Tạp chí Forbes liệt kê 11 thói quen xấu khiến nhân viên... dễ mất việc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chúng ta đều có những thói quen xấu, ví dụ như: trì hoãn, buôn chuyện và trễ hẹn. Những điều này không biến bạn trở thành người xấu - nhưng nếu là một nhân viên trong công sở, chúng sẽ xây dựng nên một hình ảnh tồi tệ của bạn trong mắt sếp. Và nếu không may, nó sẽ khiến bạn bị mất việc.

“Một thói quen xấu không thể khiến bạn bị đuổi việc ngay lập tức, nhưng hậu quả mà nó tích lũy qua thời gian sẽ khiến việc này trở thành sự thực", Tiến sĩ Katharine Brooks, giám đốc của Liberal Arts Career Services thuộc trường Đại học Texas chia sẻ. “Chúng ta nên để ý tới một thói quen xấu, nó sẽ khiến chúng ta nhận ra nhiều sai sót và vấn đề khác". Theo bà, một thói quen xấu có thể dẫn đến sự cô lập nơi công sở, ảnh hưởng đến kết quả làm việc của mỗi người.

Rick Myers, nhà sáng lập và tổng giám đốc của Talent Zoo, một trang web về marketing, quảng cáo và các giải pháp điện tử, đồng ý rằng những thói quen xấu sẽ phá huỷ sự nghiệp của bạn. Nhưng anh cho biết: “Điều kém may mắn nhất là hiếm có ai nhận ra họ có những thói quen xấu này". Vậy những thói quen đó là gì?

Trì hoãn

“Thói quen này sẽ làm tổn hại đến bạn tại nơi làm việc", Brook nói. “Nếu bạn thuộc tuýp người nghĩ rằng mình sẽ làm mọi thứ tốt nhất vào giây phút cuối cùng hay trì hoãn dự án và công việc đến ngày cuối cùng trước khi hết hạn, thì bạn không ý thức được tác hại mà nó đem đến cho đồng nghiệp của bạn". Nếu bạn “vắt chân lên cổ” chạy deadline và đòi hỏi người khác phải làm việc nhanh lên, thì bạn sẽ khiến họ giận dữ. Bạn cũng sẽ là người đầu tiên bị khiển trách nếu dự án thất bại hoặc không hoàn thành đúng thời hạn.

Nếu bạn “vắt chân lên cổ” chạy deadline và đòi hỏi người khác phải làm việc nhanh lên, thì bạn sẽ khiến họ giận dữ.
Nếu bạn “vắt chân lên cổ” chạy deadline và đòi hỏi người khác phải làm việc nhanh lên, thì bạn sẽ khiến họ giận dữ. (Pixabay)

Nói dối

Tự nhận công về mình hay cố tình đạo văn, nói dối về tiến độ công việc hay hoá đơn công ty, lạm dụng chi phí hay thẻ tín dụng của công ty, lợi dụng danh tiếng để mang thành tựu cho người khác… tất cả đều khiến bạn phải trả giá công việc của mình.

“Cách chắc chắn nhất để khiến sự nghiệp của chúng ta kết thúc đường đột và nhanh chóng là nuôi dưỡng thói quen từ chối sự thật và nói dối từ điều nhỏ đến điều lớn", Ann Kaiser Stearns, tiến sỹ, nhà tâm lý học và tác giả của cuốn sách bán chạy “Living Through Personal Crisis” nói: “Thiếu trung thực là sợi dây thừng trơn trượt đưa bạn đến một kết cục bi thảm. Dù chúng ta làm việc trong một doanh nghiệp hay ngân hàng, học viện hay quân sự, xuất bản hay từ thiện, nhà ở hay y tế, thị trường hay nhà nước, nếu chúng ta không liêm chính và phản bội sếp, chúng ta không xứng đáng để giữ công việc của mình”.

Thiếu trung thực là sợi dây thừng trơn trượt đưa bạn đến một kết cục bi thảm. Ở bất kỳ đâu, nếu chúng ta không liêm chính và phản bội sếp, chúng ta không xứng đáng để giữ công việc của mình.
Thiếu trung thực là sợi dây thừng trơn trượt đưa bạn đến một kết cục bi thảm. Ở bất kỳ đâu, nếu chúng ta không liêm chính và phản bội sếp, chúng ta không xứng đáng để giữ công việc của mình. (Pixabay)

Tiêu cực

Rất nhiều người có thói quen buôn chuyện, rên rỉ hay phàn nàn. Nhưng nếu bạn thường xuyên có hành động này thì công việc của bạn sẽ khó lòng đảm bảo. “Tất cả những điều này dẫn đến cùng một kết quả: bạn khiến sếp mình đau đầu. Sếp bạn có thể phải chịu trách nhiệm đảm bảo cả nhóm đóng góp vào môi trường đạo đức chung, và bất kì ai trong đội gây ra tác động tiêu cực đều sẽ khiến sếp bạn chịu ảnh hưởng xấu", Amy Hoover cho biết. Nếu bạn có điều gì không hài lòng, hãy nói trực tiếp với sếp mình, trong một hoàn cảnh riêng tư. Đừng tìm đồng nghiệp để tìm sự hỗ trợ trước tiên.

Chậm trễ

Nếu bạn thường xuyên đến nơi làm việc muộn, hay quá giờ nghỉ trưa, nó thể hiện thái độ ngạo mạn và thiếu sót của bạn, Roxanne Peplow, một cố vấn định hướng nghề nghiệp và dịch vụ dành cho sinh viên ở Học viện Computer Systems Institute nói. “Vì vậy hãy đến sớm hơn một chút để thể hiện bạn là người quan tâm tới giờ giấc và trân trọng công việc của mình và thời gian của người khác”.

Nếu bạn thường xuyên đến nơi làm việc muộn, hay quá giờ nghỉ trưa, nó thể hiện thái độ ngạo mạn và thiếu sót của bạn
Nếu bạn thường xuyên đến nơi làm việc muộn, hay quá giờ nghỉ trưa, nó thể hiện thái độ ngạo mạn và thiếu sót của bạn. (Needpix)

Giao tiếp không tốt qua email

Điều này có thể liên quan đến mọi thứ từ không trả lời email đến không biết cách xử lý email. “Bạn có thể bị cho là thô lỗ cộc cằn nếu bạn quá dài dòng”, Brooks nói. Nếu bạn có thói quen dành quá nhiều thời gian để kiểm tra và phản hồi email, bạn có thể bỏ lỡ những buổi họp hay deadline quan trọng, gây ra những sự chậm trễ và rối loạn khác, hay thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp.

Nghiện mạng xã hội

Một con đường chung để dẫn đến mất việc là sự ám ảnh mạng xã hội. Stearns nói: “Nếu bạn lên Facebook 20 lần một ngày mà không gây gián đoạn công việc của bạn, thì bạn đang nói dối". Một vài công ty đã đưa ra các biện pháp để giám sát hay hạn chế nhân viên của họ sử dụng mạng xã hội, trong khi một số công ty khác khóa các trang này hoàn toàn. Vì vậy, hãy lưu ý đừng dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội hay các trang mạng mà không liên quan đến công việc của bạn.

Nếu bạn lên Facebook 20 lần một ngày mà không gây gián đoạn công việc của bạn, thì bạn đang nói dối".
Nếu bạn lên Facebook 20 lần một ngày mà không gây gián đoạn công việc của bạn, thì bạn đang nói dối". (Pexels)

Thiếu sự chú ý

Nếu bạn luôn bị phân tán tư tưởng, bạn sẽ khó lòng hòa nhập vào văn hoá nơi công sở, việc này có thể huỷ hoại sự nghiệp của bạn. “Mỗi nơi làm việc có văn hoá riêng, dù là chính thức hay không chính thức, về ăn mặc, không khí làm việc, cho đến kết cấu tổ chức. Không quan sát văn hoá và khiến bản thân phù hợp sẽ khiến bạn trở nên căng thẳng hoặc khác biệt nơi công sở, và cuối cùng là làm cho bạn giảm nhiệt huyết trong công việc", Brook cho biết.

Bạn cũng nên chú ý những thói quen của mình có làm phiền đồng nghiệp không. “Làm việc nơi văn phòng đòi hỏi bạn cần phải nhạy cảm với đồng nghiệp và không làm phiền hay gây xao nhãng cho họ. Những điều này có thể là mùi cơ thể, mang thức ăn nặng mùi đến công ty, bật nhạc quá to, hay nói đùa không đúng lúc và bật loa ngoài khi nói chuyện điện thoại", Brook nói thêm.

Nóng tính

Nếu bạn dễ dàng nổi nóng, điều này cho thấy bạn không thể làm việc dưới áp lực lớn hay hoàn thành nhiệm vụ được tốt, Peplow cho biết. “Thực hành những biện pháp giảm stress như thiền định hay những bài tập thở sâu, và đừng bao giờ mang các vấn đề cá nhân đến nơi công sở".

Nếu bạn dễ dàng nổi nóng, điều này cho thấy bạn không thể làm việc dưới áp lực lớn hay hoàn thành nhiệm vụ được tốt
Nếu bạn dễ dàng nổi nóng, điều này cho thấy bạn không thể làm việc dưới áp lực lớn hay hoàn thành nhiệm vụ được tốt. (Pikist)

Làm việc không hiệu quả

Thiếu tổ chức, lãng phí thời gian, nói quá nhiều đều biến bạn thành một đồng nghiệp làm việc thiếu hiệu quả. “Bạn có thể không nhận ra điều này, nhưng rất nhiều đồng nghiệp của bạn đến đây để làm việc chứ không phải để trò chuyện, và họ sẽ không muốn thô lỗ với bạn nên sẽ không cắt ngang cuộc hội thoại với bạn", Hoover nói. Bạn không muốn trở thành người mà đồng nghiệp tránh xa, thì hãy chỉ nên giữ những cuộc trò chuyện đơn giản, ngắn gọn và ít nhất có thể. Giữ cho bàn làm việc gọn gàng và đừng dành quá nhiều thời gian vào những việc không liên quan.

Nói mà không nghĩ

Nếu bạn gặp phải triệu chứng “tốc độ nói nhanh hơn tốc độ nghĩ”, bạn phải kiểm soát nó lại ngay, nhất là ở nơi công sở. Nói điều gì không phù hợp trong buổi họp hay trong email sẽ rất có hại cho sự nghiệp của bạn.

Nói điều gì không phù hợp trong buổi họp hay trong email sẽ rất có hại cho sự nghiệp của bạn. 
Nói điều gì không phù hợp trong buổi họp hay trong email sẽ rất có hại cho sự nghiệp của bạn. (Pexels)

Thiếu cách cư xử tốt

Đây chỉ là một vài thói quen xấu mà có thể khiến bạn bị nghỉ việc, bị từ chối cho phép vào làm hay không thể thăng chức, Peplow nói. “Hãy nhìn lại bản thân và hỏi người khác về thói quen của bạn". Và nếu bạn nhận được phản hồi, hãy chú tâm tới nó. “Cố gắng lắng nghe những lời góp ý và nhìn nhận nghiêm túc mà không kèm theo sự bảo vệ bản thân".

Hoover kết luận: “Rất nhiều điều trong số này cuối cùng quy về việc giao tiếp. Chúng ta đều có ít nhiều những thói quen không tốt, và giao tiếp từ “trên xuống dưới” là giải pháp khiến nhân viên nhận thức được thói quen xấu của họ. Và từ đây thì việc sửa chữa hay không là vấn đề cá nhân họ. Nhưng chúng ta phải có trách nhiệm thông báo".

Thiên An
Theo Forbes



BÀI CHỌN LỌC

Tạp chí Forbes liệt kê 11 thói quen xấu khiến nhân viên... dễ mất việc