Thảm họa ‘Chính sách một con’ của Trung Quốc và câu chuyện VĐV Canada đoạt HC Vàng Olympic

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chiến thắng tại Thế vận hội Tokyo của Margaret MacNeil, một vận động viên (VĐV) bơi lội người Canada từng là "em bé bị bỏ rơi" ở Trung Quốc, đã thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc và dấy lên làn sóng chỉ trích “Chính sách một con” vô cùng hà khắc kéo dài hàng thập kỷ của nước này.

Hôm 26/7, kình ngư Margaret MacNeil đã xuất sắc giành Huy chương Vàng ở cự ly 100m bướm nữ tại Thế vận hội Tokyo - hơn đúng 0,05 giây so với kình ngư Trung Quốc về nhì Zhang Yufei.

Với chiến thắng này, MacNeil đã mang về tấm Huy chương Vàng đầu tiên cho đoàn Canada tại Thế vận hội Tokyo. Cô còn là kình ngư Canada đầu tiên thắng nội dung 100m bướm trong lịch sử các kỳ Thế vận hội. Đây là tấm huy chương thứ hai của MacNeil tại Thế vận hội năm nay, sau Huy chương Bạc nội dung tiếp sức 4x100m nữ. Với 55,59 giây, cô cũng lập kỷ lục của châu Mỹ ở nội dung 100m bơi bướm nữ.

MacNeil trong niềm vui với đồng đội khi đoạt Huy chương Bạc trong nội dung tiếp sức 4x100m nữ (Ảnh: instagram macnmagg)
MacNeil trong niềm vui với đồng đội khi đoạt Huy chương Bạc trong nội dung tiếp sức 4x100m nữ (Ảnh: instagram macnmagg)

Đứa bé bị bỏ rơi 20 năm trước

Margaret MacNeil sinh ngày 26/2/2000 tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Cô đã bị cha mẹ ruột bỏ rơi không lâu sau khi chào đời và được đưa đến trại trẻ mồ côi. Khi được khoảng một tuổi, cô bé may mắn được ông bà Edward MacNeil và Susan McNair người Canada nhận nuôi.

Tại Ontario, Canada - quê hương thứ hai của mình, “đứa bé mồ côi ấy” đã được nuôi dưỡng trong tình yêu thương và được tạo mọi điều kiện để phát huy tài năng.

Năm lên hai, MacNeil được cha mẹ cho đi học bơi và có cơ hội thử sức tại các cuộc thi bơi lội từ năm lên tám. Năm 2019, khi đang còn là sinh viên của Đại học Michigan, tiềm năng của cô đã được khẳng định, khi cô giành Huy chương Vàng tại Giải vô địch thế giới ở Gwangju, Hàn Quốc. Điều đáng bất ngờ là cô đã đánh bại người đang giữ kỷ lục gia thế giới - Sarah Sjostrom - ở nội dung 100m bướm ở giải đấu này.

”Chính sách một con” hà khắc đã khiến tỷ lệ sinh giảm đến mức báo động và gây ra bi kịch cho biết bao gia đình (Ảnh: tổng hợp)
”Chính sách một con” hà khắc đã khiến tỷ lệ sinh giảm đến mức báo động và gây ra bi kịch cho biết bao gia đình (Ảnh: tổng hợp)

MacNeil trong cuộc thi bơi năm lên tám tuổi (Ảnh: instagram macnmagg)

Với thành tích tại Thế vận hội Tokyo năm nay, MacNeil đã trở thành VĐV nữ thứ ba trong lịch sử 100m bơi bướm thế giới phá mốc 56 giây, và là VĐV Canada thứ hai đoạt Huy chương Vàng trong một cuộc thi bơi lội quốc tế.

Thành tích đáng nể của cô không chỉ niềm tự hào của người dân Canada, mà còn nhắc nhớ người dân Trung Quốc về quá khứ đen tối dưới thời “Chính sách một con” mà họ đã trải qua.

‘Chính sách một con’ hà khắc của Trung Quốc

Câu chuyện của nhà vô địch thế giới 21 tuổi là một trong hàng nghìn - nếu không muốn nói là hàng triệu trường hợp trẻ em bị bỏ rơi ở Trung Quốc theo “Chính sách một con” kéo dài ba thập kỷ từ năm 1979.

Theo đó, ĐCSTQ đã quán triệt quan điểm “giảm dân số để đạt mục tiêu bá chủ thế giới” và bắt buộc mỗi gia đình chỉ được phép sinh một con, dưới tên gọi mỹ miều là "Chính sách kế hoạch hóa gia đình".

Dưới chính sách cực đoan này, những cặp vợ chồng vi phạm phải đóng một phức phạt cao gấp nhiều lần so với thu nhập bình quân của họ. Năm 2000, chính quyền Trung Quốc gọi mức phạt sinh con thứ hai là "phí đóng góp cho xã hội", nhằm trang trải những "thiệt hại" cho xã hội do đứa con thứ hai của các gia đình gây ra. Riêng năm 2010, tổng tiền phạt thu về khoảng 20 tỷ nhân dân tệ (hơn 7 nghìn tỷ VND).

Đơn cử như trường hợp của Đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Ông đã từng bị phạt 7,5 triệu nhân dân tệ (hơn 26 tỷ VND) chỉ vì sinh con thứ ba.

Nếu gia đình không đóng khoản phí này, những đứa con ngoài chính sách không được đăng ký khai sinh, không có tên trong hộ khẩu, không được cấp chứng minh nhân dân, không được tham gia vào hệ thống bảo hiểm, cũng như không được hưởng hệ thống giáo dục, sức khoẻ của Nhà nước. Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc năm 2011, có 13 triệu người dân Trung Quốc không được xã hội thừa nhận do không có hộ khẩu.

Trong trường hợp người mẹ bị phát hiện đang mang thai ngoài chính sách, và không có khả năng đóng tiền phạt sẽ bị cưỡng ép phá thai. Một số trường hợp phá thai cưỡng bức dẫn đến thai phụ bị thiệt mạng. Ngoài ra, một số biện pháp khác cũng được thi hành như đặt vòng tránh thai cho phụ nữ có một con, triệt sản cho phụ nữ có hai con.

Thậm chí, chính quyền một số tỉnh như Quảng Đông từng đề ra chiến dịch chống "ba không" (không chứng minh thư, không hộ khẩu, không giấy phép tạm trú), bao gồm bắt giữ, đánh đập và giam giữ những người công dân không hộ khẩu.

Ở một số địa phương kém phát triển, khoản tiền phạt này còn là một trong những khoản thu chủ yếu của chính quyền. Bởi thế mà họ càng mạnh tay chống phá thai nhằm buộc người dân đóng tiền phạt.

Hậu quả của ‘Chính sách một con’

Dưới ách của chính sách hà khắc ấy, cùng với tư tưởng “trọng nam khinh nữ” tại nước này, rất nhiều gia đình Trung Quốc đã đành phải bỏ mặc đứa con gái sơ sinh của họ trước cổng trại trẻ mồ côi, trường học hoặc thậm chí trên đường phố, với hy vọng rằng một gia đình khác sẽ chăm sóc cho chúng.

”Chính sách một con” hà khắc đã khiến tỷ lệ sinh giảm đến mức báo động và gây ra bi kịch cho biết bao gia đình (Ảnh: tổng hợp)

Theo Bộ Dân sự Trung Quốc, đến quý đầu tiên của năm 2021, có 190.000 trẻ mồ côi ở Trung Quốc. Trong số đó, chỉ có 59.000 trẻ em được chăm sóc bởi các tổ chức phúc lợi trẻ em trên toàn quốc. Số lượng trẻ mồ côi là 570.000 vào năm 2012, gấp ba lần so với năm 2021.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho biết, từ năm 1999 đến năm 2020, trong số 82.456 trẻ em mà người Mỹ nhận nuôi từ Trung Quốc có đến 82,14% trẻ là nữ giới.

Nhìn những con số trên, chúng ta không khỏi chạnh lòng khi tự hỏi, liệu số phận của hàng ngàn, thậm chí là hàng triệu đứa trẻ bị bỏ rơi ấy đã và đang ra sao? Có bao nhiêu trẻ trong số ấy có được may mắn như MacNeil? Hay phải kết thúc cuộc đời trong cảnh đói khổ?

Hi vọng rằng với những chính sách nới lỏng dân số, cho phép người dân được có sinh con thứ hai (từ năm 2015) và sinh con thứ ba (từ năm nay), do những lo ngại về sự mất cân bằng dân số của chính quyền Trung Quốc, những bi kịch này sẽ không còn xảy ra với người dân Trung Quốc nữa.

Nhưng nỗi đau vẫn còn đó...

Thành công của của VĐV MacNeil đã để lại cho người dân Trung Quốc nhiều suy ngẫm. Họ cho rằng câu chuyện cuộc đời cô là lời nhắc nhở về quá khứ đáng xấu hổ của đất nước.

"Có bao nhiêu cô gái không thể phát triển tiềm năng chỉ vì không phải là con trai? Và chúng ta đã bỏ lỡ bao nhiêu tài năng là nữ rồi".

"Hãy tưởng tượng nếu MacNeil không được nhận nuôi từ trại trẻ mồ côi, hoặc không bị bỏ rơi bởi cha mẹ ruột, thì cô ấy hiện sẽ ra sao? Việc được nhận nuôi đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của MacNeil, khi cô ấy được chăm sóc và đào tạo chất lượng", một người dùng Weibo bình luận.

"Cô ấy có thể đã bỏ học để nuôi em trai, nếu cô ấy ở lại Trung Quốc”, một người khác viết.

Nhiều cư dân mạng còn cảm thấy xấu hổ hoặc lên án chỉ trích truyền thông Trung Quốc khi họ đưa tin về “thành công của VĐV Canada gốc Hoa”.

Một người dân kêu gọi “Đừng gọi cô ấy là người Trung Quốc nữa. Thành tích của cô ấy không liên quan gì đến nước ta. Điều đáng nói hơn là việc chúng ta đã từ bỏ cô ấy 20 năm trước”.

"MacNeil có quốc tịch Canada, và tất cả công lao sẽ thuộc về những người đã nuôi dạy và đào tạo cô ấy ở Canada", một người khác viết.

Trong cuộc họp báo sau chiến thắng tại Thế vận hội, MacNeil chia sẻ: "Tôi sinh ra ở Trung Quốc và tôi được nhận làm con nuôi khi còn rất nhỏ. Đó là tất cả những gì đất nước ấy để lại cho tôi. Tôi lớn lên ở Canada và là người dân nơi đây. Vì vậy, nguồn gốc chỉ là một phần rất nhỏ trong hành trình của tôi để đạt được vị trí ngày hôm nay. Nó không liên quan đến sự nghiệp bơi lội của tôi”.

Một người con nuôi dù thành công đến đâu thì có lẽ sâu thẳm trong lòng họ vẫn mong muốn được lớn lên trong sự nuôi dưỡng và tình yêu thương của chính cha mẹ ruột của mình. Bởi thế mà thấp thoáng đâu đó trong lời chia sẻ của MacNeil, ta phần nào cảm nhận được nỗi buồn của một đứa con bị bỏ rơi, một nạn nhân của chính sách hà khắc của Trung Quốc.

Hà Phương



BÀI CHỌN LỌC

Thảm họa ‘Chính sách một con’ của Trung Quốc và câu chuyện VĐV Canada đoạt HC Vàng Olympic