Thành phố Thái Lan bị ‘ám ảnh’ bởi bữa sáng - người dân có thể ăn 9 bữa một ngày

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ở một thành phố phía nam Thái Lan, mọi người thức dậy trước 4 giờ sáng và đổ xô đến các quán dimsum, các quán cà phê cổ điển và các quán ăn đường phố để nạp năng lượng cho một ngày mới. ‘Người dân ở những vùng khác [của Thái Lan] ăn ba hoặc bốn lần một ngày, nhưng người dân ở Trang ăn chín lần một ngày!’

Đã gần nửa đêm ở thành phố Trang, miền nam Thái Lan, và tôi đang nhìn chằm chằm vào một cái lò nướng có kích cỡ bằng một chiếc xe tuk-tuk. Lửa và khói phụt ra khỏi chóp, và những người đàn ông đang cẩn thận bỏ hai con lợn trưởng thành đã giết mổ sạch sẽ vào trong lò. Một giờ sau, những con lợn sẽ được rút ra, bốc khói, màu đỏ thẫm, thơm phức với lớp vỏ giòn tan. Khi đủ nguội, lợn sẽ được chia thành các phần, băm nhỏ và bày bán tại chợ sáng trung tâm của Trang vào khoảng 4 giờ.

Không có nhiều nơi trên thế giới coi trọng bữa sáng như ở Trang. Ngay cả ở một đất nước cực kỳ mê đồ ăn như Thái Lan, sự hào hứng của thành phố này đối với bữa ăn đầu tiên trong ngày gần như là “một căn bệnh”.

Ở Trang, bạn có thể bắt đầu một ngày của mình tại những quán dimsum rộng rãi; những nhà hàng có tuổi đời hàng chục năm bán những tô hủ tiếu và cháo gạo bốc khói nghi ngút; những quán cà phê và quầy hàng phục vụ cà ri, món xào và súp; những xe hàng rong bán quẩy chiên giòn; và nổi tiếng nhất là các quầy bán thịt lợn quay kiểu địa phương. Niềm vui, sự say mê và cảm giác ngon miệng hòa quyện với nhau tạo nên một bữa sáng “rất Trang”.

Khi được hỏi tại sao mọi người ở Trang lại “cuồng nhiệt” với bữa sáng tới vậy, Khanaporn Janjirdsak, một chủ nhà hàng kiêm nhà nghiên cứu lịch sử ẩm thực nghiệp dư ở Trang, giải thích: “Các nhà hàng ở Trang phục vụ nhiều loại công nhân viên ở đây. Những người cạo mủ cao su thức dậy lúc 2 giờ sáng, những người quản lý nhà hàng đi mua nguyên liệu lúc 5 giờ sáng. Lúc nào mọi người ở đây cũng có nhu cầu ăn uống!”

Khanaporn nói rằng cao su là một loại cây trồng quan trọng ở vùng nông thôn xung quanh Trang, và việc nhựa cao su phải được thu hoạch vào buổi sáng đã dẫn đến một nền văn hóa ăn sáng mạnh mẽ, và rất sớm. Bà tiết lộ, trong một số trường hợp, những người cạo mủ cao su có thể đã ăn hai bữa trước khi mặt trời mọc.

Một yếu tố khác góp phần “định hình” bữa sáng của thành phố là vấn đề nhập cư. Kể từ thế kỷ 15, thương mại phát triển đã thu hút người nhập cư Trung Quốc đến làm việc tại những địa điểm dọc theo bờ biển Andaman của Thái Lan. Kết quả là, Trang trở thành nơi có nhiều người Trung Quốc sinh sống nhất Thái Lan, và người Quảng Đông đã mang tới một ảnh hưởng mạnh mẽ đối với bữa sáng của Trang.

Yaowanee Thirakleela là chủ sở hữu người Quảng Đông thế hệ thứ tư của Jip Khao (địa điểm phục vụ món dim sum lâu đời nhất ở Trang). Mới 7 giờ sáng, quán đã chật kín người, từ học sinh, người già về hưu cho tới những nhân viên văn phòng.

Món dimsum ở đây không giống như kiểu truyền thống của Trung Quốc. Nó không có nhân hải sản hay vỏ ngoài trông như một viên ngọc tinh xảo. Dimsum kiểu Trang mà nhà hàng Jip Khao đang bán khá giản dị. Phần nhân chỉ là thịt lợn và thêm tỏi, tiêu trắng. Món này được dùng cùng trà truyền thống của Trung Quốc.

Cô nói: “Vào thời của cha tôi, họ uống rất nhiều trà. Họ có thể ăn đồ ăn béo mà vẫn sống lâu!"

Món ăn béo ngậy mà Thirakleela đang nhắc đến chắc chắn là món thịt lợn quay trứ danh của Trang. Mặc dù món ăn này có nguồn gốc từ các lễ hội của Trung Quốc, nhưng giờ nó đã trở thành món ăn khoái khẩu của người dân địa phương và là món nhất định phải thử của du khách khi đến Trang. Sau khi được lọc bỏ xương, những con lợn được tẩm ướp với nước xốt ngũ vị hương ngọt ngào, thơm phức. Thành phẩm sau khi ra khỏi lò sẽ có lớp da giòn tan khi cắn, thịt nạc chắc như kẹo và lớp mỡ tưởng chừng như tan ra trong miệng.

Janjirdsak nói: “Bạn không cần phải chấm món thịt heo quay kiểu Trang. Nó đã được tẩm ướp gia vị hoàn hảo rồi".

Món ăn khác được yêu thích chỉ đứng sau dim sum và thịt heo quay chính là quẩy - một món ăn sáng khác của Trung Quốc.

Somyot Athakijmongkol, chủ sở hữu thế hệ thứ hai của Kun Chiang Bang Rak, một nhà hàng nhỏ chuyên phục vụ bữa sáng nổi tiếng với món quẩy ngon nhất thị trấn, giải thích: “Tôi thức dậy lúc 3 giờ sáng để chuẩn bị bột. Tôi bắt đầu chiên bột lúc 6 giờ. Và chúng tôi thường bán hết hàng trước 9 giờ sáng”.

Vừa nói chuyện, Athakijmongkol vừa nắn, lật, véo và chia một khối bột mềm mại thành các “que” nhỏ cỡ chiếc bật lửa. Anh gắn hai “que” lại với nhau, rồi thả vào một chảo dầu nóng lớn, dùng đũa dài lật nhanh tay cho tới khi món quẩy chuyển sang vàng ươm bắt mắt.

Anh chia sẻ lý do giúp món quẩy của mình được yêu thích nhất thị trấn: “Quẩy của chúng tôi dài hơn, giòn hơn - chúng giữ được độ giòn rất lâu, và phần ruột bên trong thì vẫn mềm”.

Nhưng bữa sáng của Trang không chỉ giới hạn ở các món ăn Trung Quốc. Giống như phần lớn miền nam Thái Lan, thành phố có một lượng lớn dân cư theo đạo Hồi. Gần ga xe lửa của Trang là một chuỗi các nhà hàng halal ngoài trời chuyên bán bánh mì dẹt chiên giòn (roti), kết hợp với món cà ri thơm phức được nấu từ gia vị khô của Ấn Độ.

Trớ trêu thay, những tinh hoa ẩm thực Thái Lan lại không có nhiều ảnh hưởng đến văn hóa ăn sáng ở Trang. Một bộ phận người Thái cũng có những cửa hàng ăn sáng riêng với các khay cà ri, món xào, súp làm sẵn. Ở các vùng khác, chúng là đồ ăn trưa. Tuy nhiên, tại Trang, đây lại là bữa sáng.

Thanatip Boonyarat, một chủ cửa hàng Thái Lan trên đường Thanon Kan Tang, nói: “Người dân ở Trang rất chú trọng vấn đề ăn uống. Người dân ở những vùng khác [của Thái Lan] ăn ba hoặc bốn lần một ngày, nhưng người dân Trang ăn chín lần một ngày!”

Thanh Hương

Theo BBC



BÀI CHỌN LỌC

Thành phố Thái Lan bị ‘ám ảnh’ bởi bữa sáng - người dân có thể ăn 9 bữa một ngày