Thực hành về tính trung thực: Bài học cho cả cha mẹ và con trẻ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chắc hẳn các bậc cha mẹ đều muốn con mình trở thành người trung thực, nhưng liệu việc răn đe và trừng phạt con trẻ để “ép buộc” con phải “nói thật” có đạt hiệu quả tích cực như bạn mong đợi, và chiến lược tốt nhất để dạy con sống trung trực là gì?

Một số người lớn tin rằng nói dối là bản chất của một đứa trẻ và trách nhiệm của cha mẹ là ngăn chặn việc nói dối của con. Thật ra, chúng ta đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi cố gắng “đối đầu” với những đứa trẻ theo cách buộc tội chúng, áp đặt con là “kẻ dối trá”, và “ném” vào con trẻ những lời đe dọa đầy tức giận.

Tuy nhiên, sự hà khắc và trừng phạt sẽ chỉ khiến tình hình tệ hại hơn, đơn giản là bạn đang khiến trẻ sợ hãi nói ra sự thật. Chúng ta quên mất rằng nếu một người cảm thấy an toàn, tin tưởng, họ dễ dàng bày tỏ sự thật, đặc biệt là con trẻ. Vì vậy, hãy diễn giải cho con về sự trung thực một cách thiện ý và nhẹ nhàng.

Con trẻ không phải là ‘kẻ dối trá’

Sau đây là một ví dụ. Giả sử bạn phát hiện ra rằng đứa con nhỏ của mình đã “lấy” một ít kẹo từ cửa hàng tạp hóa, bạn sẽ làm gì để “dạy bảo” con về tính nói dối. Dưới đây là hai kịch bản đáng chú ý:

Nếu bạn phát hiện con bạn lấy kẹo từ một cửa hàng tạp hóa mà chưa trả tiền, bạn sẽ làm gì?
Nếu bạn phát hiện con bạn lấy kẹo từ một cửa hàng tạp hóa mà chưa trả tiền, bạn sẽ làm gì? (Ảnh: Shutterstock)

Kịch bản A:

Mẹ: (bằng một giọng buộc tội) Con lấy kẹo ở đâu?

Con: Con tìm thấy nó trong túi của con.

Mẹ: Con đã ăn cắp nó từ cửa hàng phải không?

Con: Không, con không có làm vậy!

Mẹ: Mẹ nghĩ con đã làm. Chị con bảo rằng đã thấy con lấy nó từ cửa hàng, và bây giờ con cũng đang nói dối mẹ nữa.

Đứa trẻ: Không, chị nói dối. Con không có lấy nó.

Mẹ: À, vậy thì con lấy nó ở đâu? Bây giờ con sẽ bị phạt hai lần, một lần vì tội ăn cắp và một lần vì đã nói dối mẹ.

Kịch bản B:

Mẹ: Mẹ thấy con có cái kẹo này, nhưng mẹ nhớ là mẹ đã không mua nó cho con. Chị con bảo rằng chị thấy con lấy nó khi chúng ta ở trong cửa hàng.

Con: (Nhìn xuống)

Mẹ: Mẹ đã bảo chị rằng mẹ không thích chuyện các con mách nhau, nhưng điều quan trọng là chúng ta không ăn cắp, và điều quan trọng khác nữa là chúng ta không nói dối nhau. Con biết chúng ta là một gia đình coi trọng sự trung thực. Mẹ tin tưởng con và con tin tưởng mẹ, phải vậy không?

Con: Con không định làm thế… nó chỉ vừa mới xảy ra...

Mẹ: Mẹ biết rồi, con yêu. Sự cám dỗ là rất lớn, nhưng mẹ rất tự hào vì con đã nói cho mẹ sự thật. Mẹ biết chuyện đó không hề dễ dàng. Bây giờ, chúng ta hãy cùng quay trở lại cửa hàng nhé, mẹ sẽ đứng bên cạnh con trong khi con trả lại kẹo!

Rõ ràng là, nếu chúng ta hành xử như trong kịch bản A, con trẻ sẽ trở thành “kẻ dối trá”, con sẽ hình thành mặc cảm và mặc định rằng mình có tính cách xấu, từ đó dẫn đến việc con sẽ bảo vệ tính dối trá đó và chống lại sự thật. Nhưng trong kịch bản B, chúng ta vừa có thể giáo huấn trẻ, vừa mang đến cho trẻ tình cảm gia đình ấm áp, giúp trẻ hướng đến tính tích cực của sự trung thực.

Sự khác nhau trong cách giải quyết của cùng một vấn đề sẽ hình thành cho trẻ những tính cách khác nhau khi đối mặt với sự việc.
Sự khác nhau trong cách giải quyết của cùng một vấn đề sẽ hình thành cho trẻ những tính cách khác nhau khi đối mặt với sự việc. (Ảnh: Shutterstock)

‘Kỷ luật tích cực’ đối với con trẻ

Là cha mẹ, chúng ta có trách nhiệm dạy con cái những tính cách tốt và các giá trị đạo đức. Việc con trẻ trở thành người có nhân cách tốt sẽ ảnh hưởng tích cực đến những người mà con tiếp xúc và những việc con làm trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, chúng ta cần tìm hiểu tâm lý của trẻ trước khi đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp.

Khi ở độ tuổi lên 6 tuổi, trẻ đã có thể phân biệt giữa lời nói dối và sự thật. Đến 7 hoặc 8 tuổi, chúng có thể chịu trách nhiệm cho tính trung thực của mình. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là trẻ sẽ luôn luôn có được ý thức tốt để cư xử trung thực. Không có gì lạ khi những đứa trẻ ở độ tuổi này sợ hãi việc phải thú nhận hành vi sai trái của mình.

Nhà văn Jane Nelsen, tác giả của bộ sách “Kỷ luật tích cực dành cho trẻ” cho biết: “Hoặc là bọn trẻ sợ hình phạt hoặc chúng sợ làm chúng ta thất vọng".

Vì vậy, ngoài việc học hỏi những kỹ năng cần thiết, các bậc cha mẹ cần phải có một tinh thần bao dung, thông cảm để có thể nâng đỡ và khuyến khích những đức tính tốt đẹp ở con, đặc biệt là tính trung thực.

Mọi người thường cho rằng trung thực đơn giản là không nói dối. Tuy nhiên, tính cách này không chỉ biểu hiện ở việc nói những lời chân thật, mà còn bao gồm nhiều khía cạnh khác về cả hành vi, suy nghĩ, nhân cách…

Cha mẹ có thể bắt đầu bằng cách dạy con không nói dối, sau đó, chúng ta có thể khuyến khích trẻ hành động và suy nghĩ trung thực. Thay vì dạy con sử dụng “mánh khóe” để có được những điều mình mong muốn, hãy tìm mọi cách để chỉ cho con thấy rằng sự trung thực và chân thành mới là bản chất chân chính của một con người.

Thay vì dạy con sử dụng “mánh khóe” để có được những điều mình mong muốn, hãy tìm mọi cách để chỉ cho con thấy rằng sự trung thực và chân thành mới là bản chất chân chính của một con người.
Thay vì dạy con sử dụng “mánh khóe” để có được điều mình mong muốn, hãy tìm mọi cách để chỉ cho con thấy rằng trung thực và chân thành mới là bản chất chân chính của một con người. (Ảnh: Shutterstock)

Những cách hay để dạy trẻ về tính trung thực

Dạy trẻ về tính trung thực không phải là chuyện dễ dàng và nhanh chóng. Dưới đây là một số cách thức hay mà các bậc cha mẹ có thể áp dụng để phát triển tính cách này ở con trẻ.

Biểu hiện trung thực

Có lẽ trẻ nhỏ không thể nghe và nhớ mọi điều chúng ta nói, nhưng chắc chắn chúng sẽ chú ý và bắt chước những gì chúng ta làm. Do đó, cách tốt nhất để dạy cho con sự trung thực là chính bản thân chúng ta cần phải luôn thành thật, trong mọi tình huống của cuộc sống hàng ngày.

Hãy xem xét bản thân mình một cách nghiêm túc bằng cách trả lời những câu hỏi như là: Bạn có trung thực với chính mình, kể cả trong lời nói, hành động và suy nghĩ? Bạn có “dám” thể hiện cho người khác thấy rõ con người thật của mình không? Bạn có trân trọng và bảo vệ sự thật? Nếu bạn có thể quyết tâm để trở nên trung thực hơn, bạn sẽ trở thành tấm gương tuyệt vời cho con trẻ học hỏi theo đấy!

Nói về sự thật

Cha mẹ nên thường xuyên nói về tầm quan trọng của tính trung thực, tạo cho con trẻ cảm giác an toàn để chúng không cảm thấy sợ hãi khi nói ra sự thật. Từ đó, dạy cho con về lợi ích của việc sống trung thực cũng như những tác hại của tính nói dối.

Đọc những câu chuyện về sự thật

Từ xa xưa đã có nhiều câu chuyện về tính trung thực, chẳng hạn như: câu chuyện Chiếc rìu vàng, Cậu bé chăn cừu, hoặc Pinocchio. Đó là những bài học mang tính giáo dục rất thiết thực. Cha mẹ có thể đọc cho con nghe các câu chuyện cổ tích như vậy để dạy con về đức tính quý báu này.

Dành cho con phần thưởng khi con cư xử chân thật

Đôi khi, trẻ muốn che giấu sự thật hoặc nói dối vì chúng sợ gặp rắc rối, thấy xấu hổ, hoặc cảm thấy không dễ dàng để nói ra sự thật. Là cha mẹ, hãy động viên con trong những tình huống như thế, và khi con có đủ “dũng khí” để nói lên sự thật, hãy thưởng cho con. Chúng ta cần công nhận và khen ngợi những nỗ lực cũng như sự mạnh mẽ của con. Như thế, trẻ sẽ nhớ về tính tích cực của việc trung thực trong những hoàn cảnh khó khăn khác.

hãy động viên con trong những tình huống như thế, và khi con có đủ “dũng khí” để nói lên sự thật, hãy thưởng cho con. Chúng ta cần công nhận và khen ngợi những nỗ lực cũng như sự mạnh mẽ của con.
Hãy động viên con trong những tình huống như thế, khi con có đủ “dũng khí” để nói lên sự thật, hãy thưởng cho con. Chúng ta cần công nhận và khen ngợi nỗ lực và sự mạnh mẽ của con. (Ảnh: Shutterstock)

Hiểu chính mình

Đôi khi cha mẹ vô tình áp đặt những ước mơ và mong muốn của bản thân lên con cái. Tuy nhiên, nếu bạn muốn con trẻ có một đời sống đích thực, hãy để con được bộc lộ tài năng và tính cách của chúng. Hãy nhớ rằng, con cái xem cha mẹ như là hình mẫu. Vì vậy, chắc chắn con trẻ sẽ để ý đến những câu chuyện của cha mẹ, đặc biệt nếu chúng liên quan đến những việc bất chính như tìm cách gian lận thuế, hối lộ… Sự gian dối rất dễ bị “bại lộ” và “lây nhiễm”. Vì thế, để hoàn thiện con trẻ, trước hết hãy hoàn thiện chính mình.

Trung thực không phải là sự mặc cả của lương tâm, đó là bản chất chân chính, là sự kết nối với sức mạnh tinh thần của mỗi chúng ta. Một đời sống chân thực sẽ không có những gánh nặng và căng thẳng do sự giả dối tạo ra, giúp ta xây dựng nhân cách tốt đẹp cho bản thân và cho cả con trẻ nữa.

Nguyễn Minh - Trọng Khiêm



BÀI CHỌN LỌC

Thực hành về tính trung thực: Bài học cho cả cha mẹ và con trẻ