28 nghìn tỷ tấn băng tan chảy từ năm 1994: Nước biển dâng và hệ lụy với Việt Nam

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một nghiên cứu, từ năm 1994 đến 2017, Trái đất đã mất 28 nghìn tỷ tấn băng và tốc độ băng tan đang tăng tốc nhanh chóng. Nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu vệ tinh và các mô hình khác để lần đầu tiên trình bày chi tiết về việc tan chảy các khối băng khác nhau...

Nhóm các nhà khoa học từ Đại học Leeds và Edinburgh, và Đại học Hoàng gia London, đã nghiên cứu các tảng băng ở Nam Cực và Greenland, các sông băng trên khắp thế giới cũng như các thềm băng và biển ở Bắc Cực và Nam Cực.

Họ phát hiện ra rằng tất cả các khu vực này đã mất hàng nghìn tỷ tấn băng với 60% băng tan ở Bắc bán cầu.

Các tảng băng nổi trên biển tan không trực tiếp góp phần làm mực nước biển dâng, nhưng các khối lượng băng khổng lồ trên mặt đất ở Nam Cực, Greenland và các sông băng đang tan chảy. Điều này đã khiến mực nước biển tăng lên tới 3,5 cm từ năm 1994 đến 2017.

Tiến sĩ Isobel Lawrence, một thành viên nghiên cứu tại Đại học Leeds và là đồng tác giả của nghiên cứu, nói với tờ The Independent rằng nếu 28 nghìn tỷ tấn băng tan chảy được phân bố trên bề mặt của xứ Wales với diện tích gần 21.000 km vuông, thì tảng băng này sẽ dày 1,2 km.

Mặc dù quy mô băng tan rất lớn, nhóm nghiên cứu của bà Lawrence không ngạc nhiên vì họ đã quen với các ước tính như vậy. Tuy nhiên, bà cho biết họ đã rất lo lắng trước sự gia tăng tốc độ băng tan chảy.

Tiến sĩ Lawrence cho biết: “Điều gây lo ngại nhất là tốc độ [tan chảy] đang tăng nhanh. Trong hai thập kỷ kể từ những năm 1990, chúng tôi ước tính tốc độ này tăng từ 0,8 lên 1,2 nghìn tỷ tấn băng mỗi năm, tức là tăng 57% trong một thập kỷ”.

Bà nói: “Các tảng băng và sông băng ở Greenland và Nam Cực là băng ở trên mặt đất, vì vậy sự tan chảy của chúng góp phần làm tăng mực nước biển. Sự tan chảy của tảng băng trên biển và các thềm băng không góp phần làm mực nước biển dâng lên vì chúng nổi trên mặt nước. Có khoảng 54% băng trôi trên biển và 46% nằm trên mặt đất, vì vậy có khoảng một nửa lượng băng tan sẽ trực tiếp làm tăng mực nước biển”.

Bà cho biết băng tan ở Greenland và Nam Cực có thể đóng góp 25-30 cm vào mực nước biển toàn cầu vào cuối thế kỷ này trong "trường hợp xấu nhất" do Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu nêu ra. Ngoài ra, sự giãn nở nhiệt của các đại dương do nước biển ấm lên cũng làm mực nước biển dâng.

Theo Nasa, chỉ riêng lớp băng ở Greenland tan chảy đã đủ khiến mực nước biển của hành tinh dâng lên 7,4 m, trong khi tổng lượng băng tan chảy ở Nam Cực sẽ làm mực nước biển tăng thêm khoảng 60 m.

Cũng như mực nước biển dâng, sự tan chảy của những khối băng lớn như vậy gây ra nhiều vấn đề khác. Tất cả băng được lưu trữ trong các sông băng và trong các tảng băng ở Nam Cực và Greenland đều là nước ngọt, và khi chúng tan chảy và trôi vào đại dương, lượng nước ngọt khổng lồ này sẽ làm thay đổi độ mặn của biển.

Sự khác biệt giữa nước mặn của các đại dương và các vùng nước ngọt có thể đủ để ngăn chặn sự hình thành băng trên biển theo mùa, và ở một số khu vực thì làm thay đổi các dòng hải lưu.

Tiến sĩ Lawrence cho biết: “Ở Nam Đại Dương và Bắc Băng Dương, chúng tôi đã thấy những thay đổi dòng hải lưu do tác động của nước ngọt. Những gì chúng ta chưa biết là hậu của của việc này ở phần còn lại của thế giới, bởi vì các dòng hải lưu trên toàn cầu đều liên kết với nhau”.

Bà nói thêm: “Nếu nguồn nước ngọt do băng tan này gây ra sự thay đổi các dòng hải lưu toàn cầu - mà một số mô hình đã chỉ ra - thì nó có thể gây ra hậu quả đối với khí hậu toàn cầu trong một thời gian dài hơn”.

Các nghiên cứu trước đây cho thấy những thay đổi đối với độ mặn có thể là nguyên nhân dẫn đến sự chậm lại của các dòng chảy, chẳng hạn như dòng hải lưu Gulf Stream nước ấm mang đến khí hậu ấm áp cho Tây Âu. Các nhà khoa học cho biết nếu không có nó, mùa đông ở Anh có thể lạnh hơn khoảng 5 độ C.

Trong nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học báo cáo rằng phần lớn lượng băng mất đi là do sự nóng lên của khí quyển, với 68% là do băng ở biển Bắc Cực, sông băng trên núi, thềm băng và sự cân bằng khối lượng bề mặt băng.

32% thiệt hại còn lại là do sự không đóng băng và sự mỏng đi của thềm băng, mà theo họ là do sự nóng lên của đại dương.

Nghiên cứu đã được xuất bản dưới dạng bản in trước trên tạp chí truy cập mở The Cryosphere và chưa được đánh giá ngang hàng.

Nước biển dâng và hệ lụy với Việt Nam

Theo kết luận của một dự án do Đại sứ quán Đan Mạch ở Việt Nam tài trợ, mực nước biển dâng cao theo như dự tính do trái đất ấm lên có thể gây ra những hậu quả thảm hại đối với cuộc sống và sức khỏe của người dân tại những vùng bị ngập lụt và có thể có những tác động sau đây:

▪ Gia tăng bão lụt tại các khu vực gần bờ hoặc các khu vực đảo

▪ Mất đất canh tác màu mỡ

▪ Diện tích bị nước mặn hoặc nước nợ xâm nhập tăng

▪ Mất đi tính đa dạng của hệ động và thực vật tại Việt Nam

▪ Các hệ sinh thái quan trọng biến mất do nước biển dâng cao

Theo tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam trong dự thảo “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”: Nếu mực nước biển dâng cao 1 m, sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển bị ngập. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ngập trên 20% diện tích.

Vị trí các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập khi nước biển dâng 1m. (Ảnh: Kịch bản nước biển dâng năm 2011, Viện khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường)
Vị trí các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập khi nước biển dâng 1m. (Ảnh: Kịch bản nước biển dâng năm 2011, Viện khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường)

Theo dự thảo này, nếu mực nước biển dâng cao 1 m, khoảng 10-12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.

Văn Thiện

Theo independent, devi-renewable



BÀI CHỌN LỌC

28 nghìn tỷ tấn băng tan chảy từ năm 1994: Nước biển dâng và hệ lụy với Việt Nam