Thủ tướng Trung Quốc ‘bỗng dưng xuất hiện’ với giọng điệu nhẹ nhàng, liệu có tác dụng với Hoa Kỳ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 13 tháng 4, Tân Hoa xã, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đưa tin rằng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có một cuộc trò chuyện video với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ - bằng một giọng điệu nhẹ nhàng “hiếm hoi”, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung. Liệu điều này có tác dụng, hay Hoa Kỳ đã nghe đủ "lời vô nghĩa"?

Có nhiều ý kiến cho rằng ĐCSTQ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đặt ông Lý lên “hàng đầu” để sửa chữa lại mối quan hệ với Hoa Kỳ.

Thủ tướng Lý Khắc Cường bỗng nhiên ‘tỏa sáng’

Mặc dù lời nói của ông Lý có vẻ nhẹ nhàng hơn nhiều, chúng dường như quá khác so với lập trường đối đầu của ĐCSTQ trong giai đoạn vừa qua.

Liệu một thông điệp như vậy có khiến chính phủ Hoa Kỳ cảm thấy nhẹ nhõm hơn, hay càng trở nên bối rối?

Trong nhiều năm, Chủ tịch ĐCSTQ Tập Cận Bình đã trực tiếp chịu trách nhiệm về ngoại giao với Hoa Kỳ, khiến thủ tướng Trung Quốc trở nên “kém hiệu quả”. Ông Lý đã không thể tham gia trực tiếp vào các mối quan hệ với Hoa Kỳ trong suốt 8 năm làm thủ tướng, và phần lớn hạn chế đưa ra các bài phát biểu, đặc biệt nhằm vào Hoa Kỳ.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần gặp các cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Barack Obama, và đề xuất cái gọi là “ngoại giao nguyên thủ quốc gia”, nhưng về cơ bản, ông Lý không có can dự trực tiếp.

Sự xuất hiện đột ngột của ông Lý khiến thế giới khó xác nhận rằng liệu có sự thay đổi nào đó đã xảy ra bên trong ĐCSTQ hay không.

Có giả thiết rằng ĐCSTQ không có lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng một cách cư xử nhẹ nhàng hơn. Sau khi Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ kiêm giám đốc Văn phòng Ngoại giao Dương Khiết Trì; và Ủy viên quốc vụ kiêm ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị - thể hiện “ngoại giao chiến binh sói” vào tháng 3 năm 2021 tại Alaska, ĐCSTQ đã tổng tấn công trên mọi mặt trận, liên tục cứng rắn lập trường đối với Hoa Kỳ, và gia tăng các hành động khiêu khích quân sự, ở một mức độ nào đó đẩy chính quyền mới của Hoa Kỳ vào một góc.

Tổng thống Joe Biden đã không thể tiếp tục với sự kiên nhẫn chiến lược của mình, chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu có lập trường cứng rắn đối với ĐCSTQ và buộc phải quay lại chiến lược trừng phạt thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Cách thức ngoại giao của ĐCSTQ đã làm xáo trộn một cơ hội tiềm năng - để xoa dịu mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Bắc Kinh cố gắng gây áp lực buộc Washington phải nhượng bộ, nhưng “chiêu” này đã phản tác dụng và khiến mối quan hệ ngày càng xấu đi.

Giờ đây, các thành viên hàng đầu của ĐCSTQ cuối cùng có lẽ nhận ra rằng “đã có một tính toán sai lầm nghiêm trọng”, nhưng dường như họ không muốn thừa nhận điều đó. Vào thời điểm lâm vào tình thế khó khăn, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phải từ bỏ thái độ hung hăng, và các cuộc họp báo thường kỳ gần đây do ông Triệu Lập Kiên chủ trì đã tạm thời ngừng “đả phá” Mỹ.

Lỡ ‘đấm’ quá trớn, giờ lại phải ‘xoa’

Vào ngày 10 tháng 4, ĐCSTQ đã tổ chức một sự kiện kỷ niệm tại Thượng Hải để đánh dấu 50 năm ngoại giao bóng bàn với Hoa Kỳ, với một thông điệp video từ ông Thôi Thiên Khải - đại sứ của ĐCSTQ tại Hoa Kỳ. Mặc dù, cuối cùng Bắc Kinh có thể mời tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thượng Hải có mặt, họ lại không thể mời đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc.

Hoa Kỳ chỉ có một đặc khu tạm thời ở Trung Quốc kể từ khi vị đại sứ cuối cùng của Hoa Kỳ rời đi vào tháng 10 năm 2020.

Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thượng Hải James Heller chơi bóng bàn trong buổi lễ kỷ niệm 50 năm “ngoại giao bóng bàn” tại bảo tàng Liên đoàn Bóng bàn Quốc tế ở Thượng Hải vào ngày 10 tháng 4 năm 2021. (Hector Retamal / AFP qua Getty Images)
Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thượng Hải James Heller chơi bóng bàn trong buổi lễ kỷ niệm 50 năm “ngoại giao bóng bàn” tại bảo tàng Liên đoàn Bóng bàn Quốc tế ở Thượng Hải vào ngày 10 tháng 4 năm 2021. (Hector Retamal / AFP qua Getty Images)

Sự kiện ngoại giao bóng bàn rõ ràng là không đủ quan trọng đối với Ngoại trưởng Vương Nghị. Ông Vương đã gặp ngoại trưởng Nga, sau đó đến thăm Trung Đông, và sau đó gặp ngoại trưởng các nước Đông Nam Á, dường như đang cố gắng tạo ra một liên minh “chống Mỹ”.

Bản thân ông Tập Cận Bình không thể ra mặt để thể hiện thái độ “làm dịu lập trường” của mình, bằng không, ông sẽ phải thừa nhận một sai lầm ngoại giao lớn với Hoa Kỳ, điều này khiến ông bị ảnh hưởng xấu cả về đối nội và đối ngoại.

Chỉ ba ngày trước đó, vào ngày 7 tháng 4, ông Tập đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, trong đó ông vẫn kêu gọi nhà lãnh đạo Đức duy trì độc lập chiến lược, và không tham gia với Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống ĐCSTQ.

Sau đó, ông Lý Khắc Cường đột nhiên “bước ra”, dùng một giọng điệu nhẹ nhàng hơn đối với Hoa Kỳ, điều này dường như để giữ thể diện cho ông Tập, nhưng tín hiệu mà ông gửi tới Hoa Kỳ khá khó hiểu.

Nếu ông Lý tiếp quản ngoại giao với Hoa Kỳ từ bây giờ, có lẽ Hoa Kỳ sẽ nghiêm túc xem xét những gì ông nói, nhưng tất nhiên, chính phủ Hoa Kỳ biết rằng ông Lý không có thực quyền trong lĩnh vực ngoại giao, và ông có khả năng sẽ nghỉ hưu trong một năm hoặc hơn một chúc. Do đó, những lời nói của ông Lý sẽ khó giành được nhiều sự chú ý từ chính phủ Hoa Kỳ.

Nếu ông Tập không sẵn sàng nói thẳng lập trường của mình, thì ông nên loại bỏ các "chiến binh" Dương Khiết Trì và Vương Nghị, đồng thời chỉ định những người thay thế, để làm rõ rằng Bắc Kinh sẽ từ bỏ chiến lược đối đầu với Hoa Kỳ, và điều này có thể mang lại một số thay đổi.

Ông Lý Khắc Cường không có khả năng tạo đột phá

Ngoại trưởng Vương Nghị cũng có mặt tại cuộc trò chuyện video với cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ mà ông Lý Khắc Cường tham gia. Mặc dù ông Vương trên danh nghĩa là cấp dưới của ông Lý, về cơ bản thì Thủ tướng Lý không có quyền kiểm soát vị ngoại trưởng kiêm ủy viên hội đồng nhà nước này.

Việc xuất hiện của Ngoại trưởng Vương Nghị giống như là ông đang giám sát tình hình, để ngăn việc Thủ tướng Lý Khắc Cường có thể nói bất cứ điều gì “khác thường”.

Ông Lý rõ ràng đã được hướng dẫn trước và một số lượng lớn các bài phát biểu đã được chuẩn bị cho ông, vì vậy ông chỉ cần duy trì các nguyên tắc “không xung đột và không đối đầu”, hợp tác và thúc đẩy quan hệ tiến lên theo hướng ổn định “cùng có lợi”.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tham dự Đối thoại Bàn tròn “1 + 6” lần thứ ba tại Diaoyutai State Guesthouse ở Bắc Kinh vào ngày 6 tháng 11 năm 2018. (Andrea Verdelli / Getty Images)
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tham dự Đối thoại Bàn tròn “1 + 6” lần thứ ba tại Diaoyutai State Guesthouse ở Bắc Kinh vào ngày 6 tháng 11 năm 2018. (Andrea Verdelli / Getty Images)

Ông Lý cũng nói rằng các vấn đề phát sinh từ hợp tác cần được giải quyết trong sự hợp tác, và việc tách rời sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai; và ông hy vọng duy trì sự an ninh và ổn định của chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp.

Hoa Kỳ có lẽ đã nghe đủ những lời vô nghĩa này...

Ông Lý cũng nói rằng “cánh cửa mở ra bên ngoài sẽ ngày càng rộng hơn”. Ông cũng giải thích chu kỳ bên trong, khẳng định rằng "thị trường rộng lớn 1,4 tỷ dân của Trung Quốc cần được cởi mở hơn, để Trung Quốc tiếp tục là điểm đến quan trọng của đầu tư nước ngoài và là thị trường lớn trên thế giới", nhấn mạnh việc tạo ra một môi trường mà doanh nghiệp trong và ngoài nước được đối xử bình đẳng và cạnh tranh công bằng.

Không biết bản thân ông Lý có tin những lời này hay không. Tân Hoa Xã chắc chắn muốn báo cáo về những gì mà các đại diện của Hoa Kỳ đã nói - lặp lại luận điệu tránh xung đột và đối đầu cũng như những bất lợi của việc tách rời.

Nhưng những tuyên bố như vậy khó được xem là đại diện cho những gì mà hầu hết mọi người ở Hoa Kỳ nghĩ.

ĐCSTQ cho phép ông Lý nói chuyện với Hoa Kỳ với giọng điệu nhẹ nhàng hơn, nhưng vị thủ tướng này không có gì mới để nói. ĐCSTQ rất khó có cơ hội thứ hai để có các cuộc hội đàm cấp cao với Hoa Kỳ, dựa trên những gì ông Lý đã nói.

Phía Hoa Kỳ sẽ không thể xác nhận liệu lời nói của ông Lý chỉ là một cách chơi chữ khác, hay liệu chúng có đại diện cho suy nghĩ thực sự của ông Tập hay không. Những gì chính phủ Hoa Kỳ làm có lẽ sẽ là tiếp tục quan sát và không dễ dàng mất cảnh giác.

Những thay đổi có thể xảy ra trong nội bộ ĐCSTQ

Sự xuất hiện của Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng có thể là do có một số thay đổi nhỏ trong Bộ Chính trị và Ủy ban thường vụ của ĐCSTQ. Vị trí tối cao của ông Tập có thể bị lung lay, hoặc là nội bộ ĐCSTQ đã đạt được một số loại thỏa hiệp vào lúc này.

Khả năng thứ hai là ĐCSTQ đã thực sự đi vào một “con hẻm mù mịt” trong quan hệ Mỹ-Trung và quan hệ quốc tế, điều này cho thấy rằng trên thực tế ĐCSTQ rất sợ chia rẽ với Hoa Kỳ.

Cho dù ông Lý được giao nhiệm vụ hay chủ động trong tình huống khó khăn này, ông Tập đã không xuất hiện trong nhiều ngày và không có bất kỳ bài phát biểu quan trọng nào. Các cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ lặp lại các báo cáo về việc phát hành sách của ông Tập, các chỉ thị bằng văn bản và thư từ của ông Tập, cũng như các cuộc điện đàm của ông Tập.

Ông Tập đáng lẽ vẫn nắm quyền kiểm soát quân đội và có thể chỉ đạo hoạt động của tàu sân bay Liêu Ninh, nhưng dường như ông không thể triển khai thêm các quyết định, giống như việc ông đang cố gắng né tránh các câu hỏi nội bộ.

E rằng những lời nói của ông Lý Khắc Cường sẽ không giải quyết được bế tắc trong quan hệ Mỹ - Trung, nhưng một sự thay đổi lớn về tranh chấp nội bộ của ĐCSTQ có thể được Hoa Kỳ quan tâm.

Tác giả: Yang Wei đã theo sát các vấn đề của Trung Quốc trong nhiều năm. Ông ấy đã đóng góp bài bình luận chính trị về Trung Quốc cho Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung kể từ năm 2019.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Thanh Vân



BÀI CHỌN LỌC

Thủ tướng Trung Quốc ‘bỗng dưng xuất hiện’ với giọng điệu nhẹ nhàng, liệu có tác dụng với Hoa Kỳ?