Dạy trẻ cách tôn trọng thân thể người khác (P1): 'Tôi chính là chủ nhân của thân thể mình'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một buổi chiều, hai cô bé 3 tuổi Lola và Nina đang chơi búp bê trên ghế sofa của nhà trẻ, chúng lục tung các tủ đồ để chọn những bộ đồ hợp cho búp bê. Đột nhiên Nina kêu lên: “Ôi, ở đây có một miếng bỉm, chúng ta có thể thay bỉm cho búp bê.”

Đúng vậy, ngoài quần áo, tất, bình sữa, núm vú, đôi khi các bậc cha mẹ cũng bỏ vài chiếc bỉm vào trong giỏ quần áo cho trẻ đến lớp, vậy nên bọn trẻ có thể thay tã cho búp bê. Bất kể là bé trai hay bé gái cũng có thể thông qua những trò chơi như vậy mà tăng thêm năng lực của mình. Nhưng lần này bọn trẻ lại chơi đùa hơi mất kiểm soát.

Sự việc xảy ra khi tôi đang chơi cùng những đứa trẻ khác ở trong bếp thì nghe thấy mập mờ giọng nói của Lola: “Tớ không muốn.”

“Nhưng cậu tè dầm ra quần rồi” - Nina nói.

“Tớ không tè ướt quần” - Lola phản bác.

Tôi cảm thấy kỳ lạ khi nghe thấy như vậy, chẳng phải Lola đã kết thúc khoá đào tạo đi toilet hơn nửa năm rồi sao, tại sao vẫn tiểu ra quần. Tôi quyết định ra xem đầu đuôi câu chuyện, không ngờ vừa bước đến thì nhìn thấy Lola đang cố tỏ ra trốn tránh Nina và hét lên: “Tớ không muốn chơi như vậy!”

Thì ra sau khi Nina thay tã cho búp bê xong, phát hiện trong giỏ vẫn còn một miếng bỉm, do đó cô bé nghĩ ra trò muốn Lola làm búp bê, còn mình làm mẹ giúp thay bỉm. Đối diện với sự phản kháng của Lola, Nina làm ngơ và tiếp tục đến gần, lấy chiếc tã mặc cho Lola.

“Đủ rồi”.

Lúc đó tôi vẫn do dự không biết nên chủ động đến can thiệp cuộc phân tranh của bọn trẻ hay không, thì cô Mira (một giáo viên người Đức) nói to và bước nhanh tới, lập tức ngăn chặn hành vi của Nina: “Khi người khác nói không muốn thì con hãy dừng lại, không được tuỳ ý động chạm vào người khác”.

Dạy trẻ cách tôn trọng thân thể người khác
Bài học từ một chiếc bỉm. (Ảnh: Pixabay).

Lời nói của cô Mira đã đánh thức tôi, tôi tự trách mình phản ứng thật chậm chạp. Vì cho rằng Nina và Lola đều là bé gái, nên tôi đã không ý thức được cách chơi của Nina đã quá giới hạn. Mặc dù trong quá trình đó Nina không lôi quần của Lola xuống, nhưng xác thực đã xâm phạm đến quyền tự chủ thân thể của Lola.

Nina bị thái độ nghiêm nghị của cô Mira làm sợ đến nỗi không dám động đậy, bởi vì trong nhà trẻ, những giáo viên chúng tôi ngoài việc chú trọng đến an toàn thân thể của trẻ thì chưa từng lớn tiếng ngăn cấm như vậy. Lúc đó, cô Mira ngồi xuống, nhẹ nhàng nói với Nina: “Mỗi người đều phải bảo vệ thân thể mình, bất kể là ai cũng đều có những chỗ không muốn bị người khác động vào, vậy nên con không thể tuỳ ý chạm thân thể người khác. Chỉ cần con không thích, dù cô giáo hoặc người lớn cũng không thể chạm vào cơ thể con nếu họ không có được sự đồng ý của con, con hiểu không”? Nina đã nhận thức ra được tính nghiêm trọng của sự việc, Lola cũng mở to mắt luống cuống. Cô Mira không biết xử lý ra sao, đành cười hỏi: “Cô biết lần sau con nhất định sẽ chú ý, phải không”? Nina gật gật đầu.

Cô Mira cũng quay sang gọi Lola đến bên cạnh, nói: “Con làm rất tốt, mỗi người đều nên bảo vệ tốt thân thể của mình”.

Khi quay lại thấy khuôn mặt của Nina vẫn rất buồn bã, cô Mira an ủi: “Nina, cô biết con cảm thấy rất buồn, con có muốn được ôm một cái không”? Nina bắt đầu khóc to lên, ôm chặt lấy cô Mira, mãi không chịu buông.

“Tôi chính là chủ nhân của thân thể mình”. Dạy trẻ nói “không” với những tiếp xúc thân mật không được mời.

Thu Hà biên dịch
Tác giả: Trang Lâm Quân
Theo epochtime.com

Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

Dạy trẻ cách tôn trọng thân thể người khác (P1): 'Tôi chính là chủ nhân của thân thể mình'