Vì sao trong thời kỳ đại dịch hạch bùng phát ở Châu Âu, bác sĩ lại vận trang phục kỳ dị như Thần Chết?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xuất phát từ sa mạc Gobi của Trung Quốc, vi rút dịch hạch đã nhanh chóng lây lan mạnh mẽ trên khắp lục địa Á - Âu khiến nhân loại trong quá khứ phải đối mặt với một thảm kịch kinh hoàng. Tuy nhiên, không ít người nhìn vào tấm ảnh này vẫn thắc mắc, vì sao bác sĩ thời kỳ Cái chết đen lại vận trang phục kỳ dị giống Thần Chết như vậy?

Đại dịch hạch bùng phát

“Cái chết đen” là tên gọi khác của đại dịch hạch bùng phát ở lục địa Âu - Á vào thế kỷ 14.

Cuối những năm 1320 hoặc đầu những năm 1330, vi rút dịch hạch đột nhiên xuất hiện tại sa mạc Gobi của Trung Quốc, theo PBS.

Tháng 10 năm 1347, một hạm đội tàu Genova trở về từ Biển Đen (một liên kết thương mại quan trọng với Trung Quốc lúc bấy giờ) đã cập cảng Messina, đảo Sicily (Ý). Sau khi dừng tại cảng, người dân trên đảo đều cảm thấy kinh hoàng khi chứng kiến cảnh tượng trước mắt. Hầu hết những người trên tàu đều đã chết, trong khi những người khác đang thoi thóp với cơ thể bị bao phủ bởi nhọt đen rỉ máu và mưng mủ. Con tàu được lệnh yêu cầu rời khỏi cảng ngay lập tức, nhưng lệnh đưa ra không thể kịp thời ngăn chặn đại dịch.

Kể từ đó, vi rút nhanh chóng lan ra phía bắc dọc theo các tuyến đường thương mại. Chỉ vài tháng sau, mùa xuân năm 1348, dịch bệnh đã lan đến tận nước Anh.

Từ năm 1346 - 1351 là giai đoạn thảm khốc nhất khi Châu Âu chứng kiến sự sụt giảm dân số nhanh chóng khoảng 30 - 60% (tương đương với 25 - 50 triệu người). Chỉ tính riêng Paris, một nửa trong 100.000 dân đã chết. Tại Ý, dân số của Florence đã giảm từ 120.000 người vào năm 1338 xuống còn 50.000 người vào năm 1351. Trong khi đó, con số tử vong do dịch hạch ở Châu Á ước tính khoảng 20 triệu người, tuy nhiên, một số nhà sử học cho rằng số người tử vong có thể lớn hơn.

Theo Wikipedia, đến năm 1400, thời điểm đại dịch suy yếu và chấm dứt, dân số toàn cầu đã giảm 75 - 100 triệu người. Người ta ước tính, nhân loại phải mất 150 năm để khôi phục lại trạng thái dân số như trước thời điểm chưa có đại dịch (450 triệu người).

Theo Wikipedia, đến năm 1400, thời điểm đại dịch suy yếu và chấm dứt, dân số toàn cầu đã giảm 75 - 100 triệu người.
Theo Wikipedia, đến năm 1400, thời điểm đại dịch suy yếu và chấm dứt, dân số toàn cầu đã giảm 75 - 100 triệu người. (Wikipedia)

Các dạng bệnh

Dịch hạch là một loại bệnh phức tạp. Không giống như nhiều bệnh khác có các triệu chứng cố định và dễ dàng nhận biết, đối với dịch hạch, người ta phân ra ba loại bệnh khác nhau dựa vào những triệu chứng trên thân bệnh nhân. Theo đó, dịch hạch ngoài sưng hạch bạch huyết còn bao gồm nhiễm trùng phổi hoặc nhiễm độc máu:

  • Loại 1: tình trạng sưng hạch bạch huyết gây đau đớn xung quanh cổ, nách và bẹn; các hạch sưng theo thời gian có thể bị vỡ gây chảy mủ và máu. Nạn nhân bị tổn thương da và mô bên dưới cho đến khi cơ thể họ bị bao phủ bởi các vết đen. Hầu hết các nạn nhân chết trong vòng 4 - 7 ngày sau khi nhiễm bệnh. Bệnh dịch hạch là hình thức thường thấy nhất trong Cái chết đen, với tỷ lệ tử vong khoảng 30 - 75% và các triệu chứng bao gồm sốt 38 - 41°C, nhức đầu, đau nhức các khớp, buồn nôn và nôn mửa.
  • Loại 2: bệnh dịch hạch thể phổi là một bệnh dịch lây truyền qua không khí tấn công phổi trước phần còn lại của cơ thể. Dịch hạch thể phổi là hình thức phổ biến thứ hai trong thời kỳ Cái chết Đen với tỷ lệ tử vong từ 90 đến 95%.
  • Loại 3: dịch hạch dạng nhiễm độc máu. Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn của côn trùng bị nhiễm bệnh. Bệnh dịch hạch có thể gây đông máu lan tỏa trong lòng mạch, và hầu như luôn gây tử vong; tỷ lệ tử vong trong thời trung cổ là 99 - 100%. Dạng nhiễm độc máu là bệnh hiếm gặp nhất trong ba loại bệnh.
Để chống lại mối đe doạ tưởng tượng ban đầu khi cho rằng vi rút có thể lây lan trong không khí, các bác sĩ đã trang bị cho mình một bộ trang phục kín đáo với chiếc mặt nạ mỏ dài kỳ dị.
Để chống lại mối đe doạ tưởng tượng ban đầu khi cho rằng vi rút có thể lây lan trong không khí, các bác sĩ đã trang bị cho mình một bộ trang phục kín đáo với chiếc mặt nạ mỏ dài kỳ dị. (Wikipedia)

Vì sao bác sĩ thời kỳ Cái chết Đen ăn mặc kinh dị như sứ giả của thần chết?

Theo History Answers, các bác sĩ thời bấy giờ tin rằng vi rút dịch hạch có thể lây lan qua không khí, một dạng ‘khí hư’ độc hại. Trên thực tế, dịch hạch có thể lây qua đường hô hấp, tuy nhiên, đó là kết quả từ nước bọt của người nhiễm bệnh truyền sang đường hô hấp của người khoẻ mạnh, gây ra dịch hạch thể phổi.

Để chống lại mối đe doạ tưởng tượng ban đầu khi cho rằng vi rút có thể lây lan trong không khí, các bác sĩ đã trang bị cho mình một bộ trang phục kín đáo với chiếc mặt nạ mỏ dài kỳ dị. Đến nay, nhiều người vẫn coi nó là biểu tượng của cái chết và bệnh tật.

Theo Wikipedia, trang phục bao gồm áo khoác dài đến mắt cá chân và mặt nạ mỏ chim. Nói về chiếc mặt nạ hình chim này, phần mắt của nó được gắn thêm tấm kính có thể mở, phần mỏ dài được cố định bằng dây đai thường chứa đầy mùi hương dễ chịu bên trong, chẳng hạn như hoa khô, thảo mộc và gia vị... hoặc mùi nồng (thường là hoa oải hương), họ cho rằng hương thơm này sẽ ngăn cản mùi hôi phát ra từ người bệnh, từ đó tránh bị lây nhiễm; còn có găng tay, ủng, mũ rộng vành và áo khoác ngoài. Ngoài ra họ cũng trang bị thêm một chiếc gậy baton dài để sử dụng khi tiếp xúc với người bệnh, vừa giúp bản thân có thể giữ khoảng cách, vừa có thể cởi bỏ trang phục của bệnh nhân mà không cần chạm vào họ.

Mặc dù nguồn gốc thật sự chưa rõ ràng, nhưng các nhà sử học cho rằng một bác sĩ người Pháp tên là Charles de Lorme là người đã phát minh ra bộ trang phục này vào năm 1619. Thiết kế này của ông được mô phỏng theo bộ áo giáp của người lính lúc bấy giờ.

Hoàng Tuấn



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao trong thời kỳ đại dịch hạch bùng phát ở Châu Âu, bác sĩ lại vận trang phục kỳ dị như Thần Chết?