Đừng bỏ lỡ thời gian tốt nhất để con bạn "dưỡng thành thói quen"

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người xưa có câu nói rằng: “Không có quy củ, không thành vuông tròn”. Giáo dục là gì? chính là để dạy con người phát triển những thói quen tốt. Đơn giản là vậy.

Khổng Tử nói: “Thiểu thành nhược thiên tính, tập quán thành tự nhiên”. Ý là tập luyện từ nhỏ sẽ trở thành tính tình giống như bẩm sinh, do thói quen đã trở thành tự nhiên.

Hạnh phúc của đời người nằm ở sự dưỡng thành những thói quen tốt. Từ nhỏ đã dưỡng thành những thói quen tốt, một khi lớn lên sẽ có tố chất vững chắc kiên cố không thể phá hủy.

Thói quen được ví như của cải vốn liếng của một người được lưu trữ trong hệ thống thần kinh. Một người dưỡng thành thói quen tốt, cả đời sẽ dùng không hết lợi tức; ngược lại một người dưỡng thành thói quen xấu, suốt đời sẽ không trả hết nợ.

Vào năm 1988, những người đoạt giải Nobel từ khắp nơi trên thế giới đã hội tụ ở Paris. Có người đã hỏi vị học giả đoạt giải Nobel về khoa học: "Trường đại học và phòng thí nghiệm nào mà ngài nghĩ là quan trọng nhất?"

Vị học giả già tóc đã bạc trắng chậm rãi trả lời: "Đó là trường mẫu giáo".

"Ngài đã học được những gì ở trường mẫu giáo?"

"Chia sẻ đồ ăn của mình với bạn; không phải đồ của mình không được lấy; sắp xếp mọi thứ gọn gàng ngăn nắp; rửa tay trước khi ăn; xin lỗi nếu làm sai; nghỉ ngơi yên tĩnh sau khi ăn trưa…”.

Câu trả lời bất ngờ đã minh họa trực tiếp vai trò và tầm ảnh hưởng sâu sắc của việc dưỡng thành những thói quen tốt trong thời thơ ấu.

"Chia sẻ đồ ăn của mình với bạn; không phải đồ của mình không được lấy; sắp xếp mọi thứ gọn gàng ngăn nắp; rửa tay trước khi ăn; xin lỗi nếu làm sai; nghỉ ngơi yên tĩnh sau khi ăn trưa…”.
"Chia sẻ đồ ăn của mình với bạn; không phải đồ của mình không được lấy; sắp xếp mọi thứ gọn gàng ngăn nắp; rửa tay trước khi ăn; xin lỗi nếu làm sai…”. (Ảnh: Pexels)

Thời thơ ấu là thời gian tốt nhất để bồi dưỡng thói quen. Hầu hết các thói quen của trẻ em đều được dưỡng thành thông qua sự làm gương và hướng dẫn của cha mẹ.

Một đứa trẻ cũng như một hòn đá tự nhiên, có thể trở thành một tác phẩm điêu khắc tinh mỹ hay không, tùy thuộc vào công phu của mỗi cha mẹ.

Dưỡng thành thói quen văn minh bắt đầu từ ngôn ngữ

Gorky từng nói: “Ngôn ngữ là quần áo của mọi sự vật và suy nghĩ”.

Chúng ta đều hy vọng con cái mình trong tương lai trở thành một người có học thức và lịch lãm.

Một đứa trẻ sau khi chào đời, sẽ bắt đầu “lao” vào cuộc sống từ học tập ngôn ngữ. Người lớn nói những gì, dù tốt hay xấu, chúng đều hấp thu tất cả.

Sau khi bập bẹ học nói, trẻ bắt đầu thực hành các từ và câu khác nhau, cho đến ngày nay là đủ các chủng loại ngôn ngữ có đầy rẫy trên khắp các trang mạng.

Thật tốt nếu một đứa trẻ bắt đầu con đường phát triển ngôn ngữ của mình bằng những từ ngữ khiêm tốn hàng ngày, ví như "cảm ơn, làm ơn, xin lỗi ..."

Nếu cha mẹ nói chuyện nhẹ nhàng và lịch sự, và cùng con cái đọc thêm thơ văn, các tác phẩm kinh điển, thì trong tương lai kỹ năng ngôn ngữ của trẻ nhất định sẽ không tệ.

Ngôn ngữ tốt có thể từ từ hình thành nên ngữ khí tốt, cũng như dưỡng thành nên cách ứng xử khéo léo nhẹ nhàng khi trẻ trưởng thành.

Nếu cha mẹ nói chuyện nhẹ nhàng và lịch sự, và cùng con cái đọc thêm thơ văn, các tác phẩm kinh điển, thì trong tương lai kỹ năng ngôn ngữ của trẻ nhất định sẽ không tệ.
Nếu cha mẹ nói chuyện nhẹ nhàng và lịch sự, và cùng con cái đọc thêm thơ văn, các tác phẩm kinh điển, thì trong tương lai kỹ năng ngôn ngữ của trẻ nhất định sẽ không tệ. (Ảnh: Pexels)

Dưỡng thành thói quen thường xuyên của con trẻ từ việc ăn uống

Ăn uống là việc mà một đứa trẻ được “thực hành” nhiều lần trong ngày, vì vậy đây là cơ hội quan trọng để dưỡng thành ý thức phép tắc của trẻ.

Dạy trẻ cách cầm đũa đúng cách, đợi người lớn cầm đũa trước rồi mới được phép ăn, tay cầm bát cơm trong khi ăn, không nói trong khi đang nhai cơm, không chép miệng trong khi ăn, không phát ra tiếng khi uống súp, không gõ bát cơm bằng đũa, không thể tùy tiện thay đổi chỗ ngồi, không cắm đũa vào một cái bát đựng đầy cơm, và phải vét sạch bát sau khi ăn...

Thói quen giao tiếp với người khác

Ngôn ngữ là để phục vụ cho giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày. Ngày nay, trí tuệ cảm xúc được coi trọng, trong đó chỉ số quan trọng của trí tuệ cảm xúc là xem sự giao tiếp như thế nào.

Các bậc cha mẹ ngày càng chú ý hơn đến việc trau dồi các kỹ năng xã hội của con mình ngay từ khi còn nhỏ. Con có yêu mến bạn bè cùng lớp không? Con có muốn chia sẻ với người khác không? Có bị bắt nạt không? Và có hay bắt nạt những đứa trẻ khác không? Đây là những mối quan tâm của hầu hết các bậc cha mẹ.

Khi này, tấm gương và những chỉ dẫn của cha mẹ là cực kỳ quan trọng.

Nếu bạn muốn con bạn có thể vui vẻ giao tiếp và hòa thuận với người khác, thì trước tiên, cha mẹ cũng nên là những người như vậy, để làm tấm gương sáng cho con noi theo. Hãy tạo cơ hội để con trẻ giao tiếp với tất cả mọi người, không chỉ riêng bạn bè của chúng.

Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ hãy là người hướng dẫn con thân thiện với mọi người, giúp đỡ, sẻ chia và cảm thông với những xúc cảm của người khác.

Dần theo thời gian, những thói quen tốt này sẽ được cảm hóa trong trái tim con trẻ, và được hình thành một cách tự nhiên. Nhờ đó, đứa trẻ sẽ không còn tự cho mình là trung tâm, biết nghĩ cho người khác, biết cảm nhận cảm xúc của người khác, cư xử vui vẻ hòa ái với mọi người.

Dần theo thời gian, những thói quen tốt này sẽ được cảm hóa trong trái tim con trẻ, và được hình thành một cách tự nhiên. Nhờ đó, đứa trẻ sẽ không còn tự cho mình là trung tâm
Dần theo thời gian, những thói quen tốt này sẽ được cảm hóa trong trái tim con trẻ, và được hình thành một cách tự nhiên. Nhờ đó, đứa trẻ sẽ không còn tự cho mình là trung tâm (Ảnh: Pexels)

Thói quen lao động bắt đầu từ việc mặc quần áo

Thói quen lao động cũng là một hành vi nên được nuôi dưỡng ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Các gia đình hiện nay phần lớn là ít con, và cha mẹ thường bao bọc con cái quá mức.

Khi trẻ còn nhỏ thì cha cha mẹ cho rằng chúng còn quá nhỏ; khi trẻ lớn hơn một chút thì cha mẹ lại thương con, cho rằng chúng bận rộn học hành, đâu còn thời gian... Cứ như vậy, những điều tưởng chừng nhỏ nhặt trong cuộc sống đều được cha mẹ làm thay, trẻ liên tục mất đi cơ hội để có thể tự lập và trưởng thành.

Thực tế, cha mẹ không nên nghĩ rằng những việc vặt trong cuộc sống này không đáng để nhắc đến.

Ý thức tự lập của con trẻ bắt đầu từ việc mặc quần áo, đi giày và đi tất; ý thức trách nhiệm bắt đầu bằng việc giúp cha mẹ rửa bát và lau bàn; khả năng suy nghĩ độc lập bắt đầu từ việc tự quyết định cho các việc xảy ra trong cuộc sống; sự tự tin bắt đầu từ việc tự mình nắm trong tay cuộc sống của chính mình.

Vì vậy, hãy buông tay để trẻ tự đi làm, rồi bạn sẽ thấy kinh ngạc.

Thói quen vệ sinh là nền tảng của một cuộc sống khỏe mạnh

Việc nuôi dưỡng thói quen vệ sinh tập trung vào hai khía cạnh, thói quen ăn uống lành mạnh và thói quen làm việc - nghỉ ngơi tốt. Sức khỏe tốt là chìa khóa cho mọi thứ, và điều này ngày càng được công nhận trong cuộc sống hiện đại.

Thói quen thời thơ ấu đặc biệt quan trọng để chuyển sang trường tiểu học.

Ở giai đoạn mẫu giáo, trẻ được dưỡng thành thói quen làm mọi thứ đúng giờ: thức dậy, ăn, uống, đi nhà trẻ, tập thể dục, đọc sách... Khi chúng bước sang tuổi tiểu học, sẽ có thể kỷ luật bản thân để học tập và vui chơi, và sẽ đạt được sự cân bằng giữa hai việc này.

giai đoạn mẫu giáo, trẻ được dưỡng thành thói quen làm mọi thứ đúng giờ: thức dậy, ăn, uống, đi nhà trẻ, tập thể dục, đọc sách... Khi chúng bước sang tuổi tiểu học, sẽ có thể kỷ luật bản thân để học tập và vui chơi
Giai đoạn mẫu giáo, trẻ dưỡng thành thói quen làm mọi thứ: ăn, uống, tập thể dục, đọc sách... Khi chúng bước sang tuổi tiểu học, sẽ có thể kỷ luật bản thân để học tập và vui chơi... (Ảnh: Pexels)

Thói quen vận động là sự đảm bảo cho sức khỏe trong suốt cuộc đời

Nếu một đứa trẻ cả ngày chỉ biết ngồi trên ghế sô pha và chơi game, lướt điện thoại, thì di chứng để lại sẽ rất là nguy hại. Ngày nay, không ít trẻ bị béo phì và mắc chứng trầm cảm, mà một nguyên nhân góp phần quan trọng để xảy ra việc ấy, đó chính là lười vận động.

Vì vậy, từ khi trẻ còn nhỏ cha mẹ hãy dưỡng thành cho con thói quen vận động. Chăm chỉ vận động, chạy nhảy, chơi thể thao… sẽ giúp trẻ trở nên hoạt bát thông minh và sáng tạo.

Thói quen vận động đương nhiên cũng sẽ giúp trẻ trở nên khỏe mạnh, vui vẻ và có thái độ tích cực.

Thói quen đọc sách là tài sản cả đời

Hiện nay, mọi người đều đồng ý rằng giáo dục là phải tự mình duy trì và bồi bổ liên tục trong suốt cuộc đời, chứ không phải là kiến ​​thức mà giáo viên đã truyền thụ cho chúng ta trong hơn mười mấy năm ở trường học.

Nền tảng của việc tự học là có thói quen đọc sách và tự nhiên học hỏi từ nhiều cuốn sách khác nhau.

Cha mẹ hãy là người hướng dẫn cho con thói quen đọc sách. Bắt đầu dưỡng thành thói quen đọc sách cho trẻ ngay từ thời thơ ấu sẽ dễ dàng hơn khi chúng ở tuổi trưởng thành. Cha mẹ có thể đọc sách cùng con. Bạn sẽ phát hiện rằng, càng đọc sách sẽ càng thấy thêm nhiều điều thú vị. Mà khi một điều trở nên thú vị, thì nó đã không còn cách xa thói quen.

***

Thành Rome không phải một ngày mà xây xong, thói quen cũng không thể một ngày có thể dưỡng thành. Phải mất 21 ngày để một người lớn hình thành thói quen, nói gì đến một đứa trẻ.

Đừng xem nhẹ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày, bởi chúng chính là những cơ hội vàng để giúp trẻ dưỡng thành thói quen. Khi sự kiên nhẫn và tình yêu của cha mẹ đủ lớn, hàng ngày chăm trồng, hàng ngày tưới nước… sẽ dần dần ươm mầm những thói quen tốt trong trái tim con.

Quỳnh Chi biên dịch
Theo Wang Hexi, aboluowang.com

Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

Đừng bỏ lỡ thời gian tốt nhất để con bạn "dưỡng thành thói quen"