Người Pháp giáo dục nhân cách cho trẻ bắt đầu từ bàn ăn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Được biết đến như là cái nôi của văn hóa Châu Âu, người Pháp nổi tiếng về sự lãng mạn, lịch thiệp. Đặc biệt Ẩm thực Pháp hết sức tinh tế, sang trọng. Người Pháp chú trọng tạo dựng, bồi đắp những phong cách, giá trị truyền thống tốt đẹp này cho trẻ từ khi còn rất nhỏ và bắt đầu ngay trên bàn ăn của gia đình.

Người Pháp rất coi trọng bữa ăn gia đình, họ cho rằng mỗi ngày cả gia đình ít nhất phải ăn cùng nhau một bữa và bữa ăn có thể kéo dài đến 2 tiếng. Đó là khoảng thời gian các thành viên có cơ hội quây quần bên bàn ăn, chuyện trò, sẻ chia và gắn kết. Trong không khí đầm ấm như vậy, bữa ăn càng thêm hương vị.

Nhiều cha mẹ, ông bà Việt Nam thường chiều con cháu bằng cách cho chúng ăn những món chúng thích mặc dù những món ăn đó chỉ trước bữa chính ít phút và không có lợi cho sức khỏe, cũng có khi phạt các em bằng cách không cho chúng ăn món đó nữa. Trong bữa ăn, vẫn còn cảnh cha mẹ, ông bà cầm bát chạy dong theo con cháu để đút cho từng thìa. Sẽ không tìm thấy những điều tương tự như thế ở Pháp.

Ở Việt Nam, vẫn còn cảnh cha mẹ, ông bà cầm bát chạy dong theo con cháu để đút cho từng thìa. Sẽ không tìm thấy những điều tương tự như thế ở Pháp.
Ở Việt Nam, vẫn còn cảnh cha mẹ, ông bà cầm bát chạy dong theo con cháu để đút cho từng thìa. Sẽ không tìm thấy những điều tương tự như thế ở Pháp. (Ảnh: Shutterstock)

Karen Le Billon, người Canada, tác giả của cuốn “Trẻ em Pháp ăn mọi thức ăn" chia sẻ khi cô chuyển tới Pháp sinh sống cùng hai cô con gái nhỏ, các con cô vốn rất biếng ăn. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, hai bé đã thay đổi hoàn toàn cách ăn uống.

Thói quen ngồi vào bàn ăn

Khi đến bữa, dù là bữa chính hay bữa phụ, trẻ em Pháp đều được cha mẹ hướng dẫn, yêu cầu ngồi vào bàn ăn. Không có chuyện chạy lung tung hoặc ngồi riêng ở một chỗ. Điều này giúp cho trẻ có thói quen tập trung vào bữa ăn, đồ ăn trước mặt, và hiểu được bữa ăn là nghi thức quan trọng, nghiêm túc trong gia đình. Không chơi nghịch đồ chơi, điện thoại, không vừa ăn vừa xem tivi hay đi ăn dong từ khi còn rất nhỏ.

Bàn ăn của người Pháp luôn được trải khăn và trang trí như những bữa tiệc thịnh soạn. Mọi đồ dùng trên bàn có thể không cùng bộ nhưng luôn được bày trí theo những nguyên tắc nhất định. Sự cầu kỳ và tinh tế vốn có của người Pháp trong bữa ăn đã tạo cho các em ý thức nghiêm túc trong bữa ăn và cảm giác mình cũng là một thành viên được coi trọng như những người lớn khác. Karen chia sẻ, hai con của cô rất thích thú với những bữa ăn được bày biện kiểu Pháp. Trên bàn ăn có những chiếc đĩa xinh xắn, khăn ăn, hoa và nến. Sự cầu kỳ và tinh tế của người Pháp trong bữa ăn khiến các con cô cảm thấy thích thú với việc ăn uống hơn.

Khi trẻ cùng cha mẹ dùng bữa bên ngoài hay tại gia đình người thân, các em đều rất thanh lịch, ứng xử lễ phép, biết cách sử dụng mọi đồ dùng trên bàn thuần thục. Các em không chạy nhảy hay gây tiếng ồn cho mọi người xung quanh. Theo cha mẹ người Pháp, dạy trẻ kiên nhẫn cùng mọi người trong suốt bữa ăn và trò chuyện với người thân là một kỹ năng sống quan trọng. Nhưng nếu các em còn quá nhỏ, sau khi ăn xong và cần phải chờ người lớn dùng xong bữa, các em sẽ buồn chán, có thể đòi hỏi nhu cầu giải trí, nhiều nhà hàng hoặc cha mẹ thường chuẩn bị sẵn những "bảo bối" dành cho các em, đơn giản chỉ là món đồ chơi nho nhỏ, hộp bút chì màu và tờ giấy vẽ.

Theo cha mẹ người Pháp, dạy trẻ kiên nhẫn cùng mọi người trong suốt bữa ăn và trò chuyện với người thân là một kỹ năng sống quan trọng.
Theo cha mẹ người Pháp, dạy trẻ kiên nhẫn cùng mọi người trong suốt bữa ăn và trò chuyện với người thân là một kỹ năng sống quan trọng. (Ảnh: Shutterstock)

Không có khẩu phần ăn dành riêng cho trẻ, trẻ ăn các món như người lớn

Nhiều cha mẹ luôn đáp ứng sở thích ăn uống của con cái trong bữa ăn, có em còn được thiết kế một khẩu phần ăn với chế độ dinh dưỡng riêng. Tuy nhiên người Pháp cho rằng, chuẩn bị đồ ăn riêng đặc biệt cho trẻ em sẽ khiến chúng cảm thấy mình đặc biệt hơn những người khác. Sau này trong môi trường đội nhóm, các em sẽ coi trọng cái tôi, lợi ích cá nhân mình hơn việc hòa đồng với tập thể, thiếu sự quan tâm, suy nghĩ tới người khác.

Trẻ em Pháp không kén ăn, các em có thể ăn các loại thực phẩm, món ăn có gia vị mạnh như người lớn. Người Pháp không nấu đồ ăn riêng cho trẻ cả ở nhà, ở ngoài cũng như ở các trường học. Mọi thành viên trong gia đình bao gồm cả các em nhỏ đều ăn cùng một loại thức ăn. Nếu chỉ cho trẻ ăn một số loại thức ăn nhất định, khi lớn lên trẻ sẽ rất kén ăn. Ngược lại, nếu cho con ăn theo kiểu người Pháp, trẻ nhỏ ăn được nhiều loại thực phẩm hơn và ít mắc các chứng dị ứng hơn.

Không ăn vặt, đói một chút không sao cả

Nhiều cha mẹ luôn lo lắng con trẻ sẽ bị đói vào giữa các bữa chính, nhưng sự thật là đói một chút cũng chẳng sao cả. Cha mẹ Pháp cho rằng trẻ em đói một chút sẽ kích thích ăn uống tốt cho bữa chính tiếp theo và họ không cho con cái đồ ăn vặt. Đói cũng là cách để trẻ em học cách rèn luyện và quen với việc đợi đến đúng bữa, chịu đói một chút cũng không sao. Nếu không, khi lớn lên, chúng sẽ có thói quen ăn ngay một thứ gì đó khi đói thay vì đợi đến bữa tiếp theo.

Trẻ em Pháp ăn mọi thức ăn, có thể không thích nhưng nên thử

Trong bữa ăn, nếu trẻ không muốn ăn món nào đó, cha mẹ sẽ không nài ép nhưng ít nhất chúng cần phải nếm thử. Sau khi nếm thử, nếu trẻ không thích, cha mẹ sẽ thu dọn đồ ăn vào cuối bữa và không có thức ăn khác thay thế. Còn nếu trẻ thích đồ ăn sau khi nếm thử, cha mẹ cũng không động viên hay khen ngợi, cha mẹ để con cái tự trải nghiệm và quyết định lựa chọn đồ ăn cho mình. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, hầu hết trẻ em phải ăn thử món mới trên 7 lần trước khi chúng sẵn sàng ăn nó. Vì thế, nếu ban đầu con của bạn không thích một món nào đó, không sao, điều đó không có nghĩa là chúng sẽ không biết ăn món đó.

Quan sát cách cha mẹ Pháp giáo dục trẻ nhỏ trong việc ăn uống, chúng ta có thể học tập rút ra những bài học quý giá hình thành giá trị nhân cách, tình cảm, đạo đức, thói quen ứng xử của con trẻ khi trưởng thành.

May May
Nguồn: The Epoch Times

Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

Người Pháp giáo dục nhân cách cho trẻ bắt đầu từ bàn ăn