Tại sao người phát minh ra karaoke lại không xin cấp bằng sáng chế?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Karaoke đã xuất hiện được nửa thế kỷ, là một trong những phương thức giải trí và thư giãn phổ biến trên thế giới ngày nay. Nếu người tạo ra nó đăng ký cấp bằng sáng chế cho phát minh của mình, ông có thể kiếm được 100 triệu USD tiền bản quyền. Vậy tại sao ông không nộp đơn?

Theo South China Morning Post, Daisuke Inoue sinh năm 1940 tại Osaka (Nhật Bản), đến nay đã 81 tuổi, hiện ông sống ở thành phố Nishinomiya cùng gia đình. Khi được hỏi lý do phát minh ra karaoke, ông Inoue nhớ lại thời trẻ và cho biết nó liên quan đến công việc ban đầu của ông.

Khi còn trẻ, Daisuke Inoue đã rời khỏi gia đình từ rất sớm và sống tự lập trong nhiều năm, anh không trở về nhà cho đến năm 28 tuổi. Cũng vào giai đoạn này, anh bắt đầu chơi các loại nhạc cụ phím tại các quán rượu ở thành phố Kobe, đồng thời đệm đàn cho những vị khách muốn hát.

Một ngày nọ, tổng giám đốc của một công ty nhỏ yêu cầu Daisuke Inoue thu âm một số bài hát yêu thích của mình vào băng, và sử dụng chúng cho mục đích luyện giọng thường xuyên để hát cho khách hàng. Yêu cầu này đã khiến Daisuke Inoue nảy ra ý tưởng phát triển karaoke.

Ý tưởng rất đơn giản. Đặt tiền xu vào một chiếc máy được trang bị micro và loa, nó sẽ phát bài mà mọi người muốn hát. Daisuke Inoue may mắn có một người bạn là chủ sở hữu cửa hàng vật liệu điện tử, và có thể hỗ trợ anh lắp ráp mọi thành phần lại với nhau. Bằng cách này, chiếc máy karaoke đầu tiên trên thế giới đã ra đời sau đó hai tháng.

Ban nhạc của Daisuke Inoue đã bắt đầu tiến hành thu âm cho máy karaoke này, cuối cùng thiết lập một danh mục lên tới 300 bài hát.

Ông Daisuke Inoue nói với tạp chí Topic: “Tôi đã hát karaoke lần đầu tiên vào năm 1969. Vào thời điểm đó, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có ai ngoài tôi sẽ quan tâm đến nó, nhưng chiếc máy này đã chính thức được phát hành vào năm 1971.”

Bất chấp phản ứng mờ nhạt của thị trường khi mới bắt đầu, máy hát karaoke của Daisuke Inoue dần trở nên phổ biến và cuối cùng trở thành một sản phẩm hot trên toàn thế giới.

Vào năm 1999, ông Daisuke Inoue đã được Tạp chí Time bình chọn là một trong những "Người châu Á có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20" cho phát minh này. Đến năm 2004, ông đã giành được giải Ig Nobel (một giải thưởng nhại lại giải Nobel). Bài bình luận trên tạp chí nói rằng ông Inoue đã "cung cấp một phương pháp mới để giúp mọi người có thể học hỏi và bao dung lẫn nhau".

Ông Daisuke Inoue cho biết, mặc dù việc đăng ký bằng sáng chế sẽ mang lại cho ông một khoản thu nhập lớn khi còn trẻ, nhưng nếu ông xin bằng sáng chế, karaoke có thể sẽ không phổ biến trên toàn thế giới và cũng khiến nó trở nên vô nghĩa.
Ông Daisuke Inoue cho biết, nếu ông xin bằng sáng chế, karaoke có thể sẽ không phổ biến trên toàn thế giới và cũng khiến nó trở nên vô nghĩa. (Getty)

Tại sao không đăng ký bằng sáng chế ?

Khi được hỏi tại sao không nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho karaoke, ông Daisuke Inoue nói với tờ South China Morning Post rằng: “Vào thời điểm đó, tôi nghĩ bằng sáng chế chỉ dành cho một phát minh tuyệt vời có thể tạo ra thứ gì đó từ đầu. Lúc bấy giờ, karaoke được tạo nên từ sự kết hợp của một số thiết bị điện tử sẵn có, vì vậy tôi không nghĩ nó được coi như một ‘phát minh’".

Ông Daisuke Inoue cho biết, mặc dù việc đăng ký bằng sáng chế sẽ mang lại cho ông một khoản thu nhập lớn khi còn trẻ, nhưng nếu ông xin bằng sáng chế, karaoke có thể sẽ không phổ biến trên toàn thế giới và cũng khiến nó trở nên vô nghĩa.

Ông nói: "Tôi tin rằng đối với hầu hết mọi người, mong muốn được hát là rất bình thường, và karaoke mang lại cho họ cơ hội để cảm thấy mình như một ngôi sao. Đó là điều tôi nghĩ khi thấy ai đó hát".

Hoàng Tuấn
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao người phát minh ra karaoke lại không xin cấp bằng sáng chế?