‘Tiếng thở dài’ của Sapa: Tượng Elsa phiên bản 'đột biến' made in Việt Nam

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau những ồn ào chưa dứt về tượng Nữ thần Tự do phiên bản “hài hước”, mạng xã hội (MXH) mới đây lại “nổi sóng” với bức tượng Nữ hoàng băng giá Elsa phiên bản “đột biến” tại một điểm du lịch ở Sapa. Những bức tượng này không những “bị lỗi phần nhìn” mà còn làm hỏng cảnh quan thiên nhiên và bản sắc địa phương - vốn là điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước

Sapa là nơi tập trung nhiều dân tộc thiểu số như: H’Mông, Dao Đỏ, Tày, Giáy, Xá Phó… Khách du lịch đến với Sapa không chỉ bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, mộng mơ mà còn yêu thích những giá trị văn hóa, nét đẹp từ chính con người sinh sống tại vùng núi rừng Tây Bắc này. Sapa cũng là điểm đến được yêu thích hàng đầu của bạn bè quốc tế muốn khám phá văn hóa Việt Nam.

Tiếng thở dài của Sapa

Nữ hoàng băng giá Elsa trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng cùng tên, và công chúa Elsa phiên bản "đột biến" (Ảnh: tổng hợp)
Nữ hoàng băng giá Elsa trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng cùng tên, và công chúa Elsa phiên bản "đột biến" (Ảnh: tổng hợp)

Tuy nhiên, thời gian gần đây MXH không ngừng bàn tán xôn xao về những bức tượng “đột biến” được dựng lên giữa núi rừng hoang sơ, không những làm mất vẻ mỹ quan của cảnh sắc nơi đây, mà còn là "tiếng thở dài" cho Sapa - khi khung cảnh thiên nhiên ngày càng bị đưa vào những văn hóa “ngoại lai” không phù hợp.

Hôm qua 18/7, hình ảnh bức tượng công chúa Elsa với khuôn mặt hơi lệch, làm động tác xoay người, đặt giữa mênh mông núi rừng Sa Pa - được đưa lên một fanpage về tỉnh Lào Cai và thu hút rất nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng.

Đây là “tác phẩm” của Công ty CP Đầu tư An Sapa Queen, cũng là công ty đã dựng tượng Nữ Thần Tự Do và Núi Rushmore “phiên bản lỗi”, bị chỉ trích cách đây vài tháng. Bức tượng Elsa lần này là dạng tượng đúc sẵn, không phải xây dựng tại chỗ, được mang về và cho đặt trên mái tầng 2 của khu nhà hiện tại.

Bức tượng bán thân công chúa Elsa cao khoảng 3m, bề rộng khoảng 3m. Ngay phía sau bức tượng là hình ảnh đồi núi trập trùng phủ mây, cảnh tượng này khiến nhiều người cảm thấy mất mỹ quan và “khó hiểu”.

Những công trình nửa mùa

Một độc giả đã để lại bình luận rằng, khách du lịch đến với Sapa vì yêu thích nét đẹp hoang sơ của thiên nhiên và bản sắc dân tộc vùng cao, và kêu gọi những người đang làm du lịch ở đây hãy giữ lại những gì tự nhiên, mộc mạc nhất của núi rừng Tây Bắc, đừng làm mất đi vẻ đẹp thiên nhiên tráng lệ đó bằng "những công trình nửa mùa, thiếu tính thẩm mỹ".

Elsa "đột biến" không phải là công trình "khó hiểu" duy nhất xuất hiện ở các khu du lịch nổi tiếng khiến dư luận xôn xao, có thể kể đến tượng Nữ Thần Tự Do - bức tượng được xem là biểu tượng và niềm tự hào của người Mỹ, sau khi được “làm nhái” ở Sapa lại trở nên méo mó đến kỳ cục.

Nữ hoàng tự do phiên bản thật và phiên bản "hài hước" ở Sapa (Ảnh: tổng hợp)
Nữ hoàng tự do phiên bản thật và phiên bản..."hài hước" ở Sapa (Ảnh: tổng hợp)

Hoặc tác phẩm điêu khắc Núi Rushmore (Mỹ) tạc 4 vị Tổng thống vào vách đá (gồm: George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt và Abraham Lincoln). Đây là tác phẩm điêu khắc nổi tiếng thế giới, cũng là một trong những kỳ quan ở Mỹ, nhưng khi được “dựng lại” ở Việt Nam thì trông… không ra sao cả.

Tác phẩm điêu khắc Núi Rushmore tạc 4 vị Tổng thống huyền thoại của nước Mỹ, và phiên bản Núi Rushmore... "nhái" ở Sapa (Ảnh: tổng hợp)
Tác phẩm điêu khắc Núi Rushmore tạc 4 vị Tổng thống huyền thoại của nước Mỹ, và phiên bản Núi Rushmore... "nhái" ở Sapa (Ảnh: tổng hợp)

Trước đó nữa, ở Thanh Hoá cũng dựng lại biểu tượng của nước Pháp là tháp Eiffel, nhưng trái ngược với biểu tượng của "kinh đô ánh sáng" Paris, tháp Eiffel phiên bản "cover" ở Thanh Hoá nằm giữa “đồng không mông quạnh”, và trông chẳng khác gì… một cái “trạm phát sóng”.

Tháp Eiffel biểu tượng của "kinh đô ánh sáng" Paris phiên bản thật và Tháp Eiffel được "làm lại" tại Việt Nam trông như một... trạm phát sóng (Ảnh: tổng hợp)
Tháp Eiffel biểu tượng của "kinh đô ánh sáng" Paris phiên bản thật và Tháp Eiffel được "làm lại" tại Việt Nam trông như... trạm phát sóng (Ảnh: tổng hợp)

Rõ ràng, việc “làm lại” những tác phẩm nổi tiếng trên thế giới là “trào lưu” nhằm thu hút khách của các điểm du lịch. Tuy nhiên, du khách luôn ủng hộ việc dựng những biểu tượng nhằm tôn vinh vẻ đẹp truyền thống, văn hoá bản địa và bản sắc của người Việt, thay vì đi “làm lại” những kỳ quan thế giới vừa thiếu tính thẩm mỹ, vừa không có giá trị nhân văn lâu dài.

Du lịch chính là một phương thức để quảng bá bản sắc Việt đến bạn bè năm châu, việc nâng cao giá trị du lịch của địa phương là điều cần thiết, tuy nhiên quá trình này phải được cân nhắc và tiến hành cẩn trọng. Bởi chỉ một bước đi sai thôi cũng đủ để khiến cho cảnh quan thiên nhiên bị phá huỷ, đồng thời gây ra những tổn thất rất lớn, cả về mặt hình ảnh lẫn tài chính.

Nhìn sang các nước phát triển, họ đều chú trọng bảo tồn thiên nhiên và xây dựng những công trình mang tính chất hòa hợp với cảnh quan, bảo vệ thiên nhiên hết mức có thể. Việc xây dựng những biểu tượng phiên bản “đột biến” và “hài hước” như vậy không thể nâng tầm giá trị du lịch cho bất cứ địa điểm du lịch nào.

Khách du lịch đến với Sapa không chỉ bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, mộng mơ mà còn yêu thích những giá trị văn hóa, nét đẹp từ chính con người sinh sống tại vùng núi rừng Tây Bắc (Ảnh: tổng hợp)
Khách du lịch đến với Sapa không chỉ bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, mộng mơ mà còn yêu thích những giá trị văn hóa, nét đẹp từ chính những người dân bản địa đang sinh sống tại vùng núi rừng Tây Bắc (Ảnh: tổng hợp)

Đông Mai



BÀI CHỌN LỌC

‘Tiếng thở dài’ của Sapa: Tượng Elsa phiên bản 'đột biến' made in Việt Nam