Tỉnh trưởng của Solomon: Thà chịu bệnh chứ nhất quyết không ‘bắt tay Trung Quốc’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quần đảo Solomon cũng là một trong những mục tiêu mà Bắc Kinh cho rằng cần phải thâu tóm được bằng hầu bao rủng rỉnh của mình. Duy chỉ có một nhà lãnh đạo cấp tỉnh đã nhận thức ra được mức độ nguy hiểm khi kết giao với Trung Quốc, ông kiên quyết “không đầu hàng những lời chiêu dụ từ phía Bắc Kinh”. Điều này đã khiến Bắc Kinh vô cùng tức giận.

Bẫy nợ là chiêu bài được Trung Quốc giăng trên khắp thế giới. Tờ báo Pháp Le Figaro mới đây đã có bài viết cho rằng, trong suốt thập kỷ qua, Trung Quốc đã phát hành nhiều khoản vay cho các nước và cuối cùng trở thành chủ nợ chính của họ.

Những tấm gương tày liếp

Châu Phi, Sri Lanka, Philippin v.v là những đất nước đang gánh chịu món nợ khổng lồ và khó có thể chi trả cho Trung Quốc. Bằng phương thức vẫn hay sử dụng đó là mời chào vay vốn với những ưu đãi đặc biệt, để xây dựng đường xá, cơ sở hạ tầng, công trình công cộng và phát triển hệ thống cảng biển, đô thị…

Sau đó đến thời hạn trả nợ thì siết chặt các điều khoản cho vay nhằm gây khó dễ hoặc sử dụng chiêu trò để dự án đi vào thua lỗ, và cuối cùng là lại chào mời cho vay để đáo hạn món nợ.

Các khoản nợ dần dần trở thành gánh nặng khó kiểm soát của Chính phủ và khi đó Bắc Kinh buộc các nhà lãnh đạo nước đó tuân theo các chính sách về kinh tế, chính trị theo ý của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hoặc là bàn giao tài sản đất đai cho Chính Phủ Trung Quốc tùy ý sử dụng trong vài chục năm.

Có lẽ bắt nguồn từ những tấm gương đã sụp đổ hoặc đang có nguy cơ đổ vỡ như Châu Phi, Sri Lanka hay Philippin… ông Daniel Suidani tỉnh trưởng của Malaita ở quần đảo Solomon đã nhìn thấy rõ tâm địa của Trung Quốc trong việc biến quần đảo Solomon trở thành con nợ tiếp theo.

Ông đã chỉ trích mạnh mẽ đối với Bắc Kinh, ông gọi các khoản vay của Chính Phủ Trung Quốc là cái “bẫy nợ vĩnh viễn”, và ông thẳng thắn đưa ra lập trường của mình đối với Chính phủ của Thủ tướng Manasseh Sogavare đó là từ chối các lời chào mời từ ĐCSTQ.

Thà chịu bệnh chứ không ‘bắt tay Trung Quốc’

Trung Quốc từng đề nghị hối lộ ông Daniel Suidani 1 triệu USD để ông ủng hộ Chính phủ Solomon cắt đứt quan hệ với Đài Loan. Mặc dù ông từ chối nhưng có rất nhiều quan chức tham nhũng trong Chính phủ đã nhận số tiền đó, kết quả là Solomon đã chấm dứt mối quan hệ 36 năm với Đài Loan để ủng hộ Trung Quốc vào tháng 9 năm 2019.

Lập trường đối lập của ông với Thủ tướng Manasseh Sogavare đã khiến ông trở thành chính trị gia nổi tiếng khi mạnh mẽ chỉ trích Bắc Kinh.

Ông Suidani vẫn lên tiếng ủng hộ Đài Loan và kiên quyết từ chối các khoản đầu tư từ ĐCSTQ vào tỉnh Malaita. Năm 2020, ông đã bác bỏ lời đề nghị cho vay trị giá 100 tỷ USD từ một công ty tư nhân Trung Quốc. Ông gọi đó là “cái bẫy nợ vĩnh viễn” đối với quần đảo Solomon.

Khoảng 6 tháng trước, ông Suidani được chẩn đoán mắc bệnh não cần phải chụp CT, nhưng do Solomon không có các thiết bị y tế thích hợp để thực hiện kỹ thuật này. Ông đã tìm kiếm các chăm sóc y tế từ nước ngoài nhưng không đủ điều kiện chi trả.

Ông đã nhờ Chính phủ Solomon để xin hỗ trợ tài chính nhưng Thủ tướng Sogavare đã đưa ra điều kiện liên quan đến Trung Quốc, vì vậy ông Suidani đã từ chối sự giúp đỡ này.

Cố vấn cấp cao của ông Suidani nói rằng vị tỉnh trưởng đã từ chối đề nghị này vì “nó giống như bắt tay với Trung Quốc”.

Đài Loan ra tay trợ giúp, Trung Quốc tức giận

Sau khi biết tin, Đài Loan đã đề nghị hỗ trợ y tế cho tỉnh trưởng Malaita. Ông được đưa đến Đài Loan để điều trị vào ngày 26 tháng 5. Điều này đã khiến Bắc Kinh và chính quyền của ông Sogavare tức giận. Thủ tướng Sogavare nói rằng chuyến đi đó làm ảnh hưởng đến chính sách “một Trung Quốc” của Solomon.

Chính sách “một Trung Quốc” là chính sách mà ĐCSTQ yêu cầu các nước có quan hệ phải tuân thủ. Theo chính sách này, các nước không được phép có quan hệ với Đài Loan (hay Trung Hoa Dân Quốc). Thay vào đó, họ phải công nhận chỉ có một nước Trung Hoa duy nhất, đó là Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 30/5, đại sứ quán Trung Quốc tại quần đảo Solomon cho biết họ đã “chính thức bày tỏ quan ngại” với chính phủ Sogavare về chuyến đi của ông Suidani. Phía Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh “phản đối bất kỳ liên hệ chính thức nào” giữa Đài Loan và các quốc gia khác.

Sức ép từ Trung Quốc

Cleo Paskal, nhà nghiên cứu tại Chatham House (Anh Quốc), đề cập đến câu chuyện này trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên kênh truyền hình Epoch TV. Bà nhận định: Trong một thế giới chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, chăm sóc sức khỏe được sử dụng như một vũ khí để trừng phạt những người bất đồng chính kiến”.

Trường hợp của ông Suidani được nhắc đến như một ví dụ về tình trạng áp bức của chính quyền Trung Quốc đối với công dân ở nước khác tại chính quốc gia của họ.

Ông Suidani thể hiện thái độ đối lập với Chính phủ Solomon về vấn đề Trung Quốc, do đó ông đã bị từ chối chăm sóc sức khỏe, cho thấy bóng ma ĐCSTQ đang gây sức ép với các quốc gia khác về đối xử nhân quyền với chính công dân của quốc gia đó.

Nó không khác là mấy với hệ thống chấm điểm công dân mà Trung Quốc áp dụng vài năm gần đây. Cụ thể là với những người thể hiện lập trường trái ngược với ĐCSTQ sẽ bị “điểm tín nhiệm xã hội” rất thấp. Họ bị tước đi rất nhiều đặc quyền công dân bình thường, như sử dụng các dịch vụ công cộng, chăm sóc sức khỏe, việc làm và du lịch.

Tương tự như câu chuyện với vị tỉnh trưởng của Malaita, Bắc Kinh cũng đang áp dụng “điều luật ngầm” này lên các nước khác. Nhà nghiên cứu Paskal bình luận: Nếu bạn không chấp nhận Trung Quốc từ trong tâm, bạn sẽ bị bỏ mặc đến chết. Về cơ bản, đó là những gì đang xảy ra với tỉnh trưởng Suidani”.

Các nhà phê bình cho rằng ‘hệ thống chấm điểm công dân” mà ĐCSTQ đang thực hiện - cả trong và ngoài nước- là vấn đề vi phạm nhân quyền trầm trọng.

Từ Tịnh



BÀI CHỌN LỌC

Tỉnh trưởng của Solomon: Thà chịu bệnh chứ nhất quyết không ‘bắt tay Trung Quốc’