Trọng tài bắt trận Việt Nam-UAE bị 'tấn công': Các cổ động viên, xin đừng biến mình thành chiến binh sói như Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi tuyển Việt Nam thất bại 2-3 trước UAE ở vòng loại World Cup 2022, nhiều người hâm mộ Việt Nam quá khích đã “lùng sục” và tấn công trang Facebook của trọng tài bắt chính trận đấu - Ali Sabah Adday Al-Qaysi. Các cổ động viên Việt Nam chúng ta đang làm gì vậy, xin đừng biến mình thành những chiến binh sói như Trung Quốc.

Hàng loạt tài khoản Facebook "giả" có tên Ali Sabah Adday, hoặc Ali Sabah Adday Al-Qaysi đã xuất hiện, sau thông tin rằng ông Adday sẽ là trọng tài bắt chính trận bóng giữa tuyển Việt Nam - UAE vào ngày 15/6, thuộc vòng loại World Cup 2022. Các trang facebook như vậy được lập ra với dòng mô tả "Lập ra để đòi sự công bằng cho bóng đá Việt Nam".

Thế là, nhiều người hâm mộ Việt Nam dựa trên danh nghĩa "đòi hỏi công bằng", đã phát động cuộc "tổng tấn công" vào vị trọng tài bắt trận này, từ lúc trận đấu còn... chưa kết thúc.

Đặc biệt, sau tình huống Công Phượng ngã trong vòng cấm địa của UAE nhưng không được hưởng phạt đền, hàng nghìn tài khoản facebook Việt Nam đã tìm ra và tấn công trang cá nhân của trọng tài Ali Sabah Adday Al Qaysi.

Phần lớn số bình luận trên trang cá nhân của vị trọng tài này là những lời phản đối, ngập tràn icon phẫn nộ. Rất nhiều fan bóng đá trong khu vực đã bày tỏ sự “khó hiểu” với động thái này của Việt Nam sau mỗi trận đấu.

Ông Ali Adday trở thành trọng tài FIFA vào năm 2002. Ông từng bắt nhiều trận đấu của đội tuyển Việt Nam từ năm 2014 thời HLV Toshiya Miura.

Đây không phải lần đầu các trọng tài bị “tấn công” Facebook do cầm còi trận bóng có đội tuyển Việt Nam. Trọng tài Sato Ryuji người Nhật, bắt chính trận Việt Nam - Malaysia cũng bị lập nhóm anti dù bóng chưa lăn.

Trong trận Việt Nam - Indonesia diễn ra ngày 7/6, trọng tài Ahmad Alali người Kuwait cũng bị nhiều người "tràn vào" trang cá nhân chửi bới, lập nhóm anti vì cho rằng "vua áo đen" này quá nương tay với cầu thủ Indonesia. Lý do là bởi ông đã không rút thẻ vàng cho cầu thủ Indonesia sau pha vào bóng quyết liệt bằng 2 chân với tiền vệ Tuấn Anh.

hàng nghìn tài khoản facebook Việt Nam đã tìm ra và tấn công trang cá nhân của trọng tài Ali Sabah Adday Al Qaysi. (Ảnh tổng hợp)
Hàng nghìn tài khoản facebook Việt Nam đã tìm ra và tấn công trang cá nhân của trọng tài Ali Sabah Adday Al Qaysi. (Ảnh tổng hợp)

Theo khảo sát của Microsoft vào tháng 2/2020, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng (DCI).

Đừng làm xấu mặt đội tuyển của chúng ta trên đấu trường thế giới

Chỉ trong vài phút sau bàn thắng thứ hai của tuyển UAE, tài khoản có tên “Adday Ali Sabah” có đến hàng nghìn bình luận bằng tiếng Việt với nội dung chửi bới, miệt thị vị trọng tài này.

Một số tài khoản giả mạo khác của vị trọng tài người Iraq nhận về gần 30 ngàn tương tác, trong đó chủ yếu là phẫn nộ. Cùng khoảng hàng chục ngàn bình luận với nội dung chửi bới, miệt thị bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Trước trận đấu Việt Nam-UAE, trọng tài người Iraq đã hào hứng viết rằng: "Thật vinh dự khi bắt chính trận đấu giữa UAE và Việt Nam. Công bằng là điều tiên quyết".

Thế nhưng, chỉ ngay sau trận đấu, ông đã không thể chịu nổi hành vi của các cổ động viên Việt Nam, trọng tài Ali Sabah bày tỏ sự thất vọng và "cầu cứu" trên trang cá nhân.

Ông viết: "Tôi bị xúc phạm bởi những bình luận của người hâm mộ Việt Nam. Mặc dù tôi đã thổi phạt đúng luật nhưng họ vẫn chửi bới và xúc phạm tôi, thậm chí họ còn đòi giết tôi. Tôi cần cơ quan pháp luật giúp giải quyết việc này".

Chúng ta đang để lại thông điệp gì đây: rằng đội tuyển Việt Nam là đại diện duy nhất của Đông Nam Á lọt vào vòng sau, nhưng cổ động viên Việt Nam lại là những người xấu tính? Rằng đội tuyển Việt Nam đã vào vòng trong là thành công rồi, nhưng các cổ động viên Việt Nam cứ phải “đấu”?

Nhiều người xem trận đấu này, và cho rằng trọng tài đã hành xử công tâm. Với tinh thần thể thao trong bóng đá, chuyện thắng thua có đáng để chúng ta trở thành những "chiến binh sói" như thế hay không?

Những cầu thủ của tuyển Việt Nam đã làm nên lịch sử khi ghi danh vào những đội bóng top đầu Châu Á, thiết nghĩ người hâm mộ Việt Nam chúng ta nên trân quý kết quả mà đội nhà đạt được, thay vì tập trung tấn công vị trọng tài.

Xin đừng biến mình thành chiến binh sói như Trung Quốc

Những hành vi đáng xấu hổ của một bộ phận cổ động viên thực sự là cách hành xử thiếu văn minh, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của bóng đá Việt Nam. Và nhiều fan mộ bóng đá trong khu vực cũng bày tỏ sự không hài lòng:

"Đội tuyển các bạn là đại diện duy nhất các Đông Nam Á lọt vào vòng sau nhưng cổ động viên Việt Nam lại là những người xấu tính", một tài khoản bình luận.

Chuyện thắng thua hay sai lầm của các trọng tài là điều thường tình trong bóng đá. Trọng tài dù đúng hay sai, cổ động viên chúng ta cũng không thể tự đánh mất hình ảnh của chính mình trên đấu trường quốc tế bởi những lời nói ác ý và thiếu văn minh trên không gian mạng.

Ngày nay, nói tục chửi bậy đã lan ra khắp ngóc ngách xã hội, từ trong nhà, ra ngoài đường, nơi công sở, đến trường học, cho đến cả những người được coi là ‘có văn hóa’ và có trọng trách gìn giữ và phát huy ‘văn hóa’ tốt đẹp của dân tộc. Nguy hại hơn, khá nhiều người còn mặc nhiên cho rằng 'chửi’ cũng là một loại 'văn hóa'.

Việc sử dụng cơ hội để làm tổn thương người khác bằng lời nói đã vô cùng phổ biến. Với công nghệ hiện đại và sự phủ sóng rộng khắp của mạng xã hội, người ta có thể chỉ trích một người lạ ở cách xa hàng ngàn dặm trong khi vẫn giấu danh tính của mình sau một bút danh, có thể chấm dứt một mối quan hệ với ai đó bằng vài dòng ngắn ngủi với lời lẽ cay đắng, và càng có thể nguyền rủa những người đối lập về quan điểm mà không sợ để lại hậu quả.

Các nhà ngoại giao "chiến lang" của Đảng Cộng sản Trung Quốc. (Epoch Times tổng hợp)
Các nhà ngoại giao "chiến lang" của Đảng Cộng sản Trung Quốc. (Epoch Times tổng hợp)

Thế giới từng kinh ngạc trước những lời tục tĩu, chửi bới nguyền rủa tràn ngập các trang mạng người Hoa, nay lại lây lan sang các mạng người Việt. Nếu theo dõi những bình luận trên mạng của các nước, thì có lẽ các trang mạng tiếng Trung và tiếng Việt có nhiều bình luận dung tục, hạ lưu nhất.

Truyền thống người Việt là chú ý lời nói cử chỉ trong giao tiếp hàng ngày, thể hiện ra là người có văn hóa, có lễ nghi phép tắc, không để lỡ lời, hoặc có hành vi kệch cỡm, đáng khinh, bị người đời cười chê.

Thế nên, cái gọi là “văn hóa mắng chửi” thô tục xấu xí kia, nó là thứ “văn hóa cặn bã” của “đội quân 50 xu” của Bắc Kinh, quyết không phải là văn hóa lâu đời của người dân Việt. Chúng ta cần tìm về với thuần phong mỹ tục, đối đãi với nhau bằng sự nhã nhặn trong lời ăn tiếng nói, sự lịch thiệp trong cách cư xử của nền văn hóa nhân văn, thiện lương của người Việt ta.

Thanh Vân



BÀI CHỌN LỌC

Trọng tài bắt trận Việt Nam-UAE bị 'tấn công': Các cổ động viên, xin đừng biến mình thành chiến binh sói như Trung Quốc