Trung Quốc điêu đứng: Đói kém đang rình rập bủa vây nước này?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc, vốn đang "háo hức" với sứ mệnh trở thành siêu cường bằng cách phô trương sức mạnh kinh tế và quân sự của mình với thế giới, giờ đây có thể sẽ phải "quỳ gối" vì thiếu lương thực.

Đánh lạc hướng dư luận

Các cuộc giao tranh gần đây dọc theo biên giới Trung-Ấn, cũng như sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, có thể là chiến lược của ông Tập Cận Bình nhằm chuyển hướng sự chú ý của dân chúng khỏi cuộc khủng hoảng lương thực đang rình rập ập đến. Cách “chuyển lửa” này của Tập Cận Bình thời nay cũng giống như Mao Trạch Đông từng làm vào năm 1962, để che giấu sự thất bại thảm hại của Đại nhảy vọt.

Tổng sản lượng lương thực trong nước sụt giảm; trận đại hồng thủy xảy ra gần đây ở lưu vực sông Dương Tử - vựa lúa của Trung Quốc; và việc cắt giảm hàng nhập khẩu (trầm trọng hơn do quan hệ ngoại giao xấu đi) đang đẩy Bắc Kinh rơi vào tình trạng hoảng loạn.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã phát động chiến dịch “Đĩa ăn sạch” để đảm bảo rằng, nguồn cung cấp lương thực không bị cạn kiệt nhanh chóng, và dẫn đến sự lặp lại của Nạn đói lớn năm 1959 đã khiến hàng triệu người chết đói.

Lũ lụt nghiêm trọng chưa từng có

Lưu vực sông Dương Tử, nơi chiếm 70% sản lượng gạo của Trung Quốc, đã phải hứng chịu trận lũ lụt tồi tệ nhất kể từ năm 1939, làm thiệt hại hàng triệu mẫu đất trồng trọt.

Theo Cục Khí tượng Trung Quốc, nước này đã trải qua lượng mưa lớn tăng 20% kể từ năm 1961, khi mực nước của hơn 400 con sông vượt mức kiểm soát lũ, với 33 con sông trong số đó đạt mức cao kỷ lục.

Mưa lớn đã tàn phá những vùng đất công nghiệp, nông nghiệp rộng lớn, và các chuyên gia cảnh báo điều tồi tệ nhất có thể vẫn còn chưa đến.

Giá thực phẩm tăng vọt

Giá nông sản tăng vọt đang gây ra những lo lắng về an ninh lương thực ở Trung Quốc. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, giá thực phẩm trong tháng 7 đã tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá thịt lợn tăng khoảng 85%. Tính trên tỷ lệ giá cả hàng năm, giá lương thực năm 2020 đã tăng tới 10% - với giá ngô cao hơn 20% và giá đậu tương tăng 30%.

Theo tập đoàn tài chính toàn cầu Nomura, GDP nông nghiệp của Trung Quốc có thể giảm gần một điểm phần trăm trong quý 3 năm nay, gây thiệt hại 1,7 tỷ USD cho sản lượng nông nghiệp.

Công ty môi giới Trung Quốc Shenwan Hongyuan đã dự đoán rằng, Trung Quốc có thể mất 11,2 triệu tấn ngũ cốc trong năm nay, so với năm ngoái.

Mặc dù ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng, sản lượng ngũ cốc của nước này tăng trong năm nay, nhưng nhập khẩu ngũ cốc đã tăng gần 22%, lên 74 triệu tấn trong nửa đầu năm nay. Nhập khẩu lúa mì đã tăng tới 197% trong giai đoạn này.

Điều này đã buộc Bắc Kinh phải giải phóng 62,5 tấn gạo, 50 tấn ngô và 760.000 tấn đậu nành khỏi nguồn dự trữ chiến lược - số lượng cao hơn đáng kể so với năm ngoái.

Côn trùng tấn công, bệnh dịch theo sau

Sự xâm nhập của côn trùng cũng đã gây ra thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp của Trung Quốc.

Nạn sâu keo và châu chấu đã "nuốt chửng" hàng triệu mẫu lúa mì và ngô trong năm nay.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát đã buộc các nhà chức trách phải giết hơn 180 triệu con lợn, tức khoảng 40% đàn lợn của Trung Quốc, khiến giá thịt lợn tăng vọt. Nhập khẩu thịt đã tăng vọt đáng kể chỉ tính trong năm nay.

Căng thẳng chính trị

Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc đã làm hỏng quan hệ song phương với những quốc gia mà nước này đang phải phụ thuộc nguồn cấp lương thực. Sự thù địch gia tăng, cùng với sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và thị trường toàn cầu liên quan đến đại dịch, đã tạo ra những rào cản lớn đối với Bắc Kinh trong việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa, và đảm bảo đủ hàng cho “những ngày khó khăn”.

Hoa Kỳ, Canada, Australia, New Zealand và Indonesia nằm trong số các nước xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp hàng đầu sang Trung Quốc. Bất chấp tranh chấp về thuế quan với Mỹ, Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào Mỹ để đáp ứng đủ nhu cầu lương thực của mình.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhập khẩu nông sản của Trung Quốc trong năm 2019 đạt mức 13,8 tỷ USD, tăng từ 9,1 tỷ USD trong năm 2018.

Ngay trong quý đầu tiên của năm 2020, Trung Quốc đã nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ trị giá 5,08 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của nước này giảm 17,2% trong tháng 1 và tháng 2, và giảm 6,6% trong tháng 3.

Bắc Kinh đã "tự bắn vào chân mình" bằng cách cấm các sản phẩm nông nghiệp từ Úc như một cách trả đũa khi Úc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về sự bùng phát của COVID-19.

Tương tự, thương mại nông sản với Canada, New Zealand, Indonesia và Ấn Độ cũng đang ở trong tình trạng ảm đạm vì các vấn đề khác nhau, bao gồm cả mối đe dọa an ninh tiềm ẩn từ Huawei và các cuộc giao tranh ở biên giới.

Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cảnh báo tình trạng thiếu lương thực của Trung Quốc sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những năm tới, trừ khi nước này tiến hành các cải cách nông nghiệp lớn.

Một câu hỏi quan trọng được đặt ra là, liệu Trung Quốc có thể mua đủ lương thực để nuôi sống 1,4 tỷ người nếu sản xuất trong nước không tăng và nhập khẩu là trụ cột duy nhất của nước này?

Chắc chắn, tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của Trung Quốc phải tăng lên, nhưng với tình hình hiện nay, dường như rất khó để có thể thực hiện được điều này.

Tình hình thực tế của Trung Quốc cũng không dễ xác minh, vì thông tin do nước này đưa ra có thể không phản ánh được mức độ nghiêm trọng thực sự của cuộc khủng hoảng.

Tuy nhiên, những tuyên bố của ông Tập về sự cần thiết của “kỷ luật ẩm thực” gợi nhớ đến những chỉ thị tương tự do Mao ban hành vào năm 1959, khi bắt đầu Nạn đói lớn (1958-1962) tại nước này.

Tất cả các yếu tố cho thấy Trung Quốc có nguy cơ lặp lại lịch sử của mình - tình trạng thiếu lương thực trên quy mô lớn có thể trở thành một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949.

Tác giả: Jianli Yang, người sáng lập và chủ tịch Tổ chức Sáng kiến và Quyền lực Công dân Trung Quốc, là người sống sót sau cuộc Thảm sát Thiên An Môn và một cựu tù nhân chính trị ở Trung Quốc.

Thanh Hương



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc điêu đứng: Đói kém đang rình rập bủa vây nước này?