Thời trang Ý còn đẳng cấp? Gặp gỡ người cuối cùng gìn giữ tinh hoa 600 năm xứ Florence

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Lớn hơn, mạnh mẽ hơn, nhanh hơn, tốt hơn" là những khẩu hiệu người khác ca ngợi và thúc giục tôi từ khi tôi còn bé. Nhưng một quý ông Ý đích thực đã chỉ cho tôi thấy nội hàm của phương châm “ít hơn là tốt hơn” và vẻ đẹp đi vào lòng người của Sự tinh tế - Tommaso Melani.

Để bảo tồn tinh hoa xứ sở Florence, Tommaso Melani quyết định mở một công ty cao cấp về may mặc cho nam giới cùng một bậc thầy vĩ đại trong nghề may tại Ý. “Tôi có lẽ là người cuối cùng đề cao ‘câu thần chú’ của sự cân bằng và hài hoà”, ông chia sẻ.

Tommaso Melani sinh ra ở Florence, quê hương của “Tỉ lệ Vàng", một trường phái thẩm mỹ và triết học thấm nhuần trong mọi khía cạnh cuộc sống của người Florence, từ giá trị văn hoá đến phong cách kiến trúc và cả thiết kế hay may mặc.

“Florence vẫn đang là một ví dụ điển hình của sự hài hoà và cân bằng trong 600 năm", Melani nói. “Bắt đầu từ thời kỳ Phục Hưng, mọi thứ đã xảy ra tại Florence… Dù thị hiếu có đang phát triển và thay đổi ở xứ này, thì giữ mọi thứ hài hoà đã là dấu ấn riêng của chúng tôi".

(Ảnh: Sartoria Vestrucci)

Melani là chủ sở hữu đời thứ 4 của một công ty túi xách cao cấp và trường dạy làm đồ da Scuola del Cuoio, nằm trong Basilica di Santa Croce - nhà thờ và cũng là nơi chôn cất của những “biểu tượng” nước Ý, như Michelangelo và Galileo. Ông nội Melani đã sáng lập ra ngôi trường và công ty túi xách vào năm 1949 với mục đích mang lại công việc cho những đứa trẻ mồ côi sau thế chiến thứ II. Sự vị tha và giàu lòng trắc ẩn đã biến doanh nghiệp của ông khác biệt so với những người đương thời.

(Ảnh: Sartoria Vestrucci)

Ông nội của Melani không chỉ là mẫu người đàn ông và thương nhân lý tưởng, cống hiến cả đời để bảo tồn những di sản hiếm có của Florence, mà ông còn là người có sức ảnh hưởng hàng đầu với Melani về thời trang và may mặc.

“Ông tôi luôn vận một chiếc áo khoác thể thao hay một bộ com-lê, nhưng ở ông toát ra một sự lịch lãm, thanh lịch tự nhiên mà không cần cố gắng", Melani chia sẻ. Vào mùa hè, ông nội tôi có thể mặc một bộ tuxedo màu trắng, thư giãn trong vườn với một ly rượu trên tay trước khi dùng bữa tối cùng chúng tôi.

Melani kế thừa lòng sùng kính văn hoá Florence và sự trân trọng nghệ nhân xứ sở từ ông nội. Năm 2012, Melani mua lại một nhãn hiệu làm giày thủ công có tên Stefano Bemer từ một người bạn và bậc thầy sản xuất giày Stefano Bemer, với ước mơ bảo tồn sản xuất giày mang tinh tuý xứ Florence.

5 năm sau, Melani biết được rằng Loris Vestrucci, một trong những thợ may lão luyện cuối cùng của Florence đã nghỉ hưu ở tuổi 78.

“Khi tôi nghe người ta nói ông ấy sẽ nghỉ hưu, tôi thấy đây thật là một điều đáng tiếc. Bởi sẽ chẳng có huyền thoại sống nào ở nơi này nữa!”

Những thợ may khác ở Florence hiện tại đều từ khu vực khác đến, cho nên họ sẽ chẳng được đào tạo may mặc đúng chất của Florence. “Họ có thể làm ra những sản phẩm mang hình thức và phong cách giống văn hoá Florence, nhưng họ không kế thừa tinh hoa của nó".

(Ảnh: Sartoria Vestrucci)

Melani nhấn mạnh rằng may mặc Ý có rất nhiều phong cách, phụ thuộc vào vùng miền.

“Florence là sự hài hoà giữa 2 phong cách. Một là rực rỡ loè loẹt Napoli, có nhiều góc mở, dáng ôm sát người, và dáng vai mềm; trông độc đáo nhưng chưa thanh lịch. Và thứ hai là sự cứng nhắc trong phong cách may của Milan, sử dụng vai độn và thể hiện vẻ chuyên nghiệp".

Melani tin rằng những đường may, thiết kế, thêu thùa và bí mật kinh doanh của Florence về thời trang quý ông sẽ mất vĩnh viễn nếu không thực hiện ngay một kế hoạch bảo tồn những bí quyết thời trang của Vestrucci. Melani không thể chịu được nếu điều đó xảy ra.

(Ảnh: Sartoria Vestrucci)

Melani hỏi Vestrucci: “Nếu tôi cho ông thời gian, tài nguyên, không gian và sự đào tạo, nhưng trên hết, nếu tôi giải thoát ông khỏi những tháng ngày stress vì phải phục vụ khách hàng để kiếm hoa hồng, và ông có thể tập trung tạo ra những sản phẩm chất lượng, vừa vặn, phong cách, và đỉnh cao mà có thể sử dụng nhiều năm, ông có muốn làm không?”.

“Ông ấy trả lời không hàng chục lần, nhưng cuối cùng thì ông ấy cũng đồng ý", Melani nói. Sau đó, họ hợp tác với nhau để lập ra công ty Sartoria Vestrucci mang đậm tinh thần Florence về thời trang quý ông.

“Tôi làm điều này vì tôi thực sự nghĩ đằng sau nó là cả lịch sử, truyền thống và cá tính riêng”. Cũng giống như thương hiệu giày Stefano Bemer, “đây là thương hiệu dành cho tập khách hàng rất hẹp và sẽ không mở rộng quy mô… Nhưng nó là một điều đặc biệt cần phải gìn giữ".

Thời trang Ý dần mất đi tinh hoa?

Melani không chỉ bảo tồn di sản của Florence, ông ấy còn bảo vệ ngành thủ công, may mặc truyền thống. Ông nói thị trường thời trang xa xỉ cho nam giới hiện tại tràn ngập những mánh khoé lừa lọc mà thế giới không biết.

Ví dụ, trong phân khúc sản phẩm quần áo cao cấp cho quý ông, những bộ com-lê có giá trên 2000 USD, nhưng khoảng ⅔ số này được sản xuất từ Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, các thương hiệu lại gắn nhãn “Made in Italy” (Sản xuất ở Ý), điều này chẳng có ý nghĩa gì về tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm may mặc chỉ trải qua một vài thay đổi nhỏ bề mặt tại Ý, ví dụ như may khuy áo.

Nói về những nhà sản xuất thời trang Ý nổi tiếng kiếm doanh thu gần nửa tỉ đô-la một năm, Melani chia sẻ: “Nếu bạn làm một phép tính đơn giản, thì như vậy tất cả các công dân Ý phải làm cho họ, hoặc họ có một nguồn cung khác". Rõ ràng, toàn bộ dân số Ý không thể làm cho một thương hiệu. Melani cũng nghe được những câu chuyện đáng sợ về các công nhân Trung Quốc gần như không được trả tiền, nhưng phải làm những sản phẩm đắt đỏ cho các hãng thời trang nổi tiếng.

“Với tôi, tài sản và cuộc sống của người thợ thủ công đã làm việc cùng công ty 35, 40, hay 50 năm cũng quan trọng như doanh thu của công ty vậy”, Melani chia sẻ. “Ý nghĩ không trả tiền lương cho nhân viên xứng đáng hay không đối xử họ như một người thân trong gia đình là không thể chấp nhận được".

Hiện nay cũng xuất hiện rất nhiều những nhãn hàng bán trực tuyến cho khách hàng, tuyên bố chất lượng cao nhưng bán giá thấp. Những nhãn này có cửa hàng quần áo ở New York, đến đây bạn có thể may đo, chọn vải và kiểu dáng, sau đó đặt hàng. Những công ty kiểu này đưa ra một nhận thức sai lầm rằng, bạn có thể sở hữu một sản phẩm cá nhân hoá cao với chất lượng tốt nhưng chỉ phải trả một nửa giá. Những bộ com-lê mang kiểu dáng châu Âu, nhưng họ lại dùng cách thức sản xuất hàng loạt với giá rẻ. Ví dụ, một chiếc áo vest sử dụng cả keo dán để dính các mảnh vải vào với nhau, còn đường may trở thành hoạ tiết trang trí.

Những bộ quần áo kiểu này sẽ gặp nhiều vấn đề: nó không thoáng và quá cách nhiệt, khiến bạn cảm thấy nóng nực và chảy mồ hôi, đặc biệt là trong những ngày hè ẩm ướt. Và khi mép vải nối với nhau không khéo, nó sẽ tạo ra những vết phồng hoặc nhăn xấu xí trên ve áo. Cuối cùng, chúng gây khó chịu khi mặc vì cả bộ đồ giống như mảng bìa cứng mỏng, thay vì ôm cơ thể và tạo cảm giác dễ chịu khi ngồi và di chuyển.

“Bởi vì chúng không chú trọng đến tính bền, và là một phần của nền kinh tế “mì ăn liền". Thật buồn là, người ta thích mua cả đống đồ rẻ tiền và vứt đi sau vài năm sử dụng thay vì mua một bộ đồ chất lượng mà không bao giờ bị hỏng”, Melani nói.

Trái lại, những bộ đồ thủ công truyền thống, những khớp nối và mép vải được khâu bằng tay, nên chúng tạo ra sự co giãn 3 chiều linh hoạt và dễ chịu. Một bộ đồ đúng chuẩn sẽ phải vừa vặn với cơ thể bạn, giống như một làn da thứ hai vậy.

“Chúng tôi quyết định đặt chất lượng lên đầu", Melani khẳng định. “Việc phục hồi nghề thủ công may mặc là điều đúng đắn, nó đang diễn ra và hi vọng sẽ có nhiều người hơn nữa hướng đến điều này".

(Ảnh: Sartoria Vestrucci)

Công ty Sartoria Vestrucci có 3 dòng sản phẩm, mỗi dòng làm theo kích cỡ chuẩn và được sản xuất bởi những thợ may bậc thầy tại Florence: may sẵn, may theo đặt hàng, và may theo kích cỡ. Dòng hàng may sẵn có trong kho, và khách hàng có thể mua trực tuyến hay tại cửa hàng. Dòng hàng may theo yêu cầu phụ thuộc vào đơn của khách hàng, họ có thể chọn vải và kiểu dáng, ví dụ như hoạ tiết hay loại khuy áo. Dòng hàng may theo kích cỡ dành cho các khách hàng muốn thay đổi cả thiết kế, ví dụ như cắt ngắn ống tay hay thay đổi chiều rộng của vai.

Sartoria Vestrucci đã tăng gấp đôi doanh số bán hàng vào năm 2019 tại cửa hàng ở Manhattan, Mỹ. Melani rất háo hức truyền bá phong cách Florence và thủ công may mặc truyền thống ra thế giới.

“Không có gì thay đổi hàng trăm năm qua. Sartoria Vestrucci đang nỗ lực tái hiện lại những gì một quý ông Florence sẽ mặc, giống như ông nội tôi ngày đó".

Thiên An
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Thời trang Ý còn đẳng cấp? Gặp gỡ người cuối cùng gìn giữ tinh hoa 600 năm xứ Florence