Ai Cập mở cửa lăng mộ cổ của vua Djoser sau khi trùng tu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào hôm thứ Ba ngày 14/9, Ai Cập đã giới thiệu một cấu trúc lăng mộ cổ đại thuộc quần thể nghĩa trang của Vua Djoser, một vị Pharaoh sống cách đây hơn 4.500 năm, sau những đợt trùng tu mở rộng của địa điểm.

Công trình kiến trúc — được gọi là Lăng mộ phía Nam — phần lớn nằm dưới lòng đất và bao gồm một mê cung các hành lang, được trang trí bằng gạch và chạm khắc chữ tượng hình. Nhà tang lễ trung tâm có một cỗ quan tài lớn được ốp đá granit (còn được gọi là đá hoa cương) từ Vương triều thứ ba của Ai Cập.

Tuy nhiên, Pharaoh không thực sự được chôn cất ở đó, mà là trong Kim tự tháp bậc thang nổi tiếng gần đó. Hai cấu trúc tạo nên một phần của khu phức hợp Saqqara gần Cairo — một trong những địa điểm khảo cổ học phong phú nhất của đất nước.

Theo UNESCO, Kim tự tháp bậc thang là kim tự tháp lâu đời nhất được biết đến và là một trong những ví dụ đầu tiên về kiến trúc hoành tráng từ thời cổ đại. Nó được cho là nguồn cảm hứng cho các Kim tự tháp ở Giza.

Tất cả sáu kim tự tháp của quần thể kim tự tháp Giza. (Ảnh: Wikipedia)
Tất cả sáu kim tự tháp của quần thể kim tự tháp Giza. (Ảnh: Wikipedia)

Bộ Cổ vật và Du lịch Ai Cập cho biết, việc khai trương cấu trúc lăng mộ trong tuần này đánh dấu việc hoàn thành công việc trùng tu bắt đầu từ năm 2006. Việc trùng tu bao gồm gia cố các hành lang dưới lòng đất, tân trang các bức chạm khắc và các bức tường lát gạch cũng như lắp đặt hệ thống chiếu sáng. Kể từ thứ Ba, ngôi mộ đã mở cửa cho công chúng.

Ngoài Lăng mộ phía Nam, cao nguyên Saqqara có ít nhất 11 kim tự tháp, bao gồm cả Kim tự tháp bậc thang, cũng như hàng trăm ngôi mộ của các quan chức cổ đại và các địa điểm khác trải dài từ Vương triều thứ nhất (2920 - 2770 trước Công nguyên) đến thời kỳ Coptic (395-642).

Địa điểm Saqqara là một phần của đô thị cổ đại Memphis của Ai Cập, bao gồm các Kim tự tháp Giza nổi tiếng, cũng như các kim tự tháp nhỏ hơn ở Abu Sir, Dahshur và Abu Ruwaysh. Những tàn tích của Memphis đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào những năm 1970.

Ai Cập đã công khai một loạt các phát hiện khảo cổ học gần đây trong năm qua nhằm nỗ lực phục hồi lĩnh vực du lịch chủ chốt của mình, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng hỗn loạn sau cuộc nổi dậy năm 2011. Khu vực này cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi đại dịch Coronavirus toàn cầu.

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Ai Cập mở cửa lăng mộ cổ của vua Djoser sau khi trùng tu