Vì sao người ra đi khiến người ở lại ‘khó sống’? Làm sao đối mặt với mất mát và đau thương?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nghiên cứu do Đại học Glasgow, Scotland, thực hiện trên 4.000 cặp vợ chồng đã cho thấy, việc quá đau thương vì một nửa của mình mất đi khiến người còn lại cũng dễ dàng chết theo. Vấn đề là, làm sao để chúng ta có thể đối mặt với mất mát và đau thương?

Sự ra đi của người thân yêu là một sự mất mát và nỗi đau to lớn. Đây là một sự thật khó chấp nhận và mang lại nhiều xáo trộn cho cuộc sống cũng như tinh thần của bạn. Để tiếp nhận và vượt qua quá trình này không hề dễ dàng.

Cặp song ca Johnny Cash và June Carter Cash qua đời chỉ cách nhau 9 tháng. Các chuyên gia cho rằng khi bị mất người yêu quý, người ta dễ sống buông thả như ăn uống không điều độ, hút thuốc, uống rượu, hoặc rơi vào trạng thái trầm cảm.

Nghiên cứu bắt đầu từ những năm 1970 đã tìm hiểu các cặp vợ chồng ở độ tuổi 45 đến 64. Nhóm ghi lại thời điểm một người qua đời, và sự ra đi của người còn lại. Trong giai đoạn tiếp theo, số phụ nữ qua đời gấp đôi số đàn ông.

Trong 6 tháng đầu sau khi một trong hai vợ chồng qua đời, khả năng người tiếp theo ra đi sẽ tăng cao với rất nhiều lý do, trong 5 năm tiếp theo thì nguy cơ tử vong vì rối loạn tim gia tăng đáng kể.

Nhà nghiên cứu đứng đầu Carole Heart nói: "Chúng tôi đã thấy rằng việc mất đi người yêu quý gây tác động mạnh lên cuộc sống của người ở lại, bên cạnh các yếu tố cá nhân như hút thuốc, uống rượu, và tác động đó đeo đẳng mãi".

Stewart Wilson, tại tổ chức tư vấn từ thiện Cruse Bereavement Care, cho biết: "Đặc biệt khi cặp đôi đã sống với nhau một thời gian dài thì khả năng vượt qua của người còn lại sẽ không cao".

Làm sao để đối mặt với mất mát và đau thương?

Diễn giả Jeff Minick dạy môn lịch sử, văn học và tiếng La tinh cho các học sinh tại gia ở Asheville, North Carolina, Hoa Kỳ, đã đưa ra những lời khuyên bổ ích sau:

Đừng ôm giữ nỗi đau

Sáu tuần sau cái chết của vợ tôi, mẹ vợ tôi đã nói rằng: “Đã đến lúc tất cả chúng ta cần phải vượt qua chuyện này và tiếp tục sống!”.

Đó là những lời nói rất sáng suốt. Chúng tôi cần cho phép mình có thời gian để đau buồn trong khi cố gắng vượt qua nó. Trong những lần đến nhà chúng tôi, mẹ vợ thường đến thăm mộ của vợ tôi ở gần đó. Bà chỉ ở đó một hoặc hai phút là quay về trước khi bật khóc. Bà không muốn ôm giữ nỗi đau.

Không ai trong chúng ta muốn chìm đắm trong đau khổ, nhưng sự mất mát quá lớn khiến ta cảm thấy đau đớn và cần có thời gian để vượt qua. Một bác sĩ trị liệu đã từng nói với tôi rằng nỗi đau mất người thân có thể phải mất đến ba năm mới nguôi ngoai.

Vì vậy, hãy kiên nhẫn với bản thân và với những người xung quanh vì nỗi buồn không có thời gian biểu.

Có những người cố gắng giải thoát bản thân khỏi sự mất mát bằng cách phung phí tiền vào việc mua sắm, đắm mình trong ma túy hoặc rượu, có người lao vào công việc, cố gắng tìm kiếm người bạn đời hoặc người yêu khác.

Trốn chạy nỗi đau càng khiến vết thương lòng khó lành và có thể mang lại nhiều rắc rối hơn. Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ tinh thần, gặp gỡ bạn bè, người thân, hoặc những người có hoàn cảnh tương tự để cùng chia sẻ những câu chuyện và cách họ đã vượt qua quãng thời gian khó khăn của cuộc sống.

Sự sẻ chia này cũng có thể làm nhẹ gánh nặng trong tâm chúng ta, khiến chúng ta nhận ra rằng mình không đơn độc như chúng ta vẫn nghĩ.

Đau khổ cũng là một người thầy

Mất mát và đau buồn để lại cho một số người sự cay đắng hoặc hoài nghi, và không thể nhìn thấy những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn nhận cẩn thận hơn thì đau buồn lại là một người thầy tuyệt vời. Nó có thể khiến sự đồng cảm và tình thương của chúng ta đối với người khác trở nên sâu sắc hơn.

Điều này thậm chí cho chúng ta sức mạnh để trân trọng những người đã mất, và cho phép chúng ta mạnh mẽ hơn từ nghịch cảnh

Tác giả Kate McGahan đã từng viết: “Đau buồn sẽ không buông tha bạn cho đến khi bạn thỏa mãn những gì nó đã dạy cho bạn”.

Đau buồn thay đổi chúng ta. Nghe có vẻ tầm thường nhưng đây là điều chúng ta cần rút ra được sau những trải nghiệm đau thương trong cuộc đời.

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao người ra đi khiến người ở lại ‘khó sống’? Làm sao đối mặt với mất mát và đau thương?