Ước mơ đoàn viên 22 năm của nhà thiết kế từ Anh: Hành trình ‘kêu cứu’ cho cha mẹ khỏi cuộc đàn áp đức tin tại Trung Quốc (Radio)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Suốt 22 năm qua, vào những dịp lễ Tết, trong khi mọi người vui vẻ, quây quần bên gia đình, thì Vu Minh Huệ lại ngồi lặng lẽ một mình và tự hỏi: Liệu rằng giờ này cha mẹ có phải chịu đựng những đòn tra tấn dã man trong nhà tù Trung Quốc nữa không. Bên trong dáng vẻ thanh tú của nhà thiết kế thời trang tại Anh Quốc ấy, là một cô gái có hoàn cảnh đặc biệt và một nghị lực phi thường trong hành trình kêu cứu cho cha mẹ.

Tuổi thơ êm đẹp

Vu Minh Huệ được sinh ra trong một gia đình trí thức tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Đó là một gia đình nhỏ, đơn sơ nhưng ngập tràn hạnh phúc.

Cha của cô, ông Vu Tông Hải, là một nghệ sĩ vui vẻ, hóm hỉnh và đầy tài năng. Ông luôn có cách để chọc cười cô con gái nhỏ của mình, và mọi thứ cha làm đều khiến cô thích thú.

Khi Minh Huệ bắt đầu biết đọc, cha thường mượn cho cô rất nhiều sách từ Thư viện Thành phố - nơi ông làm việc với vai trò là một nhân viên marketing. Minh Huệ rất thích đọc sách nên khi vào cấp hai, cô đã đọc gần như tất cả sách dành cho trẻ em ở thư viện.

Mẹ của cô, bà Vương Mi Hoằng, là kỹ sư cao cấp của Viện Thăm dò Địa chất Hắc Long Giang. Bà có đôi mắt rất đẹp, giản dị, không son phấn và rất tốt bụng.

Minh Huệ hạnh phúc chụp hình cùng mẹ trước khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999 (Ảnh: minghui.org) 
Minh Huệ hạnh phúc chụp hình cùng mẹ trước khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999 (Ảnh: minghui.org)

Cha mẹ cô đều là những nhân viên xuất sắc và Minh Huệ cũng học rất giỏi. Cô có điểm số tốt và luôn là lớp trưởng trong lớp.

Mỗi tối, Minh Huệ chìm vào giấc ngủ bên tiếng nhạc Mozart du dương, và thức dậy mỗi sáng với bản nhạc luyện công tuyệt vời của Pháp Luân Đại Pháp (hay còn gọi là Pháp Luân Công). Cha mẹ cô đều là học viên của pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm, dựa trên nguyên lý vũ trụ Chân - Thiện - Nhẫn này.

Từ khi tu luyện Đại Pháp, tất cả các bệnh viêm khớp mãn tính, nhiễm trùng xương, viêm đầu dây thần kinh, loãng xương của cha, và khối u ở ngực của mẹ cô (mà theo đề nghị của bác sĩ là phải cắt bỏ vú) đều biến mất một cách kỳ diệu.

Cha mẹ luôn dạy Minh Huệ phải tu dưỡng đạo đức, luôn biết nghĩ cho người khác, coi nhẹ danh lợi, vật chất và sống thuận theo tự nhiên.

Tuổi thơ của Minh Huệ trôi qua thật vui vẻ và hạnh phúc.

Thế nhưng…

Cơn ác mộng thời niên thiếu

Năm 12 tuổi, cuộc đời Minh Huệ bước sang một trang mới đầy bi thương.

Ngày 20/7/1999, Giang Trạch Dân phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Ngay tối hôm đó, cảnh sát tràn vào nhà và bắt cha cô đi. Sau khi được thả tự do, ông Vu Tông Hải tiếp tục đến Bắc Kinh thỉnh nguyện lên chính quyền trung ương cho quyền tự do tín ngưỡng. Ông Hải bị bắt và bị đưa về địa phương lao động cải tạo trong một năm.

Năm 2001, cha cô lại bị bắt khi thực hiện tác phẩm tranh phun sơn “Pháp Luân Đại Pháp hảo” trên một bức tường công cộng, để nâng cao nhận thức của người dân về cuộc đàn áp, và ông đã bị kết án 15 năm tù. Sau đó, năm 2003, mẹ cô cũng bị kết án 11 năm tù, chỉ vì bà đã nói với mọi người rằng Pháp Luân Công là tốt. Bản thân Minh Huệ cũng bị giam giữ tại một trung tâm tẩy não một thời gian.

Tuổi thiếu niên của Minh Huệ phải trải qua trong cảnh không cha, không mẹ. Khi các bạn đồng trang lứa vẫn còn nhiều vô tư và sống trong sự bảo bọc của mẹ cha, thì Minh Huệ tranh thủ từng thời gian rảnh, vượt những đoạn đường rất xa, để đến thăm cha mẹ đang bị giam cầm tại 2 thành phố khác nhau.

Chuyến đi thăm cha mẹ của cô bé 14 tuổi, mang trong lòng đầy ấp hi vọng và nhớ nhung ấy, thường kết thúc trong cảnh đợi chờ mòn mỏi ở tiền sảnh đến tối và bị đuổi về. Những lần hiếm hoi được gặp mặt, cha mẹ thường an ủi, kể chuyện cười cho cô nghe.

Ông Vu Tông Hải, ảnh chụp vào khoảng giữa năm 2010-2013. (Ảnh: Minghui.org)
Ông Vu Tông Hải, ảnh chụp vào khoảng giữa năm 2010-2013. (Ảnh: Minghui.org)

Dù bị đánh đến bầm tím, cơ thể bị tra tấn và cưỡng bức lao động đến suy kiệt, nhưng cha mẹ Minh Huệ chưa một lần than thở và từ bỏ đức tin, mà vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, động viên cô cố gắng.

Trong thời gian ấy, ông nội của Minh Huệ cũng qua đời vì quá lo lắng cho cha mẹ cô và không chịu đựng nổi những khủng bố từ chính quyền.

Biết rõ sự thật

Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn ấy, Minh Huệ vẫn ôm giữ những lời dạy của cha mẹ và Đại Pháp trong tâm, nỗ lực học tập và tu dưỡng đạo đức.

Năm 2010, sau khi tốt nghiệp trung học, Minh Huệ đã vượt qua những vòng tuyển chọn gắt gao để nhận học bổng học thiết kế thời trang tại Trường Nghệ thuật Cambridge (Anh Quốc). Trong nỗi buồn vui lẫn lộn, Minh Huệ từ biệt cha mẹ, tạm biệt Trung Quốc để theo đuổi ước mơ của mình.

Tại Anh - đất nước mà thông tin không bị kiểm duyệt đến mức cực đoan ấy, Vu Minh Huệ mới lần đầu biết rõ điều gì đã thực sự xảy ra với cha mẹ mình, thông qua những báo cáo trên trang web minghui.org - cổng thông tin của người tập Pháp Luân Công bên ngoài Trung Quốc Đại Lục. Trường hợp của cha mẹ cô đã được mạng lưới những người tập Pháp Luân Công thu thập và công bố.

Không biết bao đêm, trong bao trùm của sự lo lắng và đau đớn khi nghĩ đến những tra tấn vô cùng tàn bạo mà cha mẹ đã và đang phải hứng chịu suốt bấy nhiêu năm qua, Minh Huệ đã khóc rất nhiều. Cô sợ hãi khi nghĩ đến việc mình cũng có thể mất cha mẹ mãi mãi, như những đứa trẻ Trung Quốc có cha mẹ là người tập Pháp Luân Công khác.

Không thể để cha mẹ chịu cảnh tù oan thêm nữa, Vu Minh Huệ quyết định phải hành động.

Hành trình giải cứu cha mẹ từ Anh Quốc

Cô Vu Minh Huệ bắt đầu bằng một cuộc vận động thu thập chữ ký để giải cứu cha mẹ, với hi vọng rằng điều này sẽ thu hút được sự chú ý của người dân và chính phủ về cảnh ngộ của cha mẹ, cũng như vạch rõ bản chất tà ác của chế độ Trung Cộng và cuộc đàn áp phi nghĩa đối với môn tu luyện Pháp Luân Công.

Cô thiết kế và in nhiều bưu thiếp có ghi sẵn địa chỉ nhà tù và ảnh của cha mình, cùng một số thông tin cơ bản về chân tướng cuộc đàn áp. Rồi cô phân phát chúng cho người dân, để họ giúp gửi đến nhà tù Mẫu Đan Giang ở Trung Quốc - nơi cha cô đang bị giam giữ.

Minh Huệ tin rằng càng có nhiều bưu thiếp được gửi về nhà tù Mẫu Đan Giang, thì với áp lực của cộng đồng quốc tế, cha cô càng có cơ hội được giải cứu.

Nhờ có sự động viên của bạn bè, Minh Huệ đã liên hệ với các thành viên Hội đồng thành phố và các nghị viên trong khu vực mình ở, kể cho họ về tình cảnh bị đàn áp của cha mẹ. Nhiều nghị viên đã bày tỏ sự quan tâm đến cảnh ngộ của gia đình cô.

Các tờ báo như North London của Anh, The Press của New Zealand cũng đưa tin về nỗ lực của Minh Huệ trong việc kêu gọi giúp đỡ để cứu cha ra khỏi nhà tù, và lên tiếng về vấn đề vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc.

Cảm thấy rằng mạng sống của cha đang ở trong tình trạng rất nguy hiểm, Minh Huệ càng nỗ lực tham gia các buổi Triển lãm Quốc tế Chân - Thiện - Nhẫn, để kể cho cộng đồng quốc tế về việc cha mẹ cô và các tù nhân lương tâm tại Trung Quốc đang bị đàn áp tàn nhẫn như thế nào. Mọi người đều rất cảm động bởi câu chuyện và tấm lòng hiếu thảo của cô.

Những nỗ lực cứu cha của Minh Huệ đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế (Ảnh: minghui.org)
Những nỗ lực cứu cha của Minh Huệ đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế (Ảnh: minghui.org)

Cô chia sẻ: “Trước đây, mục đích chính của tôi là cứu cha mẹ tôi. Giờ đây, hơn bao giờ hết, tôi muốn mọi người biết được sự thật về Pháp Luân Công và điều gì đang diễn ra ở Trung Quốc Đại Lục”. Cô đã dần cảm nhận được sứ mệnh lớn lao của mình.

Những nỗ lực bền bỉ của cô đã thu được sự chú ý và tôn trọng của người dân ở Anh và cộng đồng quốc tế.

Ước mơ đoàn viên sau 22 năm vẫn chưa thành

Năm 2014 và 2016, mẹ và cha cô lần lượt được thả tự do. Với mong muốn được đoàn viên, họ xin hộ chiếu đến Anh để thăm con, nhưng chính quyền thông báo rằng họ sẽ không bao giờ được cấp hộ chiếu.

Và… thật đáng buồn thay, đầu tháng 5/2021 vừa qua, mẹ cô - bà Vương Mi Hoằng lại tiếp tục bị bắt và kết án 4 năm tù, vì nói chuyện với mọi người về cuộc đàn áp mà mình đã gánh chịu.

Khi Minh Huệ liên hệ với cảnh sát thì không được cung cấp bất kỳ thông tin hay lý do rõ ràng nào về việc kết án của mẹ cô. “Họ chỉ nói với tôi những điều như, không được nói chuyện với cảnh sát về luật pháp hoặc các quy định” - cô chia sẻ trong bài phỏng vấn cùng NTD TV.

Vậy là, sau 22 năm mòn mỏi với bao nỗ lực, ước mơ đoàn viên tưởng chừng nhỏ bé của gia đình trí thức sống theo Chân - Thiện - Nhẫn ấy vẫn chưa thành hiện thực.

Và có lẽ, ước mơ giản đơn như thế của hàng trăm gia đình tại Trung Quốc vẫn mãi không được toàn vẹn, bởi cuộc đàn áp việc tự do tín ngưỡng, nạn mổ cướp nội tạng và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của ĐCSTQ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Hi vọng rằng với lương tri và tinh thần chính nghĩa của cộng đồng quốc tế, và của chính chúng ta, cha mẹ của Vu Minh Huệ và hàng trăm tù nhân lương tâm khác sẽ được sớm minh oan và trở về với gia đình nhỏ của mình.

Để “những con người chính nghĩa có đức tin cao quý ấy” có được hạnh phúc của sự trùng phùng; và để những người con như Minh Huệ - mong manh mà kiên cường - không phải rơi lệ thêm nữa vì thương nhớ mẹ cha.

"Minh Huệ nhỏ giỏi giang
Tới chân trời xa đợi cha mẹ

Song sắt ma đỏ lại sập xuống
Chặt đứt tự do
Mùa đông lại buốt giá
Hoa tuyết giăng giăng

Hỡi những người thiện lương
Xin cùng tôi kiến chứng
Nhân tính cao quý
Chân lý vô giá

Hỡi những người thiện lương
Hãy cùng tôi kêu gọi
Để mẫu đơn nở hoa
Để mẹ được về nhà
Để mẫu đơn nở hoa
Để mẹ được về nhà"

Trích bài thơ "Để Mẫu Đơn nở hoa"

Hà Phương



BÀI CHỌN LỌC

Ước mơ đoàn viên 22 năm của nhà thiết kế từ Anh: Hành trình ‘kêu cứu’ cho cha mẹ khỏi cuộc đàn áp đức tin tại Trung Quốc (Radio)