9.000 năm trước, con người cũng đã phải đối diện với các vấn đề của cuộc sống hiện đại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà khoa học nghiên cứu tàn tích cổ đại Çatalhöyük ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, phát hiện ra rằng cư dân của thành phố này vào thời kỳ đỉnh cao, với số dân từ 3.500 đến 8.000 người - cũng gặp phải tình trạng quá tải, bệnh truyền nhiễm, bạo lực và các vấn đề môi trường. 

Trong một bài báo được xuất bản trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, một nhóm các nhà khảo cổ sinh học quốc tế đã công bố những phát hiện mới được xây dựng dựa trên 25 năm nghiên cứu hài cốt người được khai quật tại Çatalhöyük.

Clark Spencer Larsen, tác giả chính của nghiên cứu và là giáo sư nhân chủng học tại Đại học Bang Ohio, cho biết: ‘’Các kết quả đã vẽ ra một bức tranh về việc con người chuyển từ lối sống du mục săn bắn và hái lượm sang một cuộc sống nông nghiệp ít vận động hơn’’.

“Çatalhöyük là một trong những cộng đồng đô thị đầu tiên trên thế giới, nơi mà các cư dân đã trải nghiệm những gì xảy ra khi nhiều người dồn tụ sinh sống tại một khu vực nhỏ trong một thời gian dài. Nó tạo tiền đề để chúng ta nghiên cứu những thách thức phải đối mặt trong cuộc sống đô thị hiện đại". Çatalhöyük, ngày nay là khu vực ở trung nam Thổ Nhĩ Kỳ, là nơi có người sinh sống vào khoảng từ năm 7.100 đến năm 5.950 trước Công nguyên. Khu vực này được khai quật lần đầu tiên vào năm 1958, rộng khoảng 130.000 m2 với gần 21 mét trầm tích tích tụ liên tục suốt 1.150 năm.

Larsen, người bắt đầu nghiên cứu thực địa tại địa điểm này vào năm 2004, là một trong những trưởng nhóm nghiên cứu hài cốt người trong Dự án Nghiên cứu Çatalhöyük. Larsen cho biết Çatalhöyük khởi nguồn là một khu định cư nhỏ vào khoảng năm 7.100 trước Công nguyên, với một vài ngôi nhà bằng gạch bùn mà các nhà nghiên cứu gọi là Thời kỳ sơ khai. Nó phát triển đến đỉnh cao trong thời Trung kỳ từ năm 6.700 đến năm 6.500 trước Công nguyên, trước khi dân số suy giảm nhanh chóng vào thời kỳ Hậu kỳ. Çatalhöyük đã bị bỏ hoang vào khoảng năm 5.950 trước Công nguyên. Nông nghiệp là ngành nghề chính của cộng đồng này.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích một dấu hiệu hóa học trong xương - được gọi là tỷ lệ đồng vị cacbon ổn định - cho thấy cư dân của Çatalhöyük đã ăn một chế độ ăn nhiều lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen, cùng với một loạt các loại thực vật hoang dã. Các nhà khoa học đã sử dụng tỷ lệ đồng vị ni tơ ổn định để xác định nguồn protein trọng khẩu phần ăn của cư dân nơi này. Kết quả cho thấy họ đã tiêu thụ các loại thịt cừu, dê, cũng như một số loài động vật hoang dã. Trong đó cừu là loại động vật quan trọng nhất trong khẩu phần ăn của họ. Ngoài ra, cư dân nơi này đã phải đối mặt với một căn bệnh của nền văn minh - bệnh sâu răng khi có chế độ ăn nhiều ngũ cốc. Kết quả nghiên cứu cho thấy khoảng 10 đến 13% số răng của người lớn được tìm thấy tại địa điểm này có dấu hiệu bị sâu.

Những thay đổi theo thời gian về hình dạng của các mặt cắt ngang xương chân cho thấy các cư dân của Çatalhöyük trong thời kỳ Hậu kỳ đã đi bộ nhiều hơn đáng kể so với những cư dân đầu tiên. Điều đó cho thấy rằng cư dân phải di chuyển trong khi làm nông nghiệp và chăn thả xa hơn khỏi cộng đồng theo thời gian trôi qua. Larsen cho biết thêm: “Chúng tôi tin rằng suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu đã buộc các thành viên cộng đồng phải di chuyển xa hơn khỏi khu định cư để trồng trọt và tìm nguồn củi đốt. Điều đó đã góp phần vào sự sụp đổ cuối cùng của Çatalhöyük".

Nhà nghiên cứu Nada Elias đang khai quật bộ xương người lớn ở Catalhoyuk.
Nhà nghiên cứu Nada Elias đang khai quật bộ xương người lớn ở Catalhoyuk. (Ảnh: Scott Haddow)

Nghiên cứu khác cho thấy rằng khí hậu ở Trung Đông trở nên khô hơn trong suốt thời kỳ lịch sử tồn tại của Çatalhöyük, khiến việc canh tác trở nên khó khăn hơn. Phát hiện từ nghiên cứu mới cho thấy cư dân phải chịu tỷ lệ lây nhiễm bệnh cao, rất có thể là do cuộc sống đông đúc và vệ sinh kém. Có đến một phần ba số hài cốt từ thời kỳ Sơ khai cho thấy bằng chứng về nhiễm trùng xương.

Trong thời kỳ dân số đông đúc nhất, các ngôi nhà được xây dựng san sát gần nhau - cư dân ra và vào nhà bằng thang lên mái của các ngôi nhà. Các cuộc khai quật cho thấy tường và sàn bên trong đã được trát lại nhiều lần bằng đất sét. Larsen nói: “Họ sống trong điều kiện rất đông đúc, với các hố rác và chuồng gia súc ngay bên cạnh một số ngôi nhà của họ. Vì vậy, vấn đề vệ sinh có thể góp phần vào việc lây lan các bệnh truyền nhiễm".

Theo các nhà nghiên cứu, điều kiện đông đúc ở Çatalhöyük cũng có thể góp phần vào mức độ bạo lực cao giữa các cư dân. Trong 93 hộp sọ từ Çatalhöyük, hơn 1/4 - 25 cá thể - cho thấy bằng chứng về xương gãy đã được chữa lành. Và 12 người trong số họ đã từng là nạn nhân của bạo lực nhiều hơn một lần, có từ hai đến năm vết thương trong một khoảng thời gian.

Hình dạng của các vết thương cho thấy nạn nhân bị các vật cứng, tròn tác động vào đầu - và các viên đất sét có kích thước và hình dạng phù hợp cũng được tìm thấy tại địa điểm này. Hơn một nửa số nạn nhân là phụ nữ (13 nữ, 10 nam). Và hầu hết các vết thương đều ở trên đỉnh đầu hoặc sau đầu của họ, cho thấy các nạn nhân đều bị tấn công từ phía sau. Larsen nói: “Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng các chấn thương sọ não trong thời kỳ Trung kỳ, khi dân số đông nhất và dày đặc nhất. Giả thuyết cho rằng tình trạng quá tải dẫn đến căng thẳng và xung đột trong cộng đồng".

Hầu hết mọi người chết đều bị chôn ngay trong những cái hố được đào dưới sàn nhà, và các nhà nghiên cứu tin rằng họ đã được chôn dưới những ngôi nhà mà họ sống. Điều đó dẫn đến một phát hiện bất ngờ: Hầu hết các thành viên trong một hộ gia đình không có quan hệ họ hàng với nhau về mặt sinh học.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra điều này khi họ phát hiện ra rằng răng của những người được chôn cất trong cùng một ngôi nhà không cùng huyết thống. Larsen nói: “Hình thái của răng được kiểm soát rất cao về mặt di truyền. Những người có quan hệ họ hàng cho thấy những biến thể tương tự trên mão răng của họ và chúng tôi không tìm thấy điều đó ở những người được chôn cất trong cùng một ngôi nhà".

Ông nói thêm: Cần phải nghiên cứu thêm để xác định mối quan hệ của những người sống cùng nhau ở Çatalhöyük: “Nó vẫn còn là một bí ẩn.”

Nhìn chung, Larsen cho biết tầm quan trọng của Çatalhöyük là nó là một trong những "siêu địa điểm" thời đồ đá mới đầu tiên trên thế giới, với nông nghiệp là hoạt động trung tâm.

Ý nghĩa của phát hiện này chính là chúng ta có thể tìm hiểu về nguồn gốc cách thức mà con người đã được tổ chức thành các cộng đồng. Từ đó, có thể thấy nhiều thách thức mà chúng ta gặp phải ngày nay cũng giống như những thách thức mà tổ tiên của chúng ta đã gặp phải ở Çatalhöyük.

Lê Na

Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

9.000 năm trước, con người cũng đã phải đối diện với các vấn đề của cuộc sống hiện đại