Tâm không đủ lớn, tầm không đủ cao thì hỏng việc nhiều

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu tấm lòng của một người rộng lớn như biển cả, thì những khó khăn trên đời sẽ như đá ném ao bèo, không gây âm thanh, cũng chẳng tạo ra sóng cuộn.

Xưa kia có một người ngày ngày ngồi trong sân nhỏ, buồn rầu vì một cây to trong sân. Khoảng sân nhỏ vây quanh cái cây to, trông có vẻ như không phải điềm lành.

Có người khuyên, anh cứ chặt cây đi là được rồi. Người đàn ông lại lắc đầu và buồn bã nói: “Nếu chặt cái cây lớn này đi, chỉ còn tôi trong sân, bị vây quanh bởi 4 bức tường, khác nào người tù đâu, lại càng không may mắn”.

Chặt cây cũng không tốt, mà để thì cũng đen đủi, điều này khiến anh ta ngày nào cũng thở dài thườn thượt, tâm trạng ẩn chứa đầy u sầu.

Cho đến một hôm, có một Đạo sĩ đi ngang qua, nghe thấy nỗi phiền muộn của anh ta, Đạo sĩ cười lớn: “Chiếc sân quả là chật hẹp, đúng là như cầm tù vậy, nhưng bên ngoài chiếc sân là cả trời đất mênh mông, có gì vây khốn tù túng đâu?”

Chốn hồng trần, chuyện phiền não bất quá cũng chỉ một vài chuyện, chúng đều tập trung ở không gian nhỏ hẹp trước mắt. Người không vượt qua được tầm cao, nhìn không vượt qua khoảng không gian hạn hẹp trước mắt, thì sẽ bị những phiền não này quấn chặt lấy thân cả đời.

Tâm rộng lớn bao nhiêu thì trời đất rộng mở bấy nhiêu, tự nhiên sẽ cảm thấy cuộc sống là biển rộng, là núi cao, là sông dài, cũng chỉ đến thế mà thôi.

Tha thứ sẽ giúp tâm hồn bạn trở nên khoáng đạt, rộng lớn (Ảnh: Pixabay)
Tâm rộng lớn bao nhiêu thì trời đất rộng mở bấy nhiêu (Ảnh: Pixabay)

Tấm lòng không rộng mở thì ắt có phiền nhiễu

Người xưa nói: "Bao dung được tiểu nhân mới thành người quân tử".

Nếu tấm lòng của một người rộng lớn như biển cả, thì những khó khăn trên đời sẽ như đá ném ao bèo, không gây âm thanh, cũng chẳng tạo ra sóng cuộn.

Ngược lại, nếu một người luôn tranh cãi đúng sai thì trong lòng nổi sóng gió, những chuyện xấu sẽ ập đến như những con sóng vỗ bờ.

Chuyện Hàn Tín nhẫn chịu cái nhục chui háng có lẽ ai ai cũng biết, đối mặt với sự sỉ nhục của người khác, nếu Hàn Tín không đủ nhẫn nại bao dung thì chắn tổn thương của chính mình, thậm chí phải trả giá bằng sinh mạng. Vì vậy trước đám đông, Hàn Tín, người có võ nghệ và bản lĩnh đầy mình, lại có thể ung dung chui qua háng của kẻ vô lại.

Sau khi sự việc xảy ra, Hàn Tín đã từng trở thành trò cười của thiên hạ vào thời điểm đó, nhưng Hàn Tín không để tâm đến điều đó, ông không ngừng tu thân dưỡng tài, hoàn thiện bản thân.

Sau đó, Hàn Tín được Lưu Bang trọng dụng và trở đại tướng quân bách chiến bách thắng, danh tiếng lẫy lừng trong lịch sử, sau được phong làm Sở Vương.

Sau đó Hàn Tín triệu người đã sỉ nhục ông, bắt ông phải chui háng đến. Người kia vô cùng sợ hãi, nhưng thật bất ngờ, Hàn Tín tiếp đãi long trọng, và phong cho anh ta chức võ quan trung úy.

Hàn Tín nói với các tướng rằng: "Hồi đó anh ta xúc phạm tôi, lẽ ra ta có thể giết anh ta khi đó, nhưng chắc chắn sẽ không có Hàn Tín ngày nay, nên ta nhẫn chịu chui háng anh ta, và đã đạt được tất cả những thứ như hiện nay"

Cuối cùng, Hàn Tín trở thành một nhà quân sự nổi tiếng, giúp Hán Cao Tổ Lưu Bang nhất thống thiên hạ.

Người luôn nghĩ đến người khác trước, xem ra có vẻ là ngu dốt, chịu thiệt thòi, nhưng lại là người đắc được những thứ tốt nhất. Ảnh: Thời trẻ Hàn Tín chịu nhục chui háng, cũng chính nhờ tâm đại nhẫn đã giúp ông làm nên đại nghiệp sau này.
Thời trẻ Hàn Tín chịu nhục chui háng, cũng chính nhờ tâm đại nhẫn đã giúp ông làm nên đại nghiệp sau này. (Ảnh: Miền công cộng)

Người xưa có câu: "Muốn thành cây lớn thì đừng tranh đấu với cỏ dại, tướng có gươm sắc, chẳng chém dế giun".

Với những kẻ tiểu nhân nhỏ mọn đó, chẳng đáng để ý đến làm gì. Nhưng nếu cạnh tranh với hắn thì chẳng phải mình tụt xuống ngang hàng với kẻ tiểu nhân đó sao.

Nếu cứ nhất quyết phải nói rõ đạo lý với kẻ tiểu nhân, thì bị tiểu nhân ngáng chân, có thể chỉ vì việc nhỏ mà hỏng nhiều việc lớn.

Người có tầm, gặp người xấu chắn đường sẽ biết kịp thời đi đường vòng, gặp việc xấu sẽ biết kịp thời dừng lại. Khi tấm lòng đã rộng lớn rồi thì những việc đáng phải lo nghĩ sẽ ít đi rất nhiều.

Tầm nhìn không xa thì có hối tiếc

Đại văn hào Ấn Độ Tagore nói: "Nếu bạn khóc vì bỏ lỡ mặt trời, thì bạn cũng sẽ bỏ lỡ những vì sao."

Khi tầm nhìn của một người nhỏ hẹp, người đó chỉ nhìn thấy được những điều được - mất trước mắt.

Chỉ cần đưa tầm nhìn ra xa, xa đến mức đủ nhìn thấy biển sao trời mênh mông, thì sẽ không còn phiền não vì bỏ lỡ cảnh hoàng hôn.

Một ngày nọ, Tề Bạch Thạch đang vẽ tranh trong phòng vẽ của mình, bên ngoài bỗng có tiếng người rao bán cải trắng.

Tề Bạch Thạch nhớ lại thời cổ đại, Vương Hy Chi đã từng dùng thư pháp "Hoàng Đình Kinh" để đổi một con ngỗng trắng, đó là một câu chuyện hay, thế thì mình sao không dùng tranh để đổi cải trắng?

Thế là ông đã vẽ một bức tranh và ra ngoài tìm người bán cải trắng. Người bán hàng rong nhìn thấy Tề Bạch Thạch thì vội vàng chào hỏi.

Tề Bạch Thạch lấy ra một cuộn giấy từ tay áo và nói, "Tôi đem cây cải trắng trong bức tranh này đổi lấy xe cải trắng của anh, được không?"

Người bán hàng rong nghe vậy liền nổi giận: "Lấy cải trắng giả trong tranh rồi đổi một xe cải trắng thật của tôi. Khôn nhỉ! Nếu không nể ông tuổi tác cao thì tôi đã đập cho ông một trận rồi".

Tề Bạch Thạch đành phải rời đi. Sau đó, người bán hàng rong mới biết ông già đó chính là danh họa Tề Bạch Thạch, và bức tranh đó có lẽ có thể mua được hàng trăm nghìn chiếc xe bắp cải. Anh ta tiếc nuối nẫu cả ruột gan, nhưng đã không còn có cơ hội như vậy nữa rồi.

Họa phẩm vẽ tôm của Tề Bạch Thạch 51
Họa phẩm vẽ tôm của Tề Bạch Thạch.

Điều này thường xảy ra trong cuộc sống. Có một "hiệu ứng nhiễu xạ" trong tâm lý học, có nghĩa là tác động tiếp theo của một sự kiện thường phụ thuộc vào tâm lý của người nhìn nhìn nhận nó.

Nếu bạn nhìn chằm chằm vào lỗi sai, nó sẽ tiếp tục lan rộng trong tâm trí bạn, rồi ảnh hưởng đến sự đánh giá của mọi người, sau đó gây ra hàng loạt điều tồi tệ.

Người xưa nói: "Quên đi quá khứ là tầm cao đầu tiên làm người"

Tất cả những sai lầm và hối tiếc trong quá khứ sẽ trở thành những điều tầm thường một khi chúng được đặt vào 20 đến 30 năm tiếp theo của cuộc đời.

Nếu trong đối nhân xử thế luôn cảm thấy không ổn, thường là do nhìn về phía trước quá ít và nhìn lại phía sau quá nhiều.

Thế nên, hãy để quá khứ trở thành quá khứ. Hướng tới tương lai thì mới có được nhiều cảnh đẹp hơn.

Nếu tâm thái không tốt sẽ có cảm xúc hỗn loạn

Khổng Tử từng nói: “Người có tài năng và không nóng nảy là người thượng đẳng, người có tài năng và nóng nảy là người trung đẳng, người không có tài năng mà nóng nảy là người hạ đẳng"

Có một cuộc thảo luận phổ biến trên mạng rằng: "Những khả năng nào nên được trau dồi khi một người trên ba mươi tuổi"

Trong số những tiêu chuẩn được nên ra thì “khả năng kiềm chế cảm xúc” được nhắc đến nhiều nhất.

Một bình luận được nhiều người yêu thích nhất viết rằng: "Khi tôi làm chủ được cảm xúc của mình, tôi thấy rằng mọi thứ trong cuộc sống trở nên dễ dàng và đơn giản hơn"

Kiểm soát cảm xúc của mình thì mới có thể kiểm soát cuộc sống của mình. Kiểm soát cảm xúc thì quan trọng nhất là tu tâm.

Nếu cái tâm của một người quá nhỏ thì sẽ có nhiều cảm xúc không thể kìm nén, và nhiều sự cố sẽ xảy ra.

Một câu chuyện như vậy được ghi lại trong sách “Thế thuyết tân ngữ” như sau:

Có một vị tước vị Lan Đình Hầu, tên là Vương Thuật, tính tình rất nóng nảy. Có lần ông ta dùng đũa chọc thủng một quả trứng, không làm được thì tức giận đập quả trứng xuống đất.

Nhìn thấy quả trứng rơi trên mặt đất, ông ta lại lấy chân giẫm lên, nhưng giẫm đi giẫm lại mấy lần đều không trúng. Ông ta vô cùng tức giận khi nhặt quả trứng dưới đất lên và cắn mạnh một cái mới hả giận.

"Nếu bạn có 2 quả trứng, và bạn muốn tìm ra tầng cao nhất mà bạn có thể thả quả trứng mà không làm vỡ nó, bạn sẽ làm thế nào? Giải pháp tối ưu là gì?"
Một quả trứng cũng khiến người ta mất lý trí và cảm thấy bất bình. (Pikist)

Một quả trứng cũng khiến người ta mất lý trí và cảm thấy bất bình, những người như vậy thường gặp trong cuộc sống.

Bất cứ khi nào gặp một vấn đề nhỏ, họ sẽ nổi giận đùng đùng và dùng sự giận dữ của mình để che đậy sự nóng nảy và sợ hãi bên trong, hậu quả của việc làm đó là khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Những người thực sự thông minh biết cách sử dụng bộ não của họ mà không tức giận, còn những người bất tài chỉ biết tức giận mà không biết cách sử dụng bộ não.

Người ta thường nói: "Tâm loạn hết thảy loạn, tâm an hết thảy an"

Không có trở ngại nào trên thế giới này mà không thể vượt qua, tĩnh tâm xuống thì sẽ tìm ra biện pháp thích hợp.

Người hễ động tí là bốc hỏa thì sẽ mất lý trí, khi đó những chuyện nhỏ như mắt muỗi cũng có thể quấy nhiễu cuộc sống họ.

Trong “Thái Căn Đàm” có một câu nói: “Người quân tử, việc xảy ra tâm mới tiếp xử, việc qua rồi tâm lại thảnh thơi”.

Làm người và làm việc, trước tiên phải tu tâm dưỡng tính, kiểm soát được cảm xúc thì mới có thể có chỗ đứng trong cuộc đời.

Khi đứng dưới chân núi, những chuyện thi phi cuồn cuộn trôi qua trước mắt, bạn theo đó không ngừng phân biệt đúng sai, khổ não vì thế giới ồn ào lắm chuyện.

Khi đứng trên đỉnh núi, trước mắt bạn là cảnh giới núi sông ngàn dặm, trời cao quang đãng, không còn dính chút phiền nhiễu chốn nhân gian.

Con người sống trên đời, có thuận lòng thỏa ý hay không thì không phụ thuộc vào sự may mắn của số phận, mà phụ thuộc vào tầm cao nhìn nhận sự vật và cách đối mặt với sự việc.

Tâm rộng lớn thì không so đo với tiểu nhân, tấm lòng rộng mở thì con đường rộng mở, tiền đồ suôn sẻ.

Con người sống trên cõi đời này, mở rộng tấm lòng, sự việc nhìn xa, tâm càng lớn, tầm càng cao, thì thế giới sẽ càng trở lên tốt đẹp.

Thanh Hà
Theo Apollo



BÀI CHỌN LỌC

Tâm không đủ lớn, tầm không đủ cao thì hỏng việc nhiều