‘Tình dục hóa’ trang phục của vận động viên - Vấn nạn cần phải chấm dứt ở Olympic

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắt đầu từ bộ trang phục thi đấu “kín toàn thân” của đội tuyển thể dục dụng cụ Đức, phong trào chống "tình dục hóa" vận động viên nhằm phản đối loại trang phục để lộ thân thể quá nhiều - được nhắc tới sôi nổi ở Olympic Tokyo.

Ép mặc hở để thu hút nam giới theo dõi thể thao?

Chỉ vài ngày trước khi Thế vận hội bắt đầu, đội bóng ném bãi biển nữ của Na Uy đã từ chối thi đấu trong trang phục bikini "cắt xẻ cao" trong các giải đấu ở châu Âu, thay vào đó họ chọn quần đùi bó sát. Vì vậy, họ đã bị phạt vì vi phạm yêu cầu về trang phục.

Khi hay tin đội bóng ném bãi biển nữ của Na Uy bị phạt khoản tiền 1.800 USD vì... dám không mặc bikini thi đấu, ca sĩ Pink lập tức lên tiếng ủng hộ các nữ vận động viên (VĐV) và mong được trả khoản tiền phạt trên thay họ.

"Tôi tự hào khi đội bóng ném nữ Na Uy dám phản đối thái độ phân biệt giới tính một cách rõ rệt trong những quy định về trang phục thi đấu. Liên hiệp Bóng ném châu Âu nên xem xét lại vấn đề trên và tôi rất vui nếu được trả giúp các bạn khoản tiền phạt này. Hãy tiếp tục mạnh mẽ nhé", Pink nhắn nhủ.

Pink không phải nghệ sĩ duy nhất ủng hộ phong trào ngăn chặn tình dục hóa phụ nữ. Nhiều diễn viên, ca sĩ nổi tiếng cũng lên tiếng phản đối vấn nạn biến phụ nữ, và trang phục của họ, trở thành trò tiêu khiển tình dục của đàn ông.

Vận động viên thể dục dụng cụ người Đức Elisabeth Seitz chia sẻ trên trang cá nhân: "Mọi vận động viên thể dục dụng cụ có quyền quyết định đâu là trang phục giúp cô ấy cảm thấy thoải mái nhất khi thi đấu".

Theo nhà nghiên cứu truyền thông thể thao Mary Jo Kane, việc có hẳn quy định vận động viên nữ phải mặc bikini với những tiêu chuẩn như không được dài quá 10 cm, hay phải cắt chéo hở xương hông... trong danh sách trang phục thi đấu là kết quả của tham vọng thu hút đàn ông theo dõi thể thao phái nữ hơn.

"Chính sách đồng phục phân biệt giới tính có thể xuất phát từ lầm tưởng rằng nếu để hở và làm nổi bật cơ thể phụ nữ, khán giả sẽ bị thu hút nhiều hơn, và các môn thể thao cũng trở nên 'ngon lành' hơn đối với khán giả nam", theo nghiên cứu của Mary Jo Kane.

Và rõ ràng, với mục đích thu hút ánh nhìn nam giới, những người đưa ra quy định về trang phục thi đấu (thực chất là những bộ bikini hoặc swimsuit, quần siêu ngắn hở hang) đã cố tình tình dục hóa những người phụ nữ đang nỗ lực thi đấu và ghi danh trên bảng vàng thể thao.

Đồng thời, việc này cũng khiến nhiều người lầm tưởng rằng với phụ nữ, ngoại hình quan trọng hơn năng lực.

Chống tình dụng hóa phụ nữ

Thế vận hội Tokyo là Thế vận hội mùa hè đầu tiên kể từ khi Larry Nassar, cựu bác sĩ đội tuyển Thể dục dụng cụ Hoa Kỳ, bị kết án tù 176 năm vì lạm dụng tình dục hàng trăm nữ VĐV thể dục dụng cụ, bao gồm một số ngôi sao vĩ đại nhất của môn thể thao này.

VĐV Simone Biles của Đội Thể dục dụng cụ Mỹ đang theo dõi đồng đội thi đấu trong trận Chung kết Đồng đội Nữ tại Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 tại Trung tâm Thể dục dụng cụ Ariake ở Tokyo, Nhật Bản, vào ngày 27/7/2021. (Ảnh: Laurence Griffiths/Getty Images)
VĐV Simone Biles của Đội Thể dục dụng cụ Mỹ là một trong những nạn nhân của lạm dụng tình dục nữ VĐV (Ảnh: Laurence Griffiths/Getty Images)

Tại buổi tuyên án của mình, một số các VĐV bị lạm dụng đã mô tả rằng môn thể thao này “cho phép” lạm dụng phụ nữ và trẻ em gái. Sức khỏe tinh thần của các nữ VĐV bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Và vấn đề "chống tình dục hóa" trang phục nữ VĐV trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đội nữ VĐV của Đức đã mặc những bộ đồng phục dài đến mắt cá chân của họ, thể hiện thông điệp này trong môn thể dục dụng cụ.

Sarah Voss, 21 tuổi, người Đức, cho biết:"Chúng tôi muốn cảm thấy tuyệt vời, chúng tôi muốn cho mọi người thấy rằng chúng tôi trông thật tuyệt vời".

"Có một vấn đề đang xảy ra ở Olympic Tokyo, một chuyện phi thường như những pha nhào lộn tinh tế và những cú trượt nước, nâng tạ đầy bùng nổ và khoảnh khắc kết thúc trận đấu đầy kịch tính. Đó là khi cả thế giới đang nhìn vào, và những vận động viên nữ nói: 'Thôi đủ rồi' “, Yahoo News cho biết.

Ở thời điểm này, nữ VĐV không cam chịu văn hóa im lặng - điều mà nhiều người cho rằng đó là cái giá phải trả của vinh quang. Họ đang đứng lên, đòi lại văn minh cho lĩnh vực thể thao và đả kích vấn đề tình dục hóa VĐV

Trang phục của họ tuân thủ các quy tắc của Liên đoàn Thể dục dụng cụ Quốc tế. Nhưng điều đó có nghĩa là các vận động viên nữ nói chung phải được tự do che chắn cơ thể của mình như họ chọn.

Góc máy quay nhạy cảm

Hiện tại, đơn vị Dịch vụ Truyền thông Olympic (Olympic Broadcasting Service) đã cam kết sẽ hạn chế các cảnh quay gây hiểu lầm hoặc có thể khiến các vận động viên cảm thấy bị xúc phạm khi ghi hình chương trình thi đấu.

Phương pháp đầu tiên được đưa ra chính là sử dụng nhiều góc máy toàn cảnh và cảnh quay từ xa hơn, thay vì tập trung vào chân, đùi hay ngực các nữ VĐV.

Tờ Inside Hook nhận xét: "Không tình dục hóa phụ nữ - nhất là khi họ chẳng làm ra điều gì gợi dục - đáng lẽ ra nên là điều dễ dàng nhất. Đáng tiếc là trong chiều dài lịch sử nhân loại, không quấy rối phụ nữ hóa ra lại là việc khó khăn hơn nhiều vì một số nguyên nhân nào đó”.

Hiện chỉ có 29 trong số 100 thành viên của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) là phụ nữ. Và với bộ máy cầm quyền toàn nam giới trên, họ mặc nhiên đưa ra quy định về việc các nữ VĐV mặc gì, được mang theo gì, phải chịu sự kiểm soát ra sao, cũng như nghĩa vụ của họ khi thi đấu.

Những quy định bất cập trên phần nào dẫn đến các vụ lạm dụng VĐV nữ, khiến nhiều người chịu tổn thương, hoặc bỏ thi đấu.

Xu hướng ‘tình dục hóa’ trang phục VĐV cần chấm dứt

Theo Independence, gần một thập kỷ trước, tại thế vận hội năm 1908 ở London (Anh), trang phục của phụ nữ được phép để lộ chân, nhưng vẫn phải thể hiện sự kín đáo.

Vào gần một thập kỷ trước, trang phục của phụ nữ được phép để lộ chân, nhưng vẫn phải thể hiện sự kín đáo. (Ảnh: tổng hợp)
Vào gần một thập kỷ trước, trang phục của phụ nữ được phép để lộ chân, nhưng vẫn phải thể hiện sự kín đáo. (Ảnh: tổng hợp)

Thế vận hội ở Stockholm (Thụy Điển) năm 1912 đánh dấu lần đầu tiên phụ nữ được phép tham gia môn thể thao bơi lội. Vào thời điểm đó, VĐV nữ phải mặc trang phục bơi phom dáng rộng với áo ba lỗ và quần có chiều dài đến đùi.

Đến năm 1932, Olympic được tổ chức ở Los Angeles (Mỹ), trang phục bơi đã được thay thế với phom dáng phù hợp trong lúc VĐV tham gia thi đấu, cùng chiều dài vừa đủ để che chắn cơ thể người mặc.

Những bộ đồng phục đã được quy định từ năm 2012 khi liên đoàn bóng chuyền bổ sung thêm quy tắc, điều khoản phục trang cho thế vận hội, yêu cầu phụ nữ mặc bikini hai mảnh hay đồ bơi một mảnh dạng monokini, và đáy quần phải vừa vặn và cắt một góc hướng lên phía trên, không được dài quá 10 cm.

Thời điểm đó, nhiều tờ báo cũng lên tiếng cho rằng đồng phục của VĐV nữ có phần gợi tình, có dấu hiệu tình dục hóa hình thể phụ nữ.

Olympic năm nay, đội bóng nữ của Na Uy chấp nhận bị Liên đoàn Bóng ném châu Âu xử phạt 1.800 USD vì lựa chọn quần đùi dài trong một trận đấu. Thậm chí, đội thể dục dụng cụ nữ của Đức đã chọn trang phục jumpsuit che kín, thay vì những bộ bikini gợi cảm như trước đây.

Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 chính là nơi thể hiện rõ nhất những quan điểm của các nữ VĐV trong việc tự bảo vệ chính mình. Công chúng quốc tế cho rằng đã đến lúc những quy định mang dấu hiệu "tình dục hóa hình thể phụ nữ" cần phải chấm dứt, để ngăn chặn việc quấy rối tình dục trong lĩnh vực thể thao.

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

‘Tình dục hóa’ trang phục của vận động viên - Vấn nạn cần phải chấm dứt ở Olympic