Thủ tướng cấm quảng cáo ‘nhà tôi 3 đời’ - ‘Thần y’ làm lệch lạc ý nghĩa của thuốc nam chân chính

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chỉ một đoạn video trên youtube dài từ 3-5 phút với nội dung lặp đi lặp lại: "nhà tôi 3 đời chữa… ai có bệnh gọi cho tôi…” khiến nhiều người xem youtube bị ám ảnh. Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu xử lý tình trạng loạn "thần y" này.

Thoái hóa cột sống, sỏi thận, u xơ, u nang... tất cả loại bệnh lâu năm đều có phương pháp chữa trị cam kết dứt hẳn - là những lời mời chào "chữa bá bệnh" của một loạt "thần y" trên YouTube hiện nay.

Chỉ trong một buổi tối, bạn có thể bắt gặp quảng cáo “thuốc trị xương khớp” cả chục lần. Nó có thể xuất hiện trên mọi thiết bị từ ti-vi, smartphone... Thậm chí, có người than phiền rằng, cứ mỗi khi mở một video mới là lại phải nghe câu “bà con, ai đang gặp các vấn đề về xương khớp gọi cho tôi...”.

Loạn ‘thầy y’?

"Thần y" mạng đã phát triển tràn làn, từ “nhà tôi 3 đời chữa sỏi thận” đã chữa đến ung thư, và chữa cả COVID-19, thậm chí còn tung hô rằng “không cần dùng một giọt thuốc”.

Theo trang Zing, một quản trị viên diễn đàn sáng tạo nội dung YouTube, cho biết: “Giá đấu thầu quảng cáo thông thường vào khoảng 100-200 đồng/lượt hiển thị. Nhưng các đơn vị bán thuốc sẵn sàng chi từ 500-900 đồng/lượt”.

Cách phá giá này khiến quảng cáo của các “thần y” được ưu tiên gắn vào các video có lượng tiếp cận cao. Và cách “chi mạnh” này đã khiến không ít người đã trở thành nạn nhân của các "thần y" mạng.

Trên một diễn đàn nghề y, nhiều lời khuyên rằng đừng bao giờ tin những gì mình tìm kiếm trên mạng internet rồi tự suy diễn, tự làm bác sĩ... Các bác sĩ đã được đào tạo chính quy một thời gian dài, nhưng họ còn chưa chắc đã giỏi. “Các bạn chỉ vài cú enter với Google, không có kiến thức căn bản về y khoa, thì như người điếc không sợ súng và tự hại mình”...

(Ảnh: congankhanhhoa.gov.
Ở các quốc gia tiên tiến, quảng cáo thuốc trên phương tiện truyền thông dân dụng đều bị cấm, chỉ được quảng cáo ở tạp chí và hội thảo chuyên ngành y. (Ảnh: congankhanhhoa.gov.)

Quảng cáo ‘thần kỳ’

Nắm bắt được tâm lý của người xem, những video quảng cáo thuốc "thần dược" ngày càng được đầu tư chuyên nghiệp hơn - với vô số hình thức như: một lương y mặc áo blouse trắng đứng trước quầy dược liệu với rất đông bệnh nhân ngồi chờ chữa trị...

Nhiều người cho biết mỗi khi thấy quảng cáo có “bà đội mũ đen” lại bị ám ảnh, "thần y tự nhận" này gây ám ảnh với trang phục thổ cẩm dân tộc, giới thiệu mình có bài thuốc gia truyền ba đời.

Tinh vi hơn, còn có một phóng sự quảng bá về thuốc với đủ các logo cơ quan truyền thông lớn được gắn trong clip, tạo sự "tin tưởng tuyệt đối" cho bệnh nhân, chỉ cần một cuộc điện thoại thì thuốc sẽ được gửi đến tận nhà, trong khi thầy thuốc và bệnh nhân không hề gặp nhau.

(Ảnh: congankhanhhoa.gov)
Một quảng cáo đem hình ảnh tiến sĩ, bác sĩ ra mời chào (Ảnh: congankhanhhoa.gov)

'Thần y’ làm lệch lạc ý nghĩa của thuốc nam chân chính

Trong một phản hồi mới đây, đại diện của YouTube cho biết: "Khi phát hiện thấy những quảng cáo vi phạm chính sách của mình, chúng tôi sẽ nhanh chóng gỡ bỏ chúng".

Ngày 30/3 vừa qua, Văn Phòng Chính phủ vừa có văn bản số 2154 chỉ thị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan - kiểm tra, có biện pháp quản lý, xử lý với tình trạng loạn “thần y” tự xưng trên mạng xã hội hiện nay.

Thật ra, Thuốc Nam là tinh hoa của nền Y học Việt Nam từ bao đời nay. Nhắc đến những căn bệnh mãn tính như gai xương cột sống, người ta không khỏi ngán ngẩm vì quy trình điều trị rất vất vả, thời gian dài, tốn kém. Thế nhưng trong tự nhiên có vô vàn những loại cây thuốc nam trị gai cột sống hiệu quả lại còn an toàn cho sức khỏe của người bệnh mà không phải ai cũng biết.

Y học Cổ truyền Việt Nam là một ngành y học nghiên cứu, ứng dụng các kiến thức, kinh nghiệm trong phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị và phục hồi bệnh thể chất và tinh thần - dựa trên các hiểu biết từ y học dân gian, y học phương đông và y học hiện đại.

Các vị thầy thuốc nổi tiếng được xem là bậc tổ của nghề y Việt Nam là Lý Quốc Sư, Hải Thượng Lãn Ông (còn lưu truyền bộ Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh ) và Tuệ Tĩnh (tác giả của câu nói nổi tiếng "Nam dược trị Nam nhân" - thuốc Nam dùng chữa bệnh cho người Nam).

Các loại thuốc dược liệu, bài thuốc được các dược sĩ, công ty dược nghiên cứu, tạo ra nhiều chế phẩm dạng thuốc dễ sử dụng và bảo quản; được sử dụng khá hiệu quả, hầu như ít tác dụng phụ.

Các bài thuốc dân gian được xem là kho tàng quý giá cho sức khỏe, thể chất của con người. Chính hiện tượng "loạn thần y" ngày nay đã làm lệch lạc ý nghĩa của thuốc nam chân chính.

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

Thủ tướng cấm quảng cáo ‘nhà tôi 3 đời’ - ‘Thần y’ làm lệch lạc ý nghĩa của thuốc nam chân chính