Gia Cát Lượng dạy con: Thanh tĩnh đạm bạc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc đời Gia Cát Lượng dường như là được viết nên bởi các truyền kỳ. Những truyền kỳ về Gia Cát Lượng đã tạo nên một trang sử huy hoàng, hoa lệ thời Tam Quốc.

Gia Cát Lượng là một trong những nhân vật hô mưa gọi gió thời Tam Quốc, ông nhận ân tình "Tam cố mao lư" (ba lần đến lều tranh) của Lưu Bị nên đã xuất sơn tương trợ họ Lưu, thúc đẩy liên minh Tôn Quyền - Lưu Bị. Trong đại chiến Xích Bích, liên minh Tôn - Lưu đã đại phá quân Tào Tháo, đặt nền móng cho thế chân vạc, tạo ra thế cuộc Tam Quốc - 3 nước phân tranh.

Trí tuệ Gia Cát Lượng chiếu sáng ngàn năm

Gia Cát Lượng dùng 3 tấc lưỡi "thiệt chiến quần Nho" (Khẩu chiến với các Nho sỹ quần thần Đông Ngô), mượn gió đông, mưu trí sắp đặt đường Hoa Dung, giành được Kinh Châu tạo nên cơ nghiệp nhà Thục Hán. Sau này ông phụng mệnh dẫn quân tiến vào Tứ Xuyên. Trong chiến dịch núi Định Quân, Gia Cát Lượng trí tuệ trác tuyệt: khích tướng Hoàng Trung, trảm Hạ Hầu Uyên, đại phá quân Tào Tháo, cuối cùng đoạt được Hán Trung.

Gia Cát Lượng diễn giải binh pháp, chế trận Bát quái đồ. Ông hầu như bách chiến bách thắng. Ngoài ra ông còn là cao nhân về 'khoa học kỹ thuật'. Những thứ do ông phát minh ra như trâu gỗ ngựa gỗ, đèn Khổng Minh (đèn trời), cung tên Liên nỗ Gia Cát... Những suy nghĩ ý tưởng kỳ diệu không thể nào tưởng tượng được của ông khiến cho người đời sau kinh ngạc tán thán không ngớt. Ông còn viết cuốn sách "Mã tiền khóa", đã để lại những lời dự ngôn thiên cổ. Khả năng siêu thường tuyệt luân này cũng khiến hậu thế kinh ngạc tán thán.

bản đồ thời tam quốc
Gia Cát Lượng thúc đẩy liên minh Tôn Quyền - Lưu Bị, từ đó đại phá quân Tào Tháo trong trận chiến Xích Bích, đặt nền móng cho thế chân vạc, tạo ra thế cuộc Tam Quốc. (Ảnh: Wikipedia)

Giới Tử thư và lòng yêu thương chân tình của người cha

Đằng sau hình ảnh Gia Cát Lượng hô mây gọi gió là tình yêu thương nhân từ của người cha đối với con.

Sách Nghệ văn loại tụ (Tập hợp các loại văn học nghệ thuật) có ghi chép một bài Giới tử thư (Thư răn dạy con). Đây là lời răn dạy của Gia Cát Lượng dành cho con là Gia Cát Chiêm 8 tuổi, khi đó Gia Cát Lượng 54 tuổi. Ông viết: "Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn", nghĩa là: Trong tâm không thể điềm đạm quả dục thì không thể nào tỏ rõ chí hướng. Thân tâm không thanh tịnh thì không thể nào thực hiện được mơ ước to lớn, xa xôi.

Về sau câu nói này được thế nhân cô đọng lại thành "đạm bạc minh chí, ninh tĩnh trí viễn" (đạm bạc sáng chí, thanh tĩnh chí xa), được dân gian hết mực ưa chuộng và ca ngợi. Gia Cát Lượng không phải kẻ tầm thường. Ông trên thông thiên văn dưới tường địa lý, văn thao võ lược, cái gì cũng tinh thông. Tại sao ông lại dùng "đạm bạc minh chí, ninh tĩnh trí viễn" để giáo dục con?

Đạm bạc minh chí, ninh tĩnh trí viễn

Thực ra "đạm bạc" mà Gia Cát Lượng kỳ vọng không phải là để con trai là Gia Cát Chiêm là kẻ tầm thường không làm nên trò trống gì, ẩn thân trốn đời, sống nơi núi rừng hoang dã, sống trong "đạm bạc", cũng không phải để con lười nhác an dật, sống cho qua ngày đoạn tháng, lặng lẽ sống trong "ninh tĩnh" một đời.

Gia Cát Lượng hy vọng con trai "đạm bạc minh chí". Khi trong tâm không có tạp niệm, vô dục vô cầu thì sẽ khiến chí hướng càng trở nên sáng tỏ và kiên định. Trong trạng thái thanh tỉnh và lý tính này thì con người sẽ không bị danh lợi trói buộc, không bị thế gian phồn hoa cám dỗ.

Khí độ đạm bạc đó giống như nước chảy mây trôi, như khói mây lan tỏa, như tùng bách cương nghị trong mưa tuyết gió sương, vẫn đứng thẳng vươn mình.

Gia Cát Lượng
Không chỉ là một quân sư kiệt xuất, Gia Cát Lượng còn là một người cha hết mực thương yêu con cái. (Ảnh: Wikipedia).

Đồng thời Gia Cát Lượng cũng răn dạy con "ninh tĩnh trí viễn". Muốn giữ được tâm thái tốt thì phải khắc chế được sự hấp tấp nóng nảy. Khi cái tâm ninh tĩnh thì mới có thể giống như bầu không cao xa, rộng lớn mà thâm sâu. Một người nếu có được sự ninh tĩnh này thì họ sẽ có tầm mắt nhìn thế sự và vạn vật xa xôi, có tầm nhìn xa trông rộng, không bị che lấp bởi công danh lợi lộc trước mắt.

Có được sức mạnh của "đạm bạc" thì chí hướng của con người mới càng kiên định. Có được tâm thái "ninh tĩnh" thì con người mới càng thêm trí tuệ, quan sát thấu đáo vạn sự vạn vật, trước những biến cố vẫn bình tĩnh không kinh sợ. Bất kể thân ở trong thế sự như thế nào đều có thể "khi khốn cùng thì thiện riêng bản thân, khi hiển đạt thì khiến cả thiên hạ thiện lương".

Các bậc tiên hiền cổ đại nói: "Chính thì tĩnh, tĩnh thì sáng suốt" (nguyên văn: "Chính tắc tĩnh, tĩnh tắc minh").

Sách Đỗ thi ngôn chí đời Thanh có viết: "Ở nơi đồng nội hoang dã rộng lớn nhàn nhã, bên bờ hồ nước tĩnh lặng tịch mịch, tự thấy niềm vui trong vòng tay rộng lớn của trời đất, nên đạm bạc minh chí, ninh tĩnh trí viễn, đâu đâu cũng hiển hiện ra".

Đọc Giáo Tử thư thấy được các bậc tiên hiền khổ tâm khẩn thiết giáo dục con, trong lòng cũng khởi lên những suy nghĩ xa xôi. Khi một người không tính toán được mất nhất thời trước mắt thì tự nhiên sẽ có trí tuệ nhìn thấu nhân tình thế thái. Có lẽ đó chính là ý nghĩa đích thực của "đạm bạc minh chí, ninh tĩnh trí viễn" vậy.

Cổ ngữ có câu: "Quý hồ tinh bất quý hồ đa" - quý ở sự tinh túy chứ không quý ở sự nhiều, thế nên nói nhiều thêm rối. Chi bằng hãy thử đọc lại một lượt Giới tử thư qua bản dịch của Nam Phương:

“Nết người quân tử, tĩnh để tu thân, kiệm dùng dưỡng đức.
Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi.
Học cần tâm tĩnh, tài cần phải học.
Không học, tài chẳng mở mang, không chí, chẳng thành nghiệp học.
Biếng nhác ắt chẳng thể tinh thông, nóng nảy sao tu thành tâm tính.
Tháng ngày vùn vụt, ý chí qua đi, thân đã già nua, chưa hiểu sự đời.
Nhà rách sầu bi, hối thì đã muộn”.

Thanh Hà
Theo Tống Bảo Lam / Epoch Times

Văn hoá Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

Gia Cát Lượng dạy con: Thanh tĩnh đạm bạc