5 nền văn minh cổ đại tiêu biểu tôn thờ thần Mặt trời

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hàng ngàn năm về trước, các nền văn hóa cổ trên khắp các châu lục đều tôn thờ thần Mặt trời. Điều này không có gì ngạc nhiên vì mặt trời là vật thể sáng nhất trên bầu trời, mọc và lặn mỗi ngày từ bao đời nay. Các nền văn minh cổ đại cho rằng, Mặt trời và Mặt trăng là những đối tượng cần được tôn trọng.

Các vị thần Mặt trời và sự thờ cúng thần Mặt trời được tìm thấy trong hầu hết các sử sách được ghi chép lại dưới nhiều hình thức khác nhau.

Trong suốt chiều dài lịch sử, sự tôn thờ thần Mặt trời đã được chứng thực rõ nét, nhiều nền văn hóa cổ đại rất coi trọng việc thờ cúng thần Mặt trời, như: người Ai Cập cổ đại, các nền văn hóa Ấn-Âu và nền văn hóa Mesoamerica cổ đại.

Người xưa cho rằng, mặt trời là vị cha chung của vũ trụ, người ban sự sống, ánh sáng và kiến thức cho nhân loại. Còn các vì sao là những vật thể đặc biệt trên bầu trời, chịu trách nhiệm mang lại ánh sáng khi trời tối.

Do vậy, các vị vua cai trị những đế chế hùng mạnh nhất trong lịch sử từng tuyên bố mình là hậu duệ của thần Mặt trời. Điển hình là vị Pharaoh Ai Cập cổ đại, Akhenaten, người truyền bá thuyết độc thần, tin vào sự tồn tại của một Đấng tối cao duy nhất và có uy quyền phổ quát cho người Ai Cập cổ đại, đối lập với thuyết đa thần, tôn thờ nhiều vị thần.

Truyền thuyết từ Nam Mỹ cho chúng ta biết về người cai trị đế quốc Inca (đế quốc lớn nhất ở Châu Mỹ thời kỳ tiền Columbus), vị vua Pachacuti vĩ đại có quyền lực trên một phạm vi rộng lớn nhờ chiếc đĩa mặt trời phản chiếu.

Còn trong tín ngưỡng Ai Cập Cổ đại, vị Pharaoh Akhenaten thờ cúng chiếc đĩa mặt trời Aten. Aten được mô tả dưới dạng một cái đĩa lớn màu đỏ và tỏa ra ánh sáng.

Gần như tất cả các tôn giáo trên thế giới đều hướng về một vị thần toàn năng duy nhất. Các tín ngưỡng truyền thống và thần thoại thờ cúng một vị thần duy nhất trong nguồn gốc của mình. Tín ngưỡng đa thần dường như đã phát triển từ sự xói mòn của thuyết độc thần.

Thần mặt trời đại diện cho mặt trời và các khía cạnh liên quan, như tia nắng đại diện cho ánh sáng, ấm áp, và tăng trưởng, là sự tín phụng của vị Pharaoh Akhenaten đối với chiếc đĩa mặt trời Aten.

Trong thần thoại của nhiều nền văn minh cổ đại, mặt trời là một vị thần được tôn sùng. Người Ai Cập cổ đại, người Lưỡng Hà, người Mexico, người Inca, người Trung Quốc, người Nhật Bản, người Hy Lạp và thậm chí cả người Hindu cổ đại đều có các vị thần hoặc vị thần đại diện kết nối với Mặt trời.

Người cổ đại coi Mặt trời là nguồn gốc của một vị thần tối cao và sau này được coi là thuyết độc thần.

Mặc dù các nền văn minh khác nhau tôn thờ các vị thần mặt trời khác nhau, trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta đề cập đến 5 nền văn minh cổ đại tôn thờ thần Mặt trời được biết đến nhiều nhất.

Nền văn minh Ai Cập cổ đại

Đối với người Ai Cập cổ đại, mặt trời tượng trưng cho sự phát triển, sức nóng, sức mạnh và ánh sáng. Chỉ riêng điều này đã khiến các vị thần Mặt trời trở nên quan trọng. Người Ai Cập sùng bái thần Mặt trời và thịnh hành trong nhiều thế kỷ, bao gồm thần Horus, Ra, Wadjet, Sekhmet, Hathor, Nut, Isis và Bat.

Từ triều đại thứ năm, các vị thần địa phương hợp nhất với thần Ra để tạo ra các vị thần đồng nhất, như: Atum-Ra, Min-Ra, hoặc Amun-Ra. Trong triều đại thứ 18, vị Pharaoh Akhenaten đã thay đổi tín ngưỡng đa thần, tuyên bố thuyết độc thần, thờ phụng chiếc đĩa mặt trời Aten, chống lại sức ảnh hưởng lớn mạnh của phái giáo sĩ Amun.

Nền văn minh Lưỡng Hà

Thần Mặt trời Utu của người Sumer, thờ phụng dưới tên là Shamash, đồng thời là thần công lý, đạo đức và chân lý, đóng một vai trò quan trọng ở khu vực Lưỡng Hà, thời kỳ đồ đồng. Ông là người mang lại hơi ấm và ánh sáng cho đất đai, không có ông thì cây cối hoa màu không thể phát triển.

Người Sumer tin rằng, khi cưỡi cỗ xe mặt trời ngang qua bầu trời, thần Utu quan sát và coi sóc tất cả mọi việc diễn ra vào ban ngày. Ông là thành viên của chùm tinh tú gồm bộ 3 vị thần: thần mặt trời Utu, thần mặt trăng Nanna và nữ thần tình yêu và chiến tranh Inanna, biểu tượng là ngôi sao ban mai.

Nền văn minh Hy Lạp cổ đại

Thần mặt trời Helios, minh họa ở Athens, năm thứ 5 B.C., Bảo tàng Anh
Thần mặt trời Helios, minh họa ở Athens, năm thứ 5 B.C., Bảo tàng Anh (Ảnh: Theoi)

Trong thần thoại Hy Lạp, Helios chính là thần Mặt trời. Helios được miêu tả là một vị thần điển trai với chiếc vương miện vàng tỏa vầng hào quang mạnh mẽ, tuyệt diệu. Ông cưỡi một cỗ xe trên trên bầu trời, lướt qua các đại dương và con sông bao quanh Gaea. Helios là người bảo vệ lời thề và vị thần thị lực.

Nhà thơ Hy lạp cổ đại xuất sắc Homer kể rằng chiến xa của Helios được kéo bởi những con bò đực bằng lửa, mặc dù nhà thơ Hy Lạp cổ đại Pindar mô tả chúng là “những con ngựa phun lửa”.

Hesiod, một trong những nhà văn vĩ đại đầu tiên của nền văn học Hy Lạp, cũng cho chúng ta biết rằng nữ thần bình minh Eos là một nữ thần mặt trời của Hy Lạp, là con gái của 2 vị thần, thần Titan Hyperion và nữ thần quan sát Theia.

Nền văn minh Inca cổ đại

Nền văn minh cổ đại Inca, cũng như nhiều nền văn minh khác trước đó, phát triển mạnh mẽ việc thờ cúng thần Mặt trời. Thần Inti, vị thần mặt trời được cho là tổ tiên và là một trong những vị thần quan trọng của người Inca.

Nền văn hóa Inca, ngày nay là khu vực thuộc Peru, Ecuador, Bolivia, một phần của Chile và Argentina.

Người Inca coi vị vua của họ là con trai của thần Mặt trời Inti. Truyền thuyết về cội nguồn của người Inca kể rằng, con trai của thần Mặt Trời là Manco Inca và em gái là Mama Ocllo được thần Inti phái xuống Trái Đất, trên hòn đảo Mặt trời, bên hồ Titicaca linh thiêng.

Với sự đô hộ của Tây Ban Nha và tôn giáo Công giáo bị áp đặt, các thần dân của đế chế Inca buộc phải ngừng tôn thờ thần Mặt trời.

Lễ hội Inti Raymi được tổ chức vào ngày 24/6 hàng năm và lễ hội Cápac Raymi vào tháng 12, để tôn vinh thần Mặt trời, vị thần được người Inca coi là đấng sáng tạo ra vạn vật trên trái đất cũng như quyết định vận mệnh của con người và vũ trụ.

Nền văn minh Aztec cổ đại

Theo người Mexica cổ đại cai trị đế chế Aztec – Mặt trời được coi là một vị thần quan trọng, và do niềm tin tín ngưỡng, họ dùng trái tim và hộp sọ của tù binh chiến tranh để hiến tế các vị thần của mình, truyền “hơi thở thần thánh” cho thần Tonatiuh – tên của thần Mặt trời Aztec – giữ cho hơi thở tồn tại.

Điều thú vị là người Mexica coi thần Tonatiuh là người đứng đầu thiên đường, đến từ nơi xa xôi. Tonatiuh là thần Mặt trời thứ năm vì người Mexica tin rằng thần nắm quyền kiểm soát khi thần Mặt trời thứ tư bị buộc phải ra khỏi bầu trời. Theo người Aztec cổ đại, mỗi Mặt trời là một vị thần với kỷ nguyên vũ trụ riêng.

May May

Theo Curiosmos



BÀI CHỌN LỌC

5 nền văn minh cổ đại tiêu biểu tôn thờ thần Mặt trời