Học trong thành ngữ: Yểm nhĩ đạo linh - Bịt tai trộm chuông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chúng ta thường nghe câu: “Lừa mình dối người”, hàm ý chỉ người dối trá với người khác và cũng tự dối trá với chính mình. Thành ngữ “Bịt tai trộm chuông” có hàm nghĩa tương tự như vậy.

Chuyện kể rằng, tại nước Tần vào thời Xuân Thu, khi Phạm Cát Xạ bị Trí Bá truy diệt, có một kẻ muốn nhân cơ hội này đến nhà họ Phạm để trộm một cái chuông lớn.

Lúc đầu, tên trộm muốn vác cái chuông lên lưng nhưng nó quá to và quá nặng, không có cách gì xê dịch được. Hắn ta tìm được một cái búa to bèn nghĩ ra một cách là đập bể cái chuông thành từng mảnh, như vậy mới mang về được.

Tên trộm cố sức nện vào chuông một cái, thì “boong” một tiếng cực to, khiến hắn giật nảy cả mình. Chuông kêu như vậy chẳng phải đang thông báo với người khác là hắn ta đang ăn trộm ở đây hay sao? Thế là tên trộm lấy hai tay tự bịt tai mình lại, nghĩ rằng mình không nghe thấy thì người khác cũng chẳng nghe ra.

Câu thành ngữ “Yểm nhi đạo linh" (Bịt tai trộm chuông), ẩn dụ về những người tự cho mình là thông minh, tưởng rằng có thể lừa dối được người khác, nhưng thực ra chỉ là tự mình lừa mình mà thôi.

Suy ngẫm

  1. Tên trộm tại sao lại dùng hai tay bịt chặt tai mình?
  2. Bạn đã bao giờ làm việc gì mà “yểm nhi đạo linh" chưa? Bạn có rút được bài học gì từ sự việc đó không?

Vận dụng

  1. Người làm việc xấu thường muốn đổ lỗi cho người khác, thực ra đó chỉ là một hành động “bịt tai trộm chuông”, tự lừa đối chính mình mà thôi.
  2. Đứa con cho rằng giấu bảng điểm đi thì mẹ sẽ không biết rằng nó thi không đủ điểm, thật là “bịt tai trộm chuông"!

Các thành ngữ tương tự

  • Đạo linh yểm nhĩ: Bịt tai trộm chuông
  • Yểm mục bộ tước: Bịt mắt bắt sẻ
  • Tắc nhĩ đạo chung: Bịt tai trộm chuông
  • Tự khi khi nhân: Lừa người dối mình
  • Yểm nhĩ đạo chung: Bịt tai trộm chuông

Hoàng Hoa biên dịch
(Theo tài liệu Văn hóa truyền thống của trang Chánh Kiến)

Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

Học trong thành ngữ: Yểm nhĩ đạo linh - Bịt tai trộm chuông