Giáo dục hạnh phúc - Bài 13: Rễ sâu gốc bền [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đại tín bất ước - người có đại tín thì không cần thề thốt, không cần cam kết mà mọi người vẫn tin tưởng. Đại tín là lòng thành tín xuất phát từ nội tâm, nó có sức mạnh cảm phục lòng người, khiến người người tin tưởng, giúp đỡ...

(Xem thêm: Bài 1; Bài 2; Bài 3; Bài 4; Bài 5; Bài 6; Bài 7; Bài 8; Bài 9; Bài 10; Bài 11; Bài 12; Bài 13; Bài 14; Bài 15; Bài 16)

Hiện tượng "bằng thật thầy giả" hiện nay cũng không ít. Đó là các hiện tượng xã hội ngày nay đã rối loạn, nhiều việc không thể nói rõ ràng rành mạch được. Thực tế những sự việc rối loạn như thế này đều do xã hội đã mất đi nền tảng chữ "Tín".

Chữ Tín trên hết

Chúng ta biết Ngũ Thường là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Một chữ Tín ở cuối Ngũ Thường là giới hạn dưới của đạo đức. Khổng Tử nói: "Người không có chữ Tín thì không tạo lập được chỗ đứng trong xã hội". Ông cũng nói: "Con người từ xưa đến nay ai ai cũng chết, nếu không được người dân tín nhiệm thì không thể đứng vững".

Một đệ tử hỏi Khổng Tử rằng: "Quân vương, chính phủ quản lý quốc gia thì cần những điều kiện gì?".

Khổng Tử trả lời rằng: "Có 3 điều kiện là lương thực, quân đội và chữ tín".

Đệ tử lại hỏi: "Nếu 3 điều kiện không đủ, cần phải bỏ đi một điều kiện thì làm thế nào?"

Khổng Tử nói: "Bỏ quân đội. Người dân cần phải có lương thực để ăn".

Đệ tử lại hỏi tiếp: "Hai điều kiện này nếu không đủ, phải bỏ đi một thì bỏ cái nào?"

Khổng Tử trả lời rằng: "Vậy thì bỏ lương thực. Cho dù không có lương thực ăn thì chữ tín cũng không thể bỏ đi được".

Con người không có chữ tín thì không phải là con người rồi. Quân vương không giữ chữ tín thì sẽ bị sụp đổ. Tiêu chuẩn làm người của Khổng Tử là: Dù có phải vứt bỏ lương thực cũng phải giữ được chữ tín.

Có người từ góc độ bản thân đánh giá việc này, cho rằng Khổng Tử nói không đúng; rằng chúng ta đều chết rồi thì còn nói giữ chữ tín làm gì nữa?

Tiêu chuẩn làm người của Khổng Tử là: Dù có phải vứt bỏ lương thực cũng phải giữ được chữ tín.
Tiêu chuẩn làm người của Khổng Tử là: Dù có phải vứt bỏ lương thực cũng phải giữ được chữ tín. (Ảnh: Pexels).

Mọi người thử nghĩ xem, câu nói này đặt lên thân quốc quân thì có ý nghĩa gì? Khi quốc gia nguy vong, chỉ còn một chút lương thực, nếu quốc quân muốn giữ lương thực để bảo toàn tính mạng thì chẳng phải là đoạt cái ăn từ miệng người dân đó sao? Đó có nghĩa là quốc quân không cần chữ tín nữa, không cần đạo nghĩa nữa, không cần gì nữa, chỉ cần hưởng thụ cá nhân, lo mạng sống cá nhân, chỉ lo ngày nay, mặc kệ ngày mai ra sao. Các người là dân đen, các người phải chịu vận đen. Như thế thử hỏi địa vị quân vương có thể tồn tại được không?

Xã hội không có chữ Tín thì như thế nào?

Đứng từ góc độ này thì có thể thấy Khổng Tử nói rất đúng. Do đó nói "nếu không được người dân tín nhiệm thì không thể đứng vững"; và "Người không có chữ Tín thì không tạo lập được chỗ đứng trong xã hội" là rất chính xác, rất hay. Còn người hiện nay thì sự bất tín quá nhiều rồi: bán hàng nói thách, thịt lợn bơm nước, rau quả phun thuốc kích thích, quần áo dùng chất liệu kém, sữa độc hại nhiễm melamin, phở chứa phooc-môn, đậu phụ pha thạch cao...

Có phóng viên đến tỉnh Hà Bắc làm phóng sự, đến vùng trồng dưa hấu thấy trong ruộng dưa có những quả dưa được buộc một sợi chỉ đỏ. Người trồng dưa cho biết đó là những quả dưa để người nhà ăn. Những trái khác được phun chất kích thích, cuống dưa lại chấm thêm một loại kích thích nữa, do đó dưa lớn rất nhanh.

Người nhà họ không ăn quả dưa to, chỉ ăn những quả buộc chỉ đỏ. Quả dưa hấu bình thường, sau khi hái có thể để được 10 ngày, còn trái dưa kích thích chỉ để được 3 ngày, ăn cũng không ngọt.

Tại sao lại có những sự việc như vậy? Chính là vì tiền. Các vật nuôi, cây trồng, rau trái cây, các sản phẩm thực phẩm đều dùng chất kích thích tăng trưởng và chất bảo quản, đều là những hóa chất có hại cho sức khỏe, thậm chí cả sinh mạng con người. Đó đều là những 'hàng giả'. Lại có những quan chức trong các bộ máy công quyền, cảnh sát, tòa án, tư pháp, giáo dục cũng bị phát hiện sử dụng bằng giả. Đó là chưa kể đến những công chức đang sử dụng 'bằng thật học giả', tức là có học 'tại chức', 'hàm thụ', 'từ xa', nhưng thi cử, luận văn là đều dùng tiền mua, hoặc nhờ người làm giúp. Học xong, tốt nghiệp, có bằng thật nhưng quá trình học hành, thì cử là giả, là gian lận.

Những công chức đang sử dụng 'bằng thật học giả', tức là có học 'tại chức', 'hàm thụ', 'từ xa', nhưng thi cử, luận văn là đều dùng tiền mua, hoặc nhờ người làm giúp.
Những công chức đang sử dụng 'bằng thật học giả', tức là có học 'tại chức', 'hàm thụ', 'từ xa', nhưng thi cử, luận văn là đều dùng tiền mua, hoặc nhờ người làm giúp. (Ảnh qua tuvanmuabang.com).

Con người ngày nay cũng vậy, có những điều nói ra cũng là lời giả. Thậm chí nếu có người nói thật thì lại bị người ta nghi ngờ là giả dối. Vậy nên, để giải quyết được những vấn nạn xã hội lan tràn hàng hóa độc hại, giả, kém chất lượng như hiện nay thì toàn xã hội phải được xây dựng trên nền tảng chữ tín.

Cam kết và chứng nhận

Có câu chuyện vui rằng, trên tàu hỏa, một nhân viên trên tàu trông thấy một người chỉ có một chân, nhân viên nói: "Anh bị tàn tật à? Có giấy chứng nhận không? Đưa ra đây!".

Người đàn ông một chân kia không có giấy chứng nhận tàn tật. Nhân viên nói: "Chúng tôi chỉ nhận giấy chứng nhận, không nhận người. Không có giấy chứng nhận, xin mời mua vé và đi ra khỏi toa này".

Một người đàn ông đứng tuổi nhìn thấy không thuận mắt, bèn đứng dậy nói với nhân viên trên tàu rằng: "Anh không phải là đàn ông".

Nhân viên tàu hỏi lại: "Tại sao tôi không phải đàn ông?"

Người đàn ông nói: "Anh có giấy chứng nhận là đàn ông không? Không có giấy chứng nhận thì không phải là đàn ông".

Anh nhân viên không nói được gì. Cô nhân viên trên tàu ở bên liền bước đến trợ giúp anh nhân viên, cô nói với người đàn ông rằng: "Tôi không phải đàn ông, ông có điều gì thì nói với tôi đi".

Người đàn ông nói: "Cô hoàn toàn không phải là con người".

Cô nhân viên nổi giận thét lên: "Ông chửi tôi à? Tôi không phải là người thì là cái gì?"

Người đàn ông nói: "Cô là người, vậy cô có giấy chứng nhận không?".

Anh bị tàn tật à? Có giấy chứng nhận không? Đưa ra đây!
Anh bị tàn tật à? Có giấy chứng nhận không? Đưa ra đây! (Ảnh: Pexels).

Đại Tín không cần cam kết

Đây chỉ là câu chuyện vui, nhưng trong xã hội thì những chuyện tương tự cũng khá nhiều. Ví dụ có cụ già 80 tuổi, không có giấy chứng nhận người già, còn cụ già 65 tuổi lại có giấy chứng nhận, nên có thể được ưu tiên không phải xếp hàng. Chỉ nhận chứng nhận, không nhận người, như thế này còn có chữ tín không? Thế nên chữ tín sử dụng thiết thực mới tạo nên cơ sở ước định trong xã hội.

Còn có hiện tượng lạ là người tàn tật thường không muốn làm giấy chứng nhận tàn tật. Ví dụ họ có thi lực kém, nếu họ làm giấy chứng nhận thì sẽ khó tìm được việc làm tốt, người ta không muốn nhận người tàn tật. Do đó có những người tàn tật lại không muốn làm giấy chứng nhận tàn tật.

Nhưng lại có những người không tàn tật lại muốn có được giấy chứng nhận tàn tật. Ví dụ họ mở công ty, cần làm giấy chứng nhận tàn tật để được những ưu đãi. Sự tình rất buồn cười, khi không còn chữ tín nữa thì thực sự đáng sợ.

Khi tôi còn nhỏ, có lúc cha mẹ mượn tiền. Thời đó mượn tiền không nhiều, mấy chục đồng là nhiều lắm rồi, nhưng không có ai nói mượn tiền phải viết giấy mượn. Còn ngày nay, giữa những người bạn với nhau khi mượn tiền cũng phải viết giấy mượn. Ngày nay người ta nói: "Anh em ruột, ghi rõ ràng", nếu không người ta không hoàn trả thì làm sao? Thế nên mảnh giấy chính là sự đảm bảo, là cam kết.

Mọi người nghĩ xem, bạn có mảnh giấy này thì bạn có an toàn không? Nếu bạn đánh mất mảnh giấy này thì sao? Bạn để quên trong túi áo, bỏ vào máy giặt rồi thì sao? Nếu bạn không còn mảnh giấy này nữa thì người ta có hoàn trả tiền cho bạn không?

Có câu chuyện, có người đi vay một vạn đồng của người bạn, sau đó đã sửa lại giấy nợ từ "đi vay" thành "cho vay", đã biến người bạn, vốn là người cho vay thành người đi vay, và ông ta vốn là con nợ đã biến thành chủ nợ.

Vì vậy giấy vay nợ, giấy cam kết, hợp đồng, bảo lãnh... tất cả đều phải được xây dựng từ trên cơ sở chữ tín. Nếu không có chữ tín thì giấy cam kết cũng có thể trở thành không cam kết.

Thử nghĩ xem, người mượn tiền cầm "giấy vay nợ" thì gọi là tín hay không cần giấy gọi là tín? Khi mà con người không cần tờ giấy đó thì có nghĩa hai người đều có chữ tín, hai bên tin tưởng lẫn nhau. Người xưa khi đi vay tiền đều nghĩ, mình nhất định phải hoàn trả, dù thế nào đi nữa thì đến lúc đó mình cũng phải hoàn trả người ta. Còn người cho vay thì nghĩ, anh ấy khó khăn thì mình cho mượn, hoàn toàn không nghĩ đến vấn đề đối phương có hoàn trả hay không. Đó chính là chữ tín chân chính giữa hai người. Khi chữ tín không còn thì phải thêm tờ giấy vay mượn, tăng thêm bản hợp đồng. Hiện nay vì không thực hiện như cam kết trong hợp đồng, hai bên dẫn nhau ra tòa cũng khá nhiều. Do đó Đại Tín thì không cần cam kết. Người xưa truy cầu Đại Tín chứ không truy cầu cam kết trên bề mặt.

Có hiện tượng lạ là người tàn tật thường không muốn làm giấy chứng nhận tàn tật. Nhưng lại có những người không tàn tật lại muốn có được giấy chứng nhận tàn tật.
Có hiện tượng lạ là người tàn tật thường không muốn làm giấy chứng nhận tàn tật. Nhưng lại có những người không tàn tật lại muốn có được giấy chứng nhận tàn tật. (Ảnh: dichvuxebagachanoi.com).

Đức lớn không ở địa vị cao

Đức hạnh lớn không nằm ở chỗ địa vị cao hay thấp, quan chức lớn hay nhỏ. Một học sinh thì cảnh giới đạo đức sẽ thấp hơn thầy giáo chăng? Không phải vậy. Có những học sinh có tiêu chuẩn đạo đức khá cao, thậm chí có những giáo viên đạo đức không cao bằng học sinh. Trong một công ty, ông chủ của công ty bạn có đạo đức cao thượng hơn bạn chăng?

Thông thường mọi người nói, đức lớn là cơ sở làm quan, làm quan là do có đức lớn, bởi vì đức của họ lớn thì mới làm được quan lớn. Tuy nhiên có những người đức lớn lại không nhất định làm quan.

Học Đại Đạo không giống học kỹ năng, kỹ thuật

Đại Đạo không phải là kỹ thuật, kỹ năng cụ thể, không phải là khí cụ, công cụ cụ thể, thế nên nó không chỉ có một tác dụng cụ thể nào đó. Đại Đạo là nguyên lý tổng quát, là quy luật vũ trụ, bao trùm vạn sự vạn vật, là cái gốc sinh ra vạn sự vạn vật.

Đại Đạo không phải là công cụ, còn có câu nói khác nữa là "Người quân tử không phải là công cụ". Đó là có ý nói rằng, người quân tử không phải là món đồ, không phải là dụng cụ, không phải chỉ phát huy kỹ năng ở một kỹ thuật nào đó, mà người quân tử ở đâu cũng phát huy được phẩm chất. Dù họ làm gì thì vẫn là người quân tử. Bởi vì người quân tử truy cầu đạo đức, nên ở bất kỳ hoàn cảnh nào họ cũng đều thể hiện ra vẻ đẹp của đạo đức. "Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật". Người quân tử, dù làm đầu bếp thì không chỉ làm món ăn ngon mà còn thông qua nghệ thuật nấu ăn để truy cầu, nắm bắt được về Đạo.

Đại đức là cội nguồn của quan tước, đại Đạo là cội nguồn của vạn vật, đại tín là cội nguồn của cam kết.

Chúng ta học tập cũng là trau dồi đại đức, đại Đạo, đại tín, như thế tự nhiên sẽ tự nhiên có chức quan, kỹ thuật, chữ tín, được mọi người tin cậy. Như thế thì thành công và hạnh phúc sẽ lâu bền. Do đó trí tuệ người xưa là truy cầu đại đức, đại Đạo, đại tín chứ không truy cầu chức quan, quyền lực, tiền bạc, tài lộc. Do đó học đại đức, đại Đạo mới là phương hướng học tập bản chất nhất, căn bản nhất, đó gọi là vun trồng gốc rễ.

Một cái cây muốn ra hoa kết quả thì chúng ta phải bón phân, tưới nước. Người xưa nói: Gốc bền thì cành tốt, rễ sâu gốc bền thì cành lá tự sẽ tốt tươi, đơm hoa nhiều, kết trái mọng, sinh mệnh ắt sẽ lâu dài, tốt đẹp.

Thanh Hà (biên dịch)
Theo Đồng Hân - zhengjian.org



BÀI CHỌN LỌC

Giáo dục hạnh phúc - Bài 13: Rễ sâu gốc bền [Radio]