Bí ẩn: Con dao găm không rỉ của Pha-ra-ông Tutankhamun

Giúp NTDVN sửa lỗi

Con dao găm trải qua hàng nghìn năm không hề bị rỉ sét, có lẽ là một trong những đồ vật bí ẩn trong số 5398 hiện vật được phát hiện tại lăng mộ của vua Tut, Ai Cập.

Ngôi mộ cổ vua Tutankhamun, Ai Cập

Năm 1922, nhà khảo cổ học Howard Carter đã khai quật một ngôi mộ trong thung lũng các vị Vua. Ngôi mộ này chứa rất nhiều đồ vật của nền văn hóa Ai Cập cổ đại. Ngay sau đó, người ta phát hiện ra ngôi mộ này chứa xác ướp của vị Pha-ra-ông huyền thoại, người trị vì Ai Cập vào khoảng thế kỷ 14 trước CN, vua Tutankhamun.

Các đồ vật gia đình, đồ trang sức, đồ thủ công mỹ nghệ trong tình trạng bảo quản tốt lần lượt xuất hiện trước mắt các nhà khảo cổ. Xác ướp vị Pha-ra-ông nổi tiếng được đặt bên trong ba chiếc quan tài đá, và bốn chiếc hòm làm bằng kim loại quý. Vị vua nổi tiếng đeo một chiếc mặt nạ bằng vàng, chảy dài xuống tận ngực. Việc nghiên cứu lăng mộ kéo dài đến vài tháng.

The ông Howard Carter nhớ lại, phải cực kỳ cẩn thận khi tháo rời dần đống đổ nát và lắp đặt các công cụ nghiên cứu. Thậm chí, lúc ban đầu, để chụp ảnh, và làm công tác khôi phục, họ phải sử dụng một ngôi mộ rỗng bên cạnh. Các đồ vật dễ vỡ được gia cố bằng parafin và xenlulo, những chiếc vòng cổ với dây chuyền mục nát được xâu mới lại. Chỉ riêng căn phòng phía trước cũng mất gần 7 tuần tháo dỡ.

Trong số các đồ vật quý giá thuộc về vua Tutankhamun, các nhà khảo cổ học phát hiện ra một con dao găm làm từ sắt.

Hai chi tiết bất thường về lưỡi dao găm thu hút sự chú ý của các nhà khảo cổ học. Đầu tiên là thời kỳ đó, người Ai Cập không biết cách chiết xuất quặng sắt. Thứ hai, trong vòng hơn ba thiên niên kỷ, không hề xuất hiện dấu vết gỉ sét trên lưỡi dao găm sắt. Đây là một điều vô cùng kì lạ.

Câu trả lời cho hai tình tiết bất thường này chỉ có vào năm 2016, khi lưỡi dao găm sắt được nghiên cứu bởi một nhóm các nhà khoa học đến từ Ai Cập và Ý, do nhà vật lý học trường đại học Bách khoa Milan, Daniela Comelli dẫn đầu.

Tại sao dao găm của vua Tutankhamun không rỉ?

Một máy quang phổ huỳnh quang tia X đã được chuyển đến bảo tàng Cairo, nơi cất giữ con dao găm của Tutankhamun. Kết quả nghiên cứu không được công bố trong tạp chí Khảo cổ học như người ta vẫn thường nghĩ, mà lại được đưa ra công bố trên tạp chí Khoa học thiên văn và Hành tinh. Sự thật bất ngờ là kim loại mà người thợ cổ đại nào đó dùng để chế tạo dao găm, lại có nguồn gốc thiên thạch.

Con dao găm của Tutankhamun không có bất kỳ dấu vết rỉ sét nào vào 3500 năm sau.
Con dao găm của Tutankhamun không có bất kỳ dấu vết rỉ sét nào vào 3500 năm sau. (Tín dụng: Thế giới Hóa học)

Loại sắt này chứa 11% ni-ken, và 0.6% cô-ban, ngoài ra còn có lượng nhỏ phốt- pho, sun-phua và các-bon. Cấu tạo hóa học này là cấu tạo tiêu biểu của các thiên thạch sắt. Đồng thời, hàm lượng ni-ken cao giúp hợp kim không bị gỉ là lý do khiến con dao găm tồn tại trong trạng thái không rỉ cho đến ngày nay.

Dấu vết quá trình rèn dao găm có thể thấy trên lưỡi dao. Đó là bởi những người thợ rèn thời cổ đại không biết kỹ thuật nấu chảy sắt, mà cũng có thể do họ đã quên.

Bản thân thiên thạch sắt là vật thể rất quen thuộc với người cổ đại. Vì từ “sắt” trong ngôn ngữ cổ đại của những tộc người như Mesopotamian, Hittite, và người Ai Cập luôn có nghĩa là gắn với bầu trời.

Người Ai Cập cổ đại có một chữ tượng hình rất đặc biệt, nghĩa đen của nó là “sắt thiên đường”. Vào khoảng thế kỷ 13 trước CN, họ bắt đầu tìm cách biểu thị các loại sắt, bao gồm cả loại thông thường có nguồn gốc hoàn toàn trên mặt đất.

Loại kim loại rơi từ trên trời xuống được xem là món quà của Thần, và vì sự quý hiếm, nó thậm chí còn đắt hơn cả vàng. Vật thể sắt lâu đời nhất được tìm thấy trong các ngôi mộ Ai Cập có niên đại trước cả khi các bang vùng được thống nhất lại dưới sự trị vì của các Pha-ra-ông, thời kỳ đó gọi là văn hóa Gerzeh (3500-3200 trước CN).

Dựa trên tỷ lệ tạp chất trong sắt của con dao găm của Tutankhamun, người ta thậm chí có thể xác định được nguồn gốc chính xác của nó. Hóa ra đây chính xác là thành phần của thiên thạch Kharga, được đặt tên theo ốc đảo gần nơi nó rơi xuống.

Một phần của thiên thạch này được tìm thấy gần cảng Mersa Matruh, cách thành phố Alexandria 240 km về phía Tây. Một người Ai Cập hẳn đã phát hiện ra phần còn lại của thiên thạch khi nó bị vỡ ra làm rất nhiều mảnh trong quá trình bay xuyên qua bầu khí quyển, và đã đem ‘’sắt thiên đường’’ tới cho một người thợ rèn kim hoàn. Người thợ thủ công sau đó có lẽ đã rèn nên một con dao găm nghi lễ được cho là sẽ đi cùng Pha-ra-ông sang thế giới bên kia. Phải chăng đó là một vinh dự?

Lê Na

Theo Curiosmos

Tài liệu tham khảo:

  • Cascone, S. (2019, September 18). Was King Tut’s Legendary Dagger Actually Made From a Meteorite?
  • Comelli, D. (2016, May). The meteoritic origin of Tutankhamun’s iron dagger blade [PDF].
  • Metcalfe, T. (2017, December 18). King Tut’s Dagger Is ‘Out of This World’.

Pruitt, S. (2016, June 03). Researchers Say King Tut’s Dagger Was Made From a Meteorite.



BÀI CHỌN LỌC

Bí ẩn: Con dao găm không rỉ của Pha-ra-ông Tutankhamun