Tổ hợp chết chóc của Nhật Bản: Lũ lụt và Dân số già

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trận mưa lịch sử mới đây ở đất nước Mặt trời mọc đã khiến 62 người thiệt mạng. Sự kiện này phản ánh thực trạng bi thương của những người sống trong trại dưỡng lão.

Dự báo thời tiết rất khốc liệt: Trong một ngày, mực nước mưa cao gần 23 cm. Các quan chức ở Kuma, một ngôi làng bên bờ sông phía Tây Nam Nhật bản, thúc giục mọi người hãy sơ tán. Nhưng bên trong viện dưỡng lão Senjuen, 70 người già bị bỏ lại.

Đây là một thực trạng rất thảm khốc. Mưa rơi vào sáng sớm ngày 4/7 tồi tệ hơn dự đoán, một trận mưa như trút nước đã làm ngập các đường phố trong làng. Do thiếu thang máy, những nhân viên y tế đã phải vật lộn để di chuyển những người già lên tầng 2. Với 14 người trong số họ thì đã quá muộn - dòng sông vỡ bờ, cuốn trôi họ trong dòng nước lũ.

Đây được coi là sự kiện nghiêm trọng nhất khi lũ lụt và sạt lở đã giết chết 62 người ở Kyushu, Nhật Bản. Nó là hội tụ của 2 xu hướng thiết yếu tác động đến hiện tại và tương lai của đất nước này: Cơ cấu dân số già và Biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trận lũ lụt nghiêm trọng diễn ra tại một ngôi làng của Nhật Bản (Ảnh: Getty Images)

Vấn đề nan giải của Nhật Bản

Trong vài năm gần đây, biến đổi khí hậu đã tạo ra nhiều cơn mưa lớn, gây ra lũ lụt và sạt lở đất ở một quốc gia có rất nhiều sông núi như Nhật Bản. Nhóm người dễ tổn thương với loại thời tiết này là những người già, và Nhật Bản có tỉ lệ người già lớn nhất thế giới.

Viện dưỡng lão, đặc biệt là những viện dưỡng lão có số lượng nhân viên nhỏ, gặp phải những thử thách trong việc sơ tán những người già cả yếu đuối trong thảm họa.

Trận mưa tuần qua đã khiến những người trong độ tuổi hơn 65 thiệt mạng, gây ngập lụt hơn 50 viện dưỡng lão ở Kyushu. Sau đó, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã ra lệnh cho hơn một triệu người ở quận Kumamoto và Kagoshima di tản. 2 năm trước, lũ lụt và sạt lở đất giết chết 237 người ở 14 quận phía Tây Nhật Bản, hơn ⅗ trong số đó là người già trên 65 tuổi.

“Dân số Nhật Bản đang già đi và cường độ mưa lũ tăng lên mỗi năm", theo Kenichi Tsukahara, giáo sư nghiên cứu về Giảm thiểu rủi ro thiên tai tại trường Đại học Kyushu, “chúng tôi gặp gấp đôi khó khăn".

Năm nay, đại dịch đã khiến sự việc trở nên phức tạp hơn. Khi người dân muốn sơ tán đến phòng tập gym hoặc những trung tâm cộng công khác, cách ly xã hội trở thành một chướng ngại. Người già là nhóm người dễ bị tổn thương: Virus giết chết người già với tỉ lệ cao hơn nhiều. Trong 981 người chết vì virus Vũ Hán ở Nhật Bản, hơn 80% số đó là trên 70 tuổi.

Nỗi sợ virus sẽ khiến người dân ngại ra ngoài, ngay cả khi ở lại cũng rất nguy hiểm. Nếu họ đến trung tâm sơ tán, họ có thể bị say nắng, đặc biệt là ở trong những khu vực điều hoà không hoạt động tốt do họ phải đeo khẩu trang.

Những người già tại nơi sơ tán (Ảnh: Getty Images)

Nó có thể tạo ra “một tình huống rất tàn khốc cho người dân vì họ không thể thở thoải mái trong thời tiết nóng nực", Hisashi Nakamura, một chuyên gia phòng thí nghiệm khoa học về khí hậu tại trường đại học Tokyo.

Mặc dù Nhật Bản bước vào mùa mưa tháng 6 và tháng 7 hàng năm - được gọi là tsuyu - nhưng năm nay lượng mưa đã lên đến kỉ lục ở Kyushu, thậm chí vào cuối tuần này lượng mưa có thể lớn hơn tại vùng trung tâm của Nhật Bản.

Những người già đã quen với những cơn mưa mùa hè hàng năm, và họ nghĩ rằng họ biết cách đối diện với những trận mưa lớn tại nhà. Nhưng họ không biết những trận mưa năm nay lại nghiêm trọng đến vậy.

“Dưới sự tác động của khí hậu nóng lên, rủi ro mưa lớn vượt ngoài khả năng kiểm soát", Giáo sư Nakamura nói. “Vì vậy tôi nghĩ các cư dân phải hiểu rằng kinh nghiệm đối phó với mùa mưa của họ trước đây có thể không còn tác dụng. Chúng ta phải hành động nhanh hơn và sớm hơn những gì chúng ta đã trải nghiệm trong quá khứ".

Việc sơ tán người già gặp nhiều khó khăn

Bản thân việc sơ tán cũng gây ra rủi ro với người già. Điều kiện sinh hoạt trong các trung tâm sơ tán không thể bằng trong viện dưỡng lão. Với những bệnh nhân yếu ớt, việc di chuyển sẽ gây ra tổn thương hoặc phá hỏng các kế hoạch chăm sóc dài hạn.

Hajime Kagiya, một giáo sư về quản trị thiên tại tại trường Đại học Atomi ở Tokyo cho biết: “Họ sẽ phải để tâm tới tình trạng sức khỏe của cư dân cũng như chọn địa điểm sơ tán cẩn thận. Vì vậy họ phải dành nhiều thời gian ra quyết định về việc sơ tán".

Chính phủ Nhật Bản đã ban hành tiêu chuẩn và quy định về việc sơ tán, nhưng họ không tính đến các đặc điểm đặc thù và địa hình ở các vùng miền khác nhau của đất nước, theo Giáo sư Tsukahara của trường đại học Kyushu. Ở các khu vực nông thôn, rất nhiều ngôi làng bị biệt lập và chủ yếu là người già sinh sống ở đó. Họ chỉ có rất ít tài nguyên để lập kế hoạch đối phó với thiên tai, khủng hoảng và sơ tán.

Với trường hợp của viện dưỡng lão Aki Goto, giám đốc đã nói với tờ báo Kumamoto Nichinichi Shimbun rằng bà lo lắng về sạt lở hơn là lũ lụt. Khi nước tràn vào, nhân viên y tế không thể di chuyển nhanh để đưa cư dân lên tầng cao hơn.

6 nhân viên đã phải dậy lúc nửa đêm để đối phó với trận lũ. Mỗi người sẽ phải đưa 10 người già lên tầng, có những người không thể đi bộ nếu không có sự trợ giúp. Thậm chí với sự giúp đỡ của tình nguyện viên, họ cũng không thể mang tất cả lên tầng an toàn khi mà nước lũ nhanh chóng tràn vào và cuốn trôi mọi thứ.

Việc sơ tán người già gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Getty Images)

“Đây quả thực là một nhiệm vụ khó khăn cho một lượng ít người phải đưa những người già không thể đi lại lên tầng 2”, Ông Sakoda chủ tịch của công ty đồ thể thao Land Earth chia sẻ.

3 năm trước, chính phủ Nhật Bản đã sửa đổi luật yêu cầu các viện dưỡng lão, bệnh viện, cơ sở vật chất cho người khuyết tật và các trường học ở vùng lũ lụt phải lập ra một kế hoạch sơ tán và tiến hành diễn tập thường xuyên. Nhưng theo Bộ trưởng bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch, chỉ hơn ⅓ trong 68.000 cơ sở vật chất đã có kế hoạch di tản, tính đến tháng 3 năm ngoái.

Trong những ngày tiếp theo, tất cả các cư dân, hầu hết là 80 - 90 tuổi và rất nhiều người mắc phải chứng mất trí nhớ đã được lính cứu hoả, sĩ quan cảnh sát tỉnh và quân đội tự vệ quốc gia giải cứu.

“Trận lũ lụt này không phải là một sự kiện “thiên nga đen" không thể dự đoán trước", Kyle Cleveland, một giáo sư xã hội học của Đại học Temple University ở Tokyo, nghiên cứu về cách ứng phó của chính phủ trong thảm họa hạt nhân Fukushima.

“Mặc dù được đào tạo tốt, trang bị những dụng cụ cao cấp nhất và có một kế hoạch phản ứng khẩn cấp chu đáo, khi mọi thứ vượt ngoài tầm kiểm soát, thì chúng ta lại thiếu sự phối hợp với nhà nước; chính quyền địa phương chậm trễ phản ứng khiến các công dân dễ bị thương tổn lâm vào tình cảnh nguy hại".

Thủ tướng Shinzo Abe sau đó đã gửi khoảng 10.000 lực lượng quân tự vệ đến Kyushu vào cuối tuần. Và sau đó, ông đã gửi gấp đôi, 20.000 người cùng với 60.000 quan chức cảnh sát, lính cứu hoả và nhân viên cứu hộ.

Nhiều chuyên gia gợi ý giải pháp là: những viện dưỡng lão và các cơ sở vật chất khác cho người già nên di dời đến một nơi khác an toàn hơn.

Người trẻ không muốn kết hôn và sinh con, dân số già hóa nhanh chóng kết hợp với thiên tai, thảm họa thực sự là một thực trạng đáng lo ngại xảy đến với xã hội Nhật Bản. Trong thời gian tới, nếu chính phủ và người dân không có những hành động kịp thời, e rằng tương lai Nhật Bản sẽ chứng kiến một cuộc suy thoái...

Mộc Lam
Theo The New York Times



BÀI CHỌN LỌC

Tổ hợp chết chóc của Nhật Bản: Lũ lụt và Dân số già