Những câu chuyện giáo dục thú vị (Kỳ 3): Chiếc loa thay đổi con người

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà giáo dục trẻ em nổi tiếng người Nhật Yoshioka Tasuku, trong mấy chục năm dạy học của mình đã để lại nhiều câu chuyện thú vị về chủ đề ‘thầy - trò’. Những câu chuyện vui này đã giúp giải khai những mối lo lắng mà các bậc cha mẹ thường hay gặp khi giáo dục con cái mình.

Trong phần trước, chúng ta đã nghe câu chuyện về một cậu bé nhút nhát khi lớn lên đã trở thành nhà văn viết sách ở Hà Lan nhờ nhận được sự tin tưởng và hỗ trợ của thầy giáo. Phần này, chúng ta hãy xem câu chuyện về một cô gái nhút nhát khác, có giọng nói như tiếng côn trùng kêu. Cô ấy đã thay đổi một cách kỳ diệu, chỉ vì… phải bỏ cuộc trước “cái loa phóng thanh vô tận” của thầy Yoshioka.

Con gái chuyển trường khiến người mẹ lo lắng

Có không ít các bậc cha mẹ, hễ nhìn thấy con mình yếu đuối kém cỏi, liền sẽ không kiềm chế được mà cảm thấy buồn bực bất an, hoặc là lo lắng đứa trẻ bị cười nhạo, bị bạn cùng lớp ức hiếp, bị giáo viên ghét bỏ phê bình… nói chung là đủ loại lo lắng. Có lẽ là vì để an ủi các bậc cha mẹ trong thiên hạ, thầy giáo Yoshioka đã kể lại câu chuyện về cô bé nhút nhát này, đây cũng là câu chuyện bắt đầu từ sự lo lắng của mẹ cô bé.

Theo mô tả của câu chuyện, cô bé có tên là ふ ゆ み (Fuyumi). Vào học kỳ thứ hai lớp ba của trường tiểu học, mới bắt đầu kỳ học được vài ngày thì cô được chuyển từ trường khác sang lớp do thầy Yoshioka phụ trách.

Vào ngày hôm đó, mẹ của Fuyumi đã tìm gặp thầy Yoshioka và nói với vẻ lo lắng: "Thưa thầy, có một việc về con gái của tôi. Tôi hy vọng thầy có thể hiểu nó trước, không biết thầy…”. Thầy Yoshioka vừa nghe, liền hiểu được và động viên bà không cần e ngại, có điều gì lo lắng về đứa trẻ cứ thoải mái nói ra.

Người mẹ nghe xong, vẻ mặt căng thẳng của bà lập tức được thư giãn, bà vội vàng nói ra mối lo lắng trong lòng: "Thưa thầy, con gái tôi về phương diện học hành thì không cần phải quá lo lắng, nhưng mà giọng nói của cháu thì bé quá. Cháu ở nhà thì không sao, có thể nói chuyện to, nhưng hễ đến trường là trở nên lí nhí, nói không thành tiếng. Nhất là khi con bé đứng một mình đọc bài trước cả lớp, thì quả thực giống như con sâu đang kêu vậy, không ai có thể nghe thấy".

Cháu ở nhà thì không sao, có thể nói chuyện to, nhưng hễ đến trường là trở nên lí nhí, nói không thành tiếng.
Cháu ở nhà thì không sao, có thể nói chuyện to, nhưng hễ đến trường là trở nên lí nhí, nói không thành tiếng. (Ảnh: Shutterstock)

Thầy giáo Yoshioka vội vàng an ủi bà không nên quá lo lắng, các em vốn là có đủ kiểu đủ loại tính cách khác nhau, có đứa nói rất to, lại có đứa nói bé, đều rất bình thường, và trong lớp học này có không ít đứa trẻ đọc nhỏ, không chỉ riêng Fuyumi.

Nghe xong, người mẹ cảm ơn thầy giáo rất nhiều vì đã thông cảm, và nói ông rằng cô cảm thấy nhẹ nhõm. Đương nhiên, từ lời nói của người mẹ, thầy giáo Yoshioka đoán thấy trước đây từng có chuyện gì đó không thoải mái đã xảy ra, bèn quan tâm hỏi han: “Fuyumi nói bé như vậy, liệu đã xảy ra chuyện gì khó xử cho con bé không?”.

Lúc này, người mẹ cuối cùng đã thú nhận:

"Hồi lớp một, con bé thường xuyên bị cô giáo nhắc nhở là đọc bé quá, các bạn cùng lớp cũng cảm thấy con bé kỳ quái khó hiểu, khiến tinh thần con bé trở nên sa sút, chán nản.

Lên lớp hai, cũng tình trạng cũng không khá hơn. Nhưng đã gặp được một vị giáo viên như vầy, hễ đến lượt con bé đọc là lại nhắc ‘Khoan, Fuyumi, em đọc bé quá, các bạn sẽ không nghe thấy. Như vậy đi, thầy sẽ làm một cái loa phóng thanh’. Nói xong, thầy giáo đứng bên cạnh Fuyumi, hễ con bé đọc xong một câu thì thầy sẽ đọc to lại câu đó, từng từ một. Cứ như thế, con bé rất vui, thực sự rất vui....”.

Câu chuyện nói đến đây, mọi người có thể nhận ra rằng người mẹ lo lắng sau khi chuyển trường, đứa trẻ sẽ lại rơi vào trầm cảm, sợ rằng giáo viên sẽ không hiểu con mình, sẽ ghét bỏ và trách mắng cô bé. Bà mong muốn giáo viên mới cũng sẽ như vị thầy giáo hồi lớp hai, sẵn sàng làm một cái “loa phóng thanh” đứng bên cạnh đứa bé, đối xử tốt với con mình. Do đó, ngay từ đầu bà muốn đề cập mong muốn này nhưng ngập ngừng không dám nói.

Hiển nhiên người mẹ rất rõ ràng rằng, đây là tình thương mà cha mẹ dành cho con, điều đó là hợp tình hợp lý, nhưng đối với giáo viên, việc đó lại thực sự là có phần e ngại. Thật khó để yêu cầu giáo viên làm điều này, nó vượt quá giới hạn bình thường. Nói không chừng, giáo viên sẽ phản đối, không cho cha mẹ cưng chiều con quá như thế, và cần phải có biện pháp thay đổi tật xấu này của trẻ.

Hiển nhiên người mẹ rất rõ ràng rằng, đây là tình thương mà cha mẹ dành cho con, điều đó là hợp tình hợp lý, nhưng đối với giáo viên, việc đó lại thực sự là có phần e ngại.
Hiển nhiên người mẹ rất rõ ràng rằng, đây là tình thương mà cha mẹ dành cho con, điều đó là hợp tình hợp lý, nhưng đối với giáo viên, việc đó lại thực sự là có phần e ngại. (Ảnh: Shutterstock)

Vậy thầy giáo Yoshioka phản ứng như thế nào?

Thầy giáo biến thành một cái loa phóng thanh công cộng

Trong câu chuyện được kể bởi Yoshioka, ông không mô tả tâm lý của người mẹ, mà chỉ kể rõ lời nói nguyên gốc của bà. Nhưng bất cứ ai đọc những lời này cũng sẽ cảm thấy rằng, thật cảm động cho tấm lòng những người mẹ trên thế giới này, không dám quá phận yêu cầu giáo viên, nhưng lại vô cùng mong đợi, và cuối cùng nhịn không được đành phải bày tỏ sự mong đợi này.

Ông Yoshioka suốt một đời làm giáo viên của mình, đều rất coi trọng thái độ khiêm tốn và tu dưỡng. Ngay cả khi đối mặt với trẻ em, ông cũng không bao giờ dùng thái độ tự cao tự đại, ‘không gì không biết’ để đối xử với người khác. Ông rất cảm thông đối với phụ huynh và học sinh, coi mỗi học sinh là một đứa trẻ mà bản thân mình phải bảo vệ.

Có một trái tim ân cần và nhân ái như thế, vì vậy, phản ứng của Yoshioka, không những không thể hiện sự khó chịu trước đòi hỏi quá phận của người mẹ, mà còn tỏ ra vui mừng khi nghe thấy rằng đứa trẻ trước đây đã gặp được một giáo viên tốt như vậy. Phản ứng này khiến bà mẹ nhẹ nhõm. Nói cách khác, trái tim của vị thầy giáo này không phải ở trên chính bản thân ông, mà là ở trên người đứa trẻ. Miễn là ông có thể giải quyết vấn đề cho đứa trẻ, thì ông sẵn sàng chấp nhận ý kiến ​​hay đề nghị của bất kỳ ai.

Nhưng trong câu chuyện này, cho dù một câu thể hiện bản thân mình, ông Yoshioka cũng không nói đến, chỉ là rất vui khi mô tả rằng ông đã bắt chước cách làm của vị giáo viên kia. Và ông đã bắt đầu bắt chước giáo viên đó. Trong lớp, chỉ cần một học sinh đọc bài bé, ông sẽ đứng bên cạnh và tự động trở thành một “chiếc loa phóng thanh”. Bằng cách này, với sự khiêm tốn và nhân từ của vị thầy giáo, bầu không khí lớp học trở nên vui nhộn và sinh động. Những âm thanh của “chiếc loa phát thanh”, thực sự trở thành thứ âm thanh trầm ấm, sưởi ấm trái tim của học sinh và phụ huynh.

Thưa thầy, hôm nay em không cần một cái loa phóng thanh

Sau một học kỳ trôi qua, một phép lạ đã xảy ra. Đó là vào một ngày của học kỳ thứ ba, bởi vì một năm học ở Nhật Bản được chia làm ba học kỳ, thầy Yoshioka đã trải qua vài tháng làm “loa phóng thanh”. Một ngày nọ, khi đến lượt Fuyumi đọc bài, cô bé đột nhiên lấy hết can đảm, bằng một giọng nói to và rõ ràng, nói với thầy giáo: "Thưa thầy, hôm nay em không cần loa, em sẽ tự đọc". Nói xong, cô bé cố gắng đọc to để cả lớp có thể nghe thấy.

Một ngày nọ, khi đến lượt Fuyumi đọc bài, cô bé đột nhiên lấy hết can đảm, bằng một giọng nói to và rõ ràng, nói với thầy giáo: "Thưa thầy, hôm nay em không cần loa, em sẽ tự đọc".
Một ngày nọ, khi đến lượt Fuyumi đọc bài, cô bé đột nhiên lấy hết can đảm, bằng một giọng nói to và rõ ràng, nói với thầy giáo: "Thưa thầy, hôm nay em không cần loa, em sẽ tự đọc". (Ảnh: Shutterstock)

Cả lớp vừa bất ngờ, vừa xúc động, rào rào vỗ tay. Và có lẽ thầy Yoshioka là người vui mừng nhất.

Gieo hạt giống thiện lương

Câu chuyện này đã truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta. Tấm lòng thiện lương ấm áp luôn luôn có thể làm rung động và thay đổi một con người. Trong cảnh khốn cùng, thì sự cảm thông và giúp đỡ, mạnh mẽ hơn bất kỳ lời rao giảng và áp đặt khắc nghiệt nào. Hành động của người thầy giáo chỉ là trợ giúp, không có bất kỳ lời trách móc, cũng không có lời nào yêu cầu đứa trẻ phải thay đổi giọng nói, nhưng sự cảm thông và nguyện ý làm “chiếc loa phóng thanh” của ông đã đã khiến đứa trẻ tự mình thay đổi.

Không chỉ vậy, hành động của thầy giáo cũng đã giáo dục rất tốt tất cả học sinh trong lớp, mà không cần phải dùng đến lời nói. Tin rằng những đứa trẻ lớn lên dưới tấm gương của thầy giáo mình, những hạt giống thiện lương và bao dung sẽ được gieo trong trái tim chúng. Trong tương lai, khi đối nhân xử thế, hành động của người thầy sẽ khắc sâu trong trái tim chúng, làm một tấm gương tốt để chúng noi theo. Mở rộng trái tim đón nhận những đứa trẻ nhỏ bé và yếu đuối, không phân biệt đối xử, không chỉ trích, mà lặng lẽ quan tâm. Việc làm ấy còn ấm áp và mạnh mẽ hơn hàng ngàn lời nói, trở thành bảo chứng kiên cố về sự thiện lương trong lòng những đứa trẻ.

Đây chính là một tấm gương sáng về đối nhân xử thế, là điều mà giáo dục cần nhất trong xã hội hiện đại.

Hòa An biên dịch
Theo bannedbook.org

Xem thêm: Kỳ 2



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Những câu chuyện giáo dục thú vị (Kỳ 3): Chiếc loa thay đổi con người