Tỷ phú Elon Musk tự mở trường học ‘Vươn tới những vì sao’ cho các con trai

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cách giáo dục con cái của tỷ phú nổi tiếng Elon Musk cũng khác biệt so với người khác. Thay vì cho các con theo học ở các trường tư thục truyền thống, ông tự mở trường học riêng để dạy các con theo cách mà ông cho là đúng.

Elon Musk là nhà phát minh, tỷ phú người Nam Phi, hiện sống tại thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ. Ông nổi tiếng nhất trong vai trò người sáng lập Tập đoàn Công nghệ Khai phá Không gian SpaceX, đồng sáng lập Tesla Motors và công ty thương mại điện tử PayPal. Ông là người ưa khám phá và luôn tìm tòi phát triển những công nghệ và lĩnh vực mới.

Vươn tới những vì sao

Elon Musk có 5 cậu con trai, bao gồm cặp sinh đôi 9 tuổi và 3 bé 7 tuổi. Tỷ phú này đã cho xây dựng ngôi trường cấp tiến quy mô nhỏ, không vượt quá 50 học sinh, nằm trong khuôn viên trụ sở chính của công ty thám hiểm không gian SpaceX. Ngoài 5 cậu con trai của mình, các học sinh khác là con của nhân viên làm việc tại Space X.

Ngôi trường đặc biệt này được thành lập vào năm 2014 và được đặt tên Ad Astra, trong tiếng Latin nghĩa là “Vươn tới những vì sao”. Với số vốn đầu tư gần một triệu USD. Tên gọi này có nguồn gốc từ cụm từ tiếng Latinh "Per Aspera Ad Astra" (Con đường gập ghềnh, cuối cùng sẽ đến được các vì sao).

Dù được mở nhiều năm, nhưng trường học Ad Astra ít được người ngoài biết đến. Đoạn video duy nhất mà hiệu trưởng Joshua Dahn từng trả lời phỏng vấn truyền thông về ngôi trường này đã bị xóa ngay khi phát sóng không lâu. Có thể, Musk không muốn công chúng biết đến ngôi trường này quá nhiều.

Tại sao Elon Musk mở trường học dành riêng cho con mình?

Elon Musk cho rằng, hầu hết những thứ mọi người học đều vô nghĩa khi chúng ta trưởng thành, bởi nhiều kiến thức không bao giờ được sử dụng đến. Nếu cách giáo dục này tiếp tục, trẻ cũng sẽ tự hỏi tại sao chúng nên đến trường và tại sao chúng phải học tập.

Theo quan điểm của ông: "Cách chúng ta giáo dục con người cần phải thay đổi. Giáo dục ngày nay thực ra không có gì khác biệt so với cả trăm năm trước. Đó vẫn là những lớp học chứa đầy học sinh. Tất cả đều học cùng một thứ, với một tốc độ giống nhau từ những giáo viên được trả lương thấp, làm việc quá độ, những người đã dành hơn ba mươi năm chỉ để dạy đi dạy lại một thứ".

Và với ông, hệ thống giáo dục hiện tại giống như một dây chuyền lắp ráp. Ông cho rằng, trẻ em nên được học những gì chúng thích, tuỳ vào tài năng và khả năng của chúng.

"Một số người thích tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ khác, có trẻ thích toán học và số khác lại yêu âm nhạc. Những khả năng khác nhau, những thời điểm khác nhau, việc giáo dục phù hợp với tài năng và khả năng của một người rất có ý nghĩa", Musk nói.

Ông Musk làm việc hơn 85 giờ một tuần, đi ngủ lúc 3 giờ sáng, nhưng có thể họp ngay vào sáng sớm hôm sau và bay đến các thành phố khác nhau để tham dự các cuộc họp vào buổi tối. Nguồn gốc của những ý tưởng táo bạo, tinh thần phiêu lưu mạo hiểm và ý định đổi mới công nghệ không mệt mỏi của Musk đến từ đâu?

Có thể nói, sức sáng tạo và đam mê công nghệ của ông đến từ nền giáo dục tự do của gia đình qua nhiều thế hệ. Do đó, Musk cũng muốn các con được thừa hưởng sự tự do ấy và phát triển khả năng của riêng mình.

Ngôi trường này có gì đặc biệt?

Hầu hết sinh viên trên toàn thế giới đều sẽ học những môn được nhà trường chỉ định. Nhưng Musk phản đối tất cả hệ thống giáo dục có kế hoạch này: Nguyên liệu thô (học sinh) ở cùng độ tuổi, sử dụng chính xác cùng một quy trình sản xuất (giảng dạy), sau đó trải qua cùng một cuộc kiểm tra chất lượng (kiểm tra), và cuối cùng là rời khỏi nhà máy (đến các trường đại học hoặc công ty mới ở cấp độ tương ứng).

Ở Ad Astra, tỷ phú Musk đã lật ngược hệ thống giáo dục truyền thống.

1. Bãi bỏ các cấp học và điểm số

Trường Ad Astra chia học sinh vào các nhóm học tập khác nhau, thông qua năng lực và sở thích của từng học sinh. Ví dụ một học sinh 8 tuổi nhưng sớm bộc lộ năng khiếu về toán vẫn có thể đến lớp học toán cùng những đứa trẻ 12 tuổi. Ngôi trường này cũng không xếp loại học tập theo thang điểm ABCD vào cuối mỗi kỳ học.

Trên thực tế, điều cốt yếu để quyết định xem bạn có làm một việc gì đó hay không, đầu tiên là ở sự quan tâm, thứ hai là liệu bạn đã sẵn sàng chưa, chứ không hoàn toàn nằm ở số tuổi trên giấy tờ của bạn.

2. Chứng chỉ năng lực giáo viên là không cần thiết

Ông Musk tin rằng giáo viên không nhất thiết phải có chứng chỉ năng lực chuyên nghiệp. Nhiều giáo viên trong Ad Astra chưa qua đào tạo giáo viên chính quy, cũng không có chứng chỉ chuyên môn. "Ở đây, tôi thích các nhà toán học có tư duy bùng nổ để dạy toán học, và để các họa sĩ với từng tế bào thấm đẫm nghệ thuật dạy hội họa", ông nói.

Ở Ad Astra, không có thời gian biểu cố định cho việc giảng dạy, thay vào đó họ xây dựng một khung chương trình giảng dạy có mục tiêu và linh hoạt dựa trên các giáo viên hiện có. Các giáo viên trong trường cũng không dạy kiến thức cho học sinh một cách giáo điều. Bởi theo Musk, trong thế giới thực bạn cần phải biết nắm bắt cơ hội, làm việc chăm chỉ, tìm tòi không ngừng để bổ sung kiến thức.

Ở Ad Astra, trẻ em đọc nhiều, tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau, giao tiếp thoải mái với các bạn cùng lớp và học hỏi từ nhiều khóa học khác nhau. Hình thức học tập tương tự như "tự mình dạo chơi khắp thế giới" này khiến trẻ tự nhiên say mê học hỏi, tìm tòi kiến thức và vui vẻ đến trường mỗi ngày.

3. Ngôi trường không có đồng phục học sinh

Hầu hết các trường học đều yêu cầu trẻ em "mặc đồng phục". Trẻ luôn được yêu cầu phải tuân thủ các quy định, chúng lớn lên theo các quy tắc này ngay từ nhỏ.

Nhưng, vị tỷ phú này cho rằng, khi không có sự khác biệt trong nhân cách và quyền tự thể hiện, thì trẻ sẽ không duy trì được sự hồn nhiên, cá tính và sáng tạo.

Tỷ phú Musk hy vọng ngôi trường do mình lập ra sẽ nuôi dưỡng những tâm hồn tự do phát triển. Trẻ có thể tùy chọn quần áo mình mặc đến trường.

Một trong những người con trai của Musk đã mặc quần áo của siêu nhân, đứng trên chiếc ghế nhỏ, phát biểu trước lớp rất hào hứng, chia sẻ về việc thiết kế hành lang lớp học với chủ đề "các tiểu hành tinh".

Ad Astra được hình thành với mục tiêu nuôi dưỡng một tâm hồn tự do phát triển. Ngoài thời gian giảng bài từ thứ 2 đến thứ 4, thứ 5 và thứ 6 hàng tuần là thời gian làm việc nhóm của các em. Trong quá trình làm việc nhóm, trẻ có thể tự do thành lập một nhóm để cùng nhau hoàn thành một dự án cụ thể - có thể do giáo viên đề xuất hoặc do trẻ tự khởi xướng, miễn là nó liên quan đến những điểm kiến ​​thức đã học tại thời điểm đó.

Trong quá trình hoàn thành các dự án nhóm, trẻ sẽ có được sự tự do và linh hoạt tuyệt vời để suy nghĩ và giải quyết vấn đề theo cách của chúng.

Ngoài ra, Ad Astra thường mời các học giả, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực đến chia sẻ kinh nghiệm. Điều này mang đến cho trẻ cơ hội tiếp cận kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau.

Các bài học đạo đức thì được giảng giải thông qua các tình huống giả định: Ví dụ như, quyết định xem ai là người có lỗi trong một nhà máy khi họ làm ô nhiễm một cái hồ gần đó.

Ông Musk tin rằng nên tạo ra một môi trường để trẻ em tự khám phá tài năng của mình, từ từ tìm thấy những gì chúng muốn; và để đạt được mục tiêu cuối cùng, hãy cho phép trẻ em tiếp cận nhiều cơ hội khác nhau.

Thiên Cầm



BÀI CHỌN LỌC

Tỷ phú Elon Musk tự mở trường học ‘Vươn tới những vì sao’ cho các con trai