4.000 năm lịch sử chiến tranh, bị xâm chiếm và thay đổi văn hóa nhiều lần, nhưng ít có tác động tới di truyền ở người dân Cận Đông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nghiên cứu mới về DNA của các bộ xương cổ đại trong suốt thời gian 4.000 năm tại vùng Cận Đông đã tiết lộ rằng hầu hết những thay đổi văn hóa, sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ không có tác dụng lâu dài đối với di truyền của người dân địa phương khu vực này.

Vùng Cận Đông được các nhà khảo cổ, các nhà địa lý và các sử gia Phương Tây sử dụng để chỉ vùng bao gồm Anatolia (phần thuộc châu Á của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), phương Đông (Syria, Liban, Jordan, Israellãnh thổ Palestine), vùng Lưỡng Hà (Iraq) và vùng phía Nam dãy núi Kavkaz (Gruzia, ArmeniaAzerbaijan).

Cận Đông là một ngã tư của các nền văn minh vĩ đại nhất thế giới cổ đại. Các cuộc xâm lược, viễn chinh của các nền văn minh khác, các tôn giáo khác qua nhiều thế kỷ đã gây ra những thay đổi to lớn trong các nền văn hóa, sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ của người dân tại nơi đây.

Các cuộc xâm lược và chinh phục của các quốc gia đối với các quốc gia khác thường là các cuộc cách mạng lớn của những người cai trị ưu tú, mạnh mẽ và kèm theo các cuộc di dân, đồng hóa dân ở địa phương đó. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Viện Wellcome Sanger, Đại học Birmingham, Viện Cận Đông ở Lebanon của Pháp và các cộng tác viên của họ chỉ tìm thấy ba khoảng thời gian có ảnh hưởng đến di truyền lâu dài của người dân ở khu vực Cận Đông. Đó là sự khởi đầu của thời đại đồ sắt, sự xuất hiện của Alexander Đại đế và sự thống trị của Đế chế Ottoman.

Theo một nghiên cứu báo cáo mới đây trên American Journal of Human Genetics (Tạp chí Di truyền học của Mỹ), cho thấy giá trị của việc sử dụng di truyền học song cùng với khảo cổ học để nghiên cứu lịch sử đã giúp các nhà khoa học có các hiểu biết sâu sắc hơn về những gì đã xảy ra đối với cuộc sống của đa số người dân thường trong suốt chiều dài lịch sử.

Trong nhiều thế kỷ, Levant (bao gồm Liban, Syria, Jordan, Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine) đã từng trải qua sự cai trị của các dân tộc khác nhau, bao gồm người Ai Cập, Babylon, Assyria, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã, Thập tự chinh, Ả Rập và Ottoman. Hầu hết trong số các dân tộc này đều đã có tác động làm ảnh hưởng đến văn hóa lâu dài đối với người dân địa phương, bao gồm cả những thay đổi về tôn giáo và thậm chí cả ngôn ngữ, như được thể hiện trong các ghi chép lịch sử và các phát hiện khảo cổ học.

Tuy nhiên, mặc dù vậy, các nghiên cứu trước đây cho thấy người dân địa phương ở Lebanon ngày nay chủ yếu là người gốc của địa phương đó trong Thời đại đồ đồng (2.100-1.500 trước Công nguyên), với khoảng 90% kiểu gen của họ đến từ khoảng 4.000 năm trước, và rất ít dấu vết lâu dài của cuộc xâm lược của Thập tự quân vào khoảng Thế kỷ XI -XIII.

Để hiểu được mâu thuẫn tiềm tàng này và xây dựng một bức tranh về lịch sử di truyền của người dân địa phương trong khu vực, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu DNA của các bộ xương cổ đại từ 4.000 năm trước. Nhóm nghiên cứu đã giải trình tự bộ gen của 19 người cổ đại sống ở Lebanon trong khoảng từ 800 BCE đến 200 CE và bằng cách kết hợp với dữ liệu cổ xưa và hiện đại của các nhà khoa học trước đó, đã tạo ra một dòng thời gian 8 điểm qua hàng thiên niên kỷ.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra những thay đổi di truyền kéo dài ở người dân địa phương chỉ sau ba khoảng thời gian chính - đó là thời kỳ đầu của Thời đại đồ sắt (khoảng 1.000 BCE), sự xuất hiện của Alexander Đại đế (bắt đầu năm 330 trước Công nguyên) và sự thống trị của Đế chế Ottoman (1.516 CE) ) - không có bất cứ sự thay đổi di truyền nào từ những khoảng thời gian khác.

Tiến sĩ Marc Haber, tác giả chính của nghiên cứu đến từ Đại học Birmingham và trước đây làm việc tại Viện Wellcome Sanger, cho biết: "Chúng tôi đã công bố một lịch sử di truyền của khu vực trong suốt 4.000 năm, với thời gian khoảng 500 năm một lần. những thay đổi văn hóa to lớn đã xảy ra nhiều lần trong thời kỳ này, nhưng chỉ có một vài lần thay đổi về di truyền của dân số nói chung đủ để ảnh hưởng đến đại đa số người dân trong khu vực".

Nghiên cứu cho thấy rằng một số người đã pha trộn và thành lập gia đình với những người đến từ các nền văn hóa khác. Một nơi chôn cất người cổ đại đã được khai quật, các nhà khoa học đã tìm thấy hài cốt của một người mẹ Ai Cập và con trai của bà, người con trai đó có cha là người pha trộn giữa dòng Ai Cập và Lebanon. Tuy nhiên, sự pha trộn chủng tộc này không phải là phổ biến.

Bằng chứng lịch sử thường dựa trên những phát hiện khảo cổ và hồ sơ bằng văn bản. Nhưng những bằng chứng bằng văn bản thường chủ yếu được ghi chép về những nhà cai trị ưu tú, những người giàu có và có địa vị xã hội nhất định, vì họ có nhiều tài nguyên hơn và có thể để lại các chứng cứ cho lịch sử. Cuộc sống của những người dân bình thường thì thường khó có điều kiện để chúng ta có được những hiểu biết sâu sắc hơn.

Tiến sĩ Joyce Nassar, một tác giả của bài báo và nhà khảo cổ học từ Viện Cận Đông, Lebanon, nói: "Nghiên cứu này thực sự thú vị, vì bằng chứng di truyền đang giúp chúng tôi giải thích những gì chúng tôi tìm thấy. Một số người có thể nghĩ rằng khi một vùng đất bị xâm chiếm, văn hóa của khu vực đó thay đổi và dân số cũng sẽ thay đổi như nhiều vùng khác trên thế giới hiện nay đã cho thấy. Nghiên cứu này của chúng tôi cho thấy nó không đơn giản như thế và nó cho chúng ta biết rằng chỉ có sự pha trộn sinh học rất hạn chế, bất chấp ảnh hưởng văn hóa và chính trị của các cuộc xâm lược".

Những bộ xương đến từ bốn địa điểm khai quật khảo cổ ở Beirut, được phát hiện trong các dự án xây dựng ở thủ đô Lebanon và đã được Tổng cục Cổ vật giải cứu thành công. Các nhà khảo cổ và các nhà nghiên cứu sau đó đã làm việc cùng nhau để chuyển các bộ xương đến một phòng thí nghiệm ở Estonia dành riêng cho nghiên cứu DNA của những người cổ đại. Ở phòng thí nghiệm này, các nhà khoa học đã lấy DNA của những người cổ đại được chiết xuất từ xương thái dương trong hộp sọ của họ. DNA sau đó được giải trình tự và phân tích tại Viện Sanger. Những tiến bộ gần đây trong công nghệ trích xuất và giải trình tự DNA đã giúp nghiên cứu được DNA cổ xưa kể cả những DNA bị hư hỏng.

Tiến sĩ Chris Tyler Smith, tác giả cao cấp của bài báo và trước đây làm việc tại Viện Wellcome Sanger, nói: "Chúng tôi thấy rằng những người như người Ai Cập và Thập tự quân đã đến Lebanon, sống, lập gia đình và chết ở đó. Trình tự DNA của họ tiết lộ điều này, nhưng sau một khoảng thời gian, thì không có dấu vết di truyền của họ trong dân cư địa phương nữa. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sức mạnh của DNA cổ đại và cung cấp thông tin mới về quá khứ của con người, bổ sung cho các ghi chép lịch sử hiện có và cho thấy lợi ích của sự hợp tác cùng nhau giữa các nhà khảo cổ và nhà di truyền học để hiểu biết các sự kiện lịch sử sâu sắc hơn".

Nghiên cứu của các nhà khoa học cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử và sự phát triển của nhân loại qua nhiều thế kỷ và thiên niên kỷ đã qua.

Ánh Dương

Theo Phys-org

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

4.000 năm lịch sử chiến tranh, bị xâm chiếm và thay đổi văn hóa nhiều lần, nhưng ít có tác động tới di truyền ở người dân Cận Đông