Cô gái người Mỹ: ‘Tôi cảm thấy bản thân quả thực ngớ ngẩn’ khi đến Việt Nam

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tám tháng trước, khi tôi được tài xế taxi đón từ sân bay Tân Sơn Nhất ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã hào hứng thốt lên với tài xế rằng: “How are you?” bằng tiếng Anh và cả “Anh khỏe không?” bằng tiếng Việt. Anh chàng quay lại nhìn tôi như thể tôi vừa hỏi anh ta rằng, “Xin lỗi, anh muốn tôi giúp đốt đồ lót không?”. Điều tôi học được sau này là ĐỪNG hỏi người lạ câu “bạn có khỏe không?” khi đến Việt Nam. Tất nhiên, trừ khi bạn thực sự muốn biết báo cáo sức khỏe đầy đủ của họ. Tôi cảm thấy bản thân quả thực là ngớ ngẩn.

Ai đó nghĩ rằng chắc sau 8 tháng ở Việt Nam, tôi sẽ thấu hiểu nền văn hóa nơi đây hơn rất nhiều. Thực tế, tôi đã phải chật vật để học hỏi. Vâng, trong hai tháng đầu tiên tôi đã gọi những người lớn tuổi là “anh, chị, em”. Và vâng, tôi đã vô ý gây khó chịu cho các đồng nghiệp ở chỗ làm khi để bờ vai trần một cách khiêu khích. Tua nhanh đến ngày hôm nay, tôi chắc không biết hết, nhưng quả thực tôi đã học được RẤT NHIỀU, nhờ sự giúp đỡ của những người bạn Việt Nam, từ sinh viên, đồng nghiệp đến những người xa lạ, những người đã biến tôi từ một người vô tư, hồn nhiên và có phần… thiếu hiểu biết, trở thành một người có mang nét Việt trong suy nghĩ hơn.

Bây giờ, trước khi đọc tiếp, tôi muốn mọi người biết rằng tôi không so sánh Việt Nam với toàn bộ phần còn lại, tôi chỉ đang chỉ ra những chỗ khác biệt giữa hai nền văn hóa Việt – Mỹ, trong giới hạn hiểu biết của tôi.

1. Những cuộc trò chuyện nhỏ

Khi bạn gặp một người Mỹ lần đầu tiên, bạn hỏi những câu đơn giản như: “Anh/Cô đến từ đâu?”, “Anh/Cô làm nghề gì?”. Nói chung, bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn một chút về công việc của họ, tất nhiên nên có điểm dừng. Dù bạn làm gì, bạn cũng đừng quá can thiệp vào cuộc sống riêng tư cá nhân của người khác.

Vậy trường hợp nếu bạn đã quen biết họ và nhìn thấy họ hằng ngày thì sao? Điều này sẽ rất tuyệt! Nó đồng nghĩa rằng bạn có thể đã hỏi họ cùng một câu “Anh/Cô có khỏe không?” ít nhất 324 lần trong một năm.

Đó thực sự là một kỹ năng, một kiểu trò chuyện đơn giản của người Mỹ; hỏi càng nhiều câu càng tốt để tránh sự im lặng khó xử
Đó thực sự là một kỹ năng, một kiểu trò chuyện đơn giản của người Mỹ; hỏi càng nhiều câu càng tốt để tránh sự im lặng khó xử. (Pixabay)

Đó thực sự là một kỹ năng, một kiểu trò chuyện đơn giản của người Mỹ; hỏi càng nhiều câu càng tốt để tránh sự im lặng khó xử, làm sao để không gợi ra bất kỳ câu trả lời nào quá sâu hơn ngoại trừ “vâng, tốt!”. Những câu hỏi sâu hơn một chút bao gồm những câu sau, tối thiểu ít nhất mỗi lần gặp bạn sẽ nên nói với thái độ niềm nở và nhiệt tình nhất:

  • Anh/Cô khỏe không?
  • Mọi chuyện thế nào rồi?!
  • Anh bạn, ngày hôm nay thế nào?
  • Này cô gái, cuối tuần tốt chứ?

Ngược lại ở Việt Nam, không ai có thời gian cho việc đó. Khi bạn lần đầu tiên gặp ai đó, người ta sẽ đi thẳng vào vấn đề. Hầu như câu hỏi đầu tiên luôn là “Anh/Cô bao nhiêu tuổi?” (thực tế, khi nghe câu này tôi đã rất khó chịu, kiểu như họ không biết rằng đó là một câu hỏi rất tế nhị và đừng bao giờ đặt câu hỏi về tuổi tác của một phụ nữ?!). Đối với người Việt, tuổi tác là chi tiết sơ bộ quan trọng nhất để biết về một người nào đó, vì điều này cho phép họ biết nên xưng hô với bạn bằng đại từ nào (“Tôi” hay “Anh/Chị/Cô/Em” sẽ thay đổi dựa trên độ tuổi tương đối).

Sau đó, các câu hỏi tiếp theo điển hình sẽ là:

  • Anh/Cô cưới chưa?
  • Lương làm được bao nhiêu một tháng?
  • Anh/Cô sống ở đâu, trên đường nào?

Đúng, điều này sẽ khá nhạy cảm nếu ai đó muốn đánh cắp danh tính và thông tin của bạn. Đối với những người họ nhìn thấy hằng ngày, người Việt cũng có những “cuộc trò chuyện nhỏ quen thuộc”, nhưng về cơ bản nó chỉ giới hạn ở một câu hỏi: “Anh/Cô đã ăn (trưa – tối) chưa?”, nhưng tiếp theo là không có gì… bạn cũng đừng hy vọng nhận được một lời mời. Chỉ là sự tò mò và hỏi han của người Việt.

2. Cuộc sống gia đình

Nếu bạn là một thanh niên 18 tuổi người Mỹ thì sao? Hãy chạy, chạy thật xa, rất rất xa. Ở Hoa Kỳ, ngay khi các bạn trẻ có sự độc lập về mặt pháp lý, bạn sẽ bay và đi học xa nhà đến nỗi mẹ bạn dù muốn cũng không thể mở cửa để đưa cho bạn một hộp bánh quy.

Các gia đình họ hàng người Mỹ rải rác trên khắp đất nước, thường cách xa khoảng một chuyến bay. Gia đình của tôi là một ví dụ hoàn hảo: bố mẹ tôi ở New York, ông nội tôi ở Florida, dì và chú tôi ở Atlanta, anh chị em của tôi ở Colorado còn họ hàng của tôi phân tán ở rất nhiều bang khác nhau. Tôi sẽ tự cảm thấy may mắn nếu được gặp mọi người mỗi năm một lần.

Ở Việt Nam thì khác, các gia đình lại có xu hướng càng ở gần nhau càng tốt. Bổn phận với gia đình không phải là chuyện đùa, và với tư cách là một người con (dù trai hay gái), bạn có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ và các thành viên lớn tuổi trong nhà. Khi bạn có con, họ có thể sẽ chăm sóc cho bạn và con bạn.

Vào lúc 21h30 tối thứ Bảy, nếu mẹ bạn gọi về nhà giúp việc trong khi bạn đang đi chơi với bạn bè, bạn cũng không thể có bất kỳ thắc mắc nào ngoài việc tuân thủ mệnh lệnh.

Những gia đình có mối quan hệ thân thích càng gần nhau càng tốt. Và vâng, đôi khi điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ ngủ chung giường với bố mẹ! Ảnh dưới là một bài đăng trên Facebook có thật của một người chị họ của bạn tôi, chị ấy sắp lấy chồng và nói rằng: “Chỉ còn ngủ với bố mẹ được thêm vài tuần nữa”.

Ảnh dưới là một bài đăng trên Facebook có thật của một người chị họ của bạn tôi, chị ấy sắp lấy chồng và nói rằng: “Chỉ còn ngủ với bố mẹ được thêm vài tuần nữa”.
Ảnh dưới là một bài đăng trên Facebook có thật của một người chị họ của bạn tôi, chị ấy sắp lấy chồng và nói rằng: “Chỉ còn ngủ với bố mẹ được thêm vài tuần nữa”. (Chụp màn hình)

3. Ngôn ngữ cơ thể

Là một người Mỹ, khi nhìn vào bức hình bên dưới, bạn nghĩ cô nhân viên pha chế đang muốn nói với chúng ta điều gì? Nếu bạn cho rằng chắc cô ấy đang nhắn nhủ điều gì đó “có thể”, thì bạn đã SAI! Trong thế giới của người Việt, hành động đó có nghĩa là “không”. Cá nhân tôi thích ký hiệu chữ “X” lớn được bắt chéo từ hai cánh tay để thể hiện sự từ chối hơn.

Bây giờ, tới lượt các bạn Việt Nam, nhìn vào bức ảnh này và đoán xem, anh chàng đang muốn nói gì vậy?

Chính xác! Đó là một hành động biểu thị chữ “NOPE”. Ở Mỹ, chúng tôi vẫy ngón tay trỏ qua lại hoặc lắc đầu để nói “không”. Ngược với người Việt, người Mỹ họ có thói quen lắc tay qua lại như cô nhân viên ở trên chỉ để ngụ ý “có thể”, trong khi nhún vai để thể hiện “tôi không biết”.

4. Mặt trời

Người Mỹ không sợ nắng, họ có xu hướng cởi trần và thoa kem chống nắng lên da, rồi nằm phơi mình trên bãi biển hay bãi cỏ.

Nhưng ở Việt Nam, họ sợ nắng. Mặt trời là một “kẻ thù” đích thực, một “kẻ thù” không đội trời chung đối với chị em phụ nữ. Người Việt lo sợ làn da của họ sẽ bị tổn thương hoặc bị rám nắng khi tiếp xúc với ánh mặt trời quá lâu. Đi ra đường, sẽ không lạ khi bạn luôn bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ che kín từ đầu đến chân, chỉ để lộ mắt dù đi xe hay đi bộ.

Đi ra đường, sẽ không lạ khi bạn luôn bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ che kín từ đầu đến chân, chỉ để lộ mắt dù đi xe hay đi bộ.
Đi ra đường, sẽ không lạ khi bạn luôn bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ che kín từ đầu đến chân, chỉ để lộ mắt dù đi xe hay đi bộ. (Getty)

Trong văn hóa Việt Nam, da càng trắng càng đẹp. Mặc dù không tuyệt đối, nhưng nhiều người có xu hướng so sánh làn da của nhau và rất dễ tạo thành sự mặc cảm nếu bạn không sở hữu một làn da đẹp. Tôi không biết điều này đúng không, nhưng văn hóa này có lẽ đã bắt đầu từ rất lâu, khi làn da ngăm đen gắn liền với những người nông dân, còn làn da trắng nghĩa là bạn thuộc tầng lớp thời thượng.

5. Bãi biển

Hãy hỏi một người Mỹ xem một ngày hoàn hảo trên bãi biển đối với họ là gì, có lẽ họ sẽ nói như sau: “Cho tôi một ngày trên bãi biển với ánh nắng mặt trời rạng rỡ chứ không phải một đám mây trên bầu trời, hãy làm cho nó nóng, thực sự nóng cùng một làn gió dễ chịu”.

Lần đầu tiên đến Đà Nẵng, tôi cảm nhận đó là một ngày “hoàn hảo” để tắm biển và nghỉ ngơi. Tôi đã lên kế hoạch đến đây vào lúc 13h00 chiều thứ Bảy và đinh ninh sẽ rất đông vui khi ở đó. Nhưng hỡi ôi! Dường như cả bãi biển chỉ có một mình tôi, khung cảnh thật tẻ nhạt và không khác gì ngày tận thế đã xóa sổ toàn bộ loài người.

“Cho tôi một ngày trên bãi biển với ánh nắng mặt trời rạng rỡ chứ không phải một đám mây trên bầu trời, hãy làm cho nó nóng, thực sự nóng cùng một làn gió dễ chịu”.
“Cho tôi một ngày trên bãi biển với ánh nắng mặt trời rạng rỡ chứ không phải một đám mây trên bầu trời, hãy làm cho nó nóng, thực sự nóng cùng một làn gió dễ chịu”. Pxhere)

Hóa ra, đối với người Việt Nam, đây không phải là thời điểm thích hợp để đi tắm biển. Trời nóng, nắng, giữa ngày mà không có một ai xung quanh… chẳng khác nào bạn tự ném mình vào hố lửa.

Ở đây, trải nghiệm bãi biển tuyệt vời nhất chính là thời điểm mặt trời mọc lúc 5 giờ sáng, với hàng trăm người tập thể dục, nào là lớp học Zumba dành cho nữ, chơi bóng chuyền, thể dục nhịp điệu dành cho người lớn tuổi, cầu lông, chạy bộ… Hoặc, nếu bạn đến bãi biển vào lúc 17h00 chiều cũng sẽ bắt gặp vô vàn những gia đình với các bậc cha mẹ đang tung tăng chơi đùa cùng con cái của họ.

6. Karaoke

Ở Mỹ, bạn chỉ hát Karaoke nếu đã quá nửa đêm và khi bạn đã chụp ít nhất 5 bức ảnh, uống 3 cốc bia và bị bạn bè cùng người lạ ép lên sân khấu. Bản thân bạn bị ngấm trong hơi men của rượu và cũng miễn cưỡng chấp nhận. Nhưng sau quãng thời gian vui chơi đó, bạn sẽ không còn lặp lại chuyện này trong ít nhất một năm.

Người Việt gần như trở thành “tín đồ” của loại hình giải trí này.
Người Việt gần như trở thành “tín đồ” của loại hình giải trí này. (Internet)

Là một người ngoại quốc, bạn đã bao giờ nhìn thấy 5 anh chàng ngồi trên những chiếc ghế nhựa thu nhỏ trên vỉa hè để vừa ăn vừa hát karaoke chưa? Nếu chưa, thì có lẽ bạn chưa hề đặt chân đến Việt Nam. Người Việt gần như trở thành “tín đồ” của loại hình giải trí này. Đi qua những con phố của Việt Nam sẽ không khó để nghe thấy những tiếng hát du dương đâu đó phát ra. Có thể nó đến từ chiếc máy hát karaoke trong phòng khách của ai đó, nơi cả gia đình quây quần bên nhau, hoặc cũng có thể từ một quán karaoke, nơi các đồng nghiệp đang vui chơi giải trí sau một ngày làm việc.

7. Niềm vui đêm thứ bảy

Là một thiếu niên bước vào tuổi dậy thì, giới trẻ Mỹ có xu hướng thích tiệc tùng bằng các buổi tiệc bia. Khi đến độ tuổi 20, cũng là lúc chúng tôi trưởng thành hơn và bắt đầu chuyển từ uống bia giá rẻ sang uống bia đóng chai tại các quán bar thời thượng. Xã hội Mỹ ngày nay thường như vậy, thanh xuân của chúng tôi (dù trai hay gái) gắn với các đồ uống có cồn.

Đối với thanh thiếu niên Việt Nam, khi hỏi một thanh niên 18 tuổi và xem họ muốn trải qua một ngày cuối tuần như thế nào, họ sẽ nói với bạn: “Uống trà sữa ở quán cà phê!”. Tôi đã dạy học trong một số lớp và thấy rằng, nhìn chung lứa tuổi này họ khá… trong sáng so với người Mỹ.

Đối với thanh thiếu niên Việt Nam, khi hỏi một thanh niên 18 tuổi và xem họ muốn trải qua một ngày cuối tuần như thế nào, họ sẽ nói với bạn: “Uống trà sữa ở quán cà phê!”.
Đối với thanh thiếu niên Việt Nam, khi hỏi một thanh niên 18 tuổi và xem họ muốn trải qua một ngày cuối tuần như thế nào, họ sẽ nói với bạn: “Uống trà sữa ở quán cà phê!”. (Wikimedia Commons)

Bia rượu là một thức uống không mấy được cha mẹ khuyến khích đối với giới trẻ Việt Nam khi ở lứa tuổi này. Những người trẻ ở độ tuổi 20 vẫn rất ưa thích trà sữa (đặc biệt là các bạn nữ). Thực tế, việc các cô gái uống bia chỉ được xã hội chấp nhận cách đây 6 năm. Vì vậy, nhiều phụ nữ trẻ không thích nó và cũng không thích rượu.

Tôi thừa nhận rằng, tôi là một cô gái thích uống bia và tôi đã gặp khó khăn với điều này. Nếu bạn muốn kết bạn và làm quen với những người Việt Nam thích uống rượu xã giao, hãy nhắm đến đối tượng từ 30 tuổi trở lên.

Nhưng vào cuối ngày

Người Mỹ có thể ăn bằng dĩa và người Việt Nam ăn bằng đũa. Chúng ta có thể sử dụng các phong cách khác nhau, trải qua những ngày cuối tuần khác nhau và say mê các loại nhạc khác nhau. Nhưng vào cuối ngày, chúng ta đều có thể chiêm ngưỡng cảnh hoàng hôn trên bãi biển giống nhau. Chúng ta có thể cười vì những thông tin sai lệch giống nhau, hiểu nhau qua nụ cười, chia sẻ sự tò mò về nền văn hóa của nhau, cùng nhau chụp ảnh tự sướng, ngồi cùng một bàn và cổ vũ cho một bữa ăn tự nấu. Như người Việt Nam thường nói, vào cuối ngày, tất cả chúng ta đều “giống nhau nhưng khác nhau”.

Bài viết gốc được đăng trên blog của Casie vào ngày 6/7/2018. Xem link gốc tại đây.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Hoàng Tuấn



BÀI CHỌN LỌC

Cô gái người Mỹ: ‘Tôi cảm thấy bản thân quả thực ngớ ngẩn’ khi đến Việt Nam