Zambia hủy 10.000 liều vắc-xin Hayat-Vax của Trung Quốc sản xuất ở UAE

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo tin tức từ hãng tin AA, các quan chức nước Cộng hòa Zambia, một quốc gia thuộc miền Nam Châu Phi cho biết: mới đây, khoảng 10.000 liều vắc-xin Covid-19 Hayat-Vax đã bị thu giữ và tiêu hủy vì lý do chưa được Cơ quan Quản lý Dược phẩm nước này cấp phép.

Hayat-Vax là một trong các loại vắc-xin của Trung Quốc, bán thành phẩm của vắc-xin được sản xuất tại công ty Công ty TNHH Viện Sinh phẩm Bắc Kinh, Trung Quốc, sau đó được đóng gói và xuất xưởng tại Julphar, thuộc các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất UAE.

Tin tức này được lan truyền trên mạng internet trong bối cảnh: hồi tuần trước Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam là ông Trương Quốc Cường vừa ký quyết định phê duyệt khẩn cấp đối với vắc-xin Hayat-Vax. Theo đó, vắc-xin Hayat-Vax trở thành loại vắc-xin thứ 7 được lưu hành tại Việt Nam.

Phát ngôn viên của Cơ quan Quản lý Dược phẩm Zambia là bà Christabel Iliamupu cho biết rằng: “Hayat-Vax không có tên trong danh sách các loại vắc-xin mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp. Ngoài ra, đơn vị nhập khẩu loại vắc-xin này, đã không có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy phép kinh doanh dược phẩm cần thiết để có thể bán, lưu trữ hoặc phân phối sản phẩm này”.

Được biết, tổng giá trị lô vắc-xin trên trị giá khoảng 150.000 USD. Tuy nhiên, chính quyền của quốc gia Châu Phi Zambia đã ra lệnh tiêu hủy toàn bộ lô hàng này.

Brazil cũng ‘quay lưng’ với vắc-xin Trung Quốc

Trong một diễn biến khác liên quan đến vắc-xin Trung Quốc, theo tờ Thời báo phố Wall (Wall Street Journal) đưa tin: vào hôm thứ Bảy ngày 11/9, Chính phủ Brazil cho biết nước này đã ngừng đàm phán mua thêm vắc-xin Sinovac của Trung Quốc; Chính phủ Brazil cũng tuyên bố họ sẽ không kiến nghị sử dụng vắc-xin Sinovac để tiêm mũi nhắc lại thứ 3 cho người dân.

Trước đó, Brazil - quốc gia đông dân thứ 6 trên thế giới, từng là khách hàng lớn mua vắc-xin của Trung Quốc, và quốc gia này cũng là ví dụ điển hình cho sự thành công trong quá khứ của Bắc Kinh về Chiến lược ngoại giao vắc-xin.

Tuy nhiên, Brazil được cho là đang quay lưng lại với vắc-xin Trung Quốc, trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc trước biến thể Delta. Ngoài ra, các loại vắc-xin khác đang dần trở nên dễ tiếp cận hơn.

Và không chỉ Brazil, một số quốc gia Mỹ La-tinh khác và các nước Đông Nam Á đang dần giảm sự phụ thuộc vào các loại vắc-xin sản xuất tại Trung Quốc, và bắt đầu chuyển sang sử dụng vắc-xin của Hoa Kỳ.

Điều này cũng liên quan đến tiến độ tiêm chủng chậm chạp ở Mỹ, do một bộ phận người Mỹ từ chối tiêm vắc-xin đã giải phóng nguồn cung cấp vắc-xin Pfizer và Moderna ra nước ngoài.

Từ đầu năm nay, Sinovac trở thành loại vắc-xin duy nhất được sử dụng rộng rãi ở Brazil, và được ưu tiên cho các nhân viên y tế và người cao tuổi. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu Brazil, kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắc-xin Covid-19 do Trung Quốc sản xuất cho thấy: hiệu quả chỉ đạt khoảng 50,4%, thấp hơn nhiều so với dữ liệu công bố ban đầu của phía Trung Quốc.

Ngoài ra, một nghiên cứu chưa được đánh giá đồng cấp của Viện Y tế toàn cầu Barcelona và Quỹ Oswaldo Cruz ở Brazil đã chỉ ra rằng: vắc-xin Sinovac ít hiệu quả hơn đối với người cao tuổi, cụ thể là chỉ có 28% hiệu quả đối với những người trên 80 tuổi.

Đối với nhiều quốc gia không có khả năng tiếp cận ngay lập tức với vắc-xin được sản xuất ở phương Tây, thì việc mua vắc-xin của Trung Quốc là cần thiết trong bối cảnh không tiếp cận được các loại vắc-xin khác hiệu quả hơn. Nhưng giờ đây, tình hình đã thay đổi.

Bà Carla Domingues, cựu Giám Đốc Chương trình Tiêm chủng Quốc gia của Brazil, cho biết: “Thật vô nghĩa khi mua loại vắc-xin này…nó có hiệu quả rất thấp ở người cao tuổi, tốt hơn là bạn nên mua loại vắc-xin khác”.

Hà Phương (t/h)



BÀI CHỌN LỌC

Zambia hủy 10.000 liều vắc-xin Hayat-Vax của Trung Quốc sản xuất ở UAE