Vì sao tôi rời Hong Kong?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong chương trình “Phương Phi phỏng vấn” của Đài truyền hình NTD tối ngày 17 tháng 8, khách mời là ông Tang Phổ đã nói về hành trình rời Hong Kong, cũng như quan điểm của ông về tương lai Hong Kong và tình hình tại eo biển Đài Loan.

Ông Tang Phổ là một nhà bình luận chuyên mục chính trị, người gốc Hong Kong và là một luật sư. Ông từng học tại Đại học Đài Loan và tốt nghiệp cao học. Ông đã có nhiều bài báo trên nhiều phương tiện truyền thông ở Hong Kong và Đài Loan trong một thời gian dài.

Ông Tang Phổ quyết định nhập cư vào Đài Loan sau khi "Luật An ninh Quốc gia Hong Kong" được thông qua vào năm ngoái. Ông hiện là Chủ tịch Hiệp hội Hong Kong tại Đài Loan.

Khi mới đến Đài Loan ông đã khẳng định: "Tôi hy vọng sẽ sát cánh cùng 23,7 triệu dân Đài Loan cùng đối mặt với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), để chiến đấu trong trận chiến này. Đây không phải nói đến một cuộc chiến tranh, mà là để bảo vệ an ninh quốc gia của Đài Loan."

Sau đây quý báo xin đăng lại bài phỏng vấn của ông với Đài truyền hình NTD:

Xin chào Phổ tiên sinh, cảm ơn ông rất nhiều vì đã nhận lời tham gia cuộc phỏng vấn của chúng tôi.

Phổ tiên sinh: Xin chào, cô Phương Phi, cảm ơn. Xin chào tất cả các bạn khán giả.

Sau khi Luật An ninh Quốc gia được thông qua, Hong Kong vào năm 2020 tương đương với đại lục vào năm 1949

MC: Cảm ơn ông. Thưa ông, hơn một năm kể từ khi Đạo luật An ninh Quốc gia được thông qua, hàng trăm nghìn người Hong Kong đã rời Hong Kong. Ông là một trong số đó. Trước tiên, ông có thể chia sẻ một chút về nó, về quá trình ông đưa ra quyết định này vào thời điểm đó như thế nào được không ạ?

Tang Phổ: Đối với tôi, rời Hong Kong đến Đài Loan sẽ dễ dàng hơn những người khác, bởi vì tôi đã học ở Đài Loan khi tôi còn học đại học, và có quốc tịch ở đây. Nhưng rời khỏi quê hương luôn là một khó khăn. Từ năm 2006, tôi đã làm việc với vai trò bình luận viên chính trị trên đài phát thanh D100 ở Hong Kong. Về cơ bản, hàng tuần tôi đều làm một chương trình bình luận chính trị về Trung Quốc và Hong Kong.

Tôi nhớ vào khoảng tháng 5 năm 2020, ĐCSTQ tuyên bố sẽ ban hành “Luật An ninh Quốc gia Hong Kong” vào ngày 30 tháng 6. Với kinh nghiệm bi thảm từ thế hệ cha mẹ mình, tôi biết rằng mình sẽ phải dời đi, nếu như tôi vẫn còn muốn viết những bài bình luận chính trị như trước đây, nếu ở lại tôi sẽ phải ngoan ngoãn nghe theo lời ĐCSTQ.

Tôi nghĩ rằng tình hình ở Trung Quốc năm 1949 sẽ tái hiện lại ở Hong Kong vào năm 2020 và sau đó. Bạn có thể thấy rằng, gần đây rất nhiều cây viết bình luận đã gác bút, tức là họ hoàn toàn không tham gia thể hiện ý kiến cá nhân nữa. Nhưng về phía cá nhân, nếu tôi vẫn muốn tham gia đóng góp ý kiến của mình, tôi tin rằng mình nên làm ở một nơi an toàn và dân chủ hơn. Tôi thấy Đài Loan là lựa chọn tốt, vì vậy tôi đã chọn đến đây và tiếp tục công việc của mình.

Bởi vì, trong quá khứ, ĐCSTQ đã cho thấy sự tàn nhẫn của chế độ đó, nó sẽ không dung thứ cho bất cứ ai có ý kiến đi ngược lại với nó. Và Hong Kong sẽ lại là nơi tiếp theo của “cơn ác mộng” ấy. Vì vậy, tôi tin rằng những người ở lại Hong Kong rất dũng cảm. Mỗi người đều có lý do riêng để lựa chọn đi hay ở lại, nhưng tôi chọn đi vì tôi không muốn trở thành nạn nhân chính trị như nhiều người trước đây.

Ông Tang Phổ trao đổi cùng MC trong chương trình “Phương Phi phỏng vấn” của NTD. (Ảnh: cắt từ video)
Ông Tang Phổ trao đổi cùng MC trong chương trình “Phương Phi phỏng vấn” của NTD. (Ảnh: cắt từ video)

MC: Vậy từ khi quyết định ra đi đến khi thực sự rời Hong Kong, ông chỉ có thời gian là 1 tháng phải không?

Tang Phổ: Cuối năm trước tôi có một số ý tưởng thành lập tổ chức hiệp hội đồng hương ở Đài Loan. Vào tháng 1 năm 2020, bà Thái Văn Anh đã tái đắc cử Tổng thống ở Đài Loan, và tôi cho rằng Đài Loan là một lựa chọn khá tốt. Vào thời điểm đó, nhiều người dân Hong Kong không mong đợi đến Đài Loan. “Luật An ninh Quốc gia” đã khiến tôi quyết định rời Hong Kong, nguyên nhân là do việc ĐCSTQ chèn ép Hong Kong ngày càng chặt và nghiêm trọng hơn.

Mặt khác, chúng ta có thể thấy rằng nền dân chủ của Đài Loan đang dần được củng cố và từng bước được thực thi. Vào giai đoạn này, tôi cảm thấy rằng việc tiếp tục thực hiện những bình luận của mình ở Đài Loan sẽ thiết thực hơn. “Luật An ninh Quốc gia” là giọt nước cuối cùng, chứ không phải là lý do duy nhất.

Tôi nghĩ quyết định này là một cuộc đấu tranh tư tưởng lớn. Bởi vì, nhiều bạn bè, đồng nghiệp và đối tác của tôi đang ở Hong Kong. Họ có thể đang ở trên đường phố, trong tù hay đang chờ xét xử. Rất nhiều trong số họ là khán giả của tôi. Vì vậy, ban đầu tôi đã có cảm giác tội lỗi khi bỏ mặc lại họ. Nhưng tôi cần chọn lấy điều ít tồi tệ hơn, nên tôi đã chọn đến đây.

MC: Tôi nghĩ ông là người rời Hong Kong khá sớm. Điều ông nói vừa rồi tôi nghĩ rất quan trọng, ông nói rằng sau khi thực hiện Luật An ninh Quốc gia, có vẻ giống như ĐCSTQ đã "giải phóng" vào năm 1949. Ông đặt dấu ngoặc kép giống như "giải phóng" Trung Quốc, ĐCSTQ cũng sẽ đến "giải phóng" Hong Kong. Tôi nghĩ rằng nhiều người có thể không hiểu như vậy vào thời điểm đó. Tình hình này sẽ trở nên tồi tệ như thế nào? Tại sao ông không có chút ảo tưởng nào về ĐCSTQ?

Tang Phổ: Dựa trên sự hiểu biết thấu đáo về ĐCSTQ, tôi sẽ không ảo tưởng về nó. Tôi vẫn nhớ rằng vào cuối tháng 6 năm 2020, khi tôi tổ chức chương trình Trung Quốc cuối cùng trên D100, tôi đã nói rằng “Trung Quốc năm 1949 tương đương với Hong Kong vào năm 2020, và ĐCSTQ sẽ ngày càng tàn bạo hơn trong tương lai”. Hãy nhìn vào những gì nó đã làm, và bạn có thể thấy rằng từ khi nó ra đời, nó đã đàn áp quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tụ tập, và tự do báo chí, và quan trọng hơn, nó không chỉ là đàn áp mà còn bắt giam giữ người, giống như như một khái niệm “cải tạo lao động”.

Ngoài ra, bạn có thể thấy rất nhiều hình ảnh này, khi bài quốc ca Trung Quốc của ĐCSTQ vang lên, người ta bắt đầu la ó, và tất cả có thể sẽ bị bắt. Xuất bản tập truyện tranh như “Mười hai chiến binh ở Dương thôn” cũng sẽ bị bắt, bị coi là một ấn phẩm kích động. Điều này cho thấy một nền chính trị chuyên chế tập trung, và hiện giờ nó đang tiến đến Hong Kong.

Bản chất của ĐCSTQ sẽ không thay đổi

Trước năm 1949, bản thân ĐCSTQ đã xấu xa rồi, từ phong trào chống Liên đoàn AB đến phong trào Chỉnh phong Diên An và cuộc bao vây Trường Xuân, đến Cải cách Ruộng đất và các phong trào Tam phản, Ngũ phản, chống Hồ Phong, chống cực hữu, sau khi nó lên nắm quyền. Rồi đến các phong trào xã hội như Đại nhảy vọt, Ruộng cao sản, luyện gang thép, đến Cách mạng Văn hóa, đến những hành động tàn bạo trong thời Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, rồi đến thời kỳ Tập Cận Bình chuyên chế, công nghệ, cực đoan và toàn trị nhất, chúng ta cũng biết rằng bản chất của ĐCSTQ không thay đổi.

Tôi thường nói rằng bản chất của ĐCSTQ là không thay đổi, và quan điểm của nhiều người về nó cũng thay đổi theo các hình thức khác nhau của ĐCSTQ. Có ý kiến ​​cho rằng ĐCSTQ vẫn là một loại độc dược độc tài. Bây giờ nó vẫn là “bình mới rượu cũ”, bản chất bên trong vẫn không thay đổi. Cho nên chúng ta không nên bị lừa dối bởi sự phát triển kinh tế bề ngoài.

Khi tôi làm luật sư kinh doanh, tôi cũng đã đến thăm Trung Quốc đại lục, đã gặp phải rất nhiều cái gọi là tham nhũng và một số điều tương tự ở nhiều loại hình kinh doanh khác nhau. Điều này khiến tôi cảm thấy Trung Quốc không phải là quốc gia bình thường.

Trong trường hợp này, hãy nhìn lại thế hệ cha mẹ của những thanh niên Hong Kong, gốc Trung Quốc hiện tại. Khi họ còn trẻ, họ đã trốn sang Hong Kong. Tại sao như vậy? Bởi vì tình hình khốn khó khi đó. Nhưng hiện tại, nhiều người đã quên đi nỗi đau trong quá khứ, họ nghĩ rằng ĐCSTQ đã thay đổi và cải cách đã thành công và đem lại lợi ích. Nhưng thực tế không phải như vậy, thực tế là tiền trong tài khoản ngân hàng có thể nhiều hơn nhưng lối suy nghĩ không thay đổi. Vì vậy việc hiểu bản chất của ĐCSTQ rất quan trọng.

Bản chất của ĐCSTQ là không thay đổi, mà sự thay đổi chính là ở quan điểm và quan niệm của người khác về nó. Vì vậy, tôi hy vọng rằng mọi người sẽ không tiếp tục bị ĐCSTQ lừa dối.

Ngày nay so với những người rời Hong Kong vào năm 1997 có sự khác biệt lớn nhất về tâm lý: họ có thái độ phản kháng

MC: "Luật An ninh Quốc gia" đã thực hiện được một năm, Hong Kong hiện đã trải qua những thay đổi long trời lở đất, và hoàn toàn bị Đại lục hóa. Hàng ngày sân bay chật kín những người Hong Kong muốn rời đi. Nhưng tôi nhớ thời điểm năm 1997, nhiều người Hong Kong cũng đã chọn cách di cư và rời khỏi Hong Kong. Ông nghĩ điểm giống và khác nhau giữa những người ra đi vào thời điểm đó và nhóm những người rời đi ngày nay, trong tâm trạng và suy nghĩ của họ, và quan điểm của họ về ĐCSTQ là gì?

Tang Phổ: Tôi nghĩ về bản chất là giống nhau, nhưng cũng có điểm khác biệt lớn. Bạn sẽ thấy rằng việc mọi người muốn tránh khỏi những đe dọa của ĐCSTQ là những phản ứng bình thường, sau những gì nó đã làm với Đại lục. Nếu bạn không thể đánh bại nó, bạn buộc lòng phải né tránh. Điều này trước và sau năm 1997 là như nhau.

Nhưng theo tôi có một khác biệt cơ bản. Trước năm 1997, về cơ bản không ai chắc chắn cho tương lai khi ở Hong Kong. Có thể là tốt có thể là xấu, có người rời đi nhưng sau năm 1997 họ lại quay lại và thấy nơi này vẫn ổn. Nhưng bây giờ thì tình hình đã hoàn toàn khác. Sau Luật An ninh quốc gia, cho dù ĐCSTQ có nói đến việc phục hồi hay đổi mới, không ai tin rằng nó sẽ thực sự như vậy. Và vì vậy, nơi này có thể sẽ còn bi đát hơn.

Thứ hai là có cần phải chiến đấu hay không. Những người rời khỏi Hong Kong vào thời điểm đó về cơ bản không có ý thức phản kháng. Ngay cả những người ở lại Hong Kong và những người rời khỏi Hong Kong cũng sẽ không muốn chiến đấu, không muốn lên tiếng. Nhưng những người rời khỏi Hong Kong bây giờ, bạn sẽ thấy họ có xu hướng đối đầu với ĐCSTQ khi rời khỏi đây. Và điểm thứ ba là sự trẻ trung, họ không phải tầng lớp trung lưu hay giàu có với khối tài sản hơn 100 triệu tệ, họ chỉ là những sinh viên bình thường, vì đã tham gia phản kháng nên phải tha hương cầu thực.

Vì vậy, nếu tổng kết những điều này lại, bạn sẽ thấy điều gì đang đến. Chúng tôi biết rằng tại các quốc gia, bao gồm Đài Loan, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Canada và Úc có rất nhiều tổ chức phi chính phủ đang đấu tranh vì phẩm giá, quyền tự do dân chủ, pháp quyền của chúng tôi tại Hong Kong. Nhưng chúng tôi cũng biết rằng rất khó để đấu tranh cho những điều ấy khi ở bên ngoài Hong Kong. Chúng tôi chỉ có thể giữ gìn văn hóa của chúng tôi và phát triển vòng kết nối kinh tế của mình, đồng thời tự vun trồng cội rễ tâm linh của chính mình.

Trong quá khứ, ông Đường Quân Nghị, một người theo Nho giáo mới đã nói rằng: “hoa quả xác xơ thì phải tự vun trồng cội rễ tâm linh của mình, cội rễ tinh thần của trí tuệ phải tự sinh sôi trên mảnh đất của mình”. Vì vậy, về mặt này, người Hong Kong là người đầu tiên gạt bỏ chủ nghĩa Hong Kong cũ, tức là từ bỏ tính kiêu ngạo cố hữu và làm lại từ đầu, thứ hai là mưu cầu hạnh phúc cho người Hong Kong.

Tôi cũng biết một số thành viên của một số ban nhạc ở nước ngoài, đặc biệt là ở Canada. Họ đã từng sáng tác âm nhạc về Hong Kong. Một số nhà văn giỏi cũng đã đến Đài Loan, bao gồm cả Lâm Tịch. Những người đã tham gia phong trào ủng hộ dân chủ, ví dụ như Giáo sư Trần Kiện Dân cũng đã đến Đài Loan gần đây. Vì vậy, tôi hy vọng rằng trên tiền đề này, mọi người có thể đoàn kết và làm việc chăm chỉ để chống lại ĐCSTQ. Trước năm 1997, tình trạng này hầu như không có, nhưng lần này thì khác, muốn lấy lại gốc rễ tâm linh thì phải chống lại ĐCSTQ. Nên đó là sự khác biệt lớn nhất.

Người biểu tình ủng hộ dân chủ tập hợp chống lại sự tàn bạo của cảnh sát và dự luật dẫn độ gây tranh cãi tại sân bay quốc tế Hong Kong vào ngày 12/8/2019 (Ảnh: Getty Images)
Người biểu tình ủng hộ dân chủ tập hợp chống lại sự tàn bạo của cảnh sát và dự luật dẫn độ gây tranh cãi tại sân bay quốc tế Hong Kong vào ngày 12/8/2019 (Ảnh: Getty Images)

Những người Hong Kong di cư ra nước ngoài là hạt giống sẽ đơm hoa kết trái trong tương lai

MC: Ông nói rằng những người Hong Kong di cư sang các nước khác dường như đang gieo hạt ở khắp mọi nơi, rồi sau này sẽ từ từ đơm hoa kết trái. Ông nghĩ những người này cùng những nỗ lực không mệt mỏi của họ sẽ có tác động như thế nào đối với tương lai của Hong Kong?

Tang Phổ: Tôi tin rằng nó có ảnh hưởng rất lớn, bởi vì Hong Kong đã bị buộc phải đi con đường dài đầy tăm tối này. Tôi không biết nó sẽ kéo dài bao lâu, chúng tôi có thể làm rất nhiều điều khi ở bên ngoài Hong Kong.

  • Bạn hãy xem, ngày 12 tháng 6 có rất nhiều người ở các thành phố khác nhau trên thế giới đã xuống đường biểu tình, họ muốn mọi người không quên mốc thời gian lịch sử đó. Giống như sự kiện Lục Tứ, chúng tôi chưa bao giờ quên điều đó, cũng như sẽ không quên những gì đã xảy ra từ ngày 9 tháng 6 năm 2019 - Ngày diễn ra cuộc biểu tình phản đối Dự luật dẫn độ.
  • Điều thứ hai, đó là việc tôi thành lập Hiệp hội Hong Kong tại Đài Loan, tôi sẽ nói chi tiết về vấn đề này ở phần sau.
  • Điều thứ ba, đó là chính sách về nhập cư và định cư, cách giải quyết các vấn đề về tị nạn chính trị.
  • Thứ tư, là vấn đề về mạng lưới an toàn xã hội, điều này rất quan trọng. Ví dụ, có sinh viên không có tiền đóng học, cần mọi người giúp đỡ, trong trường hợp khẩn cấp người Hong Kong sẽ giúp đỡ nhau. Chúng tôi hy vọng rằng tổ chức những người Hong Kong ở nước ngoài có thể đùm bọc lẫn nhau.
  • Cái thứ năm, tất nhiên là liên quan đến các vấn đề truyền thông. Tờ Daily Apple bị đàn áp và biến mất, liệu còn Daily Apple 2.0 nào nữa không? Tôi hy vọng sẽ từ từ phát triển một tờ báo như vậy, khi chúng tôi dần có được thêm nhân lực từ những người bình luận, báo cáo chuyên sâu, những người chuyên làm phóng sự cuộc sống… Khi chúng tôi ngày càng mở rộng, liên minh lớn này có thể thực hiện được. Vì vậy, chúng tôi sẽ thuận lợi hơn khi bắt đầu điều này ở bên ngoài.

Nhưng tôi thấy quan trọng nhất là khôi phục văn hóa. Ví dụ, có nhiều nhạc sĩ sáng tác hoặc ban nhạc đã rời đi, hy vọng rằng họ sẽ có thế viết về những điều mới mẻ và hướng đến tương lai tốt đẹp, thay vì say mê những huy hoàng đã qua trong quá khứ. Để có thể tiếp tục cổ vũ và nuôi dưỡng văn hóa của người Hong Kong.

Những “Vòng tròn kinh tế màu vàng” của những người ủng hộ phong trào biểu tình của người Hong Kong cũng rất quan trọng. Chúng tôi có rất nhiều bạn bè ủng hộ nền dân chủ ở nhiều nơi. Chúng tôi có thể tạo ra một chuỗi lớn những cửa hàng có thể giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau, có thể thúc đẩy người nhập cư Hong Kong có cùng chuỗi giá trị.

Sau cùng, nó có thể là một diễn đàn về tuyên ngôn chính trị, có rất nhiều tạp chí được xuất bản ở nhiều nơi khác nhau. Bạn cũng để ý rằng sự kế thừa của loại hình văn hóa này là vô tận. Thậm chí, gần đây tôi còn thấy một số bạn trẻ rất dũng cảm kết nối những người bên ngoài Hong Kong để làm tài liệu giảng dạy. Điều đó có nghĩa là bộ tài liệu giảng dạy trước đây ở Hong Kong khá tốt và nên được bảo tồn. Hy vọng có thể cập nhật cái mới và phát triển từ cái cũ, tiếp tục bổ sung vào đó, để có thể trao cho những thế hệ trẻ em ở bên ngoài Hong Kong. Chúng sẽ hiểu về Hong Kong trước đây và tưởng tượng về Hong Kong mà chúng muốn theo đuổi trong tương lai. Tôi nghĩ đây là điều đáng được khuyến khích và ủng hộ.

MC: Ông nghĩ gì về chính trị? Người Hong Kong ở các quốc gia khác nhau, liệu họ có sử dụng kiến ​​thức và kinh nghiệm cá nhân của mình về ĐCSTQ để thúc đẩy chính quyền địa phương thiết lập một số chính sách và chiến lược chống ĐCSTQ không?

Tang Phổ: Tôi tin rằng đây không chỉ là quá khứ, mà còn là thì hiện tại cũng như tương lai. Bạn thấy nhiều người trẻ đã khởi xướng và đang làm rất nhiều việc từ bên ngoài, ví dụ như La Quán Thông. Còn nhiều người nữa ở Hoa Kỳ, Canada, Úc hoặc Vương quốc Anh. Họ đã trở thành công dân ở đất nước đó, và trở thành những người dẫn đầu địa phương mà họ đang sinh sống. Thông qua vận động hành lang, tạo ra các áp lực cho chính quyền Hong Kong và tiếp tục gây sự chú ý của công luận tới vấn đề Hong Kong - Trung Quốc.

Tôi chuẩn bị tổ chức Hiệp hội Hong Kong tại Đài Loan với mục đích trở thành một hiệp hội đồng hương thực sự. Nó có thể sử dụng tình cảm của người đồng hương di cư và định hướng giá trị. Chúng tôi không thể chấp nhận một số người ủng hộ ĐCSTQ trở thành những đối tác của chúng tôi. Các đối tác của chúng tôi về cơ bản đều có lập trường chống Trung Cộng rất rõ ràng. Điều đó là rất quan trọng để có thể tập hợp lại và giúp đỡ lẫn nhau. Ngoài ra còn có một số sáng kiến ​​về chính sách để giúp nhóm chúng tôi có được chỗ đứng vững chắc trong xã hội địa phương. Ngoài việc hội nhập, nhóm còn đấu tranh cho quyền lợi của chúng tôi, và giao lưu nhiều hơn với dân bản địa và cư dân mới. Đây là ước mơ của chúng tôi.

Còn có nhiều những ý tưởng và phương thức thực hiện ở những nơi khác, nhưng tôi cho rằng sự kết nối, giao tiếp và chia sẻ thông tin là rất quan trọng. Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng mọi người từ khắp nơi trên thế giới sẽ đều tạo hiệu ứng tốt. Một mặt, việc vận động hành lang hoặc vận động các chính phủ ngoại quốc, là để thúc đẩy nhóm dân tộc mới của người Hong Kong như người Mỹ gốc Hong Kong, người Đài Loan gốc Hong Kong. Đồng thời, có một điểm là khuyến khích những chính sách của chính quyền bản địa đối với ĐCSTQ và chính quyền Hong Kong.

Đó là một sự thay đổi ở bên ngoài Hong Kong, trong tình hình mà chúng ta không thể làm được gì nhiều. Nhưng nếu có bất kỳ cách thức nào có thể nhân rộng ra nhiều nơi, thì tôi cho rằng nơi này chắc chắn là nơi mà nhiều người đang làm.

“Luật An ninh Quốc gia” này có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của những người tham gia chống lại dự luật này. Vì vậy, tôi tin rằng nhiều đồng nghiệp của tôi đang vận động chính sách ở khắp nơi, hy vọng đất nước họ đang định cư sẽ bảo vệ họ và chống lại dự luật của ĐCSTQ. Điều đó không có nghĩa là sẽ có các biện pháp trừng phạt, nhưng ít nhất họ có được sự hỗ trợ từ nơi họ đang cư ngụ.

Những người Hong Kong ở lại Hong Kong cần phải giữ gìn những giá trị truyền thống và truyền lại sự thật cho thế hệ sau

MC: Tôi muốn hỏi ông một câu khác về Hong Kong, bởi vì ông vừa nói rằng những người Hong Kong ở lại thực sự rất dũng cảm, tất nhiên có rất nhiều người không thể rời đi. Vậy đối mặt với Hong Kong - quốc gia gần như hoàn toàn Đại lục hóa ngày nay, ông nghĩ họ có thể đối phó với những nguy cơ khi ở lại như thế nào?

Tang Phổ: Đây là một câu hỏi rất khó.

Bản thân những người còn ở lại rất khó tạo ra sự khác biệt lớn để thay đổi được cục diện. Gần đây, tôi có xem một bộ phim tên là “Thời đại lớn”, nhân vật chính có một sự thức tỉnh cơ bản, đó là anh ta nghĩ mình không thể chết. Tận dụng tốt những thế mạnh của mình, cứ sống, làm việc và cống hiến hết mình. Và chờ đợi vận may. Hiện tại, vận may của ĐCSTQ đang rất lớn và chúng ta không thể phủ nhận điều đó. Nhưng cái may mắn đó rồi sẽ đến lúc suy yếu, khi đó mới là thời cơ của chúng ta.

Hình thế bây giờ ở Hong Kong rất hỗn loạn, rất nhiều bạn bè của chúng tôi ở đây đã bị đàn áp nghiêm trọng. Dù là ở bất cứ đâu, việc bắt bớ đều có thể xảy ra, không còn âm thầm như trước kia. Từ sách báo đến cả lời bài hát đều có thể bị cấm và bắt giữ. Vì vậy, tôi nghĩ rằng có rất nhiều điều mà không có cách nào để tiến hành.

Là một tín đồ Cơ Đốc, chúng tôi tin rằng mình luôn có Chúa chăm sóc. Theo đó, thế giới của chúng ta điều quan trọng nhất không phải là tiền bạc, quyền lực, danh vọng… Mà chúng ta đang nói với giá trị của niềm tin, chính là giá trị Chân, Thiện, Mỹ.

Vì vậy, tôi tin rằng nhiều người dân Hong Kong đều đồng tham gia vào phong trào này. Chúng tôi đã đặt lợi ích của mình qua một bên, để có thể chân chính đi con đường này. Chúng ta có thể nói rằng chúng ta có thể tiếp tục trân trọng những thông điệp chân thật, nhân hậu và cao đẹp này. Và hy vọng rằng những thông điệp cũ và mới có thể được lưu giữ, vậy là đủ.

Tôi hy vọng rằng thông qua chương trình này, hoặc một số chương trình tương tự, có thể đi vào trái tim của người Hong Kong, để họ hiểu rằng nhiều người ở nước ngoài vẫn đang quan tâm đến Hong Kong. Đồng thời, chúng tôi hy vọng sẽ động viên họ và họ sẽ kể lại câu chuyện này cho trẻ nhỏ. Trẻ em bây giờ cần được giáo dục lòng yêu nước trong trường học, nhưng đó lại bị đánh đồng với về lòng yêu Đảng. Đó là giáo dục rất phiến diện và cha mẹ cần có trách nhiệm hướng dẫn con cái đi đúng đường.

Những đứa trẻ tội nghiệp bây giờ có thể phải trả lời các bài kiểm tra, cư xử trong lớp mà không thể hiện cảm xúc thật của mình. Vì vậy, nhiều bậc phụ huynh sẽ phải đối mặt với vấn đề này.

Điều tôi lo sợ nhất là sau năm nay, Hong Kong sẽ rơi vào tình trạng như những gì xuất hiện ở Trung Quốc sau năm 1989 - có nghĩa là, đừng nhìn lại bất cứ điều gì, hãy nhìn về phía trước và hãy nhìn vào tiền bạc. Ít nhất tại thời điểm này, điều này vẫn chưa xuất hiện ở Hong Kong. Đã có một nhóm người chạy theo kim tiền, nhưng một số người tích cực đấu tranh đã rời đi, và những người ở lại sẽ vẫn tập trung vào phúc lợi công cộng.

Cho nên, tôi hy vọng tinh thần này sẽ tiếp tục mãi mãi. Vấn đề là luồng thông tin của chúng ta không nên bị cắt đứt, chúng ta không nên ngừng hoạt động và chúng ta không nên sợ hãi. Chúng ta tiếp tục giữ một luồng thông tin trung thực ổn định. Hãy truyền tải thông tin đó đến người dân Hong Kong.

(Hết phần 1)

Kênh phỏng vấn Fangfei: https://bit.ly/fangfeitalk

Từ Tịnh

Theo The Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao tôi rời Hong Kong?