Ảnh hưởng của việc Trung Quốc dừng nhập khẩu chất thải tái chế từ Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 2018, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu chất thải giấy và nhựa từ Mỹ. Lệnh cấm đã có tác động mạnh đến cuộc tranh luận về việc tái chế chất thải tích tụ ở Hoa Kỳ. Trong khi một số người cho rằng tái chế là một hoạt động tốn kém, không hiệu quả, thì những người khác lại cho rằng việc tái chế là cần thiết.

Việc tái chế có đáng để làm không?

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Cơ quan Bảo vệ Môi trường, việc ủ và tái chế giúp giảm khoảng 87,2 triệu tấn vật liệu bị chuyển vào bãi rác trong năm 2013. Điều này đã ngăn được gần 186 triệu tấn CO2 thải ra vào môi trường, tương đương với lượng khí do 39 triệu chiếc xe thải ra khi đi trên đường trong một năm.

Theo một nghiên cứu công bố trên Peaceful Dumpling được thực hiện bởi tiến sĩ Jeffrey Morris, nhà tư vấn môi trường, để sản xuất sản phẩm từ một tấn vật liệu tái chế, người ta sử dụng một nhiệt lượng khoảng 10,4 triệu Btu (đơn vị nhiệt Anh, 1 Btu = 1054–1060 Jun). Trong khi đó, họ sẽ cần tới nhiệt lượng 23,3 triệu Btu đối với nguyên liệu nguyên chất. Việc thu thập, vận chuyển và xử lý các vật liệu tái chế đó chỉ mất khoảng 0,9 triệu Btu.

Tái chế vỏ lon bằng thiếc và thép có thể tiết kiệm tới 74 phần trăm năng lượng so với sản xuất những cái mới. Đối với nhôm, con số có thể lên tới 95 phần trăm. Đối với giấy, tái chế làm giảm mức sử dụng năng lượng khoảng 60%. Thêm vào đó, nó cũng giảm thiểu nạn phá rừng mà được cho là đã tạo ra 25% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Tuy nhiên, không phải thứ nào tái chế cũng cho ta được lợi về nhiệt lượng.

Giấy tái chế giúp giảm thiểu nạn phá rừng. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình / YouTube )

Việc tái chế nhựa và thủy tinh có thể sẽ tốn nhiều năng lượng hơn so với sản xuất mới. Do đó, chúng ta cần đổ những chất thải loại này vào bãi rác thay vì tái chế chúng. Bãi rác sẽ không phải tác động quá xấu đến môi trường như nhiều người lầm tưởng. Nếu chúng ta giám sát chặt chẽ việc chôn lấp thì ta có thể dễ dàng giữ ô nhiễm ở mức tối thiểu. Trước đây, các chuyên gia ước tính rằng chi phí tái chế mà xã hội phải gánh chịu có thể lên tới 280 USD / tấn. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu về được thực hiện vào năm 2015 thì chi phí sẽ chỉ là 9 USD mỗi tấn.

Theo nhà kinh tế Thomas C. Kinnaman, thế giới sẽ tốt hơn khi tính thuế carbon đối với rác thay vì gắn vào hệ thống tái chế như hiện nay. Theo Bustle, Kinnaman đã so sánh chi phí chôn lấp và tái chế. Ngoài ra, ông cũng nghiên cứu thiệt hại về môi trường của mỗi lựa chọn trên. Ông thấy rằng nước Mỹ sẽ có một hệ thống quản lý chất thải hiệu quả hơn nếu chính phủ đánh thuế 15 đô la Mỹ cho mỗi tấn rác đi đến bãi rác và trợ cấp cho việc tái chế nhôm và kim loại.

Vấn đề phát sinh do tái chế không hiệu quả

Với sự gia tăng chất thải và hệ thống tái chế không hiệu quả, nước Mỹ đang phải đối mặt với những vấn đề nảy sinh trong một số khu vực. Tại thành phố Chester, Pennsylvania, cơ sở đốt rác tại đây đã phải đốt lượng chất thải nhiều hơn. Do đó, bầu khí quyển trở nên ngày càng tồi tệ. Điều này đã khiến cư dân ở nơi đây cảm thấy không thoải mái.

Các cơ sở thiêu đốt giải phóng lượng chất thải có khả năng độc hại cao vào bầu khí quyển. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình / YouTube )

Ông Zulene Mayfield, lãnh đạo một nhóm chống lại sự hoạt động của lò đốt rác, nói với The Guardian, “Mọi người đều muốn tái chế rác nhưng chúng ta không biết việc đốt rác này sẽ đi đến đâu và nó sẽ tác động đến những ai... Người dân ở Chester đang cảm thấy vô vọng - tất cả những gì họ muốn là di dời gia đình của họ ra khỏi khu vực gần lò đốt rác”.

Người dân ở đây lo ngại rằng họ có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng do tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm. Ở Chester này, gần 4 trên 10 trẻ em được chẩn đoán là mắc bệnh hen suyễn. Thành phố này cũng có tỉ lệ ung thư phổi và ung thư buồng trứng cao hơn 24% và 64% so với phần còn lại của Pennsylvania.

Văn Thiện (biên dịch)

Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Ảnh hưởng của việc Trung Quốc dừng nhập khẩu chất thải tái chế từ Mỹ