3 kỹ sư bị kết tội đánh cắp bí mật công nghệ sản xuất chip của Mỹ cho Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một tòa án Đài Loan đã ra phán quyết vào thứ Sáu (12/6) rằng các kỹ sư hiện tại và cựu kỹ sư của United Microelectronics Corp (UMC) đã đánh cắp bí mật thương mại từ nhà sản xuất chip Mỹ Micron Technology và chia sẻ chúng với một công ty Trung Quốc đại lục do Bắc Kinh hậu thuẫn, theo Bloomberg.

Tòa án quận Đài Trung đã phạt UMC 100 triệu Đài tệ (78,5 tỷ VNĐ) sau khi phát hiện 3 kỹ sư của công ty này phạm tội hoặc hỗ trợ trong vụ trộm. Bộ 3 sẽ phải ngồi tù trong khoảng thời gian từ 4,5-6,5 năm và bị phạt từ 4-6 triệu Đài tệ (3,1-4,7 tỷ VNĐ).

UMC cho biết công ty sẽ kháng cáo phán quyết, nói rằng họ có cơ chế để bảo vệ khách hàng của mình, quyền sở hữu trí tuệ và họ không vi phạm luật bí mật thương mại.

Công ty Đài Loan nói trong một tuyên bố: “Trong khi kháng cáo chống lại phán quyết và hình phạt quá bất công, UMC sẽ trích dẫn nhiều điều bất thường trong cả cuộc điều tra và vụ án”.

Ngược lại, công ty Mỹ Micron hoan nghênh phán quyết và cho biết công lý đã được thực thi.

Công ty này nói: “Việc chiếm đoạt bí mật thương mại và chuyển nhượng ra bên ngoài Đài Loan gây bất lợi cho toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn của đất nước và đe dọa tính cạnh tranh trong tương lai. Phán quyết này càng củng cố tầm quan trọng của việc bảo vệ sở hữu trí tuệ trên hòn đảo, chứng minh rằng tội chiếm đoạt sẽ được kết án thích hợp”.

Micron lần đầu tiên kiện UMC và đối tác Trung Quốc - Công ty Mạch tích hợp Phúc Kiến Kim Hoa - vào năm 2017 tại Mỹ vì ăn cắp bí mật thương mại, đặt ra tranh chấp giữa nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu của Mỹ và một trong những công ty lớn nhất châu Á thuộc ngành sản xuất chất bán dẫn theo đơn đặt hàng. Vào tháng 1/2018, UMC đã kiện ngược lại Micron ở Trung Quốc đại lục và tháng 7 năm đó, một tòa án Trung Quốc đã cấm bán một số chip Micron tại nước này. Vào tháng 11/2018, UMC và Kim Hoa cùng với 3 cá nhân đã bị truy tố ở California và buộc tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ Micron.

Các công tố viên Đài Trung đã truy tố 2 nhân viên của UMC là J.T. Ho và Kenny Wang vào năm 2017 với cáo buộc vi phạm bí mật thương mại của Micron. Cả 2 đều là cựu nhân viên của nhà sản xuất chip Hoa Kỳ. Các công tố viên cho biết trong một tài liệu cáo trạng được Bloomberg News xem xét rằng, ông Ho và Wang đã sao chép dữ liệu DRAM Micron trên các thiết bị của họ và sử dụng cho công việc tại UMC, bao gồm một dự án hợp tác với công ty Phúc Kiến Kim Hoa của Trung Quốc.

Phát ngôn viên của UMC cho biết, ông Wang không còn là nhân viên của công ty. Theo bản cáo trạng thì để rút ngắn thời gian phát triển chip, một nhân viên thứ 3 của UMC Rong Leh-tian đã hướng dẫn ông Wang kết hợp thông tin thiết kế Micron vào cho UMC.

Khi đưa ra phán quyết của mình, tòa án đã trích dẫn bằng chứng bao gồm cả việc ông Ho có cả 2 bảng lương của UMC và Kim Hoa, và rõ ràng công nghệ bị đánh cắp đã được sử dụng ở Trung Quốc.

Tòa án nói trong một tuyên bố: “Ông Ho đã kiếm được 2 lương tương ứng từ UMC và Kim Hoa, vì vậy rõ ràng là ông ta có ý định sử dụng [dữ liệu Micron] tại Trung Quốc đại lục. Cả Kenny Wang và Rong Leh-Tian đều rò rỉ bí mật thương mại của Micron cho UMC để sử dụng cho các đơn vị kinh doanh có liên quan của UMC... và nghiên cứu cuối cùng đã được chuyển đến Kim Hoa để sản xuất hàng loạt, vì vậy họ cũng có ý định sử dụng [dữ liệu của Micron] ở Trung Quốc đại lục”.

Theo tòa án, ông Rong, một quản lý cấp cao, đã hướng dẫn 2 bị cáo khác xóa sạch mọi dữ liệu Micron trên máy tính trước khi các công tố viên Đài Loan đột kích vào máy trạm của những người này, nhưng các nhà điều tra vẫn tìm thấy một khối lượng lớn tài liệu từ công ty Hoa Kỳ trên các thiết bị.

Tòa án cho biết ông Ho đã nhận được 5 triệu Đài tệ từ cả UMC và Kim Hoa. Trong khi đó, ông Wang nhận được 1,5 triệu Đài tệ (1,17 tỷ VNĐ) và ông Rong nhận 1,6 triệu Đài tệ (1,25 tỷ VNĐ) từ UMC.

Tòa án nói trong một tuyên bố: “Hành vi của các bị cáo đã dẫn đến việc Micron mất lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường các sản phẩm liên quan đến bí mật thương mại bị rò rỉ và làm suy yếu lợi ích của công ty Mỹ. Thiệt hại này rất khó khắc phục”.

Trước khi phán quyết được công bố, giáo sư luật tại Đại học Giao thông Quốc gia Đài Loan Carol Lin cho biết: “Hoa Kỳ đang tăng cường giám sát các nhà đầu tư và công ty Trung Quốc và sẽ không cho phép hòn đảo trở thành kẽ hở”.

Bà nói rằng quy trình pháp lý của Đài Loan đối với các trường hợp trộm cắp IP là lâu dài và không biết khi nào vụ kiện UMC này sẽ được hoàn tất. Bà Lin cho biết: “Điều này thực sự có thể làm suy yếu niềm tin của các công ty nước ngoài tại Đài Loan”.

Phán quyết hôm thứ Sáu (12/6) cho thấy sự giám sát ngày càng tăng đối với các công ty Đài Loan trong lĩnh vực sản xuất chip và điện tử. Ngày 15/5, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa ra một quy định sửa đổi nhằm ngăn chặn các nhà sản xuất chất bán dẫn nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ bán sản phẩm của họ cho Huawei trừ khi có giấy phép. Động thái này được coi là một nỗ lực nhằm ngăn chặn công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) cung cấp chip bán dẫn cho gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

Ngay sau đó vào ngày 18/5, TSMC thông báo rằng họ sẽ tạm dừng các đơn đặt hàng mới từ Huawei để đáp ứng quy định xuất khẩu chặt chẽ hơn của Hoa Kỳ, theo Nikkei Asian Review.

Văn Thiện

Theo Bloomberg



BÀI CHỌN LỌC

3 kỹ sư bị kết tội đánh cắp bí mật công nghệ sản xuất chip của Mỹ cho Trung Quốc