Đây là trạng thái giáo dục cao nhất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giáo dục không chỉ đơn thuần là tích lũy và nhồi nhét tri ​​thức. Mục đích cuối cùng và lâu dài của giáo dục là giáo dục tâm hồn của con người.

Một giáo viên người Mỹ đã kể một câu chuyện tại một trường y ở Trung Quốc:

Vào buổi sáng nọ sau cơn bão, một người đàn ông đi dạo trên bãi biển và nhìn thấy trong những vũng nước cạn của bãi biển, có rất nhiều con cá nhỏ đã bị dạt lên bờ bởi cơn bão đêm qua. Mặc dù những con cá nhỏ bị mắc kẹt ở gần biển, có đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con, nhưng sẽ không lâu nữa, nước cạn cát khô, mặt trời thiêu nóng, lũ cá sẽ kiệt sức mà chết.

Người đàn ông bỗng trông thấy một cậu bé ở bãi biển, cứ cặm cụi nhặt những con cá nhỏ từ vùng nước cạn kia và ném chúng trở lại biển. Người đàn ông không nhịn được, bèn chạy lại nói:

"Này cậu bé, có hàng trăm hàng ngàn con cá nhỏ trong vũng nước này, cháu không thể cứu hết chúng được đâu!".

"Cháu biết". Cậu bé trả lời mà không ngoảnh đầu lại.

"Ồ! Vậy tại sao cháu vẫn ném chúng xuống biển làm gì? Có ai quan tâm đâu?"

"Con cá nhỏ này quan tâm!". Cậu bé trả lời, tay vẫn nhặt một con cá và ném nó trở lại biển.

"Ồ! Vậy tại sao cháu vẫn ném chúng xuống biển làm gì? Có ai quan tâm đâu?" - Con cá nhỏ này quan tâm!"
"Ồ! Vậy tại sao cháu vẫn ném chúng xuống biển làm gì? Có ai quan tâm đâu?" - Con cá nhỏ này quan tâm!" (Ảnh: Shutterstock)

Câu chuyện này hoàn toàn đối ứng với một câu nói của nhà thơ vĩ đại Tagore: "Mục đích của giáo dục nên là truyền tải hơi thở của cuộc sống đến mọi người".

Thật vậy, "giáo dục" nên bắt đầu bằng sự tôn trọng cuộc sống, khiến lòng người hướng thiện và bao dung, khơi dậy bản tính “thiện căn” tốt đẹp trong mỗi con người. Đây cũng chính là điều khiến cậu bé kia có được suy nghĩ trong sáng tốt đẹp “những chú cá này quan tâm” vậy.

***

Còn có một câu chuyện nhỏ, kể rằng:

Một người sống sót trong trại tập trung của Đức Quốc xã đã trở thành hiệu trưởng của một trường trung học ở Hoa Kỳ. Mỗi khi có giáo viên mới đến trường, ông sẽ gửi cho người giáo viên mới một lá thư, viết rằng:

"Thầy/cô giáo kính mến! Tôi đã tận mắt nhìn thấy những gì con người và tình cảnh không đáng được thấy: căn phòng độc khí được xây dựng bởi các kỹ sư công trình, trẻ em phải học cách hạ độc từ các bác sĩ uyên thâm, chúng còn bị huấn luyện gắt gao bởi những binh sĩ giết người. Chứng kiến những chuyện này, tôi hoài nghi: Giáo dục rốt cuộc là vì điều gì?

Điều thỉnh cầu của tôi là: Mong các bạn hãy trợ giúp học sinh của mình trở thành những con người có nhân tính. Chỉ khi trở thành những người có nhân tính, thì các năng lực đọc viết của các em mới có giá trị”.

Rõ ràng, con người có một mặt là thú tính và một mặt là thiên tính.

Mục đích của giáo dục là giúp cho linh hồn con người được tôi luyện, chuyển hóa mặt thú tính trở về thiên tính với những phẩm chất nhân văn tốt đẹp.

Giáo dục là giáo dục tâm hồn của con người, mà không chỉ đơn thuần là tích lũy và nhồi nhét tri ​​thức. Đây chính là mục đích cuối cùng và lâu dài của giáo dục. Nếu không, khi bạn càng có nhiều kiến ​​thức, thì tác hại đối với con người và cuộc sống lại càng lớn.

Về phương diện này, đã có quá nhiều những bài học đau thương vẫn đang diễn ra mỗi ngày. Có không ít những vụ án mạng xảy ra, mà người trong cuộc lại chính là những người có bằng cấp, học hàm học vị cao thâm. Thật khiến người ta không khỏi cay đắng!

Ted Kaczynski - giáo sư trẻ tuổi nhất của trường đại học California sau khi tốt nghiệp đại học Harvard và hoàn thành bậc tiến sĩ toán học ở trường Đại học Michigan. Với chỉ số IQ 167, y là tên sát nhân giết người không ghê tay với cách thức giết người rất lạ và độc bằng bom
Ted Kaczynski - giáo sư trẻ tuổi nhất của trường đại học California sau khi tốt nghiệp đại học Harvard và hoàn thành bậc tiến sĩ toán học ở trường Đại học Michigan. Với chỉ số IQ 167, y là tên sát nhân giết người không ghê tay với cách thức giết người rất lạ và độc bằng bom. (Ảnh: Wikipedia)

Ngày nay, giáo dục học đường thường xem nhẹ giáo dục nhân cách cơ bản, đạo đức và cảm xúc cơ bản của học sinh. Điều này khiến cho một số lớn học sinh ngày càng thờ ơ lãnh đạm, thậm chí cay nghiệt hà khắc đối với cuộc sống và mọi thứ xung quanh.

Bởi vậy, một nhà giáo dục Nhật Bản đã từng nói một câu như thế này: Chúng ta cần đào tạo học sinh của mình, sao cho "khi đối diện với một khóm hoa cúc dại cũng cảm thấy bâng khuâng, tim đập thình thịch”. Loại tình cảm này chính là cảm xúc của cậu bé trước những con cá bị dạt vào bờ như đã kể ở trên.

Nếu không, một người khi nhìn thấy những con cá nhỏ đang gặp nạn, hay một khóm hoa dại xinh đẹp nơi ven đường, cũng chẳng mảy may có chút cảm xúc gì, thậm chí còn sẵn sàng chế nhạo, thì ngay cả khi điểm số các môn học ở trường đạt rất cao, cũng đã mất đi giá trị nhân sinh đáng quý trong đời.

Đối với con người thì tôn trọng, đối với trời đất thì kính sợ, chính là tôn trọng sự tồn tại của sinh mệnh, biết được sinh mệnh là vô cùng trân quý. Con người không được trong vô minh mà cướp đoạt sinh mệnh, cho dù đó là những sinh mệnh cấp thấp.

Một người mà đối với sinh vật hoặc động vật cấp thấp cũng không hề có chút tình cảm yêu mến gì, thì liệu có thể hy vọng người đó tôn trọng với sinh mệnh cấp cao hay không?

Trái lại, một người luôn tràn ngập tình yêu và quan tâm, dẫu chỉ là cây cỏ hay dù là một con cá nhỏ, vậy thì đối với sinh mệnh cấp cao hơn, đối với tính mạng con người, anh ta còn có thể không tôn trọng sao?

Có câu nói ca thán rằng: “Bi thương thay, những trái tim đã chết”. Một con người có trái tim lạnh lùng vô cảm đối với thế giới bên ngoài, là một con người không còn hy vọng; một dân tộc thờ ơ coi thường mạng sống của người dân, là một dân tộc không có tương lai.

Trong giáo dục, có lẽ có rất nhiều công việc cụ thể phải làm, có rất nhiều nhiệm vụ phải nắm bắt. Tuy nhiên, điều cần giáo dục chính là bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, giá trị nhân văn cho học sinh. Trong đó, căn bản nhất, và cũng là quan trọng nhất, chính là đánh thức tấm lòng trân quý sinh mệnh, đánh thức phần thiện trong các em.

Hòa An biên dịch
Theo aboluowang.com

Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

Đây là trạng thái giáo dục cao nhất