Bức vẽ hang động tiết lộ kiến thức thiên văn tiên tiến của người cổ đại 40.000 năm trước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều nhà sử học ghi nhận rằng các học giả Hy Lạp cổ đại như Plato và Aristotle là những người đặt nền móng cho lĩnh vực thiên văn học hiện đại. Nhưng các nhà nghiên cứu ở châu Âu hiện tin rằng con người sống trước người Hy Lạp cổ đại hàng nghìn năm đã có hiểu biết tiên tiến về các vì sao.

Sau khi nghiên cứu những bức tranh hang động nổi tiếng mô tả động vật trên khắp Tây Ban Nha, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức, hai nhà nghiên cứu Martin Sweatman và Alistair Coombs từ Đại học Edinburgh và Kent nhận ra rằng những bức tranh không chỉ là những bức vẽ về động vật hoang dã. Họ cho biết, tác phẩm nghệ thuật, bao gồm các bức vẽ về bò đực, chó đực, báo hoa mai, bọ cạp và cá, thực sự mô tả về các chòm sao trên bầu trời đêm.

Trong phát hiện mới này, nhóm nghiên cứu đã phân tích thành phần hóa học của sơn được sử dụng trong các bức vẽ trong hang động và xác định rằng niên đại của tác phẩm này là từ 12.000 đến 40.000 năm trước. Sau đó, họ sử dụng phần mềm tiên tiến để tính toán vị trí của các ngôi sao vào thời điểm tác phẩm nghệ thuật được tạo ra.

Sau khi so sánh hai bộ dữ liệu, họ phát hiện ra rằng nhiều bức tranh trong hang động đánh dấu ngày nhìn thấy sao chổi quan trọng và tương quan với các chòm sao có thể nhìn thấy vào thời điểm đó.

Các hình vẽ hang động cổ đại biểu diễn các chòm sao

Một bức tranh hang động đặc biệt đáng chú ý mà các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu là Lascaux Shaft Scene ở miền nam nước Pháp. Hình vẽ minh họa một người đàn ông sắp chết và nhiều loài động vật khác nhau. Sweatman và Coombs tin rằng nó tượng trưng cho một cuộc tấn công của sao chổi xảy ra vào khoảng năm 15.200 trước Công nguyên. Họ nghĩ rằng hình ảnh con tê giác của hang động Lascaux biểu thị chòm sao Kim Ngưu ngày nay, trong khi hình ảnh con ngựa của hang động tượng trưng cho các ngôi sao tạo nên chòm sao Leo.

Hai nhà nghiên cứu đã quyết định phân tích ý nghĩa thiên văn của bức tranh này và các bức tranh hang động khác sau khi xác nhận rằng một cây cột trụ ở khu khảo cổ Gobekli Tepe của Thổ Nhĩ Kỳ minh họa cho một cuộc tấn công thảm khốc của sao chổi vào khoảng 11.000 năm trước Công nguyên.

Cột trụ 43 tại Gobekli Tepe ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. (Ảnh: Alistair Coombs)
Cột trụ 43 tại Gobekli Tepe ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. (Ảnh: Alistair Coombs)

Cây cột có chạm khắc hình một con bọ cạp, gấu và chim. Các nhà nghiên cứu xác định niên đại bằng carbon phóng xạ của các bức chạm khác để tìm tuổi chính xác của chúng, và xác định rằng các biểu tượng động vật đại diện cho các chòm sao mà con người nhìn thấy khi các bức chạm khắc được tạo ra. Cụ thể, các hình chạm khắc đại diện cho những gì chúng ta coi là các chòm sao Bọ Cạp, Xử Nữ và Song Ngư.

Những người cổ đại sáng tạo ra nghệ thuật hang động để theo dõi thời gian

Các nhà khảo cổ học tin rằng con người từ 40.000 năm trước đã sử dụng nghệ thuật hang động này như một cách để theo dõi thời gian. Bằng cách ghi nhận các chòm sao được nhìn thấy vào một số ngày nhất định, người cổ đại cũng cho thấy sự hiểu biết về điểm phân, xảy ra do sự dịch chuyển dần dần của trục quay của Trái đất trên đường quỹ đạo của nó.

Trước đó, theo hiểu biết hiện nay thì nhà thiên văn Hy Lạp Hipparchus được cho là người đã khám phá ra khoa học về điểm phân vào khoảng năm 129 trước Công nguyên. Nhưng nghiên cứu mới cho thấy rằng hiện tượng này đã được hiểu từ rất lâu trước người Hy Lạp cổ đại.

Sweatman nói trong một thông cáo báo chí: "Nghệ thuật hang động ban đầu cho thấy con người đã có kiến thức tiên tiến về bầu trời đêm trong kỷ băng hà cuối cùng. Về mặt trí tuệ, họ hầu như không khác chúng ta ngày nay".

Bức tranh ở Lascaux, Pháp, cũng như các tác phẩm nghệ thuật thời tiền sử khác được trích dẫn trong nghiên cứu, cũng gợi ý rằng các di vật cổ đại khác đã được sử dụng để tính thời gian. Bức tượng Lion-Man tại hang Hohlenstein-Stadel, tác phẩm điêu khắc lâu đời nhất được biết đến với niên đại 38.000 năm trước Công nguyên, được cho là tượng trưng cho chòm sao Leo.

Bức tượng Lion-Man tại hang động Hohlenstein-Stadel ở Đức. (Ảnh: Bảo tàng Oleg Kuchar Ulm, Đức)
Bức tượng Lion-Man tại hang động Hohlenstein-Stadel ở Đức. (Ảnh: Bảo tàng Oleg Kuchar Ulm, Đức)

Sweatman cho biết trong thông cáo báo chí rằng phát hiện mới này về kiến thức thiên văn tinh vi của người cổ đại “có thể sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về cách nhìn của chúng ta về các quần thể thời tiền sử”.

Các nhà nghiên cứu đã công bố phát hiện của họ trên Tạp chí Lịch sử Athens.

Văn Thiện

Theo Business Insider



BÀI CHỌN LỌC

Bức vẽ hang động tiết lộ kiến thức thiên văn tiên tiến của người cổ đại 40.000 năm trước