Cổ nhân coi trọng ‘thai giáo' như thế nào để sinh con tài đức

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dưỡng con thành tài, mong con ưu tú đó là việc mà bất kể bậc cha mẹ nào trong chúng ta cũng đều mong muốn. Xã hội ngày càng phát triển, con người đối với vấn đề giáo dục con cái lại ngày càng có những nghiên cứu chuyên sâu hơn, đặc biệt là vấn đề thai giáo.

Phải chăng thai giáo chỉ mới bắt đầu từ xã hội hiện đại hay đã có từ khi nào? Thật ra nhắc đến thai giáo chính là nhắc đến trí tuệ thâm sâu trong việc giáo dưỡng con cái của người xưa, nó đã tồn tại từ rất sớm chứ không phải là sản phẩm của xã hội hiện đại. Đối với vấn đề thai giáo, có rất nhiều những ghi chép của cổ nhân vẫn còn lưu giữ được cho tới tận bây giờ.

Xã hội hiện đại đối với vấn đề thai giáo cũng có những nghiên cứu nhất định. Nhiều chuyên gia thai giáo cho rằng trong quá trình mang thai, người mẹ thường xuyên nghe nhạc cổ điển sẽ giúp ích phát triển não của thai nhi. Ngoài ra còn có thể áp dụng các phương pháp luyện tập Yoga, xem các hình ảnh về thai giáo hoặc đọc truyện cho thai nhi nghe… Bất luận hiệu quả ra sao, các thế hệ cha mẹ trẻ hiện nay đều không tiếc công sức để áp dụng vấn đề thai giáo cho con của mình, mục đích không gì khác ngoài mong muốn có thể sinh ra đứa trẻ thông minh, tài hoa, có khí chất. Còn cổ nhân đối với vấn đề thai giáo này như thế nào?

nhiều chuyên gia thai giáo cho rằng trong quá trình mang thai, người mẹ thường xuyên nghe nhạc cổ điển sẽ giúp ích phát triển não của thai nhi.
Nhiều chuyên gia thai giáo cho rằng trong quá trình mang thai, người mẹ thường xuyên nghe nhạc cổ điển sẽ giúp ích phát triển não của thai nhi. (Ảnh: Shutterstock).

Thai giáo cần bắt đầu từ suy nghĩ ngay chính, cử chỉ đoan trang, ngôn từ mẫu mực của người mẹ

Câu chuyện về thai giáo nổi tiếng trong cuốn Liệt Nữ Truyền: Chu Thất Tam Mẫu có miêu tả quả trình Thái Nhâm mang thai Chu Văn Vương: Mắt không nhìn điều xấu, miệng không nói lời không tốt, thân nằm ngay thẳng khi ngủ, tư thế đi ngay ngồi thẳng, khi đứng khi ngồi đều tuyệt đối không cong người, lệch thế. Ngoài ra đối với vấn đề ăn uống cũng cũng hết sức chú trọng. Kết quả thai giáo của bà hiển nhiên là có công hiệu. Chu Văn Vương sinh ra bẩm tính thông minh hiền đức từ nhỏ, không những phẩm hạnh đoan chính mà còn rất nỗ lực học tập, chỉ cần học một là biết mười, không thể không nghĩ đến công lao thai giáo của Thái Nhâm.

Từ Tân Thư của chính trị gia Giả Nghị thời Tây Hán cho đến Liệt Nữ Truyền của Lưu Hướng, đều có thể thấy những yêu cầu khắt khe, nghiêm ngặt đối với vấn đề thai giáo. Người mẹ khi ngủ không được nằm nghiêng, cần phải nằm bằng phẳng ngay ngắn trên giường, ngồi hay đứng đều cần phải có tư thế lưng ngay cổ thẳng, không ăn những thức ăn có vị lạ, thức ăn chưa cắt thái; không nhìn, không nghe những chuyện, điều xấu; khi cười cần phải nhẹ nhàng thuỳ mị, ngay cả khi tức giận cũng không được nói lời khó nghe; đêm tĩnh thì đọc kinh thư cho thai nhi nghe. Làm được như vậy thì đứa trẻ khi sinh ra thường sẽ thông minh anh tuấn, đoan trang ngay thẳng, tài đức kiêm song.

Trong cuốn Y Tâm Phương, Cầu Tử cổ nhân còn có những quy định rất tường tận về việc thai giáo, ví dụ trong quá trình mang thai, người mẹ nên thường xuyên nghe thể loại nhạc nhẹ nhàng thư thái, vui tươi. Điều này cũng tương đồng với quan điểm của xã hội hiện đại. Tuy nhiên ở đây, việc nghe nhạc không phải là để ảnh hưởng trực tiếp tới thai nhi mà là giúp cho tinh thần của người mẹ trong quá trình mang thai được thư thái, ổn định. Bởi tinh thần của người mẹ trong quá trình mang thai có ảnh hưởng rất lớn tới sự định hình của thai nhi, đây có thể nói là một cách làm rất khoa học.

Cổ nhân xưa nhìn nhận thai giáo cần bắt đầu từ suy nghĩ ngay chính, cử chỉ đoan trang, ngôn từ mẫu mực của người mẹ.
Cổ nhân xưa nhìn nhận thai giáo cần bắt đầu từ suy nghĩ ngay chính, cử chỉ đoan trang, ngôn từ mẫu mực của người mẹ. (Ảnh: Shutterstock).

Thai giáo chính là dưỡng đức

Rõ ràng là cổ nhân coi thai giáo trình là "đức giáo". Trong 9 tháng 10 ngày mang thai, tất cả từ cử chỉ ngôn hành của người mẹ đều phải có chuẩn mực, dùng đức hạnh để đo lường, lấy thân làm mẫu để đứa trẻ được phát triển trong một trạng thái thuần khiết, trong sạch, thiện lương nhất. Nói cách khác, thai giáo của người xưa chính là đức giáo, giáo dục nhân phẩm cho con cái ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Nó khác xa với quan niệm thai giáo của xã hội ngày nay khi mà đa phần các bậc cha mẹ hiện đại đều chỉ chú trọng đến thành tích học tập cũng như kỹ năng sống chứ không mấy coi trọng việc giáo dục đức hạnh. Tuy nhiên, đạo đức mới là nền tác vững chắc nhất để phát triển con người.

Lịch sử đã chứng minh, bất kể xã hội nào, hoàn cảnh nào, dân tộc nào cũng vậy, người thành công, trước tiên phải là người có đức. Người có tài mà không có đức cũng tựa như người có tiền xây nhà mà không xây móng, hào nhoáng nhưng chẳng thể bền lâu.

Có câu: “Không sợ đường xa, chỉ sợ đường sai", đường xa thì đi mãi rồi cũng đến chứ đường sai thì càng đi càng lệch. Với vấn đề giáo dục con cái cũng như thế, định hướng giáo dục chính là vấn đề mấu chốt bậc nhất đối với tất cả các bậc cha mẹ. Xã hội hiện nay, đâu đâu cũng thấy các chương trình, trung tâm đào tạo kỹ năng cho trẻ em và người lớn. Trẻ em bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức không cần thiết nhưng cái quan trọng nhất chính là đạo đức và nhân phẩm thì lại bị xem nhẹ không chú trọng. Con người là anh linh của vạn vật, con người khác xa máy móc và động vật, bởi con người có lương tri, nhân phẩm. Còn nếu như chỉ chú trọng việc bồi dưỡng kỹ năng cho con trẻ thì cũng tựa như chúng ta đang bồi dưỡng một cỗ máy rô bốt vậy, con người mãi mãi không thể nào so sánh được với máy móc và rô bốt, đặc biệt là với trí tuệ AI ngày nay. Máy móc một giây có thể tính toán ra cả triệu phép tính chứ con người thì không, rô bốt một lúc có thể làm 5, 6 công việc, con người chúng ta thì không thể. Định hướng giáo dục, chọn tài hay chọn đức điều ấy hoàn toàn quyết định tương lai của trẻ.

Khải Chính

Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

Cổ nhân coi trọng ‘thai giáo' như thế nào để sinh con tài đức