Giáo dục hạnh phúc (Bài 16): Tu tâm dưỡng đức - Lấy khổ làm vui [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Tặng người hoa hồng thì tay còn lưu giữ hương thơm". Khi bạn tặng người khác những điều tốt đẹp thì bản thân bạn cũng sẽ nhận được điều tốt đẹp. Người trao đi càng nhiều điều tốt đẹp thì sẽ nhận về càng nhiều điều tốt đẹp...

(Xem thêm: Bài 1; Bài 2; Bài 3; Bài 4; Bài 5; Bài 6; Bài 7; Bài 8; Bài 9; Bài 10; Bài 11; Bài 12; Bài 13; Bài 14; Bài 15; Bài 16)

Lấy khổ làm vui

"Bảo kiếm sắc bén do mài giũa, hoa mai thanh hương từ khổ hàn". Học sinh cần tích cực vươn lên, mạnh mẽ, tự cường không ngừng nghỉ. Chúng ta không nên sợ khổ. Thanh niên chịu khổ chút cũng không vấn đề gì. Người xưa thường nói: "Có người nhàn quá mà chết, chưa có ai mệt mà chết cả". Có lúc thân thể chúng ta vất vả chút cũng không sao, cố gắng chút là vượt qua.

Mâu thuẫn giữa người với người, những sự tình canh cánh trong lòng... không cần quá để ý đến chúng, không cần tức giận, đó chính là "Người ta không hiểu mình mà không oán hận, chẳng phải người quân tử đó sao?", làm được như vậy, bạn sẽ là người quân tử hạnh phúc.

"Không lo người khác không hiểu mình, chỉ lo mình không hiểu người khác", làm được như vậy, bạn đã là người thấu hiểu người khác, là người rất xuất sắc rồi.

Có người thất tình, có người tìm việc mãi mà không được... đó đều là những nỗi thống khổ. Thực ra đó chỉ là vấn đề cảnh giới của cái tâm.

Mặt trời đã khuất non cao
Sông Hoàng cuồn cuộn chảy vào bể khơi
Muốn xem ngàn dặm xa xôi
Hãy lên tầng nữa trông vời nước non

Khi tấm lòng của bạn trải rộng, khi bước lên tầng lầu thứ 2, bạn sẽ phát hiện ra: cô gái này bỏ bạn ra đi thì lại có một cô gái xinh đẹp khác đến; người bạn này rời xa bạn thì lại có một người chân thành đến.

Một người thất tình thì vô cùng đau khổ. Có người tự sát, có người phát bệnh thần kinh. Nhưng cùng một sự việc, thái độ khác nhau sẽ có kết quả khác nhau.

Nếu chúng ta mở rộng tấm lòng, cái tâm mình lớn lên rồi thì những chuyện đó trở nên bé nhỏ. Hôm nay chúng ta thấy một sự tình rất lớn, đợi đến khi chúng ta 60, 70 tuổi nhìn lại, sẽ cảm thấy việc này quá ư bé nhỏ. Đó là vì chúng ta đứng ở một thời không lớn hơn để nhìn sự việc. Những chuyện như thất tình, tạm thời không tìm được việc... đều sẽ trở thành quá khứ.

Hôm nay chúng ta thấy một sự tình rất lớn, đợi đến khi chúng ta 60, 70 tuổi nhìn lại, sẽ cảm thấy việc này quá ư bé nhỏ.
Hôm nay chúng ta thấy một sự tình rất lớn, đợi đến khi chúng ta 60, 70 tuổi nhìn lại, sẽ cảm thấy việc này quá ư bé nhỏ. (Ảnh: Shutterstock)

Nhan Hồi chỉ "một giỏ cơm, một gáo nước, ở trong ngõ hẻm xấu xí, người khác lo nghĩ không chịu nổi, nhưng Nhan Hồi không thay đổi niềm vui". Bởi vì nội tâm Nhan Hồi có Đạo, nên dù trong trạng thái khốn khổ ông vẫn an bần lạc Đạo. Nếu có được điều kiện tốt thì ông sẽ cống hiến lớn hơn cho quốc gia, giúp người dân được ích lợi. Người như Nhan Hồi nếu làm hoàng đế thì sẽ không truy cầu hưởng thụ cá nhân, mà sẽ nghĩ cách để người dân được an cư lạc nghiệp.

Thế nên chúng ta không sợ khổ. Người trẻ tuổi cần cống hiến một chút. Đầu tiên là "khổ tâm trí", rồi lên cảnh giới cao hơn nữa là "lấy khổ làm vui". Bắt đầu từ các chuyện nhỏ, ví như có người nhường chỗ ngồi, còn họ đứng, nhưng không cảm thấy khổ, mà lại rất vui. Còn có trường hợp như các bà mẹ mang thai, nhiều lúc rất khó chịu. Khi sinh con rất đau đớn, nhưng người phụ nữ nào cũng mong muốn được làm mẹ. Tại sao họ vui lòng chịu khổ? Bởi vì có chịu khổ thì mới có thu hoạch, mới có được niềm vui, hạnh phúc.

Có câu nói rằng: "Tặng người hoa hồng thì tay còn lưu giữ hương thơm". Khi bạn tặng người khác những điều tốt đẹp thì bản thân bạn cũng sẽ nhận được điều tốt đẹp. Người trao đi càng nhiều điều tốt đẹp thì sẽ nhận về càng nhiều điều tốt đẹp.

Con người ai cũng yêu thương con cái mình, nếu chúng ta có thể coi con cái của những người khác cũng như con cái mình và yêu thương chăm sóc chúng, thì đó là niềm hạnh phúc lớn hơn, tuy khổ nhưng lại vui, đó là lấy khổ làm vui. Đó là giống như hoa sen, mọc từ bùn lầy mà càng tinh khiết. Đó là giống như hoa mai, hương thơm lan tỏa có được từ khổ cực cảnh đông hàn. Đó chính là điều tốt đẹp chứ không phải khổ. Hoa mai trưởng thành trong giá lạnh, nhưng lại vượt qua giá lạnh. Khi nội tâm chúng ta vượt qua cảnh giới đó thì tình hình sẽ thay đổi. Bạn chịu khổ cực, nhưng cuối cùng sẽ có được ngọt bùi. Nếu có thể duy trì thường xuyên thì sẽ có được thu hoạch vô cùng lớn. Một việc tốt đẹp cần mọi người kiên trì, sách Tam tự kinh có câu: "Chăm có công, chơi vô ích", khi chúng ta nghiêm túc thực hiện được thì nhất định sẽ đạt được càng nhiều điều tốt đẹp.

nếu chúng ta có thể coi con cái của những người khác cũng như con cái mình và yêu thương chăm sóc chúng, thì đó là niềm hạnh phúc lớn hơn, tuy khổ nhưng lại vui, đó là lấy khổ làm vui.
Nếu chúng ta có thể coi con cái của những người khác cũng như con cái mình và yêu thương chăm sóc chúng, thì đó là niềm hạnh phúc lớn hơn, tuy khổ nhưng lại vui, đó là lấy khổ làm vui. (Ảnh: Pexels)

Kiên trì bền lòng

Mạnh Tử nói: "Điều con người nên truy cầu là Thiện, người mà trong nội tâm có những loại Thiện này rồi thì gọi là Tín. Khi trau dồi có đầy Thiện rồi thì gọi là Mỹ (tốt đẹp), trau dồi đầy rồi mà lại tỏa sáng thì gọi là Đại (to lớn, vĩ đại). To lớn vĩ đại rồi mà giáo hóa dân chúng thì gọi là Thánh. Thánh mà có những khả năng mà người bình thường không thể lường được thì gọi là Thần".

Như vậy thiện lương chính là tốt đẹp mà con người nên truy cầu và không ngừng trau dồi bản thân. Cái thiện nội tại của chúng ta là kết quả của quá trình không ngừng trau dồi bản thân, khiến chúng ta từ trong ra ngoài đều phát tán ra vẻ tường hòa và tốt đẹp. Do đó trau dồi đạo đức mới là tốt đẹp thực sự. Còn một cảnh giới cao hơn nữa, tốt đẹp hơn nữa, trau dồi đến mức phát tán ánh quang huy, đó chính là vĩ đại, là bậc Thánh hiền tỏa sáng.

Để đạt được những kết quả như trên thì cần dựa vào chí, mà chí thì không phân biệt tuổi tác. Hoàng Hương 9 tuổi biết ủ ấm chăn đệm cho cha, đã biết hiếu thuận như vậy. Khổng Dung 4 tuổi biết nhường lê cho anh. Đó chẳng phải bậc hiền nhân đó sao? Khổng Dung thân thế ra sao, sự nghiệp thế nào, đã có thành tích gì... chúng ta không biết, nhưng ai ai cũng biết chuyện Khổng Dung 4 tuổi nhường lê cho các anh.

Có một quyển sách viết về bọn thổ phỉ vùng Đông Bắc. Kẻ mới nhập bọn phải làm lễ tuyên thề, phải thề độc. Sau khi làm xong nghi thức thì đến chỗ tổng quản lĩnh đồ. Viên tổng quản nói câu đầu tiên là: "Có biết chuyện Khổng Dung nhường lê không? Hãy học theo gương ông".

Hắn còn nói thêm: "Khi ra ngoài có gì ngon thì hãy nhường một chút, không được chỉ lo cho mình mà cần xem xét cả cho người khác".

Bài học đầu tiên của thổ phỉ là học Khổng Dung nhường lê. Bởi bậc Thánh hiền thì bất kể việc lớn, việc nhỏ đều sẽ làm tốt. Nhất là trong xã hội nhiễu nhương, các giá trị đảo lộn như hiện nay thì làm được thì càng xuất sắc.

Bài học đầu tiên của thổ phỉ là học Khổng Dung nhường lê. Khi ra ngoài có gì ngon thì hãy nhường một chút, không được chỉ lo cho mình mà cần xem xét cả cho người khác". (Ảnh: Pexels)

Còn có một cảnh giới cao hơn nữa, đó là: "To lớn vĩ đại rồi mà giáo hóa dân chúng thì gọi là Thánh". Đó chính là loại ánh sáng lớn đến mức có thể cảm hóa vạn vật. Trong "24 tấm gương hiếu hạnh", người đầu tiên là vua Thuấn - Hiếu cảm động Trời. Khi Thuấn cày thì voi đến cày giúp, chim xuống nhổ cỏ giúp. Những nơi mà Thuấn cư trú, 1 năm là thành thôn, 2 năm là thành thị trấn, 3 năm thành đô thị lớn. Đó chính là Thánh, to lớn vĩ đại cảm hóa vạn vật, giáo hóa dân chúng. Đó là cảnh giới của Thánh.

Thế nên "người có đức không cô độc, ắt sẽ có hàng xóm láng giềng". Khi bạn trau dồi đức hạnh, tuyệt đối sẽ không có chuyện bạn không tìm được việc. Bạn đến nơi nào thì mọi người ở đó đều hoan nghênh bạn. Tiếp tục trau dồi đức hạnh thì: "To lớn vĩ đại rồi mà giáo hóa dân chúng thì gọi là Thánh". Đạt cảnh giới Thánh rồi mà vẫn tiếp tục trau dồi đức hạnh thì tiếp tục lên cảnh giới cao hơn nữa: "Thánh mà có những khả năng mà người bình thường không thể lường được thì gọi là Thần". Giống như Khổng Tử, đạt đến cảnh giới của Thánh nhân, vậy mà khi gặp Lão Tử trở về nhà 3 ngày không nói năng gì, chấn động quá lớn, thu hoạch quá nhiều. Thần long thấy đầu thì không thấy được đuôi. Ngoài trời còn có trời, còn có cảnh giới cao hơn nữa, còn có những điều tốt đẹp hơn nữa, thế nên Mạnh Tử đã nói nên 4 cảnh giới tu dưỡng bản thân: Mỹ - Đại - Thánh - Thần.

Thanh Hà (biên dịch)
Tác giả: Đồng Hân - zhengjian.org.



BÀI CHỌN LỌC

Giáo dục hạnh phúc (Bài 16): Tu tâm dưỡng đức - Lấy khổ làm vui [Radio]