil, P.1.

Các nhà nghiên cứu của UW Medicine giải thích: "Các biến thể cần quan tâm (VOC) là những chủng cho thấy bằng chứng về khả năng lây truyền tăng lên, bệnh nặng hơn, giảm khả năng trung hòa bởi các kháng thể do nhiễm trùng hoặc tiêm chủng trong quá khứ, giảm hiệu quả của phương pháp điều trị hoặc thất bại trong phát hiện chẩn đoán. Nhìn chung, các biến thể được quan tâm là đại diện hợp lý trong các trường hợp đột phá".

Khi chia sẻ với Reuters, Roychoudhury cảnh báo rằng: "Những ca bệnh lây nhiễm này có thể dẫn đến sự tiếp tục lây lan của các biến thể đáng lo ngại, đặc biệt là ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp".

Điều này phù hợp với những phát hiện gần đây của CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh). Theo một báo cáo mới từ cơ quan này, cũng được công bố ngày 25 tháng 5, CDC đã phát hiện hơn 10.000 ca lây nhiễm đột biến ở Hoa Kỳ trong số gần 101 triệu người được tiêm chủng đầy đủ, tính đến ngày 30 tháng 4.

Sau khi xem xét dữ liệu trình tự hiện có từ những báo cáo này, CDC đã phát hiện ra rằng 64% những người được tiêm chủng đầy đủ vắc xin COVID-19 đã bị nhiễm các biến thể đáng lo ngại. Và việc phân tích các trường hợp cũng khá giống nhau: 56% là B.1.1.7; 25% là B.1.429; 8% là B.1.427; 8% khác là P.1; và 4% là B.1.351.

Nhưng vẫn cần phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu khác để xác định xem liệu tải lượng virus cao của những bệnh nhân lây nhiễm virus biến chủng đột phá trong nghiên cứu của UW Medicine có chắc chắn dẫn đến việc gia tăng lây truyền COVID-19 hay không.

"Chúng ta cũng cần phải tìm hiểu thêm một chút, đối với những ca bệnh lây nhiễm đột phá đó, tải lượng virus của họ trông như thế nào và lượng virus mà họ thực sự mang và lây lan", Colleen Kelley, phó giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Emory và là nhà điều tra chính cho các thử nghiệm lâm sàng Moderna và Novavax giai đoạn III, gần đây đã cho biết trên podcast Track the Vax vào giữa tháng Năm. "Tải lượng virus chắc chắn sẽ tương quan với khả năng lây truyền. Và đó là một số dữ liệu bổ sung mà chúng tôi đang chờ đợi".

Nghiên cứu mới nhất này rất có thể thay đổi điều mà Kelley và nhiều người khác lâu nay vẫn tin là đúng về các ca bệnh lây nhiễm đột phá không lây lan như vậy.

Ngọc Mai

Theo Bestlife

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Các ca bệnh COVID-19 sau tiêm vắc xin lây truyền virus cao hơn dự kiến