Bất ngờ chưa từng có: Đỉnh băng Greenland có mưa rơi kỷ lục

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lượng mưa quá bất ngờ, các nhà khoa học không có công cụ để đo, bởi vì họ không bao giờ nghĩ việc này lại có thể xảy ra. Đây rõ ràng là hiện tượng chưa từng xảy ra bao giờ.

Lần đầu tiên mưa đã rơi ở mức độ kỷ lục trên đỉnh băng khổng lồ của Greenland. Nơi đây thường có nhiệt độ thấp hơn nhiều và thường chỉ có tuyết rơi quanh năm cùng với những tảng băng trên đỉnh cao 3.216 mét.

Các nhà khoa học của Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ tại trạm đỉnh Greenland đã thấy mưa rơi suốt ngày 14/8 nhưng không có đồng hồ đo để đo lượng mưa vì lượng mưa quá bất ngờ. Trên khắp Greenland, ước tính có khoảng 7 tỷ tấn nước đã rơi xuống từ các đám mây.

Mưa rơi trong ba ngày đặc biệt nóng ở Greenland khi nhiệt độ ở các nơi cao hơn trung bình 18 độ C. Kết quả là, sự tan chảy băng đã được nhìn thấy ở hầu hết Greenland, trên một khu vực có diện tích gấp 4 lần Vương quốc Anh.

Vào tháng 5, các nhà nghiên cứu đã báo cáo rằng một phần đáng kể của tảng băng Greenland đã gần đạt đến đỉnh điểm để tan chảy, sau đó sự tan chảy tăng tốc sẽ trở nên không thể tránh khỏi ngay cả khi quá trình sưởi ấm toàn cầu bị dừng lại.

Ted Scambos, một nhà khoa học tại Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia tại Đại học Colorado, nơi đã báo cáo về trận mưa ở hội nghị thượng đỉnh, nói với CNN: “Những gì đang diễn ra không chỉ đơn giản là một hoặc hai thập kỷ ấm áp trong một mô hình khí hậu không ổn định. Đây là điều chưa từng có. Chúng ta đang vượt qua những ngưỡng chưa từng thấy trong nhiều thiên niên kỷ và thành thật mà nói, điều này sẽ không thay đổi cho đến khi chúng ta điều chỉnh những gì chúng ta đang làm để bảo vệ bầu khí quyển của chúng ta".

Greenland cũng đã có một đợt tan chảy quy mô lớn vào tháng Bảy, khiến năm 2021 trở thành một trong 4 năm trong thời gian gần đây chứng kiến sự tan chảy trên diện rộng như vậy. Các năm khác là 2019, 2012 và 1995. Trận mưa và tan băng vào ngày 14-16/8 là thời điểm muộn nhất trong năm, một sự kiện lớn đã được ghi nhận.

Nguyên nhân của sự tan chảy băng vào tháng 7 và tháng 8 là như nhau - không khí ấm áp được đẩy lên trên Greenland và giữ ở nhiệt đố đó một thời gian. Theo các nhà khoa học, những sự kiện này không phải là hiếm nhưng dường như ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Mực nước biển toàn cầu sẽ tăng khoảng 6 mét nếu tất cả băng ở Greenland tan chảy, mặc dù điều này sẽ mất hàng thế kỷ hoặc hàng thiên niên kỷ mới xảy ra. Nhưng hàng nghìn tỷ tấn băng bị mất từ Greenland kể từ năm 1994 đang đẩy mực nước biển lên và gây nguy hiểm cho các thành phố ven biển trên thế giới.

Mực nước biển đã tăng thêm 20cm và IPCC cho biết phạm vi có thể xảy ra vào cuối thế kỷ này là 28-100cm nữa, thậm chí nó có thể là 200cm.

Các nhà khoa học ước tính, băng ở Greenland đang tan nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong 12.000 năm qua, với tốc độ mất đi khoảng 1 triệu tấn/phút vào năm 2019.

Theo The Guardian



BÀI CHỌN LỌC

Bất ngờ chưa từng có: Đỉnh băng Greenland có mưa rơi kỷ lục