Tình yêu của mẹ là phép màu: Người mẹ kiên nhẫn giúp con vượt qua bệnh tự kỷ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cậu con trai của một bà mẹ đơn thân được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ nặng khi bé mới 2 tuổi. Việc nuôi dạy con một mình đã là điều rất khó khăn, huống chi là với một đứa trẻ tự kỷ. Thế nhưng, bằng tình yêu, sự kiên trì và không ngừng tìm hiểu căn bệnh để giúp con cải thiện, hai mẹ con cô đã mở ra một tương lai tươi sáng.

Cô Michaela Andrews, 27 tuổi, đã mang thai cậu con trai Elijah vào năm đầu tiên đại học. Cha của Elijah đã bỏ rơi 2 mẹ con cô, nên Andrews phải bỏ dở việc học để đi làm kiếm tiền nuôi con. Hiện nay, cô đang làm trợ lý cho một công ty xây dựng.

Hành trình gian nan

Cô Andrews sinh ra ở Cape Town, Nam Phi và chuyển đến Port Elizabeth 12 năm trước. Cô quen bạn trai và sinh ra bé Elijah ở đây. Nhưng khi con trai lớn hơn một chút, cô nhận thấy Elijah có những biểu hiện bất thường.

“Tôi bắt đầu nghi ngờ Elijah mắc chứng ADHD hoặc chứng tự kỷ. Elijah chưa bao giờ ngủ một giấc trọn vẹn vào ban đêm khi còn nhỏ. Tôi cảm thấy con không thể giao tiếp bằng mắt với mọi người. Tôi là người rất thích đọc sách và nghiên cứu, nên đã nhận ra những bất thường này ở con trai mình”, cô Andrews nói.

Một đứa trẻ 2 tuổi thường nói những từ và những câu đơn giản, nhưng Elijah hoàn toàn im lặng. Sau rất nhiều nghiên cứu và tìm kiếm trên Google, Andrews kết luận rằng, con trai mình mắc chứng tự kỷ.

Cô cùng con đến gặp bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ chẩn đoán xác nhận rằng, cậu bé thực sự mắc chứng tự kỷ. Cô Andrews lúc này đã bật khóc. Cô chia sẻ lại: “Đây là bước khởi đầu trong hành trình vượt qua chứng tự kỷ đầy khó khăn của chúng tôi”.

Cậu bé Elijah bị mắc chứng tự kỷ (Ảnh: Michaela Andrews)

Ngôn ngữ hình ảnh

Nhưng Andrews không bỏ cuộc, cô tự hứa sẽ cố gắng hết sức để giúp con trai mình vượt qua căn bệnh này. Cô bắt đầu dạy “ngôn ngữ hình ảnh” cho con để họ có thể giao tiếp với nhau. Cô dùng máy ảnh chụp lại mọi thứ trong nhà. Khi con trai cô muốn điều gì đó, cô sẽ nói và đề nghị con trai lặp lại câu nói đó của cô nhiều lần, dù đôi lúc cậu bé tỏ ra chán nản.

Cô giải thích: “Lặp đi lặp lại nhiều lần là chìa khóa để điều trị trẻ tự kỷ”.

(Ảnh: Michaela Andrews)

Cứ như thế, từ 5 từ lên 10 từ, và từ 10 từ trở thành một câu. Chỉ sau 6 tháng, Elijah cuối cùng đã biết nói khi cậu bé 3 tuổi, và 2 mẹ con đã có thể dừng việc trao đổi với nhau bằng “ngôn ngữ hình ảnh”.

Andrews nhận ra rằng, Elijah cực kỳ thông minh, cô quyết định chuyển con từ trường dành cho trẻ khuyết tật sang nhà trẻ Montessori. Ở môi trường mới, bầu không khí của nhà trẻ, sự quan tâm của các nhân viên và sự khoan dung của giáo viên đối với những "điều kỳ quặc" của Elijah - đã tạo nên những điều kỳ diệu, khiến Andrews được an ủi.

Elijah thích trò chơi ghép hình, chơi trò chơi điện tử, nghiên cứu về khủng long và có thể nhớ rất nhiều điều thú vị về khủng long.

Cô Andrews cho biết: "Cậu bé rất thích chơi với những món đồ chơi nhỏ, và tôi có thể thấy trước công việc tương lai của con trong lĩnh vực CNTT”.

(Ảnh: Michaela Andrews)

Đồng hành cùng con

Tuy nhiên, Elijah cũng rất dễ bị kích động. Cậu bé thường cắn mẹ mình hoặc tỏ ra lo lắng bất thường. Andrews đưa con đến gặp một nhà trị liệu ngôn ngữ, nhà trị liệu hành vi và nhà tâm lý học giáo dục để giúp cậu bé kiểm soát cảm xúc và đối phó với những tình huống này. Nhưng chi phí cũng vì thế mà tăng lên rất nhiều.

"Là một bà mẹ đơn thân, tôi luôn gặp khó khăn về tài chính trong việc nuôi dưỡng Elijah. Nhưng tôi có thể làm nhiều công việc và tôi muốn cho con mọi thứ mà con cần". Cô Andrews nói.

Người mẹ đơn thân này mong muốn con có một tương lai tươi sáng và cô không bao giờ từ bỏ ý định đó. Cô nói: "Elijah luôn là sức mạnh của tôi. Mỗi sáng sớm khi nhìn thấy khuôn mặt xinh đẹp của con trai, tôi lại có thêm sức mạnh để bước tiếp. Con luôn là một ‘chiến binh’ rất dũng cảm và kiên cường".

(Ảnh: Michaela Andrews)

Đồng thời, Elijah cũng dạy mẹ cách yêu thương vị tha và tận hưởng những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống.

Lời khuyên của Andrews dành cho các bậc cha mẹ có hoàn cảnh giống cô là: Đừng bao giờ bỏ cuộc và hãy tự hào về mỗi thành tích dù là nhỏ nhất. Cô nói: “Tiến bộ chậm còn hơn không tiến bộ”.

Đừng bao giờ từ bỏ

Andrews cũng khuyên các bậc phụ huynh nên điều trị sớm và tìm hiểu kỹ các cách để giúp đỡ trẻ em tự kỷ trong chính ngôi nhà của mình. Bởi vì cha mẹ là “những người giúp con cái của họ thích nghi với thế giới bận rộn và điên cuồng này ở mức độ lớn nhất”.

(Ảnh: Michaela Andrews)

Vào ngày 1/12/2020, Andrews đã chia sẻ câu chuyện của mình trên Facebook như một lời chúc mừng dành cho cậu con trai Elijah bé bỏng, khi cậu bé 5 tuổi và tốt nghiệp trường mầm non.

Cô Andrews hạnh phúc chia sẻ: “Elijah đã có thể nói và mức độ lo lắng của con đã giảm đi rất nhiều. Sẽ không có những đổ vỡ lớn về tình cảm và sẽ không còn điều gì làm tổn thương tôi được nữa. Elijah là cậu bé được yêu thương và chăm sóc chu đáo nhất".

(Ảnh: Michaela Andrews)

Kể từ khi được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ, Elijah đã có những tiến bộ vượt bậc nhờ vào sự kiên trì và tình yêu của mẹ.

(Ảnh: Michaela Andrews)

Khi chia sẻ kinh nghiệm của mình với The Epoch Times, cô Andrews nói: "Giờ đây, tôi có thể nhớ lại hành trình của chúng tôi với nụ cười trên môi. Mọi người luôn tò mò về cách tôi đã làm điều đó, bởi hoàn cảnh của chúng tôi thật khó khăn. Tôi là một người mẹ và sẽ không bao giờ bỏ rơi con mình”.

(Ảnh: Michaela Andrews)

Thiên Cầm

Theo The Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Tình yêu của mẹ là phép màu: Người mẹ kiên nhẫn giúp con vượt qua bệnh tự kỷ