Tuyệt chiêu ‘Sư tử hống’ thời hiện đại: Vũ khí âm thanh và tính sát thương của nó

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bộ phim "Cô gái đồ long", Tạ Tốn đã dùng tuyệt chiêu “sư tử hống” để làm mù mắt và làm điếc tai quần hùng, đoạt lấy đồ long đao. Còn trong thời đại ngày nay, “vũ khí âm thanh” đã trở thành nỗi kinh hoàng mới của nhân loại - mang tính “siêu” sát thương thay vì “phi sát thương”.

Chạy đua vũ trang là hiện thực tồn tại lâu nay, một biểu hiện của sự thiếu lòng tin giữa các quốc gia, biểu hiện cho những thách thức về an ninh, cạnh tranh và đối đầu gia tăng.

Hiện thực này đang đặt thế giới trước những câu hỏi: “Liệu có thể thực sự giữ gìn hoà bình, an ninh và ổn định thông qua các bước tiến về khoa học vũ khí hay không?”. Và liệu, những loại vũ khí được tung hô “phi sát thương” với “tác dụng nhân đạo” như “Vũ khí âm thanh”, có thực sự “nhân đạo” như công bố?

Vũ khí âm thanh

LRAD (viết tắt của Long Range Acoustic Device), là một thiết bị tạo âm thanh tầm xa.

Để đáp trả cuộc đánh bom chiếc tàu chiến Mỹ USS Cole ở ngoài khơi Yemen vào năm 2000, các sĩ quan đã yêu cầu công ty LRAD (bây giờ là Genesys) chế tạo một thiết bị có hai chức năng; Một là phát loa cảnh báo từ xa, hai là dùng xua đuổi “những vị khách không mời” bằng một âm thanh không thể chịu nổi.

Vậy là, chương trình được phát triển bởi công ty LRAD cho quân đội và lực lượng thực thi pháp luật Mỹ vào năm 2002. Đây được xem là vũ khí “phi sát thương” có thể phát ra sóng âm ở tần số 2,5 kHz. Nó có thể gây cảm giác đau đớn cho con người trong phạm vi 300 m, làm mất thính giác vĩnh viễn trong phạm vi 100 m.

Kỹ sư Marisa Ewing-Moody cảnh báo trên Twitter: “Nó thực sự là đại bác âm thanh có thể làm cho con người bị điếc vĩnh viễn. Bất kỳ âm thanh nào vượt quá 85 decibel (dB) đều có thể gây ra tổn hại thính giác tùy theo thời lượng bị tấn công. Nói chuyện thông thường nằm trong khoảng 60-70 dB. Cổ động thể thao vào khoảng 94-110 dB. Một máy bay phản lực cất cánh nằm trong khoảng 120-140 dB. Nhưng LRAD có thể tạo ra âm thanh lên đến 160 dB!”.

Jai Galliott - Giám đốc đánh giá quốc phòng và công nghệ, đồng thời là cựu sĩ quan hải quân Úc tại Đại học New South Wales - cho biết trong một báo cáo của ABC, vũ khí âm thanh có thể gây tổn thương phổi và gan nếu được cài đặt mức decibel phù hợp. Người ta đã chứng minh rằng việc tiếp xúc với tần số thấp liên tục trong một thời gian dài có thể có những tác động khác lên não, và có khả năng ảnh hưởng đến mô não.

Bom vi sóng

Từ năm 2016, các nhà ngoại giao Mỹ trên khắp thế giới đã mắc phải một chứng bệnh thần kinh bất thường: chóng mặt, mất phương hướng, nhức đầu, giảm trí nhớ. Họ đều nói mình nghe trong đầu tiếng vi vu kỳ lạ. Một báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật & Y học Quốc gia nói rằng, đó có thể là do tác dụng của bom vi sóng, một loại vũ khí mới.

Năm 2016, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ trú đóng tại Tòa đại sứ ở Havana, Cuba, bắt đầu bị những triệu chứng bất thường từ khi họ nghe được những âm thanh lạ. Năm 2017, những người làm việc tại Lãnh sự quán Hoa kỳ ở Quảng Châu, Trung Quốc cũng bị những triệu chứng tương tự, với những mức độ nặng nhẹ khác nhau như: hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, hay đau đầu và mờ mắt, mất trí nhớ và khó tập trung.

Một số người còn đối mặt với chứng suy giảm thị lực và thính lực nghiêm trọng; trẻ em trong nhà bị chảy máu mũi - khiến chính quyền Donald Trump cáo buộc rằng các nhà ngoại giao Mỹ đã bị tấn công bởi một loại vũ khí bí mật.

Người Mỹ gọi những vấn đề liên quan tới thần kinh chưa rõ nguyên nhân này là “Hội chứng Havana”. Theo New York Times, Trung tâm Phục hồi Chấn thương Não bộ của Đại học Pennsylvania đã tiếp nhận 44 nhà ngoại giao Mỹ trở về từ Cuba và 15 người trở về từ Trung Quốc. Tại đây, các bác sĩ cho rằng những bệnh nhân này đều gặp phải chấn thương não bộ do tác động từ bên ngoài.

Mặc dù nhiều triệu chứng sau đó biến mất, một số người lại báo mắc bệnh kinh niên như nôn mửa, mệt mỏi, mất ngủ, nhức đầu, mất nhận thức, suy giảm trí nhớ. Có đến 19 chuyên gia trong các lĩnh vực thần kinh, sinh lý, điện tâm đồ và nhiều lĩnh vực khác đang viết báo cáo mang tên “Mắc bệnh của nhân viên Chính phủ Hoa Kỳ và gia đình họ tại Các tòa đại sứ ở nước ngoài”.

Siêu sát thương

Ban đầu, vũ khí âm thanh chỉ được xem như một thiết bị nhằm kiểm soát đám đông, như giải tán các cuộc biểu tình; hoặc gắn lên một số tàu chiến nhằm chống cướp biển, xua đuổi các tàu thuyền xâm nhập vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế trái phép (Ảnh: tổng hợp)
Ban đầu, vũ khí âm thanh chỉ được xem như một thiết bị nhằm kiểm soát đám đông, như giải tán các cuộc biểu tình; hoặc gắn lên một số tàu chiến nhằm chống cướp biển, xua đuổi các tàu thuyền xâm nhập vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế trái phép (Ảnh: tổng hợp)

Cho đến nay, chính quyền Mỹ vẫn chưa công bố kết luận chính xác về “loại vũ khí bí mật” này, nhưng nhiều đánh giá khách quan cho rằng kẻ gây ra “Hội chứng Havana” này là vũ khí âm thanh, hoặc thiết bị âm thanh tầm xa.

Nhà báo Cory Choy khi đang làm phóng sự về một cuộc biểu tình ở New York và bị tấn công bằng vũ khí âm thanh miêu tả rằng: “Thật là kinh khủng! Toàn thân đau đớn và nôn mửa! Khi đó, tôi nghĩ là do âm thanh. Thoạt tiên, tôi chỉ tự hỏi: ‘Điều gì xảy đến với mình?’ “.

Nhà báo Choy cảm thấy toàn thân đau nhức và kinh hoàng. Dù có mang tai nghe chuyên nghiệp, thiết bị âm thanh tầm xa (LRAD) vẫn làm cho anh hoảng loạn, không biết chạy trốn theo hướng nào. Thật may mắn, Choy đã chạy đúng hướng. Những người ở trong tầm kiểm soát của nó thì không thể chạy nổi. Họ ngã quỵ xuống đất và hét lên.

Ban đầu, vũ khí âm thanh chỉ được xem như một thiết bị nhằm kiểm soát đám đông, như giải tán các cuộc biểu tình; hoặc gắn lên một số tàu chiến nhằm chống cướp biển, xua đuổi các tàu thuyền xâm nhập vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế trái phép. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển như vũ bão của “Khoa học quân sự” trong nhiều thập kỷ qua, không ai có thể biết được rằng “Sóng âm thanh” đã trở thành vũ khí “phi” sát thương hay...“siêu” sát thương.

Những tác động bất lợi của vũ khí âm thanh đối với cơ thể người rõ ràng là khó có thể lường hết. Đó là lý do khiến nhân loại không thể tin vào “tác dụng nhân đạo” của các loại vũ khí không gây sát thương kiểu này, như các lực lượng quân sự đã công bố.

Thiên Cầm



BÀI CHỌN LỌC

Tuyệt chiêu ‘Sư tử hống’ thời hiện đại: Vũ khí âm thanh và tính sát thương của nó